Sunday, May 3, 2009

Mot thai cuc khac

Một thái cực khác

Ở một thái cực ngược lại chuyện “đào tạo tiến sĩ dỏm” ở Việt Nam mà nhiều người đã phân tích, GS Mark Taylor (Đại học Columbia) vừa viết trên tờ New York Times về các chương trình nghiên cứu sinh ở các đại học Mỹ mà theo ông: 1) cho ra đời những sản phẩm không có thị trường; 2) phát triển những kỹ năng mà nhu cầu ngày càng thu hẹp; 3) với chi phí ngày càng tăng.

Trước đây từng nghe kể chuyện các lãnh vực nghiên cứu ở Mỹ ngày càng hẹp đến nỗi, một người bạn ví von, anh A nghiên cứu đầu con tôm, anh B tìm hiểu sâu thân con tôm còn anh C chuyên trị đuôi con tôm.

GS Taylor cũng có nhận xét như vậy. Ông cho rằng các nghiên cứu ngày càng nhiều nhưng ngày cũng càng ít đi vào thực chất, mỗi chuyên gia sở hữu kiến thức chuyên ngành hẹp mà thường là không liên quan gì đến các vấn đề quan trọng thật sự.

Ông này bật mí các trường khuyến khích sinh viên đi làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ vì sử dụng họ làm trợ giảng hay trợ lý phòng nghiệm thì rẻ hơn nhiều so với việc phải tuyển giáo sư toàn thời gian.

Có dịp đọc khá nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế - xã hội Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài, tôi thấy phần lớn rất công phu nhưng phải nói là vô bổ. Họ tiêu tốn rất nhiều thời gian cho những mô hình phức tạp để cuối cùng đưa ra những kết luận mà bằng trực giác nhiều người khác có thể chỉ ra trong một bài viết ngắn. Ẩn đằng sau một loại ngôn ngữ rất hàn lâm, phức tạp, các nghiên cứu loại này nếu diễn dịch ra một ngôn ngữ bình thường, sẽ thấy… không nói lên điều gì cả. Dĩ nhiên vẫn có những công trình rất hữu ích, rất hấp dẫn và mới lạ nhưng loại trên phải nói chiếm đa số, ít nhất trong kinh nghiệm của tôi.

 

 

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...