Saturday, November 2, 2013

VAMC bán nợ xấu, được không?

VAMC bán nợ xấu, được không?

Tin mừng là theo một chuyên gia kinh tế tài chính quen thuộc, các nhà đầu tư nước ngoài đang sắp hàng để chờ mua nợ xấu do VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) đang gom về từ các ngân hàng. Vị chuyên gia này cho biết: “thậm chí có người đặt mua ngay lập tức với giá trị rất lớn, trong khi VAMC chưa kịp phân loại hàng hoá, chưa kịp tạo ra những phiên đấu thầu về một lô lớn, nên cũng lúng túng” (báo SGTT).

Tin buồn là VAMC, theo một chuyên gia kinh tế tài chính nổi tiếng khác, hoàn toàn chưa thể, hay đúng ra là chưa nên bán nợ xấu cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào. Theo lập của của vị chuyên gia thứ nhì, chúng ta có thể hình dung bức tranh như sau:

Giả dụ VAMC mua một khoản nợ xấu giá trị ghi sổ dư nợ gốc là 100 tỷ đồng với giá 70 tỷ đồng (trừ bớt 30 tỷ đồng là số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho khoản nợ xấu này). Giả dụ tiếp là có nhà đầu tư nước ngoài đến đặt vấn đề mua khoản nợ xấu này và lẽ dĩ nhiên họ phải mua với giá rẻ hơn nhiều, cứ giả dụ VAMC bán được với giá 40 tỷ đồng (bán được với tỷ lệ này là giỏi lắm rồi vì thông thường giới mua bán nợ nước ngoài chỉ mua nợ với giá chừng 20-30% giá gốc).

Vì VAMC là một doanh nghiệp, họ cũng phải có sổ sách kinh doanh như mọi doanh nghiệp khác. Thực hiện xong thương vụ này, họ phải ghi sổ ngay một khoản lỗ là 30 tỷ đồng (mua 70 tỷ đồng, bán 40 tỷ đồng). Cứ mua chừng hơn 15 khoản nợ xấu như thế thì VAMC mất hết vốn (vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ có 500 tỷ đồng). Như vậy, dù bán được giá đến mức nào đi nữa thì mỗi lần bán nợ xấu cho bên thứ ba, VAMC lại chịu ghi nhận một khoản lỗ. Thử hỏi mọi người có còn “phấn khởi” rằng “có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường VN khoảng 20 tỉ USD để mua nợ xấu” (báo Tuổi Trẻ).

Thật ra, vị chuyên gia thứ nhì nhận xét, quá trình mua bán nợ giữa VAMC và các ngân hàng là không phải giao dịch bằng tiền (VAMC chỉ mua bằng trái phiếu) nên bán nợ xấu cho bên thứ ba với giá nào thì VAMC cũng thu được tiền thật vô két.

Còn chuyện có phải hạch toán lỗ hay không thì theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngay khi VAMC bán nợ xấu cho một bên thứ ba nào đó, trái phiếu mà VAMC bỏ ra mua nợ với ngân hàng sẽ tự động đến hạn thanh toán, lúc đó ngân hàng phải hoàn trả số tiền vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước (nếu có), trả lại trái phiếu cho VAMC và được VAMC thanh toán tiền mà bên thứ ba trả để mua nợ xấu (trừ đi 2% phí cho VAMC).

Vấn đề ở chỗ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng thanh lý tài sản gắn với nợ để kiếm lời (đó là mục đích tối hậu của họ).  “Điều này sẽ gây ra biến động lên thị trường trong nước cũng như lên dòng vốn gián tiếp vào ra tài khoản vốn của Việt Nam, tạo ra sức ép lên thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp này tác động vào nền kinh tế sẽ rất tiêu cực” – vị chuyên gia nói.

Như vậy mục đích của VAMC là phần nào đó giúp doanh nghiệp nợ tái cấu trúc lại, phục hồi sản xuất để biến số nợ xấu thành không xấu – chứ mục đích của VAMC đâu phải đi kiếm lãi. Nói thế để cảnh giác trước bất kỳ sự phấn khởi nào, rằng người ta đang xếp hàng chờ vào mua nợ xấu của Việt Nam.

Bây giờ chúng ta thử nhìn sâu vào quy trình mua bán nói trên để xem, từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, họ có chịu mua nợ xấu Việt Nam hay không. Dùng lại ví dụ khoản nợ 100 tỷ đồng nói trên, nợ được thế chấp bằng một công trình bất động sản trị giá 140 tỷ đồng. Vậy là quá ngon – chắc có nhiều người chịu bỏ ra hơn 70 tỷ đồng (giá mua nợ xấu của VAMC) để gánh nợ xấu vì đổi lại sẽ được sở hữu công trình đó. Đây chính là mấu chốt của vấn đề nợ xấu ở Việt Nam.

Thử nhớ lại cái ụ nổi mà Vinalines dưới thời Dương Chí Dũng sẵn sàng bỏ ra tổng cộng hơn 525 tỷ đồng để mua về (tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu...) trong khi giá trị nó thấp hơn nhiều lần, nay bán hầu như không ai chịu mua. Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng. Giả sử cái ụ nổi này được dùng làm vật thế chấp để Dương Chí Dũng vay một khoản tiền nào đó (cái này là giả định), chẳng hạn là 300 tỷ đồng. Không lẽ chúng ta đi so 525 tỷ đồng giá trên giấy tờ với số nợ 300 tỷ đồng để nói rằng sẽ có người mua khoản nợ 300 tỷ đồng này để được “hưởng” cái ụ nổi giá “thật sự” (trên sổ sách) lên đến 525 tỷ đồng?

Hay lấy thiết bị lặn trị giá 100 triệu đồng được Vũ Quốc Hảo, từng là Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II biến thành 130 tỷ đồng (gấp 1.300 lần, theo kết luận điều tra). Cái thiết bị lặn này mà làm tài sản thế chấp thì giảm giá đến bao nhiêu lần mới thu hút sự chú ý của người mua nợ xấu gắn với nó?
  
Dĩ nhiên các khoản nợ xấu VAMC mua về không có hai món hàng “kỷ lục” này nhưng tình trạng kê khống giá tài sản đảm bảo, cộng với thị trường địa ốc sụt giá, không mua bán gì được – tất cả làm chùn tay bất kỳ ai muốn mua nợ xấu. Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài chưa được quyền sở hữu bất động sản, làm sao họ mua nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản?


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...