Ghi chép - 5
+ Một số bài dẫn link để lưu lại vì không post lên đây.
Bài “TPP is a remedy but of a different kind” trên Financial
Times
Bài “Người dân và chuyện xã hội” trên Tuổi Trẻ cuối tuần
Bài “Đừng thương mại hóa một chủ trương giáo dục” trên Thanh
Niên
Bài bàn tròn “Muôn vẻ thương mại hóa giáo dục” trên TBKTSG
Bài bàn tròn về kinh tế nhà nước trên TBKTSG "Ai lo chuyện an sinh xã hội?"
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/104950/Ai-lo-chuyen-an-sinh-xa-hoi?.html
* * *
+ Tiếng Anh trong đóng cửa
chính phủ
Chuyện đóng cửa chính phủ là chuyện lớn, báo chí Mỹ khai
thác đủ cách đủ kiểu nên anh em làm trang quốc tế ở Việt Nam chạy theo cũng
mệt. Và mệt nên dễ xảy ra sai sót.
Trong bản tin này, chắc chắn các câu sau là sai: “ông Obama
có thể chấp nhận tăng trần nợ”; “Nếu Nhà Trắng sẵn sàng tăng trần nợ... thì đây
là một dấu hiệu tích cực”. Vì sao lại sai thì để hạ hồi phân giải.
Đầu tiên chúng ta nên giải quyết một lần tất cả những từ
quan trọng liên quan đến đề tài này. Chính phủ Mỹ đóng cửa vì ngân sách cho tài
khóa 2014 chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Để thông qua có hai dạng,
appropriation, là phân bổ ngân sách cho cả năm hay continuing resolution, là
phân bổ tạm thời cho các chương trình cụ thể.
Với appropriation, chúng ta thường bị rối trí vì báo chí
dùng rất nhiều từ để miêu tả, khi thì bill (dự luật do Quốc hội đưa ra) khi thì
act (đã được thông qua và tổng thống ký ban hành), lúc lại dùng legislation
(đạo luật - dùng chung), lúc lại là measure (từ dùng chung cho cả bill,
resolution). Mỗi năm phải thông qua chừng 12-13 cái appropriation bills như thế
nhưng ít có năm nào làm suôn sẻ.
Hiện nay hai bên chưa tính đến appropriation bởi ngay cả
continuing resolution (kiểu như nghị quyết chung để tiếp tục giải ngân) cũng
bất đồng vì một bên (đảng Cộng hòa) đòi thêm điều khoản hoãn hay không giải
ngân cho Obamacare (delaying or defunding the Patient Protection and Affordable
Care Act) một bên (đảng Dân chủ) đòi bớt. Resolution ở đây là nghị quyết nhưng
khi báo viết “no resolution to the standoff in sight” thì lúc đó là giải pháp
(không thấy giải pháp cho bế tắc này).
Cái thứ hai là chuyện dài hơi hơn - debt ceiling (trần nợ).
Trần nợ muốn nâng cũng phải có bill của Quốc hội cho phép nâng, nâng thì có
nhiều mức, ngắn, trung và dài hạn. Còn khi không có bill thì phải áp dụng cái
gọi là “extraordinary measures” (biện pháp bất thường) - cái này thì không cần
Quốc hội thông qua mà do Bộ Tài chính Mỹ quyết định (measure này khác với
measure ở trên nhé). Hiện nay chính phủ Mỹ đang chi tiền theo dạng
“extraordinary measures” mà đến 17-10 này là hết phép xoay xở. Các measures này
chủ yếu là ngưng đầu tư tiền của các quỹ hưu trí hay lấy tiền đầu tư về sớm.
Còn đến hạn mà không trả được nợ (cả debts (như trái phiếu) và obligations (như
trả lương hưu) nói chung) thì gọi là default.
Trước đó, để tránh vượt trần nợ này, Mỹ tăng thuế đồng thời
giảm chi ngân sách - nhờ đó mức bội chi sẽ giảm còn một nửa - tình hình này gọi
là fiscal cliff (vách đá tài khóa) từng ồn ào một dạo.
Trang bị những từ này, chúng ta thử đọc một vài bản tin. “President
Barack Obama is ready to talk even on Republicans' terms, he insisted Tuesday,
so long as Congress acts first to end the government shutdown and raise the
debt ceiling -- even for a short period”. Như vậy ý ông Obama nói ổng sẵn sàng
chấp nhận ngồi xuống đàm phán với đảng Cộng hòa nếu Quốc hội thông qua ngân
sách tạm thời và nâng trần nợ tạm thời. Cả hai chuyện này đâu nằm trong quyền
hạn của ông Obama cho nên hai câu trích ở đầu bài nó sai là vì vậy. Đây là câu
nói của Obama: “If they can’t do it for a long time, do it for the period of
time in which these negotiations are taking place”.
Một câu khác trong bản tin của CNN khẳng định chuyện đó: “GOP
members may be willing to go for a short-term debt ceiling hike -- lasting four
to six weeks -- as long as the president agrees negotiations will occur during
that time”. GOP là tiếng lóng chỉ đảng Cộng Hòa, hike ở đây là nâng. Tăng trần
nợ là quyền hạn của Quốc hội.
Nói gì thì nói, cái tựa bài trên tờ Economist là lời nhận
xét chính xác nhất cho đến nay “No way to run a country” (Điều hành một đất
nước kiểu gì lạ vậy) bởi “enough is enough”.
* * *
+ Khi cái giả
dối không bị trừng phạt
Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Bảy (5-10-2013) có một bài viết ngắn của
phụ huynh kể chuyện con tham gia chương trình game show. Đọc xong không khỏi
bàng hoàng; nếu câu chuyện đúng như lời kể thì tất cả mọi người đều đang mắc
một tội trọng: làm lơ trước cái xấu.
Phụ huynh kể con ông đi thi ra
với vẻ mặt buồn bã, bởi, cô bé kể, “... con trả lời đúng hết nhưng chú trong
phòng thu bắt con trả lời ba câu theo chú nhưng câu trả lời sai”, có nghĩa để
cuộc thi hấp dẫn, bất ngờ, người thi mà cụ thể ở đây là cô bé buộc phải nói sai
theo đạo diễn mấy câu. Người phụ huynh viết bài kết luận “Mỗi khi xem truyền
hình có chương trình ấy, cháu lại nói: ‘Chương trình xạo, bắt trẻ em nói sai!’”.
Nếu tờ báo chỉ dừng ở việc đăng
bài này không thôi rồi chấm dứt, tờ báo đã bỏ quên nhiệm vụ người làm báo: đi
đến tận cùng sự thật. Phải cử phóng viên điều tra, hỏi han, xác minh xem câu
chuyện kể này có đúng như vậy không. Và nếu đúng, phải chuyển hồ sơ sang cơ
quan có thẩm quyền để buộc ngưng một chương trình trò chơi mang tính dối trá.
Loại game show theo dạng câu đố
như thế này cũng từng dính các tai tiếng dàn xếp, tiết lộ đáp án, chọn người
thắng giải ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc. Vấn đề là mỗi khi có dấu hiệu gian lận
như thế, chương trình bị ngưng ngay và thậm chí người tổ chức gian lận còn truy
tố tội hình sự nữa.
Không thể du di nói đó chỉ là
trò chơi, cũng là một dạng đóng kịch sao cho hấp dẫn người xem. Nếu suy nghĩ
như thế dần dà chúng ta sẽ quen dần với thói nói dối, tặc lưỡi cho qua một
chuyện, chúng ta sẽ phẩy tay cho qua hàng loạt chuyện khác.
Ngay cả người phụ huynh khi kể
câu chuyện dường như cũng chỉ để cảnh báo các bậc cha mẹ: “Quyết định cho con
em tham gia, cha mẹ cần phải giải thích cho trẻ hiểu đây chỉ là trò chơi nên
người tổ chức chương trình phải dàn dựng để tạo bất ngờ, hấp dẫn nhằm thu hút
người xem, vì vậy thắng hay thua, đúng hay sai cũng là điều bình thường”. Không
được - không thể thỏa hiệp với cái xấu, phải đấu tranh để loại bỏ những cảnh
buộc con em chúng ta nói dối như trong bài vì tác động của chúng lên đầu óc non
nớt của các em sẽ rất nặng nề. Chỉ ước gì học sinh của chúng ta cũng được giáo
dục như chúng cần được giáo dục, có nghĩa dạy cho các em hiểu quyền của các em,
cách đối phó với cái xấu, cách đối phó với người lớn bày làm chuyện sai. Ví dụ
trong trường hợp này tôi tin chắc một em học sinh một nước như Phần Lan chẳng
hạn sẽ biết từ chối “đóng kịch” cố ý nói sai và sau đó sẽ biết gởi thư đến đâu
để phản đối.
Các chương trình giải trí trên
truyền hình thường là chương trình “xã hội hóa”, tức tư nhân thực hiện và giao
lại cho đài truyền hình phát sóng. Trách nhiệm của đài truyền hình khi nghe
phản ánh về khả năng có gian dối trong một chương trình như thế là phải điều
tra, tìm hiểu và chấn chỉnh ngay.
Giới quản lý báo chí, thường rất
nhanh nhạy trong những chuyện khác, đến vụ này cũng không nghe nói năng chi.
Dường như ai nấy đều suy nghĩ có nói dối một chút cũng không có gì để làm ầm ĩ.
Hãy nghĩ đến tác hại trước mắt
vào cô bé đi thi. Phụ huynh kể: “Hôm sau đi học về, con gái tôi khóc và nói
rằng các bạn bảo con ngu, còn cô giáo thì nói con rất thông minh, lanh lợi
nhưng sao không chú ý nghe kỹ câu hỏi để trả lời sai uổng quá”. Đó là một sự
tổn thương rất lớn, có thể ghi vào trí nhớ của em suốt đời.