Thursday, November 15, 2012

Sửa gì ở Hiến pháp?


Sửa gì ở Hiến pháp?
Thông thường các nước sửa Hiến pháp khi có một hai vấn đề gì đó thật bức xúc, cấp bách hay cần hợp thức hóa, phải đưa ra biểu quyết ở Quốc hội hay trưng cầu dân ý trước toàn dân. Ví dụ như khi Nga sửa Hiến pháp năm 2008 kéo dài nhiệm kỳ tổng thống nước này từ 4 lên 6 năm, Ấn Độ tu chính Hiến pháp năm 1967 để bổ sung tiếng Sindhi làm ngôn ngữ chính thức, Ireland sửa Hiến pháp năm 1973 để giảm độ tuổi đi bầu từ 21 xuống 18 tuổi…
Nếu đọc kỹ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thật khó có thể nêu bật lên vấn đề nào nổi trội trong đợt sửa đổi lần này. Tờ trình của Ủy ban dự thảo có nói về mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là: “… để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.” Đây là một mục đích rất chung chung, có thể đúng vào bất kỳ thời điểm nào hay áp dụng vào bất kỳ tình huống nào.
Sau khi Dự thảo được công bố tại Quốc hội, dư luận cho rằng Dự thảo Hiến pháp lần này đã tăng quyền cho Chủ tịch nước như một điểm nhấn sửa đổi. Thật ra đây là nhận xét hơi vội vàng vì những điều Dự thảo nói về Chủ tịch nước cũng dựa trên căn bản Hiến pháp năm 1992, chỉ có điều được làm rõ về mặt chi tiết ở một số điều khoản.
Trong Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước vẫn có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…; vẫn là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước, theo Hiến pháp 1992, có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ khi xét thấy cần thiết.
Nay Dự thảo chỉ làm rõ thêm những điểm này, ví dụ chuyện phong hàm thì “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”; chuyện họp với Chính phủ thì “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Trong bối cảnh nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước, nhiều người đặt vấn đề tham nhũng tồn tại được là vì cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta yếu, nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng. Hay hiện nay đang có tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan khi tỉnh nào cũng chạy đua cho có bến cảng, sân bay, khu công nghiệp… Cũng có người cho rằng đó là bởi quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương còn nhiều bất cập để xảy ra tình trạng cả nể, xét duyệt dự án đầu tư của địa phương vì các áp lực khác nhau chứ không vì lợi ích chung của đất nước.
Đấy là những vấn đề mà việc sửa đổi Hiến pháp phải bao quát để giải quyết trong đợt sửa đổi lần này.
Với chuyện kiểm soát quyền lực, cần nhấn mạnh và làm rõ được quan điểm sửa đổi mà Ủy ban Dự thảo có nêu: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Làm sao để giải quyết hai vế đối nghịch nhau trong cùng một câu: vừa thống nhất, có sự phân công, phối hợp lại vừa có sự kiểm soát giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp?
Chuyện dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực là chuyện thế giới đã trải qua, đã trăn trở và thu lượm nhiều kinh nghiệm trong hàng trăm năm qua; tại sao chúng ta không tiếp thu thành tựu chung của nhân loại trong lãnh vực này mà cứ khăng khăng nói và làm theo cách của chúng ta.
Hiến pháp phải được sửa đổi để sao cho các bộ trưởng, mỗi khi ra văn bản trái luật thì ngay tức thì bị Quốc hội cách chức; lệnh của Thủ tướng Chính phủ nếu sai luật sẽ bị Chánh án tòa án nhân dân tối cao bác bỏ theo đơn kiện của công dân; Quốc hội phải chuyên nghiệp hoàn toàn, phải chủ động xây dựng các dự án luật và có toàn quyền triệu tập các thành viên Chính phủ đến giải trình mọi chính sách.
Lấy ví dụ chuyện kiểm soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sao cho làm ăn có hiệu quả, không vì lợi nhuận nhất thời mà đầu tư tràn lan ra ngoài lãnh vực chính hay không vì vị thế độc quyền mà chèn lấn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Bởi các bộ hay thậm chí chính phủ là chủ sở hữu doanh nghiệp, ắt hẳn sẽ đứng về lợi ích của doanh nghiệp, vai trò giám sát các tập đoàn, tổng công ty phải giao cho các bộ phận kiểm toán độc lập thuộc Quốc hội chẳng hạn để tìm sự cân bằng về quyền lực. Ngành tư pháp cũng phải đứng ra một cách công minh để xét xử những trường hợp độc quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác hay cho toàn xã hội.
Nói một cách hình ảnh, Luật Doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hình thành cơ chế giám sát lẫn nhau giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc và ban kiểm soát để cổ đông hưởng được lợi ích cao nhất thì Hiến pháp cũng phải làm được chuyện tương tự giữa Quốc hội, Chính phủ và hệ thống tòa án.
Nếu chưa làm được điều đó, thiết nghĩ chưa cần phải sửa đổi Hiến pháp theo cách sửa đổi hình thức như hiện thời. 

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...