Tương phản
Nguyễn Vạn Phú
* Nếu có dịp đi qua các con đường như Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, có lẽ ai cũng chia sẻ nhận xét thành phố của chúng ta hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Các lô cốt không chỉ băm nát những con đường ở phần chúng chiếm chỗ, chúng còn làm không gian quanh chúng tan nát vì chịu lượng xe lớn gấp mấy lần bình thường cày xé, lề đường bị băm vụn, không khí đặc quánh bụi bẩn. Tệ hại hơn, các lô cốt này còn góp phần hủy hoại “bản tính thiện” của con người khi ai ai cũng phải chen lấn tranh đường thoát thân. Nó làm xói mòn tinh thần tôn trọng luật lệ đi đường của người dân cho dù không ai muốn thế.
Nhiệm vụ của bộ máy chính quyền một thành phố, suy cho cùng là tổ chức một cuộc sống đô thị ngày càng nền nếp, văn minh, lịch sự hơn. Thành phố đã không làm được điều này. Các công trình chỉnh trang đô thị chắc chắn muốn hướng đến lợi ích về sau; có lẽ người dân đang chịu đựng các lô cốt giăng khắp các nẻo đường thành phố vì hy vọng chúng sẽ giúp giải quyết các vấn nạn lâu năm. Thế nhưng có ai đứng ra giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho người dân, hệ thống lô cốt đó nhằm phục vụ công trình nào, cách thức đào đường ra sao, có biện pháp gì hạn chế những trở ngại cho chúng gây ra trong thời gian thi công, bao giờ thì xong, khi xong người dân có thể kỳ vọng được gì, mặt đường sẽ được tái lập như thế nào… Hoàn toàn vắng bóng một sự chủ động như thế và thông tin có chăng là từ các thắc mắc của người dân hay chất vấn của đại biểu dân cử và được các quan chức trả lời nhằm giải trừ trách nhiệm trên báo chí.
Sự tương phản ở đây là trong khi đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các quy định sẽ tác động lớn đến cuộc sống của nhiều người dân nghèo như cấm xe ba bốn bánh tự chế trong nội đô. Đành rằng các biện pháp này đúng là nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị nhưng một khi chuyện lớn chưa làm được (chấn chỉnh việc đào đường, lập lô cốt) thì chuyện cấm đoán này sẽ khó lòng tìm được sự đồng thuận của người dân.
* * *
* Một điều ngẫu nhiên là sự tương phản kiểu như thế lại xuất hiện từ các phát biểu khá ấn tượng trong tuần trước. Tại một cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đòi hỏi nhà nước phải điều chỉnh chính sách tín dụng cho bất động sản theo hướng kích thích sự phát triển của thị trường này trở lại, không để nó đóng băng. Có những ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất, thậm chí Ngân hàng Nhà nước nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có thêm vốn cho vay mua bất động sản!
Chỉ mới một thời gian rất ngắn trước đây, các phân tích từ chính phủ, các chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước, đều thấy sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân gây nên bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm. Nay tuy tình hình đã tương đối ổn định ở nhiều lãnh vực, tín dụng bất động sản vẫn còn là một ẩn số lớn, chưa lường hết tác động một khi các khoản vay đáo hạn.
Quan trọng hơn, những khoản đầu tư bất động sản lớn nhất, liên quan đến hệ thống ngân hàng nhiều hơn, lại đến từ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và một số cá nhân có quan hệ với các chủ thể này. Từ tháng 4-2008, Bộ Chính trị đã nhận định: “Việc vay vốn của các tổ chức tín dụng và sự tham gia vào đầu tư bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khá lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ.” Vấn đề của thị trường bất động sản nước ta nằm ở một số ít chủ thể này chứ không phải lãi suất gì cả.
Nhiều người nhận xét Việt Nam còn may mắn khi thị trường bất động sản đã xì hơi và xì hơi từ từ. Thật khó hiểu khi vẫn có những người muốn bơm hơi trở lại vào chiếc bong bóng nguy hiểm này.
* * *
* Cũng tuần trước, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “[Việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có ‘chùng’ xuống không] cũng liên quan đến hoạt động của báo chí, nhất là sau khi một số nhà báo bị khởi tố, xử lý thì thông tin báo chí có ‘chùng’ xuống” (SGGP). Trên báo Tuổi Trẻ, ông nói: “Việc ‘chùng’ xuống là do cách thông tin… nếu ‘chùng’ xuống thì chỉ có báo chí ‘chùng’, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không ‘chùng’.”
Đây là một tác động đương nhiên khi một số nhà báo bị khởi tố, một số khác bị rút thẻ hành nghề hay điều chuyển công tác khác. Không nói đến việc đúng sai, các nhà báo chắc chắn sẽ phải dè dặt cân nhắc kỹ hơn khi đưa tin tham nhũng, dù từ nguồn tin có thẩm quyền. Việc chủ động điều tra chống tham nhũng từ báo chí càng khó hơn nữa.
Một mặt, việc báo chí phải phối kiểm nguồn tin kỹ lưỡng hơn trước, dù sao, cũng làm cho tính chuyên nghiệp của báo chí được nâng lên. Nhưng mặt khác, cơ quan phòng chống tham nhũng phải thấy được trách nhiệm đưa thông tin chính thức đến với công luận qua báo chí.
Sự bức xúc của công luận chỉ có thể được giải quyết bằng một sự minh bạch và kịp thời trong thông tin. Chính ông Trần Văn Truyền cũng thừa nhận có những vụ việc đã diễn ra rồi, đã giải quyết xong nhưng vì chưa công bố nên dư luận không biết. Suy cho cùng, chính người dân là nơi đánh giá quan trọng nhất việc phòng chống tham nhũng của nước ta có đang có hiệu quả hay không chứ không phải đã giải quyết “nghiêm khắc” trong nội bộ là yên tâm chống tham nhũng thành công. Và trong khía cạnh đó, báo chí có “chùng” xuống thì đó cũng là sự đình trệ trong nỗ lực chống tham nhũng, ít nhất là trong cảm nhận của người dân.
Nguyễn Vạn Phú
* Nếu có dịp đi qua các con đường như Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, có lẽ ai cũng chia sẻ nhận xét thành phố của chúng ta hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Các lô cốt không chỉ băm nát những con đường ở phần chúng chiếm chỗ, chúng còn làm không gian quanh chúng tan nát vì chịu lượng xe lớn gấp mấy lần bình thường cày xé, lề đường bị băm vụn, không khí đặc quánh bụi bẩn. Tệ hại hơn, các lô cốt này còn góp phần hủy hoại “bản tính thiện” của con người khi ai ai cũng phải chen lấn tranh đường thoát thân. Nó làm xói mòn tinh thần tôn trọng luật lệ đi đường của người dân cho dù không ai muốn thế.
Nhiệm vụ của bộ máy chính quyền một thành phố, suy cho cùng là tổ chức một cuộc sống đô thị ngày càng nền nếp, văn minh, lịch sự hơn. Thành phố đã không làm được điều này. Các công trình chỉnh trang đô thị chắc chắn muốn hướng đến lợi ích về sau; có lẽ người dân đang chịu đựng các lô cốt giăng khắp các nẻo đường thành phố vì hy vọng chúng sẽ giúp giải quyết các vấn nạn lâu năm. Thế nhưng có ai đứng ra giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho người dân, hệ thống lô cốt đó nhằm phục vụ công trình nào, cách thức đào đường ra sao, có biện pháp gì hạn chế những trở ngại cho chúng gây ra trong thời gian thi công, bao giờ thì xong, khi xong người dân có thể kỳ vọng được gì, mặt đường sẽ được tái lập như thế nào… Hoàn toàn vắng bóng một sự chủ động như thế và thông tin có chăng là từ các thắc mắc của người dân hay chất vấn của đại biểu dân cử và được các quan chức trả lời nhằm giải trừ trách nhiệm trên báo chí.
Sự tương phản ở đây là trong khi đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các quy định sẽ tác động lớn đến cuộc sống của nhiều người dân nghèo như cấm xe ba bốn bánh tự chế trong nội đô. Đành rằng các biện pháp này đúng là nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị nhưng một khi chuyện lớn chưa làm được (chấn chỉnh việc đào đường, lập lô cốt) thì chuyện cấm đoán này sẽ khó lòng tìm được sự đồng thuận của người dân.
* * *
* Một điều ngẫu nhiên là sự tương phản kiểu như thế lại xuất hiện từ các phát biểu khá ấn tượng trong tuần trước. Tại một cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đòi hỏi nhà nước phải điều chỉnh chính sách tín dụng cho bất động sản theo hướng kích thích sự phát triển của thị trường này trở lại, không để nó đóng băng. Có những ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất, thậm chí Ngân hàng Nhà nước nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có thêm vốn cho vay mua bất động sản!
Chỉ mới một thời gian rất ngắn trước đây, các phân tích từ chính phủ, các chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước, đều thấy sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân gây nên bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm. Nay tuy tình hình đã tương đối ổn định ở nhiều lãnh vực, tín dụng bất động sản vẫn còn là một ẩn số lớn, chưa lường hết tác động một khi các khoản vay đáo hạn.
Quan trọng hơn, những khoản đầu tư bất động sản lớn nhất, liên quan đến hệ thống ngân hàng nhiều hơn, lại đến từ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và một số cá nhân có quan hệ với các chủ thể này. Từ tháng 4-2008, Bộ Chính trị đã nhận định: “Việc vay vốn của các tổ chức tín dụng và sự tham gia vào đầu tư bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khá lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ.” Vấn đề của thị trường bất động sản nước ta nằm ở một số ít chủ thể này chứ không phải lãi suất gì cả.
Nhiều người nhận xét Việt Nam còn may mắn khi thị trường bất động sản đã xì hơi và xì hơi từ từ. Thật khó hiểu khi vẫn có những người muốn bơm hơi trở lại vào chiếc bong bóng nguy hiểm này.
* * *
* Cũng tuần trước, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “[Việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có ‘chùng’ xuống không] cũng liên quan đến hoạt động của báo chí, nhất là sau khi một số nhà báo bị khởi tố, xử lý thì thông tin báo chí có ‘chùng’ xuống” (SGGP). Trên báo Tuổi Trẻ, ông nói: “Việc ‘chùng’ xuống là do cách thông tin… nếu ‘chùng’ xuống thì chỉ có báo chí ‘chùng’, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không ‘chùng’.”
Đây là một tác động đương nhiên khi một số nhà báo bị khởi tố, một số khác bị rút thẻ hành nghề hay điều chuyển công tác khác. Không nói đến việc đúng sai, các nhà báo chắc chắn sẽ phải dè dặt cân nhắc kỹ hơn khi đưa tin tham nhũng, dù từ nguồn tin có thẩm quyền. Việc chủ động điều tra chống tham nhũng từ báo chí càng khó hơn nữa.
Một mặt, việc báo chí phải phối kiểm nguồn tin kỹ lưỡng hơn trước, dù sao, cũng làm cho tính chuyên nghiệp của báo chí được nâng lên. Nhưng mặt khác, cơ quan phòng chống tham nhũng phải thấy được trách nhiệm đưa thông tin chính thức đến với công luận qua báo chí.
Sự bức xúc của công luận chỉ có thể được giải quyết bằng một sự minh bạch và kịp thời trong thông tin. Chính ông Trần Văn Truyền cũng thừa nhận có những vụ việc đã diễn ra rồi, đã giải quyết xong nhưng vì chưa công bố nên dư luận không biết. Suy cho cùng, chính người dân là nơi đánh giá quan trọng nhất việc phòng chống tham nhũng của nước ta có đang có hiệu quả hay không chứ không phải đã giải quyết “nghiêm khắc” trong nội bộ là yên tâm chống tham nhũng thành công. Và trong khía cạnh đó, báo chí có “chùng” xuống thì đó cũng là sự đình trệ trong nỗ lực chống tham nhũng, ít nhất là trong cảm nhận của người dân.
No comments:
Post a Comment