Sunday, June 13, 2010

“Lung linh” những con số

“Lung linh” những con số

Bạn có biết thu nhập đầu người nước ta tính theo USD tăng cao nhất vào năm nào không? Năm 2008! Đúng là năm nền kinh tế rơi vào khó khăn nhất.

Đây là những con số chính thức do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm ngoái. Lúc đó Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức họp báo (ngày 31-12-2009) và cho biết: GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 1.024 USD. Trong khi con số đó của năm 2007 chỉ là 833 USD, một mức tăng đến 22,9%.

Trích: “Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản Quốc gia: Nếu lấy con số GDP theo giá thực tế của năm 2008 là hơn 1.487 nghìn tỷ đồng, chia cho dân số là 86,16 triệu người thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam là cỡ khoảng trên 17 triệu đồng/năm. Sau đó chia cho tỷ giá là 16.700 đồng/USD thì GDP bình quân đầu người một năm của Việt Nam vào khoảng 1.024 USD”.

Có chuyện lạ kỳ như vậy vì GDP đầu người tính theo con số danh nghĩa gồm luôn cả lạm phát năm 2008, lên đến gần 23% (cũng là con số tại buổi họp báo này). Chính vì vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng “nếu như tính theo các chỉ số giá và tỷ giá như năm 2007, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ tăng khoảng trên 900 USD/người”. Có thể tham khảo nguồn ở đâyở đây.

Trên trang web của Tổng cục Thống kê, có thể lấy được con số GDP tuyệt đối tạm tính cho năm 2009 là 1.645.481 tỷ đồng. Dân số nước ta năm 2009 vào khoảng 87 triệu người. Tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào cuối năm 2009 là 17.941 đồng/USD. Như vậy GDP đầu người năm 2009 là vào khoảng 1.050 USD. Không còn mức tăng kinh khủng như năm 2008 nữa là vì lạm phát năm 2009 thấp hơn nhiều; tỷ giá lại được điều chỉnh mấy lần (tỷ giá mà Tổng cục Thống kê lấy để tính toán cho năm 2008 là 16.700 đồng/USD).

Không cần để ý đến các con số, chúng ta cũng có thể thấy GDP bình quân đầu người không phản ánh được điều gì cả nếu tính theo con số danh nghĩa vì phụ thuộc vào lạm phát, tỷ giá…

Nay Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa mới cho biết thu nhập bình quân đầu người nước ta trong năm 2010 là 1.200 USD. Đây là con số rất đáng phấn khởi!!! Nhưng hãy bình tĩnh xem ở đâu ra con số này. Nếu so với năm 2009 thì ngay cả khi giả định là dân số không tăng, GDP năm 2010 phải tăng 14,3% mới ra con số này! Còn nếu tính cả việc tăng dân số và khả năng điều chỉnh tỷ giá thì trong năm 2010, GDP danh nghĩa phải tăng chừng 17% thì mới có thể đạt 1.200 USD/ đầu người. Nếu loại trừ yếu tố tăng CPI chừng 7-8% thì GDP thực phải tăng trên dưới 9-10% trong khi con số từng được công bố chính thức làm mục tiêu là 6,5%.

Nếu bỏ vô exel những thông số kiểu “du di” như thế, tính toán một hồi thì GDP đầu người năm 2020 cũng rất có thể tăng thành 3.000 USD và năm 2050 thành 20.000 USD như chơi.

Nhưng ở đó sẽ phải có hai giả định rất quan trọng: lạm phát trong những năm tới sẽ luôn ở mức cao để duy trì mức tăng GDP danh nghĩa cao, nhưng đồng thời tỷ giá sẽ phải được duy trì ở mức tương đối ổn định.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại thu nhập đầu người trong mấy năm qua. Lý do quan trọng nhất khiến GDP đầu người tính theo USD của Việt Nam tăng rất nhanh là vì lạm phát của chúng ta rất cao. Lẽ ra tiền đồng phải mất giá tương ứng để khi đổi sang USD thì thu nhập đầu người tăng đúng theo mức tăng GDP thực tế mà chúng ta thường nghe công bố. Nhưng không, hai con số này vẫn cứ đường anh anh đi, đường tôi tôi tính. Duy trì chuyện này được trong bao lâu? Cái giá phải trả là sự hụt giảm dự trữ ngoại tệ lên đến 8,8 tỷ USD trong năm ngoái.

Như vậy, đúng như phân tích của các chuyên gia kinh tế, lạm phát đang như một thứ thuế đánh lên người nghèo; còn người có thể tiếp cận được các phương thức khác, đã chuyển thu nhập của họ sang tài sản khác như tiền đô-la và được nhà nước bảo đảm “sẽ duy trì tỷ giá ổn định”.

Nói một cách đơn giản, có lẽ chúng ta đã từng nghe nói về cân bằng sức mua (ví dụ một một ổ bánh mì ở Mỹ bán giá 1 USD nhưng ở Việt Nam chỉ có 2.000 đồng thì tỷ giá theo cân bằng sức mua là 2.000 đồng/USD). Chính cái tỷ giá này đang tăng vụt (ví dụ bánh mì nay lên 3.000 đồng), làm cho sức mua của người dân ngày càng giảm cho dù GDP đầu người có tăng trên 1.000 hay 1.200 USD.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...