Tuesday, July 8, 2014

Nhập nhằng công tư

(Liên quan đến chuyện chương trình "tiếng Anh tích hợp" của Sở GD-ĐT TPHCM, tôi có viết mấy bài đăng trên TBKTSG, TBKTSG Online và Tuổi Trẻ) 

Bài 1
Nhập nhằng công tư

Giả thử có người muốn khởi sự kinh doanh trong ngành giáo dục, đưa một chương trình rất hay, rất bổ ích ở nước ngoài về Việt Nam dạy cho học sinh trong nước. Nhưng cách làm bình thường quá sức tốn kém, rủi ro thất bại lại rất cao vì phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phải đủ chỗ cho hàng ngàn học sinh. Lỡ tiền bỏ ra rồi mà tuyển sinh không được thì sao? Tuyển sinh cách nào để ngay lập tức có cả ngàn học sinh?

Giả thử tiếp, có một cách bảo đảm thành công, đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể, số lượng học sinh tăng đến đâu cũng có cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng ngay. Không cần quảng bá, tiếp thị; sẽ có một bộ phận chính thống tuyên truyền giùm cho chương trình.

Đó là làm sao để thuyết phục sở giáo dục địa phương đồng ý và bảo trợ cho bạn triển khai chương trình vào các trường công có sẵn, trường sẽ nhường phòng học tốt nhất cho bạn, nhường luôn tên tuổi của trường, bạn hoàn toàn chủ động tuyển giáo viên bên ngoài vào dạy, nhà trường không tham gia gì cả, thậm chí không được vào dự giờ. Nguồn tuyển sinh là từ hàng chục ngàn học sinh ở ngay các trường công lập. Học sinh và phụ huynh nào đủ tiền đóng mỗi tháng vài ba triệu đồng sẽ được học chương trình của bạn, bất kể sau đó các em phải nhồi nhét thêm chương trình bình thường. Nhà trường do được nhận 15% hoa hồng nên sẵn sàng dồn các lớp bình thường lại, chật chội – kệ, miễn sao dành sự thuận lợi nhất cho bạn.

Đọc đến đây sẽ có người thốt lên, làm gì có chuyện phân biệt trắng trợn như thế, làm gì có chuyện “thương mại hóa” công khai như thế trong môi trường công lập?

Cách kinh doanh mượn cơ sở công lập để nhanh chóng triển khai các dự án tư nhân một cách ít tốn kém nhất đã diễn ra trong nhiều lãnh vực mà đầu tiên phải nói đến giáo dục.

Chương trình tiếng Anh Cambridge đã từng được công ty EMG Education với sự bảo trợ của Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM triển khai theo cách đó. Bởi cách làm này trái với tinh thần của Cambridge là cùng đội ngũ giáo viên nhà trường xây dựng và giảng dạy, chứ không phải là “khoán trắng” cho EMG như thế nên Cambridge đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với EMG từ đầu năm nay.

Nay EMG lại cùng Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục tìm cách giới thiệu một chương trình khác, lần này thậm chí không có một tổ chức uy tín như Cambridge đứng tên nên phải dùng đến Bộ Giáo dục Anh một cách tùy tiện và sai lệch (xem thêm bài “Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!”).

*                      *                      *

Lãnh vực phổ biến thứ nhì trong việc sử dụng cơ sở công lập cho việc thương mại hóa là y tế nơi các công ty, thậm chí một nhóm người mua sắm một loại máy xét nghiệm nào đó rồi bỏ vào một bệnh viện công và kinh doanh một cách thoải mái. Không cần đầu tư xây cơ sở vật chất, không cần quảng cáo tiếp thị để tìm khách, không cần nhân lực để vận hành máy – chưa thấy một mô hình kinh doanh nào với những lợi thế cao như vậy. Chẳng lạ gì hình thức được mệnh danh “xã hội hóa” đã nở rộ ở mọi bệnh viện công, lại được Bộ y tế đánh giá như một bước đột phá!

Mới nhìn qua tưởng đâu các dự án “xã hội hóa” này có lợi cho bệnh viện vì được chia 15% đến 20% lợi nhuận. Nhưng các bệnh viện đâu biết họ phải gánh chịu những chi phí khấu hao mà do là cơ sở công lập nên họ chưa phải tính.

Hai cột trụ của xã hội là giáo dục và y tế mà bị thương mại hóa như thế thì rõ ràng người dân trở thành miếng mồi ngon cho hoạt động kinh doanh. Chẳng lạ gì mọi người sẽ nghe như lời ca ngợi sự cần thiết cho con em được học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học; chẳng lạ gì người bệnh bình thường cũng bị ép làm hàng loạt xét nghiệm không cần thiết. Cả một thế hệ bị đánh mất tuổi thơ vì bị người lớn ép học bằng đủ cách.

Ở những lãnh vực khác, sự “hợp tác công tư” có thể tế nhị hơn, ít lộ liễu hơn nhưng lại thiên hình vạn trạng hơn.

Giải pháp ở đây là gì? Rạch ròi công tư, đâu ra đó. Sở giáo dục hay sở y tế địa phương không thể trở thành nơi bảo kê cho mô hình kinh doanh kiểu này. Cái sai là nó làm méo mó môi trường làm cạnh tranh trong kinh doanh không còn bình đẳng khi doanh nghiệp dựa vào quan hệ. Cái sai nữa là nó tạo ra sự phân biệt ngay trong những môi trường cần sự bình đẳng. Nếu chúng ta phê phán cái trường chỉ cho học sinh mua vé xuống xem văn nghệ, các em không mua vé phải tránh đi chỗ khác thì việc một số em được học chương trình “cao cấp” hơn chỉ vì nhà các em đủ điều kiện sẽ tạo ra tâm lý không hay ho chút nào ở học sinh.

Cách làm như miêu tả ở trên còn không được chấp nhận ở những nước theo đuổi nền kinh tế thị trường thuần túy thì làm sao nó lại được chấp nhận ở một nước tự xem mình có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?




Bài 2
Đừng đem học sinh ra làm chuột bạch nữa!

Thông tin Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM ngưng tuyển sinh cho chương trình Cambridge rồi thay bằng một chương trình “tích hợp - quốc gia Anh” đang gây ra sự hoang mang trong giới phụ huynh. Từ các phát biểu của đại diện Sở với báo chí, từ nội dung buổi giao lưu trực tuyến của Giám đốc Sở GD-ĐT với phụ huynh, có thể nhận định là Sở đang lao vào một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro mà người gánh hậu quả chính là học sinh của chúng ta.

Thứ nhất, giả thử chương trình được triển khai thông suốt và một em theo học chương trình này vài ba năm, lúc đó em sẽ được học các môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh tức kiến thức các em có được sẽ bằng một ngôn ngữ khác, không phải là tiếng mẹ đẻ (theo Sở GD-ĐT, học sinh tiểu học không phải học toán, khoa học chương trình Việt Nam nữa).

Giả thử đến lớp 6 em phải chuyển sang trường khác, nơi đó không có chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này, em ấy làm sao theo học chương trình dạy bằng tiếng Việt bình thường? Kiến thức của em ấy giờ đây phải “dịch” trọn vẹn sang tiếng Việt để em có thể theo kịp bạn bè ở trường mới hay sao?

Giả thử trường triển khai chương trình “tích hợp – quốc gia Anh” này với hàng trăm học sinh đăng ký theo học. Sau vài năm, vì lý do gì đó, chương trình bị hủy bỏ (như từng xảy ra với chương trình Cambridge hiện nay, hay do sĩ số học sinh theo học giảm dần, hay do phụ huynh bỗng không thể kham nổi học phí trên 3 triệu đồng/tháng). Lúc đó các em sẽ làm sao với mớ kiến thức Toán và khoa học bằng tiếng Anh? Không lẽ phải bắt các em học lại những năm học đó, lần này bằng tiếng Việt?

Ở môi trường một trường quốc tế, nơi ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh thì việc học các môn như Toán và khoa học bằng tiếng Anh là điều tự nhiên vì ở đâu các em cũng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trong trao đổi nội dung bài vở, trong tranh luận về kiến thức. Thử hỏi trong nhà trường công lập hiện nay, các em theo học chương trình này có làm được điều đó không? Vậy kiến thức các em thu lượm được có phải lại “dịch” về tiếng Việt để từ đó mới tham khảo được sách vở khác, mới trao đổi với cha mẹ khi về nhà...

Tự dưng Sở Giáo dục & Đào tạo bắt tay với EMG Education, một công ty tư nhân để giới thiệu một chương trình dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh trong nhà trường công lập là một thí điểm liều lĩnh, nhất là khi chưa tính đến hết mọi tình huống nói trên.

Việc cho phép EMG sử dụng cơ sở vật chất và học sinh công lập để triển khai một chương trình giáo dục mang tính thương mại hóa là một sai lầm, đã được phân tích ở bài “Nhập nhằng công tư”. Ở đây chỉ xin nói thêm một số thông tin không chính xác, có thể gây hiểu nhầm ở phụ huynh.

Có thể khẳng định ngay là hoàn toàn không có chuyện Bộ Giáo dục Anh cấp bằng cho học sinh nào theo học chương trình này. Bộ Giáo dục Anh, cũng như bộ giáo dục các nước, công bố chương trình khung mang tính chuẩn mực cho các trường tham khảo (chương trình được chia làm bốn giai đoạn gọi là Key Stages). Lấy ví dụ Key Stage 1 là chương trình dành cho học sinh 5 đến 7 tuổi, Key Stage 2 dành cho học sinh 7 đến 11 tuổi... Sau đó, học sinh được đánh giá bằng kỳ thi do Cục Tiêu chuẩn và Khảo thí (STA) tổ chức. Đó là chuyện của nước họ. Đây không phải là chương trình mà Anh xuất khẩu ra nước ngoài như chương trình Cambridge.

Nói cách khác, có thể EMG xin hay mua hay nhượng quyền sử dụng chương trình Key Stages và các bài thi của STA để đem về sử dụng ở Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa Bộ Giáo dục Anh sẽ cấp bằng cho học sinh Việt Nam. Ngay ở Anh nhiều nhà giáo và nhiều tổ chức giáo dục phản đối dữ dội các kỳ thi cuối khóa các Key Stages này vì chúng làm cho việc học chỉ nhắm đến mục đích thi, tạo ra áp lực không cần thiết.

Chúng tôi cũng chưa hiểu làm sao để Sở GD-ĐT có thể xây dựng một “chương trình tiên tiến, mang bản sắc văn hóa của Việt Nam”? Đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam được hiểu theo nghĩa gì, bản địa hóa nội dung giảng dạy dù ngôn ngữ sử dụng vẫn bằng tiếng Anh chăng?

Chúng tôi cũng không hiểu làm sao để không gây quá tải cho học sinh khi đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình này vừa “đánh giá kết quả học tập của học sinh là thi lấy chứng chỉ của nước ngoài (nếu đủ điều kiện và có nhu cầu) và bắt buộc phải kiểm tra đánh giá bằng tiếng Việt theo quy định hiện hành của chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam”.

Phụ huynh làm sao yên tâm cho được khi Sở thì nói học sinh không cần học các môn Toán và khoa học theo chương trình Việt Nam còn Bộ thì nói “khi triển khai bắt buộc phải tổ chức kiểm tra đánh giá theo chuẩn hiện hành của Bộ GD-ĐT”? 

Chưa bao giờ câu nói “xin đừng lấy học sinh ra làm chuột bạch” cho các chương trình thí điểm nữa lại mang tính khẩn thiết như bây giờ.

Bài 3
Thâm lạm quyền lực công

Câu chuyện chương trình “tích hợp quốc gia Anh” nay đã rõ sau khi các bên liên quan trực tiếp hay miễn cưỡng tiết lộ thông tin.

Nói tóm tắt thì đây là chương trình chủ yếu nhằm để dạy tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có học tiếng Anh dùng trong môn Toán và Khoa học. Sở dĩ không nói học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh vì chắc chắn chỉ với 6 tiết/tuần cho cả ba môn thì không thể nào học đầy đủ đúng như chương trình quốc gia của Anh. Chỉ là học theo kiểu cỡi ngựa xem hoa là chính.

Chương trình này không có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh, cũng chẳng được cơ quan khảo thí của nơi này cấp chứng nhận, chưa được Bộ Giáo dục-Đào tạo kiểm định hay phê duyệt và chưa được UBND TPHCM phê duyệt cho triển khai.

Nó chẳng khác gì chuyện một trung tâm tiếng Anh mở lớp dạy thêm cho học sinh với học phí khá đắt – trên 3 triệu đồng/tháng. Nói là không khác vì học sinh cũng phải học song song các môn đó bằng tiếng Việt (có thể được giảm một số tiết), cũng phải dự kiểm tra đánh giá như các học sinh khác và cuối cấp cũng phải thi theo chương trình tiếng Việt như các bạn không học “chương trình tích hợp”.

Vậy thì tại sao dư luận lại phản đối Sở Giáo dục-Đào tạo? Bởi những thông tin nói trên chỉ xuất hiện sau khi báo chí vào cuộc còn trước đó thông tin không phải như thế. Đây là điểm mấu chốt vì giáo dục con người đòi hỏi sự minh bạch, trung thực, khách quan.

Dư luận còn phản đối vì như thế rõ ràng Sở đang tổ chức hay hỗ trợ cho một công ty tư nhân tổ chức các lớp dạy thêm ngay trong hệ thống công lập và thu tiền của học sinh. Không thể nào tưởng  tượng nổi cảnh Sở đứng đằng sau một câu chuyện dạy thêm kiếm tiền mà lại huy động bộ máy công phục vụ cho nó, dùng hệ thống thông tin chính thức của ngành để quảng bá cho nó, thậm chí dùng hệ thống công văn chính thức để truyền đạt thông tin về nó cho các trường trong khắp thành phố.

Vì thế câu chuyện chương trình có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh hay không không còn quan trọng nữa rồi. Sở hợp tác với EMG hay với bất kỳ ai khác cũng không quan trọng vì với ai, học phí có rẻ hơn thì bản chất vấn đề cũng thế. Và bản thân chương trình Cambridge cũ cũng không khác là bao.

Vấn đề quan trọng là bình thường phụ huynh sẽ rất lưỡng lự, cân nhắc khi cho con đi học thêm tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết ở một trung tâm dù họ quảng cáo dạy cả Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, dù họ bảo đảm học xong là đủ sức theo học các môn này ở nước ngoài.

Đằng này cái giá khá đắt của “chương trình tích hợp” này đã được hóa giải phần nào bằng uy tín của Sở GD-ĐT, uy tín vay mượn của Bộ Giáo dục Anh (trước đây là uy tín và sự hợp tác thật sự của Cambridge), bằng thói quen tin vào hệ thống công lập, tin vào các lớp do chính nhà trường mở. Đó mới chính là “thâm lạm quyền lực” – một vấn đề nhức nhối, đáng nói hơn cả.

Một yếu tố quan trọng khác là cách tổ chức một chương trình như thế phá hỏng môi trường sư phạm bởi không thể nào chấp nhận cảnh một trường mà ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên bị gạt qua một bên, nhường một phần cơ sở vật chất cho một bên thứ ba vào tổ chức dạy thêm cho học sinh của chính mình. Thử nghĩ trường tự mở các lớp như thế cho người ngoài vào dạy để thu tiền thì Sở nghĩ như thế nào. Xin đừng tiếp tục biện bạch tương lai sẽ đào tạo giáo viên của trường cùng đảm trách nữa. Một môi trường giáo dục đúng nghĩa là tất cả các bên liên quan cùng nhau thực hiện sứ mệnh dạy và học, cùng nhau cải tiến dần để trở thành môi trường học tập tối ưu. Cũng không thể chấp nhận cảnh các em chỉ vì không đủ tiền để đóng học phí cao ngất này đành phải học ở lớp chật chội, đông đúc, dành lớp ít học sinh cho các em có tiền.

Tôi hy vọng UBND TPHCM sẽ có quyết định sáng suốt, chấm dứt việc thí điểm “liều lĩnh” này và có lời giải thích rõ ràng cho phu huynh trước thềm năm học mới.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...