Hỏi đáp về TPP
Cần nắm những
gì?
Cho đến nay với nhiều doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên
Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, một mặt vì thông tin phân
tích nhiều quá, không có điểm nhấn; mặt khác, thông tin chính thức lại hầu như
không có, làm các vòng đàm phán mang màu sắc bí ẩn. TBKTSG tổ chức phần hỏi đáp
sau như một dạng giải đáp thắc mắc mà nhiều doanh nghiệp từng nêu ra với báo. Đây
không phải là các câu hỏi đáp chính thức, nó chỉ nhằm cung cấp thông tin ban
đầu mà thôi dựa vào ý kiến tư vấn của các chuyên gia cộng tác viên của TBKTSG.
H: TPP là cái gì mà mọi người xôn
xao thế?
Đ: TPP về bản chất là một hiệp
định thương mại tự do giữa 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia,
Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ) trong đó các nước
thỏa thuận dỡ bỏ các rào cản để thương mại được tự do tối đa. Lấy ví dụ về xuất
nhập khẩu hàng hóa, nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định vào cuối năm nay
như tuyên bố chung của 12 nước này vừa được công bố thì sẽ có trên 90% dòng thuế
đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước này được hạ mức thuế nhập khẩu
xuống bằng 0%. Thương mại trong các lĩnh vực khác cũng như vậy. Bên cạnh đó là
những thay đổi, cải cách bắt buộc chung mà 12 nước cần thực hiện nhằm tạo môi
trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và tự do hơn.
H: Nhưng không phải là trước đây
Việt Nam từng ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ rồi gia nhập WTO để
hưởng thuế suất thấp rồi sao?
Đ: Các hiệp định thương mại
thông thường (như BTA với Hoa Kỳ hay WTO) chỉ cắt giảm thuế suất (hạ thuế suất),
còn các hiệp định thương mại tự do như TPP là loại bỏ thuế suất (0%). Lấy ví dụ
hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ, sau khi ký hiệp định thương mại song phương
thì thuế suất bình quân giảm còn 17,3%; giữ nguyên mức này sau khi vào WTO (vì
đây đã là mức thuế MFN mà Mỹ dành cho các nước thành viên WTO). Nay với TPP
thuế suất chỉ còn 0%. Nhờ vậy ngành dệt may kỳ vọng sẽ tăng nhanh kim ngạch
xuất khẩu, để đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
H: Thế thì cứ ký đi chứ còn chần
chờ gì nữa?
Đ: Không đơn giản. Cũng lấy lại
ngành dệt may làm ví dụ, để hưởng thuế suất thấp như trên, TPP quy định nguyên
liệu như sợi, chỉ, vải... phải có xuất xứ từ các nước thành viên. Trong khi
hiện nay nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu mua từ Trung Quốc hay
Hàn Quốc, đều không phải là thành viên TPP.
Đàm phán là để tìm cách du di
cái đòi hỏi này, và nhiều chuyện khác nữa.
H: Như chuyện gì?
Đ: Quan hệ lao động, sở hữu trí
tuệ, đối xử với doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường...
H: Những chuyện này thì đã sao? Dường
như cũng giống lộ trình cải cách mà nhiều người từng nói đến?
Đ: Chính xác. Trong lâu dài thì đó
là những vấn đề trước sau gì chúng ta cũng phải làm như để công nhân có sự chủ
động hơn trong thương lượng với giới chủ về lương tiền, về điều kiện lao động.
Bảo vệ môi trường là điều không cần ai gây sức ép, tự chúng ta cũng phải nghiêm
khắc hay cải cách doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cả một kế hoạch tái cấu
trúc to lớn kia mà. Vấn đề là thay đổi cách tư duy, không xem đó là thử thách
mà chúng ta phải đối phó; ngược lại, cần xem đó chính là nhiệm vụ của chúng ta,
và xem đàm phán TPP về những vấn đề này như một động lực tốt để chúng ta thực
hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, hiệu quả hơn và có công cụ kiểm soát đầy đủ hơn.
H: Chúng ta chỉ mới nói về hướng
xuất đi mà chưa tính đến hướng nhập về?
Đ: Đúng rồi. Người ta mở cửa cho
hàng Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của họ. Các
ngành tài chính, dịch vụ, bán lẻ nước ngoài tràn vào sẽ gây khó cho các doanh
nghiệp còn non trẻ của Việt Nam. Hàng nhập khẩu không thuế hay thuế thấp cũng
sẽ chạy đua với hàng nội địa ngay trên sân nhà như điện máy, nông sản, chăn
nuôi, hàng công nghiệp...
H: Có cách nhìn nào khác, thay vì
chỉ tập trung cân nhắc thiệt hơn trước mắt?
Đ: Với TPP, cái thách thức có
thể trở thành cơ hội và ngược lại, cơ hội cũng dễ biến thành nguy cơ. Cho nên
ảnh hưởng hay tác động là phải nhìn tổng thể, qua lại, trong nguy có cơ và
ngược lại. Ví dụ, yêu cầu nguyên liệu phải từ trong nước hay từ nước thành viên
có thể sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng cơ
hội thuế quan. Nhìn nó là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng đúng mà là
thách thức cho ngành dệt may thì cũng đúng vì đa phần nguyên liệu tạo ra từ các
doanh nghiệp FDI này là để phục vụ cho sản xuất tiếp của chính họ chứ không
dành cho doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ khác, thúc đẩy doanh nghiệp nhà
nước phải cạnh tranh bình đẳng thì không những nhà đầu tư từ các nước TPP hưởng
lợi mà chính doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng nhẹ gánh bị phân biệt đối xử;
cả nền kinh tế thở phào không còn phải đổ nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước
lãnh phí nữa.
H: Phức tạp nhỉ. Vậy nói tóm lại
doanh nghiệp phải làm gì?
Đ: Nói chung trước đã định làm
gì thì nay cứ tiếp tục làm thế, với cường độ cao hơn, với tư thế cạnh tranh
quyết liệt hơn và tư duy dài hạn hơn. Cái quan trọng là rút kinh nghiệm từ giai
đoạn sau gia nhập WTO, nhiều người đã không giữ được mình, bỏ sở trường (năng
lực lõi) chạy theo sở đoản (địa ốc, ngân hàng, chứng khoán, tài chính) nên sa
chân cho đến giờ chưa rút ra được. Lần này thì phải tuyệt đối tỉnh táo nhưng
cũng nhạy bén nắm lấy cơ hội nếu đang hướng đến thị trường nước ngoài và chuẩn
bị tinh thần cho cuộc đua khốc liệt hơn nếu đang nhắm vào thị trường trong
nước.
H: Vậy mà nhiều người nói, kẻ
hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hay
sắp vào Việt Nam?
Đ: Chứ còn gì nữa, nếu doanh
nghiệp ta không có chuẩn bị, có chiến lược, có kế hoạch dựa trên nghiên cứu kỹ
lưỡng như họ.
H: Không lẽ chúng ta đi đàm phán
để cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài hưởng?
Đ: Đúng là với WTO đã có hiện
tượng này. Người lạc quan thì suy nghĩ tích cực thế này: doanh nghiệp FDI thành
lập ở Việt Nam cũng là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam; doanh nghiệp
FDI có mạnh thì mới tạo công ăn việc làm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp xây
dựng nền công nghệ phụ trợ, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu… Dù vậy, song song đó
cần phải có những chính sách nghiêm túc để chống chuyển giá, chống trốn thuế,
lỗ giả lời thật trong khu vực FDI. Dần dần, hy vọng rằng doanh nghiệp trong
nước phục hồi sẽ vươn ra chiếm thị phần trở lại.
Quan trọng hơn, nếu cửa không mở, thương mại không tự
do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn là doanh
nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả, dù là cơ hội mong manh.