Tội đồ “lợi
ích nhóm”?
Việc đổ hết mọi tội lỗi lên lợi
ích nhóm trong khi hiểu sai về khái niệm này chính là cách dùng con ngáo ộp làm
che khuất thủ phạm của những kiếm khuyết trong bộ máy.
Xã hội lúc nào cũng có xu hướng
hình thành những nhóm lợi ích. Đó đơn giản là những người cùng chia sẻ một mối
quan tâm nào đó, một lợi ích nào đó và cùng nhau nỗ lực để công khai xúc tiến hỗ
trợ cho lợi ích của mình được xem xét, được tính đến trong chính sách của nhà
nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hay Hiệp hội các nhà đầu
tư tài chính Việt Nam
(Vafi) là những nhóm như thế.
Còn cái gọi là “lợi ích nhóm” bị
nêu ra như là thủ phạm của sự bất ổn trong nền kinh tế thật ra không phải là
nhóm lợi ích. Một hai cổ đông lớn chi phối đến hoạt động của một ngân hàng, buộc
ngân hàng cho vay với các công ty của các cổ đông này là hành động vi phạm pháp
luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi
dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất
là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả. Sự
cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc là nguy cơ mà lợi ích nhóm có thể thúc đẩy
để diễn ra nhưng một khi nó đã diễn ra rồi thì không còn là lợi ích nhóm nữa mà
là vi phạm pháp luật.
Quay trở lại với các nhóm lợi
ích thật sự mà hoạt động vận động hành lang được xem là chuyện bình thường ở
nhiều nước, nên ứng xử với họ như thế nào? Rõ ràng các nhóm lợi ích, vì đại
diện cho một lợi ích nào đó của riêng nhóm này thôi, nên chủ trương, đề xuất
hay hành động có thể đi ngược lại với lợi ích của đa số người dân. Nhiều lúc
lập luận của một nhóm lợi ích tìm mọi cách để bảo vệ cho lợi ích của mình mà bỏ
qua lợi ích của toàn xã hội nghe thật chướng tai. Nhưng không vì thế mà chúng
ta lại lên án các nhóm lợi ích.
Một xã hội lành mạnh là xã hội tạo
điều kiện cho tất cả mọi người, kể cả các nhóm lợi ích, có tiếng nói được lắng
nghe, có cơ hội trình bày ý tưởng, phản biện lại các lập luận phản bác và bảo
vệ ý kiến của mình. Giả định Hiệp hội Lương thực Việt Nam có chủ trương nào đó có lợi cho
hội viên nhưng có hại cho nông dân thì ngay lập tức nông dân thông qua hội của
mình sẽ có tiếng nói ngược lại. Các chủ đầu tư thủy điện cứ khăng khăng bảo vệ cho
các dự án thủy điện thì các nhà hoạt động vì môi trường sẽ tô đậm tác hại của
thủy điện hay người dân sẽ gây sức ép buộc chính quyền ngưng các dự án ảnh
hưởng quá nhiều đến môi trường sống của họ. Các nhóm với tiếng nói khác nhau sẽ
là động lực thúc đẩy xã hội phát triển trong sự giám sát lẫn nhau, trong đó
tiếng nói của những nhóm người bị thua thiệt như dân nghèo phải được hỗ trợ để
được vang lên mạnh như tiếng nói của người có tiền, có của.