Khi chuyện
làm bánh cưới lên đến Tòa án Tối cao
Chúng ta mãi mê nói về cách mạng
công nghiệp 4.0, về trí tuệ thông minh nhân tạo, về vạn vật kết nối… mà bỏ quên
yếu tố nhân văn, e rằng sẽ lập lại sai lầm của câu chuyện toàn cầu hóa.
Dị ứng cũng
phải phục vụ
Jack Phillips là chủ một tiệm bánh nhỏ ở Colorado, chuyên
làm bánh cưới theo đặt hàng. Ông tự hào xem các mẫu bánh ông sáng tạo theo từng
cặp đến đặt là những tác phẩm nghệ thuật. Cho đến một hôm vào tháng 7 năm 2012,
một cặp đồng tính đến nhờ Jack làm bánh cưới cho họ. Ông từ chối, nói không thể
thiết kế rồi thực hiện cái bánh cho đám cưới hai người đàn ông này vì nó đi ngược
lại đức tin tôn giáo của ông.
Thế là cặp này kiện ông ra tòa; tòa bang Colorado tuyên họ
thắng, ông thua, phải làm bánh theo yêu cầu của khách. Jack không đầu hàng, ông
kháng án nhiều lần lên tận Tòa án Tối cao, nơi thường xử các vụ kiện quan trọng,
liên quan đến diễn giải Hiến pháp, làm án lệ cho cả hệ thống tư pháp Mỹ. Mỗi
năm nơi này nhận chừng 10.000 đơn nhưng chỉ xử 80 vụ. Bất ngờ là Tòa án Tối cao
lại chấp nhận xử vụ kiện hy hữu này và có thể có phán quyết vào đầu năm tới.
Khi nói cuộc sống thay đổi, người ta thường nghĩ đến các
thay đổi do khoa học công nghệ đem lại như hiện nay TV phẳng đã thay thế hầu hết
TV kiểu cũ chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi. Nhưng trong thực tế, các thay đổi về
văn hóa, lối sống, chuẩn mực xã hội còn sâu đậm hơn nhiều.
Thử nhớ lại cách đây chỉ mới vài chục năm, Alan Turing, người
được xem là cha đẻ của máy tính, một anh hùng của nước Anh thời Thế chiến thứ
nhì nhờ làm ra máy bẻ khóa mật mã của Đức thế mà năm 1952 lại bị kết án vì tội…
đồng tính. Ông bị đặt trước hai chọn lựa, hoặc ngồi tù, hoặc phải tự nguyện
“thiến” (bằng hóa chất) để “trị bệnh”. Ông chọn cái sau và hai năm sau đó chọn
cái chết.
Hôm nay không ai hiểu nổi vì sao có thời người ta độc ác với
nhau đến thế, xâm phạm đến quyền tự do cá nhân đến thế. Alan Turing có là người
đồng tính thì đó là chọn lựa của cá nhân ông, có ảnh hưởng gì đến xã hội mà nước
Anh phải đối xử như thế với một người có công kéo ngắn Thế chiến thứ nhì đến
hai năm, theo đánh giá của nhiều sử gia.
Thời gian trôi qua nhanh, sau nhiều sự kiện vật đổi sao dời
và cho đến bây giờ, không chỉ chuyện "gay", cả chuyện hôn nhân đồng tính đã được chính thức
thừa nhận ở nhiều nước. Thế nhưng không phải tất cả mọi người đều thoải mái. Thái
độ của xã hội luôn là đa dạng nên thái độ với hôn nhân đồng tính có thể từ nhiệt
tình ủng hộ, thừa nhận và coi là bình thường, ngó lơ đến phản đối trong lòng và
phản ứng ra mặt. Có một thời ứng xử của xã hội đi theo con đường “phải đạo”, tức
chìu theo xu hướng cấp tiến nên những ai chê bai hay tỏ vẻ dị ứng với hôn nhân
đồng tính thì bị cô lập, bị xem là lạc hậu, bảo thủ.
Câu chuyện đi quá đà theo hướng cấp tiến này xảy ra trong
nhiều lãnh vực. Thập niên 1960 với phong trào người da đen đòi quyền bình đẳng
dẫn tới chủ trương “affirmative action” (tức chính sách nâng đỡ người da màu
trong tuyển sinh, tuyển dụng), phát huy tác dụng một thời nhưng sau đó làm
thanh niên Mỹ da trắng phản ứng bị thiệt thòi nhiều thứ. Phong trào nam nữ bình
quyền cũng có những hiệu ứng tích cực và tiêu cực tương tự.
Nhìn lại vụ kiện làm bánh, có thể thấy đây là một vụ khó xử.
Lẽ thường cho thấy Jack Phillips là chủ tiệm thì phải có quyền từ chối khách
ông không muốn phục vụ nhưng phân biệt đối xử dựa trên các hình thức khác biệt như
khác biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo từng bị cấm ở Mỹ. Chẳng hạn sau rất nhiều
cuộc biểu tình, đấu tranh kể cả bạo lực, nước Mỹ mới đi đến quyết định các tiệm
ăn nào từ chối phục vụ người da đen là sai luật. Nay với phân biệt dựa trên xu
hướng giới tính, hàng loạt vụ kiện tương tự, kiểu như nhà chụp ảnh từ chối chụp,
tiệm bán hoa từ chối trang hoàng, nhà hàng từ chối đặt tiệc cho đám cưới đồng
tính đều bị xử thua.
Thế nhưng với Tòa án Tối cao, lập luận của Jack Phillips là
dựa vào quyền tự do ngôn luận bởi ông nói cặp đồng tính kia nếu mua bất kỳ thứ
bánh nào đã làm sẵn thì ông sẵn sàng phục vụ nên không có chuyện phân biệt đối
xử. Ông nói khi trang trí cho bánh, ông đã dùng tư duy sáng tạo của ông để làm
ra sản phẩm, đó là ngôn ngữ biểu cảm của ông. Nếu bắt buộc phải phục vụ cho đám
đồng tính kia, luật pháp đã vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của ông, bắt ông
nói ra điều ông không muốn nói!
Chưa biết tòa sẽ xử như thế nào nhưng Jack Phillips là đại
diện bất đắc dĩ cho một tỷ lệ không rõ nhiều hay ít. Đó là những người suy
nghĩ, ừ thì hôn nhân đồng tính, muốn sao cũng được nhưng đừng dính líu gì đến
tôi vì tôi không thích. Tôi phải có quyền từ chối sáng tạo cho cái tôi không
thích chứ; tôi phải có quyền sống theo ý muốn của tôi, trong không gian của tôi
chứ.
Phản ứng khi bị ép
quá đáng
Nhìn rộng ra một chút, thế giới đang trải qua những thay đổi
to lớn, phần lớn là thay đổi tích cực làm cuộc sống dễ chịu hơn, đầy đủ tiện
nghi hơn, con người ít hung hãn với nhau hơn. Tuy nhiên, cũng như quả lắc khi quay quá đà, luôn có những phản kháng của những nhóm người
thua thiệt, không muốn bị xô đẩy theo các trào lưu. Rõ nhất là trong lãnh vực
kinh tế khi đã từ lâu sự phản kháng toàn cầu hóa đã thu hút khá nhiều người dân
ở nhiều nước. Đến nay những người bị mất việc do toàn cầu hóa đưa nhà máy của họ
đi nơi khác đã tập hợp trở lại thành một lực lượng đáng kể trong môi trường
chính trị ở nhiều nước phương Tây.
Sự lộn xộn, sự mâu thuẫn, sự bất nhất trong nhiều hoàn cảnh
chính là biểu hiện của hai thái cực: ủng hộ các thay đổi và phản ứng lại khi thấy
nó quá đà. Lấy ví dụ, báo chí từng cổ vũ cho xu hướng "báo chí công
dân" khi những người dân bình thường, với các phương tiện sẵn có và các sân
chơi như blog hay sau này là Facebook có thể trở thành nhà báo bất kỳ ở đâu, bất
kỳ lúc nào. Nhiều người xem đó là sự trao quyền cho những người yếu thế để họ
có một diễn đàn ngang ngữa với các tờ báo lớn. Nhưng nay nhiều tờ báo phải xem
lại quan điểm đó khi tin giả, tin giật gân, tin nửa thật nửa giả, tin nhảm tràn
lan trong thế giới "báo chí công dân" này. Họ là đòi hỏi người đọc phải
biết phân biệt vàng thau và quay trở lại đề cao uy tín của báo chí chính thống.
Bộ máy tìm kiếm của Google thì quá tuyệt vời rồi nhưng giả
thử một ngày đẹp trời nào đó chúng ta có một trang web bán xe đạp và muốn
Google giúp để bất kỳ ai tìm kiếm mua xe đạp thì được dẫn tới trang web của
chúng ta. Chuyện này không dễ vì hàng trăm hàng ngàn trang web bán xe đạp khác,
dưới sự "hướng dẫn" của các chuyên gia SEO đã có những thủ thuật để trang
của họ xuất hiện đầu kết quả tìm kiếm. Nhiều trang khác biết cách liên kết với
các trang có thứ hạng cao nên cũng chen lên. Cách duy nhất là chúng ta trả tiền
cho Google để họ đẩy trang chúng ta lên, dán một cái nhãn Ad nhỏ xíu ở đầu
trang.
Các thay đổi đều dẫn tới một sự đánh mất các chọn lựa, đánh
mất sự tự do như thế. Các khách sạn trong nước đang đau đầu vì sự phụ thuộc
ngày càng lớn vào các trang dịch vụ đặt chỗ, các báo điện tử chỉ còn biết dựa
vào Google Adsense… chỉ là một số ví dụ dễ thấy nhất. Trong tương lai không xa,
nhà xuất bản phải dựa vào Amazon để bán sách, ca sĩ phải dựa vào Apple Music để
phát hành đĩa nhạc… là chuyện có thể xảy ra.
Vì thế, hăm hở với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cứ hăm
hở nhưng đừng bỏ quên yếu tố con người. Chuyện gì sẽ xảy ra khi máy may công
nghiệp tự động phá vỡ các dây chuyền may, làm hàng triệu công nhân mất việc? Vạn
vật kết nối thì quá tốt nhưng biết đâu bọn tin tặc theo đó vào tận phòng ngủ để
mở khóa trộm xe, trộm tiền. Xu hướng gì thì xu hướng, điều quan trọng nhất là
phải để cho con người một không gian tự do nơi họ có thể đưa ra các chọn lựa của
riêng họ. Chứ như bây giờ để sống và làm việc một cách bình thường trong xã hội
thì một người bình thường không thể vất bỏ điện thoại di động, ngắt kết nối, khóa
hộp thư điện tử mà vẫn đạt một mức hiệu quả mong muốn.