Lo chuyện… bao đồng?
Nguyễn Vạn Phú
Nhân Hội sách lần thứ 5 vừa được tổ chức, vấn đề người Việt có mê đọc sách không lại được đưa ra thảo luận. Thú thật, mỗi lần nghe bàn đến chuyện này, người viết có cảm giác như thể ai đó hỏi: nhân loại có còn mê ăn không?
Thử nhớ lại các bà mẹ Việt Nam cách đây chừng mấy chục năm, rất nhiều bà không biết đọc, chưa từng được cầm cuốn sách nào nhưng cũng rất nhiều bà thuộc lòng truyện Kiều và vô vàn câu thơ, câu vè, lại sử dụng chúng rất nhuần nhuyễn trong cuộc sống, trong nuôi dạy con cái. Ai dám bảo các bà mẹ chúng ta không đọc sách, hiểu theo một nghĩa đen thô thiển.
Lịch sử văn học dân gian cũng tràn đầy những dẫn chứng cho thấy “đọc sách” không bao giờ được hiểu ở một góc cạnh bó hẹp như đang được hiểu. “Sách” dù không tồn tại trên giấy mực, vẫn được “in” ra và lưu truyền, mỗi năm có một “ấn bản” mới, hay hơn “ấn bản” trước, để cuối cùng nhân loại có những tuyệt tác còn lại đến ngày nay.
Vì thế, khi bàn đến chuyện người Việt có mê đọc sách không, thiết tưởng phải định nghĩa lại hai từ cơ bản là “đọc” và “sách”. Cuốn Mật mã Da Vinci có sức lôi cuốn đến nỗi, không chờ được bản dịch, không thể gởi mua từ nước ngoài về, tôi đã tải từ trên mạng Internet, bỏ vào chiếc máy điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows Mobile, đọc một cách say mê. Không sờ vào giấy, chẳng thấy chút mực nào, tôi vẫn đang đọc sách đấy chứ. Và có lẽ nhiều người bảo, nhờ thế mà tránh được “thảm họa dịch thuật” từng được bàn tán sôi nổi một thời gian.
Ví dụ này quá rõ nên có lẽ được nhiều người đồng tình. Nhưng thử giả định tiếp, một em “đọc” Tây Du Ký qua bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên, một bác “đọc” những phóng sự về rừng già Amazon qua các bộ phim tài liệu, một cô “đọc” và tìm hiểu cảm giác cô đơn của giới trẻ qua những bản nhạc cô yêu thích – thì rõ ràng họ vẫn đang “đọc sách” đó thôi.
Nếu ngày trước, kiến thức nhân loại chỉ có một con đường phổ biến là sách in thì ngày nay dòng kiến thức đó, đã tăng bội lần, được truyền tải bằng nhiều phương tiện, dưới nhiều hình thức. Nói cho cùng, nhu cầu “đọc” để hiểu cuộc sống chung quanh mình, để chia sẻ với đồng loại là nhu cầu không bao giờ mất đi cho nên con người không bao giờ hết mê “đọc sách”. Vấn đề là họ tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó bằng cách nào và con đường nào; và đó là chọn lựa tối ưu của mỗi cá nhân, không có gì phải lo lắng hay băn khoăn cho họ cả.
Lấy ví dụ, trước khi Việt Nam có thị trường chứng khoán, dù thị trường có cuốn sách được viết hay đến mấy, chắc cũng ít người tìm đọc. Đến khi, người người chơi chứng khoán, nhà nhà lên sàn, không ai bảo ai, các tiệm sách bỗng tràn ngập loại sách này. Hiện nay người Việt ít mua sách về đọc, đơn giản là thị trường sách chưa thỏa mãn nhu cầu đọc của họ. Không ai chịu bị lừa nhiều lần, bỏ tiền mua các cuốn sách được làm cẩu thả, sai kiến thức, sao chép… Ngược lại, sách thuộc loại khó đọc như các cuốn sách kinh điển về triết học làm cẩn thận, biên soạn công phu vẫn thuộc loại sách bán chạy trong những năm gần đây.
Và trong thời đại thông tin tràn ngập hiện nay, không ai đọc theo kiểu ôm khư khư các cuốn sách gối đầu giường như kiểu ông cha ta đem Tứ thư Ngũ kinh ra tụng thuộc lòng. Nhu cầu của tôi là tìm hiểu diễn biến của toàn cầu hóa, tôi sẽ dùng Internet tìm đúng đến tài liệu cầu đọc, thậm chí vừa đọc vừa trao đổi với người khác nếu đó là mạng Internet 2.0. Nếu tôi muốn làm quen với hệ điều hành Palm chẳng hạn, tôi sẽ vào các diễn đàn chuyên về chủ đề này và ở đó, tôi sẽ đọc được hàng tấn thông tin, còn bổ ích và thiết thực gấp nhiều lần so với một cuốn sách về chủ đề tương tự.
Xin mở rộng ra một chút về các đề tài “lớn lao” hơn. Các bộ phim tầm phào như “300” lại hé mở cho thấy một góc tâm lý phương Tây về Hồi giáo, về cuộc chiến tại Iraq nhiều hơn cả chục cuốn sách dày cộp. Các blog cho thấy nhiều điều không sách nào phản ánh hết được.
Như vậy, vấn đề không phải là người Việt có mê đọc sách không mà ở chỗ làm sao có sách hay để “mê đọc” và làm sao thế hệ trẻ được giáo dục ở nhà trường cách thẩm định đúng đắn cái hay cái dở của sách, một cách tự do chứ không bị ràng buộc bởi những định kiến hay khuôn khổ như kiểu “đọc sách” phải là “đọc sách”. Không có công cụ đó, chúng sẽ lớn lên và sẽ phải mất nhiều thì giờ hơn để tìm hiểu thế giới quanh chúng, phải mày mò qua các bộ phim truyền hình ướt át nhiều tập hay sau hàng giờ ngồi chat trước máy tính.
Friday, March 21, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment