Có lẽ với người không ở trong ngành báo chí, chẳng ai bận
tâm phân biệt “báo điện tử” và “trang thông tin điện tử tổng hợp” làm gì cho phức
tạp. Họ chỉ cần biết một trang web cung cấp thông tin, nếu hữu ích, hấp dẫn, thời
sự thì họ sẽ đọc ngấu nghiến, bất kể nó được gọi bằng cái tên như thế nào.
Thế nhưng hiện đang có những nghịch lý cần phải nói về hai
loại hình này.
Thứ nhất “báo điện tử” phải hoạt động theo Luật Báo chí, tức
là có những ràng buộc nhất định để bảo đảm tính trung thực, khách quan hay ít
nhất là tính chịu trách nhiệm của thông tin. Trong khi đó “trang thông tin điện
tử tổng hợp” không cần tuân thủ Luật Báo chí nên từ đó mới nảy sinh biết bao hệ
lụy như đưa thông tin sai, thông tin chưa kiểm chứng, thông tin thô từ mạng xã
hội, thông tin mang tính miệt thị người khác... Nói chung là với người ngoài
thì chúng như nhau nhưng bên trong một bên chịu nhiều chế tài chặt chẽ, một bên
hoạt động hoàn toàn thoải mái... nhiều lúc rất “ngây thơ”.
Bởi những hệ lụy này nên các văn bản luật pháp gần đây đều
phải theo hướng siết lại, buộc các trang “thông tin điện tử thông tin” phải
tuân thủ những luật chơi rất nghiêm ngặt. Mới đây nhất là Thông tư 09/2014 của
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 19-8-2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày
3-10 sắp tới. Thông tư nhắc lại nguyên tắc: Trang thông tin điện tử tổng hợp
không được tự mình sản xuất ra thông tin mà chỉ được “cung cấp thông tin tổng hợp
trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức”.
Điều đó có nghĩa các trang khá quen thuộc với nhiều người
như CafeF, Gafin, Vietstock... chỉ được đăng lại tin bài của báo chí hay cơ
quan nhà nước Việt Nam. Thông tư 09/2014 còn nói “trang thông tin điện tử tổng
hợp” “không đăng tải ý kiến, nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin,
bài được trích dẫn”. Nếu chiếu theo quy định này, hàng ngàn trang thông tin điện
tử tổng hợp đang vi phạm.
Nghịch lý thứ hai nảy sinh từ nghịch lý thứ nhất: Tại sao đã
có loại hình báo chí điện tử, lại quy định loại hình “trang thông tin điện tử tổng
hợp” làm gì khi chúng chỉ có nhiệm vụ đi đăng lại nguyên văn nội dung của báo
chí chính thống. Nội dung đăng tải trên báo chí là công sức của cơ quan báo chí
đó, tại sao lại cho ra đời một loại hình chỉ chăm chăm sử dụng công sức của người
khác? Mặc dù luật pháp cũng quy định rõ sử dụng thông tin thì phải tuân thủ
pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng việc sao chép, rồi tùy tiện chỉnh sửa tít tựa,
thêm bớt nội dung là chuyện tràn lan ở các trang thông tin loại này. Hiện nay vấn
đề ăn cắp bản quyền trong báo chí là vấn đề nhức nhối, bài hay đưa lên chỉ vài
phút sau là bị sao chép tràn lan bởi các trang “thông tin tổng hợp” này.
Thông tư 09/2014 có quy định trang thông tin điện tử tổng hợp
phải “có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải
chính xác theo đúng thông tin nguồn. Đó là bởi nhiều tin bài cơ quan báo chí
chính thống đăng tải nhưng sau đó phải đính chính hay chỉnh sửa theo thông tin
mới - thế nhưng các trang thông tin điện tử tổng hợp do sao chép xong thì coi
như xong việc nên hầu như không bao giờ đính chính hay chỉnh sửa theo nội dung
mới mà cơ quan báo chí đưa lên. Mặc dù Thông tư có quy định như thế, lấy gì bảo
đảm các trang thông tin điện tử sẽ tuân thủ; một báo viết sai, hàng ngàn trang
tin sai theo - sau đó chỉ một báo đính chính, hàng ngàn trang tin vẫn để cái
sai tồn tại dai dẳng trên không gian mạng.
Vì thế, thay vì phải quy định nhiêu khê như “có cơ chế phối
hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm...” tại sao không cấm hẳn trang thông
tin điện tử tổng hợp không được đăng lại tin bài của báo khác mà chỉ được đăng
một đoạn ngắn rồi dẫn link về tin bài gốc? Như thế một khi tin gốc có sửa chữa,
chỉ nội dung đã sửa chữa được chia sẻ chứ không phải tin cũ, tin sai.
Nghịch lý thứ ba là do nhu cầu sản xuất thông tin cho riêng
mình (nhưng luật thì cấm) nên một số trang thông tin điện tử tổng hợp bèn “hợp
tác” với một nơi có giấy phép làm báo điện tử để nhân viên mình sản xuất tin,
bài nhưng đưa cho nơi này đăng trước rồi trang thông tin điện tử tổng hợp đăng
lại sau.
Cơ quan quản lý biết việc này không? Rõ ràng là có biết vì
Thông tư 09/2014 bịt một số lỗ hổng cho phép sự “hợp tác” nhưng không biết có bịt
được hết không. Thông tư quy định về tên miền thì tổ chức, doanh nghiệp không
phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng
với tên cơ quan báo chí.
Ở đây có lẽ phải mở ngoặc nói thêm: đối với báo chí, cũng có
hai loại hình báo chí điện tử: một là báo điện tử có giấy phép riêng và báo điện
tử là trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo nguyên tắc thì loại đầu được quyền
sản xuất tin bài riêng cho ấn bản điện tử còn loại sau thì chỉ được đăng lại nội
dung đã sản xuất cho báo giấy, báo hình hoặc báo nói. Quy định là thế nhưng có
ai tuân thủ, có ai kiểm soát được hết đâu, chẳng biết quy định để làm gì.
Nói tóm lại, trang thông tin điện tử tổng hợp lẽ ra có chức
năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Ví dụ một trang của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường
thì cứ đăng mọi thông tin của trung tâm, nếu thấy tin bài của báo nào liên quan
đến mình thì cứ giới thiệu vài đoạn và dẫn link về tin bài gốc. Trang của một cảng
biển hay của một nhà hát ca nhạc nhẹ cũng vậy. Những nơi mang tính tổng hợp thuần
túy như mô hình Báo Mới thì buộc tuân thủ quy định phải dẫn link về tin bài gốc
tất cả mọi thông tin đăng tải. Nơi nào thật sự có nhu cầu sản xuất tin bài thì
cứ xét điều kiện để cấp giấy phép ra báo điện tử.
Vấn đề của các trang thông tin điện tử tổng hợp là do quy định
đẻ ra thì nay phải sửa từ quy định gốc - không nên loay hoay tìm cách quản lý một
cái sai làm gì.