Không chỉ chuyện kinh tế
Kể từ ngày bế mạc kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XII vào ngày 15-11-2008 đến ngày khai mạc kỳ họp thứ Năm vào ngày 20-5-2009, đã có 186 ngày trôi qua với biến bao diễn biến trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đổ ập vào nước ta, làm cho GDP của quý 1 chỉ còn tăng trưởng ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái; các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều cho thấy tác động tiêu cực này: giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,1%, xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, nhập khẩu giảm 45%...
Cử tri toàn quốc đang trông chờ kỳ họp Quốc hội lần này để tìm lời giải đáp cho những băn khoăn của họ liên quan đến các chính sách ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn: việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân như thế nào, kích cầu sao cho có hiệu quả nhất và trúng đối tượng cần kích cầu nhất, làm sao để vừa có tiền chi tiêu cho các chương trình kinh tế quan trọng nhưng không để xảy ra tình trạng bội chi ngân sách kỷ lục để lại gánh nặng nợ nần cho những năm sau.
Tuy nhiên, trên bình diện cá nhân, từng cử tri ắt đang kỳ vọng kỳ họp Quốc hội lần này sẽ làm rõ những vấn đề xã hội nhức nhối đang diễn ra trước mắt mọi người dân hàng ngày, hàng giờ. Khủng hoảng kinh tế có thể rất trầm trọng và kéo dài nhưng không dai dẳng và trực tiếp như hiện tượng môi trường sống đang xuống cấp rõ rệt*: Ô nhiễm, kẹt xe, đường phố ngập trong nước và rác, dịch bệnh hoành hành ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Khó khăn kinh tế có thể chưa lan đến các vùng sâu vùng xa nhưng trước mắt người dân bị giải tỏa cho các dự án chưa được làm rõ hiệu quả kinh tế, đã mất đi phương tiện sinh sống. Thông tấn xã Việt
Vấn đề không phải là các đại biểu dùng diễn đàn để nói lại những bức xúc ấy của người dân. Vấn đề là làm sao thay đổi được suy nghĩ của bộ máy hành chính, đừng chạy theo những con số kinh tế khô khan mà hãy hoạch định chính sách dựa vào những thước đo mới, với mục đích sau cùng là ổn định và nâng cao mức sống của người dân. Làm sao để từng cán bộ trong bộ máy nhà nước ý thức được trách nhiệm cao nhất của họ là cùng nhau tổ chức cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người chứ không phải là sự lẫn tránh trách nhiệm, là sự đỗ lỗi cho khách quan, cho khó khăn từ bên ngoài.
Vai trò của từng đại biểu Quốc hội đang nặng nề hơn bao giờ hết. Bởi họ hiểu rõ cách làm theo kiểu chất vấn, giải trình, hứa hẹn từng diễn ra ở các kỳ họp trước ắt sẽ không còn được người dân chấp nhận. Quốc hội, nơi đại diện cho quyền lực cao nhất của người dân, có trách nhiệm thực thi quyền giám sát của mình: đối chiếu các lời hứa trước đây với thực tế cuộc sống để làm rõ trách nhiệm của những người thực thi chính sách.
* Nói thêm: Hằng ngày trên đường đi làm, khi phải len lỏi vượt qua các quãng đường có “lô-cốt”, tôi chẳng biết dùng từ nào để diễn tả cái tâm trạng của mình lúc đó: lầm lũi? nhẫn nại? nhẫn nhục? Cái cảm giác bao trùm là mình dần thấy mình và những người chung quanh đang đánh mất lòng tự trọng, sự đàng hoàng phải có. Ai nấy đều phải cố gắng thoát khỏi sự bức bối, nghẽn đường do lô cốt gây ra nên sẵn sàng phóng lên lề đường, chen lấn, dù có muốn đi cho đàng hoàng cũng không được vì đằng sau cứ thúc tới, bên hông chen qua… Lề đường nát bét, lòng đường bị cày xới, bụi khói mù mịt. Tại sao người ta không tổ chức đào đường cho đàng hoàng một chút, tại sao không tập trung làm cho xong đoạn nào ra đoạn nấy. Cả thành phố bầy hầy vấn nạn lô cốt mà nếu biết tổ chức, nếu quan tâm đến chất lượng cuộc sống thì không khó để cải thiện tình hình. Cái này tôi nghĩ nó quan trọng hơn bất kỳ con số tăng giảm GDP nào khác.
No comments:
Post a Comment