Không biết bắt đầu từ lúc nào, các thầy cô nay thích ra đề thi
có yếu tố thời sự. Ngay cả sự kiện đội bóng U23 Việt Nam cũng vào đề thi, kiểu
như hãy viết nghị luận về hình ảnh hậu vệ Văn Thanh khoanh tay trước ngực mừng
chiến thắng sau khi sút thành công đem về chiến thắng trước đội U23 Qatar (đề
thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường THPT Nguyễn Huệ ở Thái Nguyên).
Trước đó, một trường khác tại TPHCM cũng ra đề thi kiểm tra
một tiết môn Văn cho học sinh lớp 11: Sau
khi kết thúc trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018 giữa U23 Việt Nam và U23
Uzbekistan, HLV đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo đã nói với cầu thủ của mình:
"Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu?". Anh/chị hãy
chia sẻ ý kiến của mình về câu nói này?
Và lần nào cũng vậy, dư luận lại có dịp cãi nhau: bên khen đề
mở, sát với cuộc sống; bên chê, đâu phải ai cũng quan tâm đến bóng đá, các em nữ
sinh làm sao viết! Các đề thi “thời sự” khác thì gây tranh cãi về nhân vật được
chọn để đưa vào, ví dụ, nhân vật trong giới showbiz “không xứng đáng”, nhân vật
ông bảo vệ lại được khen, có tính giáo dục đạo đức cao! Học sinh sau khi bức
tai làm bài xong về đọc các tranh luận này ắt sẽ vò đầu, chẳng biết đúng sai ở
đâu.
Thiết nghĩ nên chấm dứt việc đưa các nội dung mang tính thời
sự vào đề thi khi đó mới tạo ra sự khách quan, công bằng và công tâm cho môi
trường học tập. Chuyện thời sự lúc nào cũng kéo theo một dòng nhận định chủ
lưu, sức nặng của dư luận trở thành một áp lực lớn, ai dám nói khác; yếu tố thời
sự sẽ chi phối hết, còn đâu không gian sáng tạo, óc quan sát hay tính phản biện
ở học sinh? Thầy cô chấm bài cũng bị tác động bởi các nhận định liên quan đến vấn
đề thời sự được đưa vào đề, làm sao thầy cô có sự tỉnh táo cần thiết để chú tâm
vào các kỹ năng đang được kiểm tra, chứ không để bị lôi vào nội dung. Và tại
sao lại để nội dung thời sự đó làm loãng đi, làm nhiễu nội dung cần kiểm tra?
Thật ra vấn đề đâu phải nên đưa hay không đưa chuyện thời sự
vào đề thi, vấn đề cũng không phải là chọn ai để đưa.
Ở đây cần phân biệt hai dạng đề thi: một là kiểm tra kiến thức,
bên kia là đánh giá năng lực. Đánh giá năng lực thì người ra đề muốn sử dụng chất
liệu như thế nào tùy ý, miễn sao bản thân chất liệu được đưa ra là đầy đủ, hoàn
chỉnh và người ra đề xác định kỹ năng muốn đánh giá. Ví dụ để đánh giá năng lực
diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc, thuyết phục lại có sự sáng tạo, người ra đề
muốn dựa vào bất kỳ sự kiện thời sự nào cũng được nhưng tất cả chỉ là cái nền để
thí sinh nêu được ý tưởng và người chấm bài đánh giá được khả năng lập luận của
thí sinh.
Cứ cho là đề thi học sinh giỏi chú trọng đến năng lực hơn là
kiến thức nên lấy chuyện cầu thủ khoanh tay trước ngực chào chiến thắng cũng được
đi nhưng bản thân cái đề không đầy đủ vì chỉ có một tấm ảnh và yêu cầu viết nghị
luận nêu cảm nhận về bức ảnh. Chúng ta trông chờ kiểm tra được chuyện gì từ học
sinh qua một đề thi như thế ngoài một bài văn y như khuôn mẫu như gợi ý của đề?
Còn đề thi kiểm tra một tiết, rõ ràng là để kiểm tra xem học
sinh có nắm được bài học trước đó, bài gì thì chúng ta không biết nhưng đề thi
thì rõ ràng không giúp thầy cô đo lường được mức độ học sinh tiếp nhận kiến thức
mới trong những tiết học trước đó. Có chăng chỉ là những sự nhắc lại các bình
luận của báo chí, của dư luận chung quanh câu nói của ông huấn luyện viên và liệu
cái đó liên quan gì, liên quan như thế nào đến việc kiểm tra một tiết? Showbiz
đã xin thôi thì bóng đá cũng xin thôi, đừng đưa vào đề thi nữa.