Tuesday, June 8, 2010

Cách chứng minh tôi là con mèo

Cách chứng minh tôi là con mèo

Nhiều người được một trận cười nghiêng ngả, nhiều người khác lắc đầu chán nản khi nghe lời phát biểu của một đại biểu Quốc hội: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao” (Vneconomy).

Tôi thì luôn lắng nghe nghiêm túc mọi phát biểu của các đại biểu Quốc hội bởi nó có thể cho ta hiểu được nhiều điều. Riêng trong trường hợp này, cười hay ngao ngán, chúng ta cũng cần chỉ ra cho được cái sai trong lập luận, kẻo sẽ không công bằng khi chỉ cổ súy cho những ý kiến phản đối dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Lập luận như trích ở trên là một tam đoạn luận rút gọn. Viết đầy đủ sẽ gồm ba phần như thế này:

- Những nước có chỉ số IQ cao thì xây đường sắt cao tốc.

- Việt Nam có chỉ số IQ cao.

- Việt Nam cũng xây đường sắt cao tốc.

Vấn đề ở chỗ tam đoạn luận này sai. Khoan xét đến chuyện IQ bởi nó phức tạp hơn (và cũng mang tính xúc phạm dân tộc mình và dân tộc khác). Chỉ cần đọc lại tiên đề chính, chúng ta sẽ thấy đường sắt cao tốc không phải là thuộc tính duy nhất của các nước có chỉ số IQ cao. Lấy một ví dụ sau cho dễ hình dung:

- Tất cả các con mèo đều có lông.

- Tôi có lông.

- Vậy tôi là mèo.

Cái sai của lập luận này là ở chỗ lông không phải là thuộc tính duy nhất của mèo.

Những người phản đối dự án đường sắt cao tốc có thể dùng chính lập luận trên để tranh cãi. Đại loại những nước có chỉ số IQ cao thì có mạng lưới đường bộ phát triển, đường cao tốc mấy làn xe nối khắp cả nước; Việt Nam ta có chỉ số IQ cao nên Việt Nam phải có mạng lưới đường bộ phát triển… Đáng tiếc là hầu hết mọi ý kiến ủng hộ dự án đường sắt cao tốc đều rơi vào những sai lầm về mặt lập luận như thế.

Về tam đoạn luận nói riêng và những suy diễn sai thường ngày nói chung diễn ra khá phổ biến. Vì thế có nhiều lời khuyên các sinh viên đều nên học qua một khóa về lô-gích học để làm nền tảng cho mọi tranh luận và lập luận của mình. Rất tiếc ở Việt Nam không thấy dạy môn này.

----------------------------------

Cập nhật: Có một số phản hồi rất thú vị cho entry này. Xin trích một mẩu:

Tôi e rằng bác có chỗ nhầm lẫn trong bài trên blog mới đây của mình. Khoan hãy nói lập luận của ông ĐHQH là sai (tôi thì tôi tin nó nhảm). Phát biểu của bác có thể viết lại theo ký hiệu logic bậc 1 (first-order logic) như sau:

Với mọi A: IQ cao(A) -> Xây cao tốc(A)
IQ cao(Việt Nam)

Dẫn đến (entails)
=> Xây cao tốc (Việt Nam)

Lập luận này hoàn toàn logic.

Cái này khác với ví dụ con mèo:
Với mọi A, Là Mèo(A) -> Có lông(A)
Có lông (Tôi)

thì không dẫn đến Là Mèo(Tôi), tức là tôi là mèo.

Cái mà ông Trần Tiến Cảnh sai, là định đề:
Với mọi A: IQ cao(A) -> Xây cao tốc(A)

Định đề này không đúng, vì ba lẽ:

1. Phát biểu này không đầy đủ, đầy đủ hơn phải là:

Với mọi A: IQ cao(A) AND Đạt mức phát triển cao (A) -> Xây cao tốc(A)

2. IQ cao(Việt Nam) - cái này không có bằng chứng.

3. Phát biểu ngược lại có cơ hội đúng cao hơn:

Tồn tại A: Xây cao tốc(A) -> IQ cao(A)

Trân trọng

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...