Tuesday, October 22, 2013

Rắc rối chuyện trong ngoài

Rắc rối chuyện trong ngoài

Học và dùng tiếng Anh, chắc các bạn từng gặp rắc rối vì những từ như in, out, on, at… Khi bạn nói dưới mưa, người Anh viết in the rain; còn khi bạn nghĩ trên trời thì người ta lại dùng in the skydưới đất cũng vậy – sẽ được dịch thành on the ground.
Chúng ta có thể giải quyết những rắc rối này, hay ít nhất 80% vấn đề nếu bạn nhận ra một hiện tượng: người Anh miêu tả sự vật từ cái nhìn khách quan trong khi chúng ta nhìn sự vật theo con mắt chủ quan của người nói. Khi chúng ta nói bọn trẻ đang chơi ngoài sân thì chúng ta xem hoạt động vui chơi của bọn trẻ đang diễn ra ngoài sân đối với chúng ta. Trong trường hợp này, Người Anh sẽ nói bọn trẻ đang chơi trong sân còn người phát ngôn không quan trọng (The kids are playing in the garden).
Tương tự chúng ta nói, ông ấy đang bơi trên sông vì đó là vị trí chúng ta quan sát. Người Anh nói He’s swimming in the river vì đó là vị trí thật sự của ông ấy.
Vì vậy tả cảnh một cô gái đang đi dưới cơn mưa tầm tã, chúng ta rất chủ quan, xem mình là cơn mưa và cô gái đang đi bên dưới; còn người Anh phớt tỉnh Ăng-lê hơn nhưng lại hòa đồng hơn cùng dạo bước với cô ta nên viết she’s walking in the torrential downpour.
Ngay cả những khái niệm rất đơn giản như in a queue thì dù người nói đang đứng ở bất kỳ vị trí nào, người Anh cũng dùng từ in còn tiếng Việt ta thì khi là đứng giữa hàng, có khi lại đứng trong hàng hay đứng vào hàng tùy theo vị trí người nói. Các bạn thử áp dụng quy luật này để chọn in hay on trong các nhóm từ sau: to sit (in, on) a chairthe man (in, on) that photograph.
Ví dụ bạn nói: Ai ở ngoài cửa vậy? hay Tôi với nàng đứng trò chuyện bên cửa sổ; thậm chí khi bạn đứng dưới đường ngước nhìn nàng sau khung cửa sổ, tất cả đều là at the door hay at the window.
Sự nhất quán này có thể thấy ở các nhóm từ như trên đầu trang giấy (at the top of the page); dưới cuối trang giấy (at the bottom of the page); ở phía cuối đám đông (at the back of the crowd).
Một lý do nữa làm chúng ta lúng túng trong sử dụng giới từ tiếng Anh là sự khác biệt trong diễn đạt. Chúng ta nói khi đang làm việc (không giới từ) nhưng người Anh nói on the job như câu: “China has banned its policemen from drinking alcohol on the job and from getting drunk at any time”. Trong câu này còn thêm từ from khá dễ dịch từ Anh sang Việt (không được) nhưng thường bị bỏ quên khi dịch từ câu tiếng Việt: “Anh ấy bị cấm thi đấu trong hai năm” (He’s banned from playing for two years). Loại diễn đạt này rất nhiều trong tiếng Anh như in a hurry, by chance, on fire.
Một loại cách dùng khác làm chúng ta ngại mấy từ in, on, of xuất hiện trong cụm từ inventor of the radio, chẳng hạn. Chúng ta nói nhà phát minh chiếc máy thu thanh là đủ cần gì thêm of cho mệt. Nhưng tiếng Anh không có of là phiền. Có thể liệt kê hàng loạt loại cụm từ này như câu They sent me a cheque for US$50 (Họ gửi cho tôi một tấm séc 50 USD).
Và cuối cùng loại in, on, out, of, for dùng với những cụm động từ tiếng Anh so với loại tiếng Việt tương đương không có trong ngoài gì cả. Bạn nói ai cũng ngạc nhiên vì tin đó nhưng tiếng Anh phải có từ at (Everybody was surprised at the news). Bạn viết, Tôi xin lỗi anh ta vì nhầm nhưng tiếng Anh phải có to (I apologised to him for my mistake). Đôi lúc tiếng Việt làm bạn dịch nhầm như câu: Phim này khác với những gì tôi tưởng (The film was quite different from what I expected).
Như thể muốn làm khó chúng ta, người Anh có từ discuss (thảo luận, bàn bạc) thường làm chúng ta viết sai nhất. Trong khi chúng ta bàn về và yên chí thêm about, tiếng Anh không thêm gì sau discuss.
Thật là rắc rối chuyện trong ngoài.

Trích từ cuốn “Tiếng Anh lý thú” vừa mới xuất bản dạng ebook


Sunday, October 20, 2013

Chuyện so sánh

Chuyện so sánh

Ghi chú: Cuốn “Tiếng Anh lý thú” mà tôi vừa đưa lên Smashwords và Amazon sẽ “nhẹ nhàng” hơn cuốn “Tám chuyện tiếng Anh” vừa tái bản ở dạng ebook. “Nhẹ nhàng” là vì nó nói những chuyện thường thấy hơn, như bài dưới đây. Sẽ đưa link khi xuất bản xong. (Link: https://www.smashwords.com/books/view/369258); (Amazon: https://www.amazon.com/dp/B00G1NL9I2)

Trong tiếng Anh có những mẫu câu so sánh rất độc đáo mà nếu không cẩn thận chúng ta dễ hiểu sai. Ví dụ với câu: “She isn’t as smart as she is beautiful” phải hiểu tác giả muốn chê khéo rằng trông cô ấy xinh đẹp vậy chứ không được thông minh cho lắm. Còn nếu bạn muốn khen một cô gái vừa khôn ngoan vừa chăm chỉ, có thể nói, she’s as hard-working as she’s clever. Hay như câu sau He isn’t as old as he looks phải được dịch thành, ông ấy già trước tuổi.

Mẫu câu so sánh này có thể dùng cả với danh từ như She’s as good an actress as she’s a singer. Trường hợp này nên hiểu, cô ấy diễn xuất giỏi mà hát cũng hay. Nhận xét về một diễn viên khác, có người cho rằng “His eyes aren’t quite as blue as they look in the film”. Ý người này muốn nói trong phim trông mắt anh ta xanh vậy chứ ngoài đời không hẳn thế đâu.

Khi xem phim các bạn cũng có thể nghe câu: “You look like shit”. Ở đây người ta nói không có ý gì nhục mạ cả mà chỉ muốn nhận xét, trong anh ta hốc hác quá. Với một nhận xét khác, It’s not like you to take offense là ý người nói muốn tỏ vẻ ngạc nhiên, anh mà cũng phật ý à.

Mẫu câu đảo ngược như trong trường hợp sau cũng rất thông dụng. Ridiculous as it seems, the tale is true. Trong câu này ý tưởng so sánh mang nghĩa, mặc dầu nghe qua rất buồn cười nhưng câu chuyện ấy là có thật.

Áp dụng cách nói ấy, nếu bạn muốn diễn đạt một ý cho rằng ông ta là cây bút xuất sắc nhưng cuộc sống ông ấy không phải là tấm gương tốt, bạn có thể viết: “Great as the author was, he proved a bad model”. Hoặc câu Much as I like you, I couldn’t lend you any more money sẽ được hiểu, dù tôi thích anh lắm đấy nhưng tôi không thể cho anh mượn thêm tiền nữa đâu.

Thể loại so sánh độc đáo còn có loại câu as…go. Ví dụ The hotel is quite comfortable as such establishments go - “Khách sạn loại đó mà được thế là tốt quá rồi”. Còn muốn nói hà cớ gì anh ta lại đi nói dối, bạn có thể viết, “He was so foolish as to lie”.

Như vậy gặp loại câu so sánh hơi lạ một chút bạn nên tách chúng ra thành những ý nhỏ để dễ hiểu và dịch chính xác. The city centre wasn’t as crowded this morning as it usually is (Sáng nay so với ngày thường); The weather’s better today, isn’t it? – Yes, it’s not as cold. (Hôm nay so với hôm qua); The situation is not so bad as you suggested (Thực tế so với dự đoán).

Thành ngữ As likely as not không có ý so sánh, đơn giản nó đồng nghĩa với very likely. As likely as not, he’ll be late as usual - rất có thể anh ta lại trễ như thường lệ.

Nói chuyện so sánh mời bạn đọc thử mẩu chuyện cười sau:

A little old lady was trying to cross the road, after a number of attempts, and almost being knocked down by a car, she stood on the sidewalk to catch her breath. A kind gentleman tapped her on the shoulder and said, “There’s a zebra crossing just down the road.”

The little old lady replied, “Oh my goodness, I hope it is having more success than I am!”

Để hiểu nó bạn chỉ cần nhớ zebra vừa là con ngựa vằn; zebra crossing lại là chỗ dành riêng cho người đi bộ băng qua đường (có những vạch sơn trắng).

---- 
Quảng cáo một chút: “Before marriage, a man yearns for the woman he loves. After marriage, the ‘Y’ becomes silent”. Đây có lẽ là đúc kết của một anh chàng vừa lấy vợ, phát hiện chân lý, rằng ngày xưa anh chàng yearn (khát khao) nay thì earn (làm ra tiền nuôi) vợ, hai thái độ thường thấy trước và sau khi lập gia đình.

Có thể đọc hàng loạt các câu vừa mang tính “triết lý” vừa để học tiếng Anh tương tự trong cuốn “Tiếng Anh lý thú” vừa mới xuất bản trên Smashwords và Amazon. 

Smashwords: http://www.smashwords.com/books/view/369258

Amazon: https://www.amazon.com/dp/B00G1NL9I2

Thursday, October 17, 2013

Thoát khỏi ảo tưởng

Thoát khỏi ảo tưởng

Lâu nay chúng ta thường lấn cấn với suy nghĩ, nợ của doanh nghiệp nhà nước có lẽ không liên quan gì đến nợ công vì doanh nghiệp, dù của nhà nước, nhưng đã tự vay thì phải tự trả, nhất là đối với các khoản vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ. Suy nghĩ này càng được củng cố khi nhiều quan chức từng khẳng định về một trường hợp cụ thể là các khoản vay của Vinashin, rằng “Vinashin tự vay thì Vinashin phải tự trả thôi”.

Chỉ mấy năm sau ngày có những phát biểu như đinh đóng cột này, tuần trước đã lộ rõ khả năng Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay Vinashin, không chỉ với khoản vay bằng trái phiếu quốc tế 750 triệu đô-la do Chính phủ phát hành lấy tiền về giao cho Vinashin kinh doanh, mà còn với khoản vay 600 triệu đô-la nguyên thủy không có bảo lãnh của Chính phủ. Để đổi lấy việc các chủ nợ không kiện Vinashin ra tòa, để đổi lấy việc chưa phải thanh toán ngay, Vinashin và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã phát hành trái phiếu đảo nợ khoản vay 600 triệu đô-la nói trên, trì hoãn lại thời gian trả cả gốc lẫn lãi thêm 12 năm nữa. Vấn đề nằm ở chỗ khoản vay cũ không có Chính phủ bảo lãnh, còn trái phiếu mới được Chính phủ bảo lãnh, có nghĩa 12 năm nữa cho dù Vinashin có tiếp tục làm ăn thất bát đi nữa thì chắc chắn một điều nghĩa vụ nợ này là do ngân sách gánh chịu. Có thể chủ nợ mới chịu bởi tính ra số tiền nhận được trong tương lai 12 năm nữa chỉ bằng chừng 30% số tiền hiện nay.

Tranh luận quanh chuyện này cũng đã nhiều, dù sao giải quyết êm xuôi cũng còn hơn uy tín tín dụng của cả nước bị ảnh hưởng. Vấn đề cần nhấn mạnh là suy nghĩ nợ của doanh nghiệp nhà nước không liên quan đến nợ công xem như phá sản.

Một minh chứng khác: Vào cuối tháng 9 vừa qua, cũng Vinashin thông qua DATC đã hoán đổi 11.900 tỷ đồng tiền nợ với 18 tổ chức tín dụng thành trái phiếu DATC. Cho dù các tổ chức tín dụng chỉ nhận về lượng trái phiếu trị giá chừng 30% giá trị thật của khoản nợ, đối với họ như thế còn hơn không vì trái phiếu này cũng được Chính phủ bảo lãnh. Sắp sửa có thêm một đợt hoán đổi như thế nữa vào cuối năm nay. Nói cách khác, món nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin mà trước đây được khẳng định do Vinashin chịu thì nay dần dần biến thành nợ có Chính phủ bảo lãnh, ít nhất là theo một tỷ lệ nào đó. Mười năm nữa, tình hình tài chính của Vinashin ắt cũng chưa có chuyển biến tích cực, vẫn chưa có thặng dư để trả nợ, theo chính tính toán của tập đoàn này. Vậy 10 năm nữa, ngân sách lại phải đứng ra lo trả nợ thay cho Vinashin.

Xin nhắc lại một lần nữa, có biện pháp giải quyết dù sao cũng hơn là tình trạng bế tắc kéo dài trong mấy năm qua. Các tổ chức tín dụng dù sao cũng phải gánh chịu phần lớn thiệt hại vì sự cho vay không cẩn trọng của mình. Hướng đi hoán đổi nợ là điều phải làm. Điều duy nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nợ doanh nghiệp nhà nước trước sau gì cũng trở thành nợ công và ngân sách phải gánh chịu - đó là một thực tế không thể chối cãi.

Thấy được điều đó, có nghĩa chúng ta hết ảo tưởng về các doanh nghiệp nhà nước, rằng 1,33 triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp này đang nợ (tính đến 1-2013) là chuyện của họ lo. Không - con số nợ khổng lồ đó có thể là các khoản nợ kinh doanh bình thường mà doanh nghiệp nào cũng phải có nhưng cũng dễ dàng biến thành cơn ác mộng cho ngân sách nếu chúng ta không thận trọng trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Và con đường quản lý thận trọng nhất là cải tổ cả khu vực này theo hướng như ai cũng đều nhất trí: cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê hầu hết chỉ giữ lại những doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế, an ninh quốc phòng. Vấn đề là thực hiện điều ai cũng nhất trí đó như thế nào - vì từ đầu năm 2013 đến nay chỉ có chừng 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa.



Saturday, October 12, 2013

Ghi chép - 5

Ghi chép - 5

+ Một số bài dẫn link để lưu lại vì không post lên đây.

Bài “TPP is a remedy but of a different kind” trên Financial Times

Bài “Người dân và chuyện xã hội” trên Tuổi Trẻ cuối tuần

Bài “Đừng thương mại hóa một chủ trương giáo dục” trên Thanh Niên

Bài bàn tròn “Muôn vẻ thương mại hóa giáo dục” trên TBKTSG

Bài bàn tròn về kinh tế nhà nước trên TBKTSG "Ai lo chuyện an sinh xã hội?"
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/104950/Ai-lo-chuyen-an-sinh-xa-hoi?.html
*                      *                      *
+ Tiếng Anh trong đóng cửa chính phủ

Chuyện đóng cửa chính phủ là chuyện lớn, báo chí Mỹ khai thác đủ cách đủ kiểu nên anh em làm trang quốc tế ở Việt Nam chạy theo cũng mệt. Và mệt nên dễ xảy ra sai sót.

Trong bản tin này, chắc chắn các câu sau là sai: “ông Obama có thể chấp nhận tăng trần nợ”; “Nếu Nhà Trắng sẵn sàng tăng trần nợ... thì đây là một dấu hiệu tích cực”. Vì sao lại sai thì để hạ hồi phân giải.

Đầu tiên chúng ta nên giải quyết một lần tất cả những từ quan trọng liên quan đến đề tài này. Chính phủ Mỹ đóng cửa vì ngân sách cho tài khóa 2014 chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Để thông qua có hai dạng, appropriation, là phân bổ ngân sách cho cả năm hay continuing resolution, là phân bổ tạm thời cho các chương trình cụ thể.

Với appropriation, chúng ta thường bị rối trí vì báo chí dùng rất nhiều từ để miêu tả, khi thì bill (dự luật do Quốc hội đưa ra) khi thì act (đã được thông qua và tổng thống ký ban hành), lúc lại dùng legislation (đạo luật - dùng chung), lúc lại là measure (từ dùng chung cho cả bill, resolution). Mỗi năm phải thông qua chừng 12-13 cái appropriation bills như thế nhưng ít có năm nào làm suôn sẻ.

Hiện nay hai bên chưa tính đến appropriation bởi ngay cả continuing resolution (kiểu như nghị quyết chung để tiếp tục giải ngân) cũng bất đồng vì một bên (đảng Cộng hòa) đòi thêm điều khoản hoãn hay không giải ngân cho Obamacare (delaying or defunding the Patient Protection and Affordable Care Act) một bên (đảng Dân chủ) đòi bớt. Resolution ở đây là nghị quyết nhưng khi báo viết “no resolution to the standoff in sight” thì lúc đó là giải pháp (không thấy giải pháp cho bế tắc này).

Cái thứ hai là chuyện dài hơi hơn - debt ceiling (trần nợ). Trần nợ muốn nâng cũng phải có bill của Quốc hội cho phép nâng, nâng thì có nhiều mức, ngắn, trung và dài hạn. Còn khi không có bill thì phải áp dụng cái gọi là “extraordinary measures” (biện pháp bất thường) - cái này thì không cần Quốc hội thông qua mà do Bộ Tài chính Mỹ quyết định (measure này khác với measure ở trên nhé). Hiện nay chính phủ Mỹ đang chi tiền theo dạng “extraordinary measures” mà đến 17-10 này là hết phép xoay xở. Các measures này chủ yếu là ngưng đầu tư tiền của các quỹ hưu trí hay lấy tiền đầu tư về sớm. Còn đến hạn mà không trả được nợ (cả debts (như trái phiếu) và obligations (như trả lương hưu) nói chung) thì gọi là default.

Trước đó, để tránh vượt trần nợ này, Mỹ tăng thuế đồng thời giảm chi ngân sách - nhờ đó mức bội chi sẽ giảm còn một nửa - tình hình này gọi là fiscal cliff (vách đá tài khóa) từng ồn ào một dạo.

Trang bị những từ này, chúng ta thử đọc một vài bản tin. “President Barack Obama is ready to talk even on Republicans' terms, he insisted Tuesday, so long as Congress acts first to end the government shutdown and raise the debt ceiling -- even for a short period”. Như vậy ý ông Obama nói ổng sẵn sàng chấp nhận ngồi xuống đàm phán với đảng Cộng hòa nếu Quốc hội thông qua ngân sách tạm thời và nâng trần nợ tạm thời. Cả hai chuyện này đâu nằm trong quyền hạn của ông Obama cho nên hai câu trích ở đầu bài nó sai là vì vậy. Đây là câu nói của Obama: “If they can’t do it for a long time, do it for the period of time in which these negotiations are taking place”.

Một câu khác trong bản tin của CNN khẳng định chuyện đó: “GOP members may be willing to go for a short-term debt ceiling hike -- lasting four to six weeks -- as long as the president agrees negotiations will occur during that time”. GOP là tiếng lóng chỉ đảng Cộng Hòa, hike ở đây là nâng. Tăng trần nợ là quyền hạn của Quốc hội.

Nói gì thì nói, cái tựa bài trên tờ Economist là lời nhận xét chính xác nhất cho đến nay “No way to run a country” (Điều hành một đất nước kiểu gì lạ vậy) bởi “enough is enough”.

*                      *                      *
+ Khi cái giả dối không bị trừng phạt
Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Bảy (5-10-2013) có một bài viết ngắn của phụ huynh kể chuyện con tham gia chương trình game show. Đọc xong không khỏi bàng hoàng; nếu câu chuyện đúng như lời kể thì tất cả mọi người đều đang mắc một tội trọng: làm lơ trước cái xấu.
Phụ huynh kể con ông đi thi ra với vẻ mặt buồn bã, bởi, cô bé kể, “... con trả lời đúng hết nhưng chú trong phòng thu bắt con trả lời ba câu theo chú nhưng câu trả lời sai”, có nghĩa để cuộc thi hấp dẫn, bất ngờ, người thi mà cụ thể ở đây là cô bé buộc phải nói sai theo đạo diễn mấy câu. Người phụ huynh viết bài kết luận “Mỗi khi xem truyền hình có chương trình ấy, cháu lại nói: ‘Chương trình xạo, bắt trẻ em nói sai!’”.
Nếu tờ báo chỉ dừng ở việc đăng bài này không thôi rồi chấm dứt, tờ báo đã bỏ quên nhiệm vụ người làm báo: đi đến tận cùng sự thật. Phải cử phóng viên điều tra, hỏi han, xác minh xem câu chuyện kể này có đúng như vậy không. Và nếu đúng, phải chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để buộc ngưng một chương trình trò chơi mang tính dối trá.
Loại game show theo dạng câu đố như thế này cũng từng dính các tai tiếng dàn xếp, tiết lộ đáp án, chọn người thắng giải ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc. Vấn đề là mỗi khi có dấu hiệu gian lận như thế, chương trình bị ngưng ngay và thậm chí người tổ chức gian lận còn truy tố tội hình sự nữa.
Không thể du di nói đó chỉ là trò chơi, cũng là một dạng đóng kịch sao cho hấp dẫn người xem. Nếu suy nghĩ như thế dần dà chúng ta sẽ quen dần với thói nói dối, tặc lưỡi cho qua một chuyện, chúng ta sẽ phẩy tay cho qua hàng loạt chuyện khác.
Ngay cả người phụ huynh khi kể câu chuyện dường như cũng chỉ để cảnh báo các bậc cha mẹ: “Quyết định cho con em tham gia, cha mẹ cần phải giải thích cho trẻ hiểu đây chỉ là trò chơi nên người tổ chức chương trình phải dàn dựng để tạo bất ngờ, hấp dẫn nhằm thu hút người xem, vì vậy thắng hay thua, đúng hay sai cũng là điều bình thường”. Không được - không thể thỏa hiệp với cái xấu, phải đấu tranh để loại bỏ những cảnh buộc con em chúng ta nói dối như trong bài vì tác động của chúng lên đầu óc non nớt của các em sẽ rất nặng nề. Chỉ ước gì học sinh của chúng ta cũng được giáo dục như chúng cần được giáo dục, có nghĩa dạy cho các em hiểu quyền của các em, cách đối phó với cái xấu, cách đối phó với người lớn bày làm chuyện sai. Ví dụ trong trường hợp này tôi tin chắc một em học sinh một nước như Phần Lan chẳng hạn sẽ biết từ chối “đóng kịch” cố ý nói sai và sau đó sẽ biết gởi thư đến đâu để phản đối.
Các chương trình giải trí trên truyền hình thường là chương trình “xã hội hóa”, tức tư nhân thực hiện và giao lại cho đài truyền hình phát sóng. Trách nhiệm của đài truyền hình khi nghe phản ánh về khả năng có gian dối trong một chương trình như thế là phải điều tra, tìm hiểu và chấn chỉnh ngay.
Giới quản lý báo chí, thường rất nhanh nhạy trong những chuyện khác, đến vụ này cũng không nghe nói năng chi. Dường như ai nấy đều suy nghĩ có nói dối một chút cũng không có gì để làm ầm ĩ.
Hãy nghĩ đến tác hại trước mắt vào cô bé đi thi. Phụ huynh kể: “Hôm sau đi học về, con gái tôi khóc và nói rằng các bạn bảo con ngu, còn cô giáo thì nói con rất thông minh, lanh lợi nhưng sao không chú ý nghe kỹ câu hỏi để trả lời sai uổng quá”. Đó là một sự tổn thương rất lớn, có thể ghi vào trí nhớ của em suốt đời.



Thursday, October 3, 2013

Kinh tế nhà nước

Nếu “kinh tế nhà nước” không bao gồm “doanh nghiệp  nhà nước”!

Nhiều người phản đối câu "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo" bởi doanh nghiệp nhà nước hiện đang là gánh nặng của nền kinh tế, vừa kém hiệu quả vừa gây thất thoát tài sản quốc gia. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nề, bắt nhà nước gánh những khoản nợ lớn do họ gây ra trong khi khu vực này không tạo ra công ăn việc làm bao nhiêu cả.

Lập luận trên quá thuyết phục nhất là trong bối cảnh các vụ Vinashin, Vinalines đang còn nóng hổi trong đầu mọi người. Thế là mới có lập luận mới: "Chúng tôi nói kinh tế nhà nước chứ đâu nói doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà còn nhiều thứ khác như các quỹ dự trữ của quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước, ngân sách nhà nước…"

À, biến báo như thế cũng gọi là giỏi. Vấn đề ở chỗ các nguồn lực quốc gia như cái gọi là các quỹ hay ngân sách nhà nước là để dùng chung cho xã hội thì bản thân nó nằm tách ra một bên chứ đâu có so sánh với ai đâu mà cần xem nó là chủ đạo hay không chủ đạo.

Vì thế, có một đề nghị rất mới: cứ quy định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo. Đồng ý. Nhưng kèm theo đó phải định nghĩa kinh tế nhà nước KHÔNG bao gồm các doanh nghiệp nhà nước.

Chứ gì nữa. Một khi xem là chủ đạo thì nhà nước phải sử dụng được “cái chủ đạo” này cho các mục tiêu, các chính sách xã hội của mình. Nhưng với doanh nghiệp nhà nước thì bó tay. Doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ nộp thuế như bao doanh nghiệp khác còn lại nhà nước hiện không làm gì họ được cả: tiền lãi họ làm ra cũng để đó chứ không đưa vào ngân sách, tiền bán cổ phần cũng để một cục, không biết làm gì bèn bỏ vào ngân hàng lấy lãi, bắt họ bình ổn giá thì họ đòi tăng giá, họ nợ lại bắt nhà nước nai lưng ra trả.

Nói tóm lại, hoặc là không ghi “kinh tế nhà nước” đóng vai trò chủ đạo; hoặc ghi cũng được nhưng phải hiểu trong “kinh tế nhà nước” không có các doanh nghiệp nhà nước. Với một quy định như thế cuộc chơi bình đẳng sẽ được xác lập, doanh nghiệp nhà nước buộc phải cạnh tranh để phát triển như doanh nghiệp thuộc thành phần khác, nhất là trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp nhà nước cũng phải vươn ra làm ăn ở những nước hoàn toàn không có khái niệm về thành phần kinh tế chủ đạo. Làm như thế cũng là khẳng định một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu xác lập một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đồng thời làm cơ sở để đẩy mạnh việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...