Tản mạn chuyện giáo dục
Nguyễn Vạn Phú
+ Đôi lúc lẩn thẩn tự hỏi, giả dụ mình phỏng vấn một người Anh đến Việt Nam xin việc làm, nghe nói rất giỏi tiếng Việt, mình sẽ phỏng vấn như thế nào nhỉ? Chắc sẽ bày đặt ra một vài tình huống để anh này ứng xử bằng tiếng Việt xem sao. Còn kiểm tra bằng giấy, chắc cũng yêu cầu anh này viết một thư ngắn trả lời cho một khiếu nại của khách hàng hay cùng lắm là bắt trả lời một số câu hỏi dựa vào một bài báo tiếng Việt để xem anh ta đọc có hiểu chính xác không.
Trong một tình huống như vậy, có lẽ không ai trong chúng ta nghĩ đến việc bắt người được phỏng vấn xác định đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong một câu tiếng Việt. Không ai bắt anh ta phân tích câu đơn, câu phức hay đổi câu “Tôi đang đói bụng” sang thì quá khứ!
Ấy vậy mà chúng ta đã có thời ra đề kiểm tra trình độ ngoại ngữ của học sinh theo kiểu đó. Hết “chủ động” qua “bị động”, hết “quá khứ hoàn thành” qua “tương lai tiếp diễn”. Nay mặc dù việc soạn đề thi có khá hơn nhưng tâm lý người ra đề, nhất là các đề thi trình độ cao cao một chút, vẫn xoay quanh các kỹ năng về một ngôn ngữ mà ngay chính người bản ngữ cũng chưa biết rành rẽ.
Đề thi nào cũng quanh quẩn các hình thức nhằm bẫy cho thí sinh bị sai hơn là nhằm kiểm tra được khả năng sử dụng ngoại ngữ của họ. Việc dạy và học cũng không khá hơn khi ai nấy chăm chăm vào cái vỏ bọc ngôn ngữ mà không chịu chú ý đến thông tin được chuyển tải. Chẳng lạ gì có một quảng cáo cứ khẳng định “Muốn học giỏi tiếng Anh phải giỏi văn phạm”.
Trong tình huống phỏng vấn nói ở trên, điều chúng ta cần biết là khả năng giao tiếp của anh chàng người Anh khi sử dụng tiếng Việt còn vỏ bọc ngôn ngữ, đặc biệt là cách phát âm, sẽ được chính chúng ta coi là thứ yếu. Chúng ta sẽ thán phục nếu anh này hiểu được những khái niệm mới nảy sinh như “lô-cốt”, biết miêu tả tình huống mới như “kẹt xe, ngập nước” hơn là khi anh chàng này nói thao thao bất tuyệt về vẻ đẹp Vịnh Hạ Long nhờ học thuộc lòng trước một bài văn mẫu nào đó.
Nếu không sớm thay đổi cách nhìn về chuyện dạy, học và kiểm tra các môn ngoại ngữ, trình độ sử dụng ngoại ngữ nói chung của xã hội sẽ tụt hậu và đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ sử dụng một thứ ngoại ngữ mà chỉ có thế hệ những người lớn tuổi của nước có ngoại ngữ đó hiểu mà thôi.
* * *
+ Một dịp tình cờ, người viết chứng kiến học sinh mẫu giáo ở một nước nói tiếng Anh học về các giác quan. Cô giáo trò chuyện với học sinh, hỏi những câu rất bình thường như nhà em có nuôi chó không, em có thường vuốt ve nó không và kết thúc bằng câu hỏi, vậy đó là giác quan gì. Các em học sinh không những trả lời nhanh chóng dễ dàng mà sau đó còn tự nghĩ ra các tình huống tương tự để đố nhau về các giác quan. Toàn là những từ quen thuộc với lứa tuổi các em.
Bây giờ giả thử chuyển lớp học này sang Việt Nam, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt. Các em sẽ bị “choáng váng” vì những từ như “xúc giác, vị giác, khứu giác, thích giác, thị giác”. Các em sẽ không dễ dàng gì liên tưởng chuyện sờ, nếm, ngửi, nghe, thấy với những khái niệm xa lạ này nên khó lòng nhớ và sử dụng chúng cho chính xác.
Và từ đây, người viết cũng lẩn thẩn nghĩ, không biết các khái niệm trong tiếng Việt kiểu như thế có là trở ngại cho việc giảng dạy kiến thức tại nhà trường phổ thông. Chắc là có. Ngay cả các mẫu tự trong các công thức cũng không dính líu gì đến kiến thức đã học trong khi học sinh học bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng hiểu và nhớ T là time; V là velocity; S là size… Ví dụ với môn quản trị kinh doanh, sinh viên phải vật lộn với hàng loạt từ mới chưa từng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như “hiện giá”, “tỷ suất hoàn vốn nội bộ”… trong khi ở ngôn ngữ khác như tiếng Anh, chúng là những từ thông dụng hằng ngày.
Chuyện này khó thay đổi. Nhưng điều có thể thay đổi được và cũng là xu hướng truyền đạt kiến thức ở các nước là chú trọng mỗi bài học, nên rút ra, in đậm, nhấn mạnh, giải thích, tập sử dụng một số khái niệm cơ bản để hiểu bài. Hiện nay sách giáo khoa được soạn theo cách trình bày có đầu có đuôi, nói hết mọi điều người soạn sách nghĩ học sinh cần biết nhưng hầu như không có điểm nhấn. Sách trình bày rất đơn điệu, theo kiểu tiết kiệm giấy, không tận dụng các kỹ thuật trình bày đã là chuẩn mực của sách giáo khoa nhằm giúp người học dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ nhớ… Thiết nghĩ chuyện cải cách giáo dục cũng phải tính đến các yếu tố này.
* * *
+ Việc phân bổ các môn học trong chương trình phổ thông ở các nước cũng đáng tham khảo. Một học sinh có thể đăng ký học môn Vật lý lúc học lớp 10, đến lớp 11 chuyển qua học Hóa học, năm 12 học Sinh vật, tức là năm nào học xong hết chương trình trung học cho môn ấy, những năm sau khỏi cần học lại. Các môn xã hội cũng vậy, Lịch sử một năm, Địa lý một năm. Với các phân bổ này, học sinh bỗng dư ra một lượng thời gian khá lớn để đăng ký học những môn mà các em thích chọn như Tâm lý học đại cương, Kinh tế học thường thức, Chính trị các nước hay thậm chí những môn nghe có vẽ “ăn chơi” như Tranh luận, Kỹ năng sống, Thời sự, Nấu ăn, Nhiếp ảnh…
Chắc có người sẽ chê, toàn bộ Vật lý cấp ba mà học trong một năm làm sao hết được, chỉ là kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Thú thiệt đây là nhận xét, người viết không biết đúng sai nhưng chỉ có điều ở những nước phân môn theo kiểu đó, học sinh có thiên hướng thích học kỹ môn nào đều có thể ghi danh lớp đặc biệt, dành riêng cho những học sinh giỏi, kiểu lớp chọn ở nước ta. Mà suy cho cùng, phân môn kiểu đó như một dạng phân ban không chính thức, học sinh sau này đi theo ngành Kinh tế chẳng hạn, đâu cần học kỹ môn Sinh vật như học sinh sẽ theo ngành Y. Trong bối cảnh chúng ta đang loay hoay giảm tải, loay hoay thí điểm chuyện phân ban, nên nghiên cứu xem cách các nước đang áp dụng có khả thi ở nước ta hay không, sẽ đem lại lợi ích gì và cần cân nhắc những gì – với mục tiêu đào tạo ra những con người biết thích nghi với thời đại đang thay đổi hiện nay.
No comments:
Post a Comment