Giải Nobel Kinh tế 2008: Quay về thế giới thật
Nguyễn Vạn Phú
Tin Paul Krugman, giáo sư kinh tế đại học Princeton nhưng được biết đến nhiều hơn trong vai trò là cây bút bình luận kinh tế sắc sảo của tờ New York Times, được chọn trao giải Nobel Kinh tế năm nay có lẽ vừa gây ngạc nhiên vừa là một chọn lựa hoàn toàn hợp lý. Ngạc nhiên là vì trước đó, trong hàng loạt nhân vật có khả năng đoạt giải năm nay, thấy không ai, hay đúng hơn là ít ai nhắc đến tên Krugman. Còn hợp lý chính là do bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trước hết xin nhắc lại hai trường phái kinh tế đối chọi nhau: Trường phái Keynes, xuất hiện sau cuộc đại suy thoái vào thập niên 1930, cho rằng “không thể trông đợi vào thị trường tự do để cung cấp đầy đủ việc làm, từ đó tạo ra cơ sở mới cho sự can thiệp sâu rộng hơn của chính phủ vào nền kinh tế”*. Trước đó lý thuyết kinh tế học cổ điển cứ khăng khăng “tuyên bố rằng lời giải cho hầu hết các vấn đề là cứ để mặc mọi việc dưới các tác động của cung cầu”*. Ngược lại, trường phái trọng tiền mà người cổ xúy mạnh mẽ nhất là Milton Friedman chủ trương để mặc thị trường tự lo liệu, nhà nước càng ít can thiệp càng tốt.
Trong bài viết dài giới thiệu Milton Friedman (các câu trong ngoặc ở trên là được trích từ bài này), mặc dù Paul Krugman đánh giá rất cao những đóng góp của Friedman, ông đã thẳng thắn phê phán chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do. Ông viết: “Rất khó khăn để tìm ra những trường hợp mà Friedman thừa nhận khả năng thị trường có thể sai lầm, hay sự can thiệp của chính phủ có thể phục vụ mục đích có ích”. Ngay ở bài này Krugman, một nhà kinh tế được cho là theo trường phái Tân-Keynes đã viết: “Các nước đang phát triển đua nhau mở cửa thị trường vốn, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể đặt họ vào tình trạng khủng hoảng tài chính; rồi khi khủng hoảng nổ ra, nhiều nhà quan sát đổ lỗi cho chính phủ của các nước này, chứ không phải cho sự thiếu ổn định của dòng vốn quốc tế.”
Câu kết của bài viết nói trên nhận định: “Khi Friedman bắt đầu sự nghiệp của mình như một trí thức công, thời gian đã chín muốn cho một cuộc cải cách ngược chống lại chủ nghĩa Keynes và tất cả những gì đi cùng nó. Nhưng, tôi cho rằng điều thế giới đang cần là một cuộc cải cách chống lại cuộc cải cách ngược ấy.” Có lẽ Krugman không ngờ điều ông viết đã diễn ra nhanh hơn – rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang trông chờ một lý thuyết kinh tế mới và có lẽ những người như Krugman đã và đang khởi xướng cho một công cuộc tìm kiếm như thế.
Trở lại với giải Nobel Kinh tế năm nay (trị giá 1,4 triệu đô-la), chính thức mà nói Paul Krugman được giải là do các công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa kinh tế. Trước ông, người ta thường lý giải vì sao nước này nhập khẩu hàng này và nhập khẩu hàng khác theo các lý thuyết đã định hình từ lâu như lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo nhưng thực tế cho thấy chúng bất lực trong nhiều trường hợp. Năm 1979, Paul Krugman đề xuất một mô hình mới giải thích tốt hơn các xu hướng thương mại và các công trình sau đó của ông ứng dụng mô hình này để giải thích các vấn đề liên quan đến địa kinh tế - hay nói đơn giản nhất – là để trả lời câu hỏi hàng hóa gì được sản xuất ở đâu.
Ví dụ dùng lý thuyết lợi thế so sánh, người ta không thể giải thích vì sao Thụy Điển vừa xuất khẩu xe hơi vừa nhập khẩu xe hơi. Với một bài dài chỉ 10 trang, Krugman khái quát hóa mô hình thương mại nội ngành với giả định quy mô sản xuất lớn sẽ làm giảm giá thành đơn vị hàng hóa được sản xuất. Ngày nay chúng ta không thấy lạ gì chuyện Việt Nam xuất khẩu máy in (của Cannon) và nhập khẩu máy in (của các hãng khác, như HP chẳng hạn) nhưng vào lúc đó, từ những manh nha ban đầu để xây dựng một lý thuyết chặt chẽ là một thành tựu đáng kể. Lý thuyết của Krugman còn dựa vào giả định rằng người tiêu dùng thích sự đa dạng, cho nên người Việt Nam cũng có thể nhập gạo Thái Lan hay cũng chuyện kem đánh răng mà có đến hàng chục nhãn hiệu là chuyện bình thường. Như vậy thương mại giữa hai nước không chỉ nhắm đến các sản phẩm khác nhau mà còn bao gồm các sản phẩm giống nhau về chức năng nữa. Sau này Krugman phát triển lý thuyết của ông thêm một bước nữa để bao quát mối quan hệ giữa quy mô kinh tế và chi phí vận tải tác động như thế nào đến quá trình tập trung hay phân tán các cộng đồng dân cư. Ông đã xuất bản 20 cuốn sách, hơn 200 công trình nghiên cứu. Năm 1991 ông được Hội Kinh tế Hoa Kỳ tặng huy chương John Bates Clark cho nhà kinh tế dưới 40 tuổi có đóng góp lớn cho kiến thức kinh tế.
Nhưng nói gì thì nói, nhắc đến Paul Krugman, nhiều người sẽ nhớ đến các bài bình luận ngắn gọn, dễ hiểu và sắc bén mà ông viết cho tờ New York Times từ năm 1999. Trong những bài gần đây, ông phê phán gay gắt chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ hiện thời cũng như những nỗ lực giải cứu thị trường đầy lúng túng ban đầu. Những bài viết này hoàn toàn không dùng các khái niệm kinh tế đao to búa lớn mà lại rất thời sự, đi sát bình luận, nhận định những diễn biến ngay trước đó nên rất hữu ích cho những ai muốn có cái nhìn tỉnh táo về tình hình kinh tế hiện nay. Có lẽ chúng ta sẽ còn nghe nhắc nhiều đến tên tuổi của Paul Krugman trong thời gian tới.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment