Tiền đâu ra?
Khi nói đến các chương trình an
sinh xã hội, điều đầu tiên phải nghĩ đến là kinh phí để thực hiện. Ngân sách
nhà nước hàng năm là con số hầu như đã cố định, chi cho an sinh xã hội tăng lên
thì phải giảm bớt các khoản mục chi tiêu khác xuống. Tăng chi cho an sinh xã
hội để giảm bớt các cảnh đời khốn khó của người nghèo có lẽ là điều ai cũng
mong muốn.
Thế nhưng một nghịch lý hiện nay
là tiếng nói của người nghèo, đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ từ các chương
trình an sinh xã hội nhiều nhất, rất mờ nhạt trong khi tiếng nói của giới có
thu nhập cao hơn lại mạnh hơn, chi phối đến dư luận nhiều hơn.
Lấy ví dụ, cách đây không lâu có
ý kiến từ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề xuất giảm mức khởi điểm
chịu thuế lẫn mức giảm trừ gia cảnh xuống. Nói cách khác ủy ban này muốn nhiều
người nộp thuế thu nhập cá nhân hơn, số tiền thuế nộp cao hơn để ngân sách thu
được nhiều hơn. Một khi ngân sách không bị thất thu một khoản thuế thu nhập khá
lớn thì khả năng tăng chi cho an sinh xã hội sẽ cao hơn. Đề xuất của ủy ban này
có thể hiểu là cách phân bổ lại thu nhập để giảm bớt chênh lệch giàu nghèo - là
một cách làm đúng bài bản của những đại biểu dân cử.
Trong thực tế, đề xuất này đã
gặp phải sự phê phán kịch liệt của công luận và ngay cả những đại biểu khác của
Quốc hội. Và dĩ nhiên sự phản bác này nhận được sự đồng tình của đa số mọi
người có tiếng nói được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người
dân nghèo mà thu nhập không bao giờ đến ngưỡng chịu thuế thì không nắm được vấn
đề, lại không có tiếng nói nên chiều dư luận ngược lại không thấy xuất hiện
trên báo chí.
Loại ví dụ như trên xảy ra nhiều
lần, từ những than phiền mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam quá cao đến những chỉ trích các loại thuế cao
đánh vào ô-tô và câu chuyện chung mức thuế, phí ở Việt Nam thuộc loại cao nhất trên thế
giới. Những chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những địa chỉ đã
sẵn có thu nhập cao lại được hưởng ứng và hoan nghênh.
Vì sao như vậy? Vì sao những
động thái tăng thu ngân sách với hàm ý tăng khả năng chi ngân sách cho an sinh
xã hội lại bị phản đối?
Bởi một lý do đơn giản: không ai
tin rằng đi cùng với tăng thu ngân sách theo kiểu tăng mức thu thuế thu nhập
doanh nghiệp hay thu nhập cá nhân là sự tăng chi cho an sinh xã hội. Bởi nhiều
người nghĩ các khoản tăng thu rồi sẽ lãng phí cho tham nhũng, cho trợ cấp doanh
nghiệp nhà nước, được đổ vào các công trình đầu tư công lãng phí hay để giải
quyết gánh nặng nợ nần của nhiều doanh nghiệp nhà nước từng đổ vỡ như Vinashin.
Những khoản vay của Vinashin ắt rồi được khoanh lại và cuối cùng ngân sách nhà
nước cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả.
Để các chương trình an sinh xã
hội, như tấm lưới cuối cùng nâng đỡ những người dân nghèo khó, được tiến hành
như ở các nước khác, tức là tăng chi cho chúng sẽ là động lực thu hút sự ủng hộ
của đông đảo người dân, việc chi tiêu ngân sách nhà nước phải minh bạch, công
khai một cách thực chất. Trong đó việc kết nối giảm chi ở những khoản mục này
sẽ giúp tăng chi ở những khoản mục khác phải được chú trọng làm rõ, nhấn mạnh
và được kiểm tra chặt chẽ. Có như thế quyền lợi của người dân nghèo mới được
bảo vệ, tiếng nói của họ mới được chú ý lắng nghe và vang lên trên các diễn đàn
công luận.