Sunday, April 20, 2014

Mau quên

Mau quên

Cho đến nay, về mặt loại hình pháp lý, không có việc phân chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp nhà nước. Kể từ hạn chót là ngày 1-7-2010 tất cả các doanh nghiệp nhà nước trước đó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi (đa phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung cho mọi loại hình.

Gọi tên doanh nghiệp nhà nước chỉ là cách nhắc đến hình thức sở hữu và theo luật, chủ sở hữu điều khiển doanh nghiệp bằng người đại diện được cử vào Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên.

Nếu nói cho sòng phẳng thì chính Bộ Tài chính cũng không được can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp nhà nước một khi những đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu muốn chi phối chuyện đầu tư vào đâu, sử dụng lợi nhuận ra sao, hạn chế lương người đứng đầu như thế nào thì Bộ phải thông qua chủ sở hữu và chủ sở hữu sẽ áp dụng sau khi có quyết định của Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên.

Đó là ý nghĩa của việc chuyển đổi DNNN, kéo dài suốt bốn năm sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực. Đó là cả một quá trình để tiến tới việc đối xử bình đẳng giữa mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Thế nhưng dường như mọi người chóng quên quá trình chuyển đổi quy mô này, chóng quên ý nghĩa của việc chuyển đổi nên cứ quay về quán tính ứng xử với DNNN như ngày còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Khi đưa ra quy định mức trần lương lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước là 36 triệu/tháng, có thể người làm chính sách sẽ thỏa mãn được dư luận đang bức xúc vì DNNN hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát mà hưởng lương quá cao. Thế nhưng phải nhìn vấn đề này ở góc cạnh pháp lý: không ai có quyền ấn định mức lương như thế trừ Hội đồng thành viên. Nhà nước, thông qua người đại diện phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp thậm chí có thể ấn định mức lương thấp hơn, 20 triệu đồng thôi nhưng phải làm đúng quy trình.

Lẽ ra khi đã chuyển đổi, nên để DNNN hoạt động như bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Chủ sở hữu giao chỉ tiêu, giao mục tiêu, lãnh đạo doanh nghiệp phải thi hành. Nếu không đạt chỉ tiêu, không làm theo mục tiêu đề ra (có thể mục tiêu phục vụ dân sinh) thì cách chức các lãnh đạo doanh nghiệp được cử ra điều hành và thay bằng người khác. Doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI làm vậy thỉ DNNN cũng phải đi theo con đường đúng luật này thôi. Nên bớt can thiệp ở tầm rất vi mô như lương thưởng ở DNNN hay các đơn vị sự nghiệp có thu. Người ta đã quản lý theo mục tiêu từ lâu rồi, giờ chúng ta vẫn còn loay hoay quản lý theo các tiêu chí từ hàng chục năm về trước.

Ngay chính Nghị định 25/2010 về việc chuyển đổi này cũng nói rõ: “Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp dưới đây thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu”. Không thể để một DNNN chịu sự điều hành của nhiều bộ ban ngành hay địa phương cùng lúc vì sẽ rối về nguyên tắc kinh doanh.

Giả thử tinh thần chuyển đổi được thấm nhuần trong quy trình quản lý nhà nước thì có lẽ gần bốn năm qua, chúng ta đã có những bước tiến trong quản lý khối DNNN. Vì vậy nếu Luật Doanh nghiệp sửa đổi lại bổ sung một chương dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước thì đó là một bước lùi về mặt tư duy trong quản lý nền kinh tế bên cạnh sự mau quên của bốn năm qua.





Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...