Thuyết âm mưu và Facebook
Thuyết âm mưu (conspiracy theories) là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Ví dụ, giới theo thuyết âm mưu cho rằng Tổng thống Kennedy bị ám sát là do có bàn tay của CIA hay Mafia Mỹ đứng đằng sau. Danh sách những thuyết âm mưu hấp dẫn rất dài, như phi thuyền Apollo không hề đáp cánh trên Mặt trăng, căn bệnh AIDS là do con người chế tạo ra, người ngoài hành tinh từng đến thăm Trái đất nhưng Chính phủ Mỹ giấu biệt…
Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm mắm thêm muối. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của người dân, báo chí lá cải thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích. Còn giới nghiên cứu học thuật nghiêm túc thì tránh xa, ít ai muốn dây vào vì rất khó cãi lý lẽ với những người theo thuyết âm mưu.
Riêng về chuyện Facebook được cho là công cụ của CIA thì đầy ở trên mạng từ nhiều năm nay. Đây là loại chuyện theo thuyết âm mưu nên nó chỉ lưu truyền trong giới thích các âm mưu ly kỳ, ít khi xuất hiện trên báo chí chính thống. Thỉnh thoảng nó lại được báo chí nghiêm túc đề cập, theo kiểu tường thuật những dư luận âm ỉ trên mạng, chứ không phải họ cổ súy cho lối biện giải này.
Bài “Facebook – the CIA Conspiracy” trên tờ New Zealand Herald là thuộc loại đó, viết từ năm 2007. Đây là thời điểm thiên hạ đang quan tâm đến chuyện hai anh em Winklevoss kiện Mark Zuckerberg vì cho rằng anh chàng sinh viên Harvard này ăn cắp ý tưởng Facebook của họ. (Xem thêm bài “Kiện tụng quanh việc ra đời Facebook” tôi viết vào năm ngoái). Khai thác quanh chuyện kiện thì hết chi tiết mới rồi nên New Zealand Herald mới quay qua khai thác thuyết âm mưu về Facebook và CIA, viết theo kiểu nửa đùa nửa thật, cho ly kỳ, theo đúng phong cách thuyết âm mưu.
Vậy mà Tạp chí Cộng sản lại trích dịch bài này như một chuyện sự thật hiển nhiên với cái tít “Facebook-Công cụ bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ”. Chỉ mấy ngày sau, bài báo này đã bị gỡ xuống, chắc Tạp chí Cộng sản đã thấy sự vội vàng (dân gian gọi là nhanh nhẩu đoản) trong xử lý thông tin rồi.
No comments:
Post a Comment