Thực và ảo
Nguyễn Vạn Phú
Thử hình dung hai thế giới, một bên là những công nhân kiên trì cho ra đời các sản phẩm như xe hơi, máy điện thoại di động, là thợ xây dựng nhẫn nại xây nhà, các cô đổ mồ hôi may quần áo – toàn là những sản phẩm cụ thể, có thể sờ mó được. Thế giới bên kia gồm những nhà buôn bán cũng đủ loại sản phẩm nhưng không có mặt mũi, được đặt những cái tên rất kêu nhưng rất xa lạ - những sản phẩm “phái sinh”! Xây nhà thì phải có tiền mới xây được, nên mới có chuyện vay tiền. Từ cái hợp đồng vay ấy, người ta cho sinh ra đủ loại giấy tờ, gán cho chúng một giá trị dựa trên cái nhà trong thế giới thật, chỉ có điều trong thế giới ảo, trị giá của các loại giấy tờ được bơm phồng nhiều lần, được mua qua bán lại như chong chóng, thậm chí được bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm ấy lại được mua bán tiếp. Nay cái thế giới ảo ấy đang gặp vấn đề - đầu tiên là ở Mỹ và có khả năng lan rộng ra các nước khác.
Nhiều người lập luận, sao không thể tách bạch hai thế giới ấy ra, sản phẩm vật chất đủ để nuôi sống nhân loại; còn chuyện tài chính, chứng khoán phức tạp, cứ để cho chúng tự xoay xở với nhau. Sự đời không đơn giản vì chính cái thế giới ảo đang cung ứng tiền cho thế giới thật hoạt động, nó vừa là chủ nợ vừa là khách hàng kích thích sản xuất kinh doanh. Một anh chàng làm ở một tập đoàn tài chính, giỏi “đánh bạc”, biết liều lĩnh nên thắng đậm trong một thương vụ mua bán chứng khoán cho công ty và được thưởng một khoản tiền hậu hĩnh. Anh này có tiền mới mua được xe, mua nhà, đổi điện thoại di động và sắm quần áo. Sản phẩm vật chất tăng lên, giá trị các chứng khoán dựa trên nó cũng được mua bán sôi động, tiền lại đổ vào các dự án mở rộng sản xuất… cứ thế hai thế giới đan chéo vào nhau, không dễ dàng gì tách bạch chúng ra.
Vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay chắc chắn sẽ là tiền đề cho một cuộc cải tổ tận gốc rễ vai trò của hệ thống tài chính trong nền kinh tế, không thể để cho các nhà tài phiệt tiếp tục “đánh bạc” trên hoạt động của nền sản xuất kinh doanh một cách vô căn cứ như thời gian qua. Những điều chúng ta đọc được trên báo chí mấy tuần qua là sự rạn nứt (có nơi, có lúc là sự sụp đổ) của hệ thống ấy và những dấu hiệu ban đầu về một trật tự mới. Không còn loại ngân hàng đầu tư thuần túy, tức là chỉ hoạt động bên thế giới ảo; tạm thời không còn bán khống chứng khoán (ảo đến hai lần). Giữa năm nay chúng ta từng chứng kiến giá gạo thế giới tăng vọt chưa từng thấy, ấy là vì bên thế giới ảo thò tay qua định “đánh cược” nhau dựa trên giá gạo của thế giới thật. Bị phản đối kịch liệt, giới đầu cơ bên thế giới kia rụt tay lui và giá gạo trở về bình thường. Giá vàng, giá dầu hiện nay cũng vậy thôi.
Chưa thể nào hình dung quan hệ tài chính mới sẽ như thế nào nhưng có thể thấy nhiệm vụ điều hành nền kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Không những chỉ phải hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam còn phải lường trước mô hình quản lý hoạt động tài chính để có những ứng xử cho thích hợp.
Dễ thấy nhất là nên khuyến khích hết cỡ cho những hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính “thật” như một dự án sản xuất linh kiện cho một sản phẩm được phân phối toàn cầu và hạn chế triệt để các loại hình “dịch vụ” của thế giới ảo đang trải qua những biến động chưa ai lường hết hậu quả. Nhưng cũng như đã nói ở trên, hai thế giới này đang quyện chặt vào nhau nên thật khó tách bạch – một dự án địa ốc khổng lồ vừa được cấp phép biết đâu là sản phẩm nền cho những canh bạc của thế giới ảo tận đâu đâu. Biết đâu, canh bạc đã tàn nên giờ đây dự án sẽ chết theo, mãi mãi không triển khai được. Với lại, cái hấp lực của thế giới ảo nó lớn lắm, gặp hên, tiền đẻ ra tiền như trong truyện cổ tích; tiền bôi trơn cũng nhiều hơn và các con số cũng ấn tượng hơn. Cái thế giới thật còn bị nhiều vấn nạn như ô nhiễm môi trường, như đình công, như tắc nghẽn hạ tầng…
Dù sao các đợt sóng xô đẩy con tàu kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm là một loại tập dượt đem lại những trải nghiệm quý báu để chúng ta tìm con đường đúng đắn nhất trong thế giới nhiều biến động hiện nay.
No comments:
Post a Comment