Thursday, October 3, 2013

Kinh tế nhà nước

Nếu “kinh tế nhà nước” không bao gồm “doanh nghiệp  nhà nước”!

Nhiều người phản đối câu "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo" bởi doanh nghiệp nhà nước hiện đang là gánh nặng của nền kinh tế, vừa kém hiệu quả vừa gây thất thoát tài sản quốc gia. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nề, bắt nhà nước gánh những khoản nợ lớn do họ gây ra trong khi khu vực này không tạo ra công ăn việc làm bao nhiêu cả.

Lập luận trên quá thuyết phục nhất là trong bối cảnh các vụ Vinashin, Vinalines đang còn nóng hổi trong đầu mọi người. Thế là mới có lập luận mới: "Chúng tôi nói kinh tế nhà nước chứ đâu nói doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà còn nhiều thứ khác như các quỹ dự trữ của quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước, ngân sách nhà nước…"

À, biến báo như thế cũng gọi là giỏi. Vấn đề ở chỗ các nguồn lực quốc gia như cái gọi là các quỹ hay ngân sách nhà nước là để dùng chung cho xã hội thì bản thân nó nằm tách ra một bên chứ đâu có so sánh với ai đâu mà cần xem nó là chủ đạo hay không chủ đạo.

Vì thế, có một đề nghị rất mới: cứ quy định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo. Đồng ý. Nhưng kèm theo đó phải định nghĩa kinh tế nhà nước KHÔNG bao gồm các doanh nghiệp nhà nước.

Chứ gì nữa. Một khi xem là chủ đạo thì nhà nước phải sử dụng được “cái chủ đạo” này cho các mục tiêu, các chính sách xã hội của mình. Nhưng với doanh nghiệp nhà nước thì bó tay. Doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ nộp thuế như bao doanh nghiệp khác còn lại nhà nước hiện không làm gì họ được cả: tiền lãi họ làm ra cũng để đó chứ không đưa vào ngân sách, tiền bán cổ phần cũng để một cục, không biết làm gì bèn bỏ vào ngân hàng lấy lãi, bắt họ bình ổn giá thì họ đòi tăng giá, họ nợ lại bắt nhà nước nai lưng ra trả.

Nói tóm lại, hoặc là không ghi “kinh tế nhà nước” đóng vai trò chủ đạo; hoặc ghi cũng được nhưng phải hiểu trong “kinh tế nhà nước” không có các doanh nghiệp nhà nước. Với một quy định như thế cuộc chơi bình đẳng sẽ được xác lập, doanh nghiệp nhà nước buộc phải cạnh tranh để phát triển như doanh nghiệp thuộc thành phần khác, nhất là trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp nhà nước cũng phải vươn ra làm ăn ở những nước hoàn toàn không có khái niệm về thành phần kinh tế chủ đạo. Làm như thế cũng là khẳng định một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu xác lập một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đồng thời làm cơ sở để đẩy mạnh việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...