Sunday, April 20, 2014

Cloud Computing

Điện toán đám mây
Ai quan tâm? Quan tâm làm gì?

Có lẽ đọc nhan đề “điện toán đám mây” nhiều người sẽ nghĩ, rồi - lại thêm một bài viết về một đề tài cũ mèm, thuộc loại chẳng ai quan tâm. Thế nhưng dù muốn dù không chúng ta đang ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ thuộc dạng “điện toán đám mây” và nếu là chủ doanh nghiệp, chắc chắn các bạn sẽ phải tìm hiểu về nó nếu không muốn tụt lại đằng sau, ôm một mớ chi phí lẽ ra không phải gánh chịu.

Tại hội thảo “Cách tân đám mây” do NetEvents tổ chức vào tuần trước ở San Francisco, người viết bài này có dịp nghe hàng loạt bài thuyết trình về các xu hướng mới trong điện toán đám mây, đặc biệt là về chủ đề bảo mật. Nhưng phải thú thiệt thông tin tại hội thảo khá là xa vời với điều kiện và thực tế tại Việt Nam. Cho nên có lẽ chúng ta bắt đầu bằng những câu chuyện gần gũi trước.

Chuyện căn bản

Nhiều người trong chúng ta đang sử dụng dịch vụ đám mây mà không biết. Khi dùng Gmail, Yahoo Mail, hay khi lưu tài liệu lên Dropbox, soạn chung một văn bản trên Google Docs, tất cả đều là những dịch vụ đám mây đang phổ biến khắp thế giới. Điện toán đám mây là xu hướng không tránh được của công nghệ thông tin cũng như ngày nay không ai mua phát điện cho mỗi nhà, ai cũng kết nối với lưới điện chung, xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu vậy.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều nơi cũng đang dùng dịch vụ đám mây mà không hay. Ví dụ việc đầu tiên nhiều doanh nghiệp ngày xưa hay làm là mua một máy chủ về để làm trang web riêng hay dịch vụ email riêng cho doanh nghiệp mình. Sau đó để tiết kiệm và dễ quản lý, họ có thể thuê máy chủ ở các nơi chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ. Nhưng ngày nay nhiều doanh nghiệp không làm theo cách đó nữa, họ thuê một chỗ trên các đám mây mà các doanh nghiệp lớn cung cấp như một dạng máy chủ ảo, nhu cầu ít thì máy nhỏ, nhu cầu tăng lên thì máy tăng theo, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không tốn nguồn lực cho việc bảo trì, bảo quản, thức khuya dậy sớm lo cho máy chạy đều.

Lấy ví dụ Google hiện đang cung cấp dịch vụ quản lý email cho nhiều doanh nghiệp, cứ trả mỗi người dùng mỗi tháng 5 đô-la, doanh nghiệp bạn sẽ có một địa chỉ email với tên công ty và đuôi .vn mà thực chất là chạy trên nền tảng như Gmail.

Cái dở của ngành công nghệ thông tin là thích dùng các thuật ngữ nghe rất kêu và dễ tìm được tiếng nói chung giữa những người trong nghề nhưng lại gây khó khăn cho người bên ngoài.  Mỗi khi nói đến đám mây, chúng ta thường gặp các cụm từ như “phần mềm như là dịch vụ - SaaS”. Có lẽ ai cũng biết phần mềm bình thường như Microsoft Office, bỏ đĩa cài đặt vào, cài đặt một lúc thì xong, người dùng chỉ việc mở máy và khởi động phần mềm và làm việc. Nay cứ tưởng tượng một doanh nghiệp có vài chục ngàn khách hàng, cứ nghĩ đến cảnh đóng gói phần mềm riêng của họ, gởi cho hàng chục ngàn khách hàng này, chờ cho họ cài đặt xong, giải quyết nhiều trục trặc khi cài đặt, rồi nâng cấp, rồi chữa lỗi – đó là cơn ác mộng cho bộ phận IT của doanh nghiệp này, chi phí lại cao.

Nay họ đưa phần mềm lên đám mây, khách hàng chỉ việc truy cập từ xa và làm việc như thể phần mềm đang cài trên máy của chính họ - thế là hàng loạt vấn đề được giải quyết. Khách hàng không phải bỏ ra một khoản tiền lớn mua phần mềm mà chỉ phải trả theo tháng hay theo năm. Từ đó mới có khái niệm “Software as a Service” – tức là “phần mềm [như là] dịch vụ” nói ở trên. Các phần mềm quản trị doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp là ứng viên thích hợp nhất để đưa lên đám mây để đạt hiệu quả cao nhất.

Từ đó, các bạn có thể hình dung ra hàng loạt cụm từ hay từ viết tắt được xây dựng theo kiểu đó như “Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ - IaaS”, “Nền tảng như một dịch vụ - PaaS”, “Mạng lưới như một dịch vụ - NaaS”... mà thực chất là các khái niệm cũ nay chuyển qua đưa lên đám mây hết như phần mềm, cơ sở dữ liệu, máy chủ, lưu trữ...

Xu hướng mới và những nỗi lo cũ

Như vậy với những người đã sử dụng “điện toán đám mây”, chuyện mới hôm nay là chuyện gì, ngoài những chuyện của riêng giới chuyên môn như ảo hóa và đám mây mở? Theo ông Steve Wylie, Tổng giám đốc UBM Tech, nhiều người cứ tưởng chuyện “điện toán đám mây” chỉ mới ở dạng tiềm năng chứ thật ra doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ đã ứng dụng chúng một cách sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng chúng như một công cụ tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh. Trước đây, doanh nghiệp nào thuộc loại “tân tiến” đều phải có một vị trí “giám đốc công nghệ thông tin” (CIO); nay nhờ vào điện toán đám mây, doanh nghiệp tiết kiệm cả đống chi phí, kể cả tiền tuyển dụng và duy trì bộ máy chuyên lo chuyện công nghệ thông tin cho công ty.

Tuy nhiên những nỗi lo từng làm doanh nghiệp e ngại “điện toán đám mây” vẫn còn đó. Thứ nhất là vấn đề bảo mật. Thử tưởng tượng doanh nghiệp giao phó hết bí mật kinh doanh, kể cả thông tin tài chính lên cho dịch vụ đám mây, không biết dữ liệu giờ nó đang chạy đến tận đâu, có ai lén truy cập được không thì mới hình dung hết nỗi lo về bảo mật.

Thật ra khả năng bảo mật của những nơi cung cấp dịch vụ đám mây lớn trên thế giới như Amazon, Google, Microsoft đã lên đến bậc thượng thừa. Dùng dịch vụ của họ chắc chắn còn bảo đảm hơn là dùng server riêng. Nhưng khả năng bảo mật như thế ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác vẫn còn là câu hỏi lớn. Những xu hướng mới ở đây là kết hợp giữa đám mây công cộng, đám mây riêng để đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Chuyện một số nước có những quy định đòi “phải duy trì máy chủ ở nước sở tại” thì không thấy nhưng quy định về dữ liệu phải chịu một số hạn chế nào đó thì vẫn có. Ví dụ cơ sở dữ liệu về công dân một nước thì chắc chắn phải chịu ràng buộc nằm trong biên giới nước đó. Từ đó mới có khái niệm “đám mây chủ quyền” (sovereign cloud) mà Pháp là nước đi đầu trong triển khai nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ đám mây cho khu vực nhà nước cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích giữ cho dữ liệu của Pháp nằm trên đất Pháp. Sáng kiến này cũng đang bị phê phán là không thực tế - dữ liệu nằm ở đâu cũng được, vấn đề là giữ chủ quyền cho dữ liệu để không bị nước thứ ba xem lén mới là quan trọng.

Một xu hướng được thảo luận tại hội thảo có liên quan nhiều đến Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp nắm được cơ hội và thách thức của điện toán đám mây. Ví dụ một tờ báo điện tử, thay vì phải mua sắm máy chủ, thuê đường truyền riêng hoàn toàn có thể thuê dịch vụ đám mây để sản xuất tờ báo, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều lần, lại tránh lãng phí vì tiền thuê sẽ tương ứng với lượng truy cập. Thế nhưng để làm được điều này cần phải có những người nắm công nghệ, giải quyết được những nỗi lo về an toàn thông tin mà điều này lại mâu thuẫn với việc khi đã dùng dịch vụ đám mây, vai trò của bộ phận IT nội bộ sẽ giảm hẳn đi.

Cho đến nay Việt Nam chưa có nhiều những nơi chuyên tư vấn về giải pháp điện toán đám mây cho doanh nghiệp hay có mà quảng bá chưa tốt, chưa được nhiều nơi biết đến trong khi ở các nước đây là một mảng dịch vụ phát triển nhanh trong những năm gần đây.  

Trong khi đó những nơi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp như Amazon, Google, IBM vẫn còn chưa mạnh dạn triển khai thâm nhập thị trường Việt Nam vì các quy định chưa rõ ràng, đang thay đổi và các khách hàng thuộc dạng tiềm năng như chính phủ, giáo dục vẫn chưa mặn mà với các dịch vụ “đám mây” nghe xa xôi như chuyện trên trời.

Chuyện muôn thuở ở Việt Nam còn là chính sách bất cập. Nếu đọc đoạn “phần mềm như là dịch vụ” (SaaS) ở trên, có lẽ ai cũng nghĩ vậy thì doanh nghiệp phần mềm nên triển khai dạng dịch vụ đám mây cho hiệu quả hơn nhưng không, họ vẫn làm phần mềm đóng gói theo cách cũ. Đơn giản bởi nếu là doanh nghiệp phần mềm, họ sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, được miễn thuế 4 năm từ khi thành lập, 9 năm tiếp theo được miễn 50%, lại hưởng thuế suất thấp chỉ 10%. Trong khi đó nếu họ làm phần mềm theo dạng cung cấp dịch vụ đám mây, tất cả những ưu đãi này biến mất.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...