Thông minh
hay hợp xu thế?
Đường phố đô thị đang trải qua nhiều biến đổi. Nhiều năm trước
trên mỗi con đường, ắt hẳn có vài tiệm Internet công cộng, vài nơi cho thuê
băng đĩa, gom vài đường ắt có tiệm “kim khí điện máy” bán TV, tủ lạnh, máy móc
đủ loại. Nay chúng biến đâu mất. Các sạp báo đầu đường cũng không còn.
Sự thay đổi đó đến dần dần nhưng khi nhìn lại mới giật mình
thấy sao nhanh thế. Vì thế hôm nay đưa ra vài tiên đoán cho đường phố đô thị chục
năm nữa, có lẽ cũng không phải là quá đáng.
Với xu thế mua bán qua mạng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, tiền
thuê mặt bằng cao, nhân công đắt đỏ, có thể dự báo các cửa hàng đủ loại, đủ kiểu
đang làm nên bộ mặt đô thị nhộp nhịp của Việt Nam sẽ thay đổi. Đầu tiên, các dịch
vụ bán hàng sẽ chuyển dần vào ngõ vì họ không cần quảng bá bằng mặt tiền nữa;
khách hàng đến với họ nhờ thông tin tìm kiếm trên mạng. Hiện nay xu hướng này
đã diễn ra, nhiều nơi kết hợp sự hiện diện rất mạnh, rất ầm ĩ trên không gian mạng
và nơi tiếp xúc với khách, có thể nhỏ, ở đường hẹp, giá mặt bằng rẻ hơn nhiều.
Đường xá đông đúc chật chội, chỗ để xe gắn máy bất tiện
trong khi dịch vụ giao hàng tận nhà phát triển mạnh, càng làm giảm nhu cầu mở cửa
hàng trên các phố chính. Sau đó, khi cuộc sống khá lên, người dân chuyển từ xe
gắn máy sang xe hơi, càng làm các trung tâm thương mại lớn ở ngoại ô đông khách
còn phố xá với từng cửa hàng riêng lẻ, không tiện ghé càng thêm vắng lặng.
Như thế, tại sao không dám dự báo, giá nhà phố, nhà mặt tiền
sẽ giảm mạnh trong nhiều năm tới đến nỗi không cạnh tranh nổi với nhà biệt lập ở
ngoại ô. Lối sinh hoạt của người dân cũng thay đổi theo, họ sẽ mua sắm cho mọi
nhu cầu ở các trung tâm thương mại lớn; nhu cầu đột xuất hàng ngày thì vào các
cửa hàng tiện lợi. Lúc đó phố xá chắc chỉ còn lại nhà hàng ăn uống, tiệm cà phê
và cửa hàng tiện lợi! Người dân không còn mặn mà với chuyện sống ở nội đô cho
thuận lợi việc mưu sinh nữa; họ sẽ dịch chuyển ra xa, để đòi hỏi các khoảng
không gian xanh, tránh cảnh kẹt xe, ngập nước.
Liệu việc quản lý đô thị, quy hoạch đô thị và chuyện thời
thượng – xây dựng thành phố thông minh đã tính đến các yếu tố biến đổi này
chưa?
* * *
Năm 2017, tần suất xuất hiện cụm từ “thành phố thông minh”
tăng vọt bởi theo Thông tấn xã Việt Nam đã có đến 30 tỉnh, thành phố ký biên bản
ghi nhớ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng thí điểm các thành
phố thông minh. Trong đó chỉ tính riêng Viettel đã ký cả chục thỏa thuận hợp
tác xây dựng thành phố thông minh với các nơi như Thái Nguyên, Phú Yên, Hải
Dương, Huế, Bình Phước, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Thọ, Cà Mau, TPHCM…
Đứng trước một hiện tượng có khả năng biến thành phong trào
như thế, câu hỏi đặt ra là nên có thái độ ứng xử như thế nào? Làm sao để ủng hộ
việc đưa công nghệ thông tin và viễn thông vào quản lý đô thị để tận dụng các
tiến bộ mới nhất trong lãnh vực này nhưng không rơi vào bẫy “nhà nhà đua nhau
làm” vừa tốn kém mà cuối cùng không giúp gì cho năng lực quản lý.
Điều đầu tiên nên ghi nhận là các doanh nghiệp, nhất là
doanh nghiệp châu Âu rất giỏi trong việc truyền bá, mở rộng thị trường giải
pháp thành phố thông minh để bán sản phẩm và dịch vụ. Vì thế tài liệu, các bài
nói chuyện, thuyết trình, các video minh họa là không thiếu; nhiều video rất hấp
dẫn, xem xong ai cũng ước gì mình được sống trong một thành phố như thế. Thực tế
chưa thấy một thành phố nào trên quy mô bình thường, chứ chưa cần lớn, xây dựng
thành công, biến mình thành một thành phố thông minh đúng nghĩa và lâu bền.
Vì vậy các khái niệm gắn với thành phố thông minh như mạng
lưới kết nối được thiết kế sao cho tối ưu hóa nguồn lực hay các ví dụ minh họa
như thùng rác có cảm biến thông minh, báo ngay cho xe rác tới lấy khi đầy… chỉ
là nói cho sướng lỗ tai chứ thực tế không dễ dàng như vậy. Thành phố cũng không
bỗng dưng thông minh lên khi bỏ tiền ra lắp các hệ thống camera quan sát khắp
nơi dù có thể thỉnh thoảng giúp phát hiện các vụ trộm vặt.
Xây dựng thành phố thông minh có nghĩa đón đầu các xu thế
thay đổi do công nghệ đem lại để từ đó có các chính sách tối ưu chứ không thể
là bỏ tiền ra đầu tư cho công nghệ để mong thay đổi cuộc sống. Nói cách khác,
thành phố thông minh không thể là mục đích tự thân mà là kết quả khi tập trung
nỗ lực giải quyết các vấn đề do quản lý đô thị đem lại một cách thông minh.
* * *
Trong lãnh vực y tế, khi mọi hồ sơ bệnh án cùng các tham số
sức khỏe của mọi người đều được số hóa, khi cần, có thể truy cập nhanh chóng, dễ
dàng, ngay cả bằng điện thoại di động, cái đó ắt là đích nhắm của một thành phố
thông minh trong lãnh vực này. Thế nhưng giả thử Nhà nước bỏ tiền đầu tư để giúp
đẩy nhanh việc số hóa này có được không –không ngân sách nào gánh nổi chuyện
này. Nhu cầu đó là có thật, các bệnh viện phải tự cải tiến dịch vụ để lưu mọi hồ
sơ lên mây, trao quyền truy cập và chia sẻ thông tin cho bệnh nhân và người
thân được ủy quyền của họ. Như vậy vai trò của quản lý nhà nước về mặt y tế để
đón đầu xu hướng “thông minh hóa” này là định ra những quy chuẩn để việc trao đổi
thông tin giữa các bệnh viện, giữa các trung tâm xét nghiệm được suôn sẻ, nói
cùng một ngôn ngữ. Vai trò đó cũng là đặt ra các biện pháp để bảo vệ quyền
riêng tư của người bệnh để thông tin về sức khỏe của họ không bị rò rỉ, không bị
mua bán để bên thứ ba kinh doanh.
Đó chỉ là một ví dụ trong hàng chục, hàng trăm lãnh vực bao
trùm cuộc sống của người dân ở đô thị. Hãy thử nhìn thêm một lãnh vực liên quan
trực tiếp đến quản lý nhà nước: hành chính công. Người viết rất ấn tượng trước
nỗ lực cải cách hành chính công trực tuyến của Phường Tân Định, Quận 1 khi thấy
nhiều băng rôn quảng bá cho các dịch vụ mà người dân có thể làm ngay trên mạng.
Từ trích lục hộ tịch, đến các thủ tục địa chính, xây dựng; từ phản ánh góp ý đến
theo dõi tiến độ hồ sơ, người dân đã có thê vào mạng để thực hiện.
Thế nhưng tại sao không gom trang dịch vụ công trực tuyến của
một phường như vậy vào chung với các phường khác của cả thành phố. Người dân ở
bất kỳ nơi nào chỉ cần nhớ một địa chỉ duy nhất, vào rồi chọn lựa quận, phương
nơi họ sinh sống để thực hiện các dịch vụ công. Làm như thế vừa tránh lãng phí
cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư ban đầu, vừa có một đầu mối tiếp nhận và phân phối
yêu cầu. Hiện nay vào trang web dịch vụ công trực tuyến của cả TPHCM cũng đã có
nhưngkhi chọn đăng ký hộ tịch trực tuyến chẳng hạn lại được chuyển về trang
đăng ký chung của cả nước do Bộ Tư pháp tổ chức! Nói chung là một mạng phức tạp
khó cho người dùng chứ chưa thể nói là “thông minh” được.
Đón đầu xu thế để có giải pháp thông minh là một chuyện; chuyện
còn lại là sự đón nhận của người dân. Hiện nay nhiều dịch vụ hành chính công, kể
cả xin cấp bằng lái xe quốc tế, đăng ký thành lập doanh nghiệp, đổi hộ chiếu… nếu
làm qua mạng sẽ thuận tiện, nhanh hơn và đơn giản hơn làm trực tiếp. Thế nhưng nhiều
người dân vẫn chọn lựa con đường làm trực tiếp; có thể vì tâm lý chắc ăn, vì
chưa tin vào phương thức giao tiếp ảo, vì thiếu phương tiện… Vì thế sau này cho
dù đã có phần mềm cảnh báo các điểm ngập do triều cường hay phần mềm thông báo
các điểm đang kẹt xetrên điện thoại di động, chúng cũng không giúp giải quyết vấn
đề và người dân cầm các ứng dụng thông minh trên tay mà vẫn bó chân chờ nước
rút hay xe hết kẹt. Đó sẽ là thực tế khắc nghiệt kiểm tra xem thành phố đã
thông minh thật chưa.