Kiến tạo khác điều hành ở
chỗ nào?
Có lẽ nhiều người đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước
kiến tạo phát triển” (bài viết về nhiệm
vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016). Tuy nhiên chuyển từ nhà
nước điều hành sang nhà nước kiến tạo không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một
chiều mà làm được. Xin đưa ra hai ví dụ.
Nghị định 195/2013 quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Xuất bản, trong đó có đề cập đến một trong những điều kiện để
thành lập nhà xuất bản là trụ sở của nhà xuất bản phải có diện tích sử dụng từ
200 mét vuông trở lên - điều 8 (1.a).
Quy định chi ly như thế (kèm với điều kiện có ít nhất 5 tỷ
đồng, có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản) là một dạng của nhà nước điều
hành. Vì lo chuyện điều hành nên nhà nước phải lo nhiều chuyện lắm, nhà xuất
bản mà cơ ngơi nhỏ quá làm sao hoạt động, sách in xong về để đâu, nhân viên,
biên tập viên ngồi đâu, chỗ nào mà tiếp nhà văn đến trao đổi bản thảo... Trong
khi nếu biết triết lý buông bỏ, cứ để mấy việc đó cho nhà xuất bản lo thì nhà
nước khỏe hơn biết bao nhiêu. Cái lo đó nó xưa cũ như tư duy của các ông bố bà
mẹ thời trước, không dám cho con cái ra đường sợ bị kẻ xấu dụ dỗ.
Và vì lo điều hành nên nhà nước theo đuổi mô hình trăm công
nghìn việc đó đâu có biết giờ đây người ta đã có thể outsource (thuê ngoài) hầu như mọi thứ. Sách thì thuê kho, giao
tiếp thì qua mạng, trưng bày sách trên web, thậm chí tổ chức hội thảo về một
cuốn sách nổi tiếng nào đó cứ thuê công ty tổ chức sự kiện họ lo hết mọi
chuyện. Mắc gì nhà nước phải lo nhà xuất bản có trụ sở rộng từ 200 mét vuông
trở lên?
Cũng trong nghị định này, loại hình sách điện tử được đề cập.
Một lần nữa tư duy nhà nước điều hành được thể hiện rất rõ như một bà mẹ cả lo
khi đòi điều kiện để xuất bản sách điện tử là phải “có máy chủ đặt tại Việt Nam”.
Chuyện đặt ra những yêu cầu khác như “có thiết bị, phần mềm
phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử”, “có
đường truyền kết nối Internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành xuất
bản phẩm điện tử trên mạng Internet” thể hiện quá rõ tư duy “cả lo” đã nói ở
trên nên thôi, không bàn nữa vì nó hiển nhiên quá rồi.
Riêng chuyện “có máy chủ đặt ở Việt Nam” thì cần nói cho rõ
ngọn ngành một chút. Mới nhìn qua, yêu cầu này quá chính đáng, không có máy chủ
ở trong nước thì cơ sở dữ liệu để khơi khơi ở nước ngoài làm sao bảo mật, nếu
có tác phẩm điện tử cần thu hồi thì làm sao? Nhưng cứ nghĩ lại mà xem, một nhà
nước kiến tạo phát triển sẽ để nhà xuất bản tự lo chuyện bảo mật thông tin, chuyện
chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, không việc gì nhà nước phải lo
cả. Họ làm sai, họ thiếu trách nhiệm đã có luật pháp khác điều chỉnh rồi. Hơn
nữa xuất bản sách chứ đâu phải là chuyện bí mật quốc gia đại sự gì để phải đặt
ra những ràng buộc tự cản chân mình như thế.
Hiện nay các nhà xuất bản nói riêng và các doanh nghiệp cần
hoạt động trên Internet nói chung đã dần chuyển sang các dịch vụ đám mây, họ
không còn phải duy trì máy chủ tốn kém, không hiệu quả mà chuyển sang thuê dịch
vụ của các công ty lớn. Vì sao bây giờ chúng ta còn loay hoay với khái niệm “có
máy chủ đặt ở Việt Nam?”
* * *
Ví dụ thứ nhì là Nghị định 18/2014 quy định về chế độ nhuận
bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đây là nghị định quy định rất chi tiết
nhuận bút thể loại nào cao hơn thể loại nào, thời hạn trả nhuận bút chậm nhất
là bao lâu sau khi xuất bản, không liên hệ được người hưởng nhuận bút đến 3 lần
thì làm sao...
Đặc biệt nghị định định rõ khung nhuận bút cho từng thể
loại, mức tối đa của tin là bao nhiêu, phóng sự là bao nhiêu, dịch là bao
nhiêu.
Nói tóm lại, đây là một ví dụ điển hình về nhà nước điều
hành, lo đến mức ấn định chi ly từng loại nhuận bút cho từng tờ báo. Giả thử để
theo dõi việc tuân thủ nghị định, một bộ máy khổng lồ cũng không thể làm nỗi
với biết bao nhiêu tin bài, sách được xuất bản hàng ngày, hàng năm?
Có người lập luận, nếu không có bộ khung nhuận bút như thế,
lấy ai bảo vệ quyền lợi của nhà văn, nhà báo? Không ai làm chuyện đó tốt hơn cơ
chế thị trường, cơ chế thuận mua vừa bán. Ngược lại, có người phân tích, không
quy định vậy, các báo cứ trả nhuận bút cao ngất cho nhân viên rồi khai lỗ, theo
kiểu trốn thuế thì sao? Cái đó đã có Luật thuế thu nhập cá nhân lo vì nếu tránh
bên thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Một nhà nước lo chuyện vĩ mô sẽ không để tâm đến các chuyện
quá vi mô này. Nhà nước chỉ phê duyệt các loại hình báo chí cần thiết để đưa
thông tin đến người dân với chi phí thấp nhất qua một gói kinh phí phân bổ hàng
năm. Ai làm không hiệu quả cứ sa thải thay bằng người khác; báo nào làm không
hiệu quả, cắt ngân sách chuyển cho báo khác. Đó chính là chuyển từ “điều hành”
sang “kiến tạo phát triển” và tốt nhất là chuyển ngay từ thiết kế chính sách.