Friday, June 19, 2020

Làm báo thời biểu tình vì màu da


Làm báo thời biểu tình vì màu da

Tờ New York Times (NYT) đối diện với một tình huống gay cấn. Thoạt tiên ban biên tập tờ báo này cứ nghĩ quyết định cho đăng bài viết của Thượng nghị sĩ Tom Cotton vào thứ Tư tuần trước là làm phong phú, đa dạng mục ý kiến. Ông này lập luận nên phân biệt đa số người dân biểu tình ôn hòa để phản đối cái chết của một người da đen dưới chân một cảnh sát da trắng với những kẻ bạo loạn, cướp phá, hôi của, những người theo Cotton cần phải bị quân đội trấn áp để bảo vệ cuộc sống của những người dân bình thường.

Đây là một cách làm khá thông dụng của báo chí thế giới: đăng tải các ý kiến khác nhau, có lúc đối chọi nhau chan chát để cung cấp cái nhìn khách quan, đa chiều cho độc giả tự rút ra kết luận. Chỉ có điều NYT phạm phải hai sai lầm như họ thừa nhận sau đó; một là viết lại tít bài báo thành: “Tim Cotton: Hãy cho quân đội vào cuộc”; hai là không có lời tòa soạn nêu rõ bối cảnh, chủ trương của báo và mong muốn đưa ý kiến nhiều chiều.

Bài báo ngay lập tức nhận lấy phản ứng giận dữ của độc giả. Hàng ngàn nhận xét bên dưới bài viết phản bác lập luận của tác giả; tờ báo phải khóa chức năng nhận xét. Tòa soạn nhận hàng trăm cuộc điện thoại đòi cắt không mua báo dài hạn nữa. Độc giả phản ứng là chuyện bình thường; đó cũng là mục đích của mục ý kiến khi càng tranh cãi, càng dễ làm rõ đúng sai và nhất là nhờ đó báo thu hút thêm người đọc. Điều lạ cần tìm hiểu là vì sao phóng viên, biên tập viên NYT lại phản đối việc đăng ý kiến đa dạng, bởi đòi hỏi như thế chẳng khác nào yêu cầu NYT tự kiểm duyệt, không cho giới bảo thủ lên tiếng trên báo mình.

Nguyên ngày thứ Tư sau khi bài báo của Tom Cotton xuất hiện, nhiều phóng viên NYT lên Twitter bày tỏ sự bất bình của họ. Họ viết “cho đăng bài này đã gây nguy hiểm cho người da đen, kể cả nhân viên da đen của NYT”. Lên mạng xã hội phản ứng như thế là họ biết họ vi phạm nội quy của NYT cấm phóng viên mình bày tỏ ý kiến theo phe này hay phe kia, cổ vũ cho quan điểm chính trị này hay quan điểm chính trị khác trên mạng xã hội. Trước đó Tổng biên tập NYT Dean Baquet từng nặng lời phê phán phóng viên chỉ vì bấm “like” một tweet vi phạm nội quy. Nhiều người khác làm đơn xin nghỉ ốm như một cách phản kháng. Trên mạng thông tin nội bộ của báo, có người viết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mọi bài viết trên NYT sẽ đúng theo thế giới quan của tôi. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ NYT có ngày sẽ đăng một bài ý kiến kêu gọi bạo lực nhà nước trong đó sử dụng nhiều thông tin sai lạc, gây hiểu nhầm để lập luận”.

Xin trích hai mẩu trong nhiều tweet của phóng viên NYT trong ngày hôm đó:

Có lẽ tôi sẽ gặp rắc rối khi viết như thế này nhưng không nói gì cả là vô đạo đức. Là một phụ nữ da đen, là một nhà báo, là một người Mỹ, tôi rất xấu hổ báo mình đăng bài này.

Vâng, tôi muốn mục ý kiến đăng bài viết mà tôi không đồng ý. Tôi yêu quý NYT và rất tự hào đang làm việc cho báo. [Nhưng] chạy một bài kêu gọi quân đội dập tắt sự phản đối chống lại chủ nghĩa chủng tộc nguy hiểm là gây tổn thương cho tờ báo và các đồng nghiệp mà tôi tự hào sát cánh hàng ngày.

Một nhóm nhà báo họp lại, cùng viết một lá thư gởi ban biên tập yêu cầu xử lý bằng cách thêm một lời tòa soạn, một bài khác, hay tốt nhất là cho phóng viên viết bài điều tra về các điểm sai lệch trong bài viết của Tom Cotton dùng như chứng cứ cho lập luận của ông ta. Đến trưa thứ Năm lá thư này đã có hơn 800 chữ ký của nhân viên NYT.

Thoạt tiên ban biên tập NYT giữ nguyên lập trường, cho rằng quyết định của họ là đúng đắn. Chủ bút NYT là A.G. Sulzberger viết thư cho nhân viên, nói: “Tôi tin vào nguyên tắc cởi mở cho nhiều loại ý kiến, ngay cả của những người chúng ta bất đồng quan điểm. Bài này được xuất bản trên tinh thần đó”. Trưởng ban phụ trách mục ý kiến, James Bennet viết trên Twitter: “Mục Ý kiến của NYT có nghĩa vụ với độc giả trưng bày cho họ thấy các quan điểm trái ngược”. Ông này cho rằng dù hiểu rõ nhiều độc giả sẽ thấy lập luận của Cotton là gây đau đớn, thậm chí là nguy hiểm nhưng ông lại tin chính vì thế mà quan điểm của Cotton cần được công chúng biết và tranh luận. Phần nhận xét dưới bài của Cotton bị khóa lại rồi mở ra, rồi khóa lại nhiều lần do độc giả phản ứng gay gắt.

Đến chiều tối hôm sau thì ban biên tập NYT thay đổi quan điểm, đưa ra một tuyên bố cho rằng bài viết của Cotton “không đáp ứng tiêu chuẩn của chúng tôi”. James Bennet xin lỗi, thừa nhận chưa đọc bản thảo mà chỉ đọc sau khi báo đã đăng. Nay trên website của NYT vẫn còn đăng bài viết của Tom Cotton nhưng đã bổ sung thêm một ghi chú của chủ bút, trong đó nhấn mạnh ngay từ câu đầu là lẽ ra không nên đăng bài này. Phía tòa soạn nhận lỗi là quá trình biên tập bị đẩy nhanh, để lại nhiều sai sót rồi dẫn ra các sai sót này như lời khẳng định của tác giả về vai trò của các phần tử cực đoan cánh tả như antifa xâm nhập đoàn biểu tình, như về việc cảnh sát gánh chịu làn sóng bạo lực, như tít bài viết do tòa soạn đặt chứ không phải của Tom Cotton lại rất kích động và lẽ ra không được dùng... Đến đầu tuần này James Bennet từ chức ra đi; người phó của ông, Jim Dao trực tiếp tổ chức việc biên tập và đăng tải bài của Cotton cũng từ chức, chuyển sang ban tin  

Lỗi của NYT xử lý bài không kỹ thì đã rõ (từ thừa nhận của chính tờ báo) nhưng câu hỏi vẫn còn đó: báo chí có nên và có được quyền đăng ý kiến đi ngược với ý kiến của số đông hay không?

Ngẫu nhiên là cùng trong tuần đó, tờ Philadelphia Inquirer cũng gặp trường hợp tương tự khi đăng ý kiến của một người chuyên nhận xét về kiến trúc, Inga Saffron với tựa đề “Các tòa nhà cũng quan trọng” (Buildings matter, too). Đây là tít dựa vào phong trào “Black Lives Matter” (Sinh mệnh người da đen là quan trọng) để nói lên thực trạng nhiều đám hôi của nhân biểu tình đã đập phá nhiều tòa nhà.

Phóng viên tờ Philadelphia Inquirer phản ứng, cho rằng so sánh sinh mệnh của con người với các tòa nhà là rất khập khiễng, đánh mất niềm tin của độc giả vào tờ báo có bề dày 190 năm lịch sử. Có 44 phóng viên gọi điện cáo ốm để ở nhà sau khi cùng viết một lá thư ngỏ phản đối gởi ban biên tập. Ngay sau đó, ban biên tập tờ báo phải xuất bản một lời xin lỗi gởi phóng viên và độc giả, thừa nhận “một nỗ lực biên tập để nắm bắt lập luận tinh tế của một cây bút bình luận cô đọng thành vài chữ đã đi sai đường; rõ ràng nó đã gây ra thương tổn và giận dữ”. Tít báo được sửa lại, kèm lời tòa soạn cho biết tít cũ mang tính xúc phạm, không phù hợp và lẽ ra không được sử dụng… Tổng biên tập tờ Philadelphia Inquirer là Stan Wischnowski, từng có 20 năm thâm niên tại tờ báo này cũng từ chức.

Nói về nghệ thuật viết tít (thường do tòa soạn đặt chứ không phải của người viết bài), rút gọn thành ba từ (Building matters, too) là rất tài vì nó vẫn gợi ở người đọc toàn bộ những gì người viết muốn nói. Chỉ có điều trong bối cảnh cả nước Mỹ sôi sục vì sinh mạng người da đen bị cảnh sát Mỹ cướp đoạn thì đặt tít như thế là không tế nhị.

Trong bài viết giải thích vì sao họ quyết định đăng bài của Tom Cotton, trưởng ban mục ý kiến James Bennet viết ông không đồng tình với ý kiến của Cotton nhưng vẫn tin rằng cần xuất bản các ý kiến trái ngược. “Sẽ có hại cho tính công chính và sự độc lập của NYT nếu chúng tôi chỉ xuất bản các ý kiến mà biên tập viên như tôi đồng tình. Sẽ là bội phản những gì tôi nghĩ là mục đích cơ bản của chúng tôi – không phải nói cho bạn nghe những gì cần suy nghĩ mà giúp bạn suy nghĩ cho chính mình”.

Điều đáng nói là trên các mạng xã hội khi báo chí đưa tin hai vụ từ chức do đăng bài “không phải đạo”, đa số các nhận xét bên dưới của độc giả là bày tỏ sự ngạc nhiên, kiểu như “thế thì đâu còn tự do báo chí?”; “không lẽ chỉ đăng ý kiến được đa số đồng tình?”.

Chỉ biết hy vọng các tờ báo uy tín hiếm hoi còn sót lại trong thời báo chí gặp nhiều khó khăn như hiện nay như NYT không vì vụ này mà từ bỏ nguyên tắc tôn trọng ý kiến khác biệt như chủ bút Sulzberger khẳng định trong lá thư gởi nhân viên: “Trang ý kiến tồn tại để cho thấy nhiều quan điểm với những nhãn quan khác nhau, đặc biệt chú ý đến những ý kiến thách thức lập trường của ban biên tập. Chúng ta xem đó là nguồn sức mạnh, cho phép chúng ta cung cấp cho độc giả sự phong phú về góc nhìn rất hiếm hoi trong truyền thông hiện đại”. Trong cơn giận dữ của nhiều nhà báo NYT vẫn có những tiếng nói tỉnh táo như của David Brooks khi viết: “Tôi tin vào dân chủ. Tôi tin vào nền báo chí tự do. Tôi tin vào sự tranh luận cởi mở. Tôi thích báo tôi in bài tôi bất đồng ý kiến. Nó buộc tôi phải suy nghĩ”.


Trích đoạn một bài khác của Bret Stephens cũng đăng trên NYT, cho rằng cách hành xử của NYT là sai lầm:

Quyết định vào tuần trước của tờ báo này chối bỏ bài ý kiến của Thượng nghị sĩ Tom Cotton là một món quà cho kẻ thù của tự do báo chí – tự do theo nghĩa không run sợ và chùn bước khi đứng trước đám đông đang giận dữ. Nó vi phạm những nguyên tắc làm nền tảng cho nghề báo, đặc biệt nghĩa vụ cung cấp cho độc giả bức tranh thật của thế giới. Và khi tờ báo sa thải những nhà báo giỏi, gạt bỏ những ý kiến gây tranh cãi, đây là lời mời cho sự đớn hèn trí tuệ nảy sinh.  


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...