Không được độc quyền chữ “phí”
Mỗi lần
nhìn thấy cụm từ “thu giá”, người viết bài này không khỏi nổi gai ốc vì sự xâm
phạm thô bạo tiếng Việt bởi từ đời thuở nào tiếng Việt của chúng ta có cách nói
như thế này. Căn do là bởi những người liên quan đến Luật Phí và lệ phí cứ
khăng khăng bám vào từng câu chữ của luật này để giành lấy quyền sử dụng từ
“phí” và “lệ phí” chỉ trong một số trường hợp luật có quy định; còn lại phải gọi
là giá dịch vụ hết thảy.
Để khỏi
trích dẫn dài dòng định nghĩa từ “phí” và “lệ phí” ghi trong luật, chúng ta biết
chỉ dùng “phí” và “lệ phí” khi liên quan đến dịch vụ công và có trong danh mục
ban hành kèm theo luật. Vì thế tiền chúng ta trả khi sử dụng các con đường xây
theo dạng BOT không được gọi là phí vì không phải dịch vụ công và không nằm
trong danh mục phí. Đơn giản vậy thôi và nghe qua cũng khá hợp lý!
Thế nhưng
những người nằng nặc đòi công chúng phải sử dụng cụm từ “thu giá” phải hiểu một
điều rất quan trọng: định nghĩa từ ngữ như trong luật là chỉ để dùng trong luật
(Luật Phí và lệ phí cũng ghi rõ: “Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:) Luật định nghĩa xong không có nghĩa xã hội từ nay không được dùng
“phí” và “lệ phí” theo cách xã hội đã dùng bấy lâu nay.
Trước đây tại
Quốc hội nhiều đại biểu hay nói “phí chồng lên phí” nay những đại biểu này nếu
phát biểu lại, e phải chuyển sang dùng “giá chồng lên giá”! Các nơi từng in tờ
rơi giới thiệu “biểu phí dịch vụ”, “phí giao dịch môi giới”, “biểu phí dành cho
khách hàng cá nhân”... nay phải sửa lại hết sao.
Chỉ cần
nhìn hai ví dụ sau đây, chúng ta sẽ thấy ngay việc độc quyền từ “phí” nó phi lý
như thế nào. Lâu nay ai cũng nói “viện phí” và “học phí”. Nay chiếu theo danh mục
tiền đóng cho bệnh viện hay trường học không hiện diện nên không được gọi là
phí nữa. Và theo những người chủ trương “thu giá”, không lẽ bây giờ chúng ta phải
nói “viện giá” và “học giá” theo họ? Chắc chắn không có chuyện này, vậy tại sao
cứ đòi dùng “thu giá”.
Nói tóm lại,
mỗi từ thường có nhiều nghĩa; “phí” và “lệ phí” như định nghĩa trong luật là một
trong những nghĩa này. Bộ Giao thông Vận tải cứ dùng theo luật và xã hội cứ
dùng theo các nghĩa khác của từ “phí” mà tự điển đã ghi nhận. Như từ “học phí”,
đố ai cấm được và đòi thay bằng giá?
Điểm thứ
hai, cho dù rạch ròi như cách hiểu của những người chủ trương nói “thu giá” thì
cách hiểu và áp dụng Luật Phí và lệ phí của họ cũng có vấn đề. Trong phụ lục số
2 kèm theo luật, là danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch
vụ, “phí sử dụng đường bộ” được chuyển thành “dịch vụ sử dụng đường bộ của các
dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”. Tức trước nói “thu phí” thì nay
phải nói là “thu tiền dịch vụ...” chứ sao lại gọi là “thu giá”.
Giá là biểu
hiện trị giá của hàng hóa hay dịch vụ; còn khi mua bán, trao đổi, nó chuyển
thành tiền hay các đơn vị đo lường khác của giá. Một căn nhà có giá 1 tỷ đồng
hay 100 lượng vàng thì khi mua người mua trả tiền hay trả vàng để nhận nhà; người
bán thu tiền hay thu vàng để giao nhà chứ có ai nói trả giá hay thu giá!
Lấy một ví
dụ đơn giản khác trong danh mục này, phí trông giữ xe được chuyển thành dịch vụ
trông giữ xe. Bạn đến gởi xe tại một bãi giữ xe, trước đây bạn nói trả phí giữ
xe nay ắt do thói quen bạn cũng sẽ giữ nguyên cách nói này. Quan chức, để đúng
theo luật, sẽ nói thu tiền giữ xe? Giá dịch vụ giữ xe là tên gọi cho biết dịch
vụ đó tốn bao nhiêu tiền; còn khi miêu tả hành động thanh toán giá dịch vụ này,
người ta sẽ nói trả tiền, thu tiền chứ có ai nói “trả giá” “thu giá” đâu?
Cho dù nhìn
từ góc độ quản lý nhà nước, dùng từ cho chính xác theo luật thì cũng nên viết
cho đúng tiếng Việt. Chẳng hạn, chi phí cho việc khám chữa bệnh gọi là giá dịch
vụ khám chữa bệnh chứ không dùng phí như trong cụm từ phổ biến “viện phí” nữa
thì cũng nên nói thu tiền dịch vụ chứ đừng o ép tiếng Việt đẻ ra cái cụm từ
“thu giá” không giống ai.