Friday, June 22, 2007

Tan man DVD

TẢN MẠN DVD

Nguyễn Vạn Phú

Nói thật, người mê xem phim ở Việt Nam sướng hết chỗ nói. Trong khi dân nước Mỹ phải bỏ hàng chục đô la để mua một đĩa phim DVD, ở ta cứ ra chợ Huỳnh Thúc Kháng hay bất kỳ tiệm bán đĩa nào, tha hồ lựa phim, mỗi đĩa chỉ khoảng 15.000-18.000 đồng, phim mới phim cũ, phim bộ phim lẻ, kiểu nào cũng có. Chẳng lạ gì khi dân Tây hay Việt kiều cũng xúm vào mua cả chồng đĩa. Tuy nhiên, cái sướng đó ngày nay đã chấm dứt - mà cũng chẳng phải do các công ước bảo vệ bản quyền gì cả.

Đầu tiên, thị trường chỉ có đĩa DVD của Trung Quốc sao chép đĩa gốc. Dù đĩa không có các mục “Bonus Features” như hậu trường làm phim, phỏng vấn đạo diễn, diễn viên, đây chính là thời kỳ “sướng hết chỗ nói” nói ở trên. Chẳng mấy chốc, giới làm ăn nghiệm ra rằng phim càng mới, bán càng chạy ; thế là không cần đợi phát hành đĩa gốc để mua về sao chép lậu, giới đạo tặc phim ảnh vác nguyên camera kỹ thuật số vào rạp, quay lại hình ảnh chiếu trên màn hình, về chuyển thành phim DVD và bán ra cùng một lúc với phim được chiếu ở rạp tận bên Mỹ !

Mua đúng loại phim này về, tức không chịu được. Hình ảnh mờ mờ, phủ một lớp màu xanh nhợt nhạt, thỉnh thoảng lại thấy một cái đầu của khán giả trong rạp nhô lên. Âm thanh chát chúa pha lẫn tiếng cười, tiếng bình phẩm của người xem. Sau này kỹ thuật quay lén bằng camera ngày càng tinh vi, nhưng chất lượng vẫn tệ hại. Thế là lần lượt ra đời các loại đĩa “bản đẹp 98%”, “bản đẹp” và “bản chính thức”. Bản đẹp là phim tải từ trên mạng Internet, rồi được chuyển thành dạng DVD nên gọi là “đẹp” nhưng chỉ khá hơn bản camera đôi phần. Bản đẹp còn là dạng phim dành riêng để quảng cáo trước cho các nơi phát hành phim, hay để gửi cho giám khảo các cuộc thi, có in chình ình dòng chữ cảnh báo. Đĩa DVD thời “sướng hết chỗ nói” bây giờ được gọi là “bản chính thức”. Những người rành rẽ chọn phim bằng cách hỏi âm thanh mấy chấm ! Nếu hai chấm (tức stereo) đích thị là phim “dỏm”, còn năm chấm (Dolby 5.1) là phim “xịn”. Ngay cả phim tốt, chất lượng cũng sút giảm nhiều so với bản gốc vì đĩa gốc thường cài mã khóa để bảo vệ bản quyền. Giới sao chép phải dùng phần mềm trích hình ảnh ra rồi ghi lại. Chưa kể, để chứa vừa một đĩa DVD loại thường, họ bỏ nhiều mục và cố ý giảm độ phân giải.

Phụ đề phim cũng gây đau đầu không kém. Có phim tự dưng lấy hẳn phụ đề của một phim khác, hoàn toàn không ăn nhập đâu vào đâu ; có phim phụ đề được dịch từ tiếng Hoa ngược ra lại tiếng Anh nên đọc buồn cười không chịu được.

Muốn xem phim DVD loại tốt bây giờ chỉ còn cách mua loại đĩa DVD 9, tức đĩa hai lớp dung lượng đến 8,5 GB trong khi DVD bán ngoài chợ là DVD 5 chỉ chứa được tối đa 4,7 GB.

Nói chuyện DVD để thấy rằng tuân thủ vấn đề bảo vệ bản quyền là không dễ. Cho dù bây giờ có công ty chuyên nhập DVD bản gốc về bán, cũng ít ai sẵn sàng bỏ khoản tiền gấp mấy chục lần trước đây để mua phim có bản quyền. Mà thị trường nhỏ sẽ khó có chuyện DVD đại hạ giá như ở các nước khác.

Cách tốt nhất là tổ chức mô hình cho thuê DVD như nhiều nước. Giả thử có ai nảy ra ý tưởng kinh doanh, mua đĩa “xịn” rồi tổ chức cho thuê qua mạng, ắt có cơ hội thành công. Hiện đã có một số trang web ở Việt Nam chuyên cho thuê DVD qua mạng khá chuyên nghiệp như ezrentdvd.com hay thuedvd.com. Mô hình này như các loại cửa hàng cho thuê phim Blockbuster, người tham gia trả một khoản phí hàng tháng (từ 90.000 đồng), vào trang web chọn phim, sẽ có người đưa phim đến tận nhà, không hạn chế số ngày giữ phim, số lần mượn (càng xem nhanh càng mượn được nhiều)… Khổ nỗi những sự bực mình của việc mua phim DVD “dỏm” cũng sẽ xuất hiện nếu nơi cho thuê không chịu chọn lọc phim cho kỹ. Vì thế, ý tưởng cho thuê phim DVD có bản quyền đàng hoàng vẫn chờ người triển khai.


Monday, June 18, 2007

Thieu nguoi lanh dao?

Thị trường nhân lực cấp cao
Điều chưa được nhắc đến
Nguyễn Vạn Phú
Khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao ở Việt Nam, người ta thường đề cập đến các vấn đề như thiếu người giỏi dù mức lương chào mời rất cao, thói quen nhảy từ công ty này sang công ty khác của loại nhân lực này hay cách làm mới của nhiều công ty giữ chân người giỏi bằng cổ phiếu… Tuy nhiên, hầu như chưa ai chú ý đến sự khác biệt giữa nhân lực cấp cao trong vai trò quản lý và nhân lực cấp cao trong vai trò lãnh đạo dù đây là mấu chốt có thể giải quyết nạn thiếu hụt nhân sự ở nhiều công ty.

Đừng ngạc nhiên
Nhiều người bất mãn vì một hôm bỗng thấy đồng nghiệp thua sút mình trong nghề nghiệp lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người được đưa vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chưa chắc đã có chuyên môn vững vàng như nhân viên bên dưới. Nhiều người khác chia sẻ nhận xét, tại sao anh chàng đó mà được làm sếp trong khi chỉ biết chỉ tay năm ngón; người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn trong công ty không thiếu…
Trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp, người ta phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa loại người lãnh đạo, người có chuyên môn và người quản lý ở bất kỳ cấp độ nào. Lấy ví dụ phòng kế toán, tài chính của một công ty lớn sẽ có một vài chuyên gia có bằng cấp cao, chuyên thực hiện những yêu cầu tính toán phức tạp khi làm dự toán một dự án nào đó. Họ có thể làm việc say mê, hết giờ vẫn chưa chịu về khi chưa tìm ra lời giải. Nhưng họ sinh ra không phải để làm lãnh đạo vì thiếu những đức tính cần thiết. Người quản lý tốt rất giỏi về khả năng tổ chức thực hiện công việc, bám theo các quy trình có sẵn và đốc thúc nhân viên theo các mục tiêu đã định. Họ hầu như có mặt khắp nơi, giải quyết ổn thỏa mọi trục trặc của quy trình, và biết tận dụng kiến thức chuyên môn của từng nhân viên để thúc đẩy công việc. Nhưng họ cũng chưa phải là nhà lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng nghĩa chính là một người “chỉ tay năm ngón”, nhân viên không tiếp xúc trực tiếp sẽ dễ có cảm giác ông này không làm gì cả. Bởi người lãnh đạo giỏi định hướng đi cho doanh nghiệp hay tổ chức và khơi gợi sự hứng thú của mọi người cùng đi trên con đường này. Người lãnh đạo tốt sẽ không chịu duy trì hiện trạng như người quản lý mà luôn luôn tìm cách phát triển; có tầm nhìn dài hạn chứ không bó hẹp vào các tình huống trước mắt như nhà quản lý. Nói tóm lại, người quản lý chú trọng vào hệ thống còn người lãnh đạo chú trọng vào con người. Ở đây cần lưu ý vai trò người lãnh đạo không hẳn là từ chức vụ doanh nghiệp phân công chính thức; người lãnh đạo có thể ở bất kỳ vị trí nào và có thể là cấp dưới của nhà quản lý. Bởi ngoài vai trò lãnh đạo đến từ chức vụ, còn có sự lãnh đạo (tức là sự dẫn dắt) đến từ nhiệm vụ, kiến thức, mối quan hệ hay cá tính.

Thị trường đang thiếu cái gì?
Vì thế khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao, cần xác định chúng ta đang nói đến ai, trong vai trò như thế nào. Đúng là chúng ta đang thiếu đủ loại nhân lực cấp cao nhưng giới chuyên môn, sau quá trình đào tạo (trong hay ngoài nước hay tại chỗ), doanh nghiệp sẽ dễ dàng lấp các chỗ trống này. Ở vai trò quản lý cũng vậy, hàng loạt nhân viên trước đây từng làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay văn phòng đại diện các công ty đa quốc gia trở về làm quản lý cho các doanh nghiệp trong nước là một ví dụ. Nếu thiếu nữa, doanh nghiệp vẫn có thể tuyển dụng người nước ngoài vào các vị trí quản lý cấp cao cần thiết. Hiện nay, giới quản lý đang chịu khó học, từ các lớp MBA chính quy đến các khóa đào tạo ngắn hạn. Hàng loạt sinh viên ngành quản trị kinh doanh được đào tạo bài bản ở nước ngoài sẽ về tìm cơ hội làm việc trong nước vì dư địa cho họ thi thố tài năng ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với ở các nước họ đang học tập.
Điều thị trường đang thiếu trầm trọng là các nhân sự cấp cao đóng vai trò lãnh đạo thật sự ở doanh nghiệp. Thị trường hiện đang nhầm lẫn nên vẫn thường xảy ra trường hợp một quản lý cấp cao ở một công ty nước ngoài về đầu quân cho doanh nghiệp trong nước và lầm tưởng mình sẽ lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Họ thất bại vì ở họ thừa kỹ năng quản lý nhưng thiếu các đức tính cần thiết của một lãnh đạo. Và khi hệ thống họ sao chép từ nơi khác xảy ra các tình huống chưa lường trước, họ sẽ dễ dàng đổ lỗi cho các yếu tố khách quan hay đổ tội cho người khác.
Một nhầm lẫn khác nữa là chủ doanh nghiệp có thể tuyển đúng một người có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp cho họ nhưng lại sử dụng họ như nhà quản lý bằng cách bắt ép họ điều hành theo một hệ thống cứng nhắc không có chỗ cho sự sáng tạo.
Để giải quyết nạn thiếu hụt nhân lực cấp cao, thiết nghĩ doanh nghiệp nên phân biệt rõ các vai trò nói trên, xác định xem mình đang thiếu loại gì và đã sử dụng đúng nhân lực có sẵn chưa. Xét cho cùng, phẩm chất lãnh đạo không thể chỉ hình thành qua đào tạo, không thể bỏ tiền ra thuê là có, và càng không thể trông chờ từ một môi trường không thuận lợi cho sự thách thức cái cũ để nảy sinh cái mới.

Tuesday, June 5, 2007

Nhat ky phong vien

Nhật ký phóng viên nhân Ngày Báo chí
Nguyễn Vạn Phú

1.
Mức độ cạnh tranh quyết liệt giữa các báo đã tạo nên một sự sôi động chưa từng thấy trong làng báo Việt Nam. Tuy nhiên, thông thường, khi một sự kiện nổ ra, hầu như tất cả các tin, bài đều đi theo cùng một hướng – đôi lúc khá phiến diện, nhiều chủ quan. Lúc đó, chỉ những tin bài vượt lên chiều hướng chung này để nhìn sự kiện dưới một góc độ khác biệt mới tạo ra dấu ấn mạnh trong lòng độc giả.
Nếu có ai dùng cụm từ “Viết báo bầy đàn”, ắt hẳn nhiều nhà báo sẽ cảm thấy phật lòng. Nhưng không khác lắm hiện tượng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhìn nhau để cùng đổ xô mua hay bán cùng loại cổ phiếu, nhiều phóng viên cũng chịu ảnh hưởng của nhau khi xử lý tin bài về cùng một sự kiện.
Xin dẫn một số ví dụ gần đây nhất. Lúc nổ ra tin ngư dân cắt trộm đường dây cáp quang dưới biển, hầu như tất cả các báo đều bình về sự thiếu ý thức của người dân, phỏng vấn các quan chức về tác hại của việc phá hoại này hay dẫn lời của các công ty viễn thông về thiệt hại vật chất… Chỉ sau đó khá lâu, báo Thanh Niên mới có bài với phát hiện động trời: Chính UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn cho phép bộ đội biên phòng phối hợp với tư nhân khai thác cáp phế liệu tồn tại từ trước năm 1975 (có thể có báo khác đưa tin này trước mà người viết không biết) và sau đó ngư dân tham lợi làm theo, làm càn. Chi tiết này đã làm thay đổi toàn bộ cục diện, dẫn đến những bình luận chính xác hơn về nguyên nhân sự việc, thậm chí giúp cơ quan chức năng có các biện pháp thích hợp hơn để giải quyết sự việc.
Với vụ bán đấu giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ, trong một thời gian dài, khi nhắc đến kết quả, hầu như bài báo nào cũng tỏ ra ngạc nhiên vì sao giá trúng thầu sao thấp hơn dự kiến, bài nào cũng có cụm từ “bất ngờ lớn”! Hóa ra, nhà đầu tư bỏ giá không bị bất ngờ như nhà báo vì họ đọc kỹ bản cáo bạch và biết rõ tương lai nhà máy sản xuất phân bón này không sáng sủa cho lắm vì giá mua khí đốt đầu vào sẽ không còn được bù lỗ, phải mua với giá cao hơn. Các khoản lãi trước khi cổ phần hóa là nhờ được bao cấp giá mua khí đốt nên mới có chuyện Bộ Tài chính đòi điều tiết bớt khoản lãi những năm đó.
Điều đáng nói là sự cạnh tranh lành mạnh về đưa tin “nóng”, tin “độc” đã giúp kéo ngắn thời gian giữa loạt bài cùng khuôn mẫu và thời điểm xuất hiện các bài hay – loại bài mà các báo phải đọc kỹ để “cạo” cho phóng viên viết khuôn mẫu một trận. Vụ một em học sinh đột nhập và phá trang web của Bộ Giáo dục được một vài báo ca ngợi chưa lâu thì báo khác đã đưa ra những chứng cớ “không chối cãi vào đâu được” để phê phán hiện tượng phá phách này. Vụ Microsoft vào ký hợp đồng bán bản quyền phần mềm trọn gói cho Chính phủ được nhiều báo “tán lên tận mây xanh” lại được phân tích bình luận một cách tỉnh táo ở báo khác với những góc nhìn mới về phần mềm nguồn mở, về giá cả và kinh nghiệm của các nước khác trong khu vực… Còn nhớ lúc thị trường chứng khoán lên cơn sốt, giá cổ phiếu tăng vùn vụt, rất nhiều bài báo nói Nhà nước nên bán bớt cổ phần đang nắm giữ ở các công ty đã cổ phần hóa. Nghe qua rất hợp lý nhưng vẫn có những bài đưa ra ý kiến ngược lại, nêu lên vai trò và tầm nhìn dài hạn của cổ đông nhà nước đối với thị trường.
Chỉ đáng tiếc một vài sự vụ vẫn đang còn dừng ở mức báo nào cũng giống nhau, thiếu hẳn cái nhìn tỉnh táo và sâu hơn. Ví dụ, chúng ta còn nhớ siêu dự án 30 tỷ USD của “tập đoàn” Eminence được báo chí trong nước tập trung chứng minh một cách thuyết phục nó thiếu khả thi như thế nào. Nhiều báo đã điều tra một cách rất công phu năng lực tài chính thực sự của Eminence; các báo khác lấy được phát biểu dứt khoát của các quan chức… Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức độ chứng minh đây là dự án “bánh vẽ”. Người đọc, trong khi đó, còn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa – chẳng hạn vì sao Eminence vẽ ra dự án này; phải chăng đang có xu hướng di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ở nước khác sang Việt Nam; phải chăng Eminence chỉ là người tiền trạm cho xu hướng đầu tư đáng cảnh báo hơn bội lần này; nếu đúng thì liệu Việt Nam đã có các biện pháp nào để ngăn ngừa; Eminence dùng con số khổng lồ gây nghi ngờ ngay từ đầu là 30 tỷ USD, giả dụ có dự án khác chỉ 1 tỷ USD và trong bối cảnh các địa phương đang tranh nhau thu hút đầu tư về địa phương mình thì làm sao phát hiện nó gây tác hại đến môi trường…
Cuộc họp báo của World Bank về đánh giá các dự án ODA tại Việt Nam trong đó có các dự án do PMU 18 quản lý để lại nhiều câu hỏi hơn là giải đáp chuyện có hay không có bằng chứng về sự tham nhũng của cán bộ PMU 18. Người đọc đòi hỏi phóng viên phải truy vấn cho được Bộ Giao thông Vận tải, là cơ quan chủ trì cuộc họp báo, liệu kết luận này của World Bank sẽ tác động như thế nào đến vụ án PMU 18. Lẽ ra, trước khi dự họp báo, phóng viên phải đọc lại tất cả các bài báo điều tra công phu trước đó về các bằng chứng sai sót của PMU 18 liên quan đến các dự án của World Bank cho vay để chất vấn lại đại diện của World Bank tại cuộc họp…
Nền kinh tế nước ta hiện đang trải qua những chuyển biến sâu sắc sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Những chuyển biến này phần lớn thể hiện qua các chi tiết mới nhìn khó đặt chúng vào một tổng thể để hiểu được xu hướng chung của nền kinh tế. Vì thế, trong thời gian tới báo chí sẽ còn sôi động hơn nữa và người viết báo sẽ càng thấy khó hơn nữa khi đi tìm cho mình một góc nhìn độc đáo, mới lạ và sâu sắc để bài viết của mình nổi lên trong hàng loạt bài báo về cùng một đề tài. Nhưng chính trong môi trường này, những phóng viên nào có lòng yêu nghề, say mê với cái mới, tò mò về cái lạ, sẽ có nhiều cơ hội thi thố tài năng của mình.
* * *
2.
Chưa thấy làng báo nào thoải mái đăng bài của nhau trên các website thông tin điện tử như ở Việt Nam. Một báo vừa tổ chức được một bài báo xuất sắc, thực hiện công phu, ngay lập tức hàng loạt website khác cứ thế “cắt” và “dán” nguyên văn vào trang web của mình. Trước đây tình hình còn tệ hại hơn khi nhiều tờ báo điện tử thoải mái biên tập, cắt xén, sửa đổi, rút tít cho bài báo vừa “mượn tạm” của báo khác. Đã từng có nhiều lời than phiền về cách làm ẩu tả của các tờ báo điện tử này khi cố ý rút tít giật gân, biên tập sai hay thêm vào nhiều đoạn không có trong bản gốc. Hiện nay chuyện tùy tiện sửa chữa như vậy đã giảm hẳn; đa phần các trang web đều để nguồn ở cuối bài mình “mượn tạm”. Tuy nhiên, không thể nào chấp nhận việc sử dụng công sức người khác để làm lợi cho mình như vậy; không thể nào không tìm cách chấn chỉnh chuyện bản quyền báo chí ở nước ta.
Thiết nghĩ giải quyết vấn đề này không khó. Cách làm phổ biến nhất ở hầu như các nước người viết có tìm hiểu là trang web thông tin điện tử có thể trích bài của nguồn khác nhưng chỉ trích tiêu đề và vài câu dẫn nhập. Nếu người đọc cần đọc vào chi tiết, họ nhấp chuột vào tiêu đề và sẽ được dẫn đến trang web nguyên thủy có đăng bài này. Hai trong các website làm tốt theo cách này là
www.baomoi.comwww.thegioitin.com.
Làm theo cách này, trang web tổng hợp tin tức vẫn hưởng được nhiều điều lợi. Người đọc, nếu tin tưởng vào sự chọn lựa thông tin, sắp xếp tin tức và tổng hợp được nhiều nguồn khác nhau sẽ thu hút được khách vào xem. Dù họ có bấm để sang trang gốc vẫn sẽ quay về trang tổng hợp để đọc các tin khác ở nguồn khác mà vì thiếu thời gian, họ không thể lần lượt vào hết. Lúc đó lo gì trang web tổng hợp không tìm được quảng cáo trực tuyến cho mình. Ở nước khác, làm theo cách này như trang tin tức của Google (news.google.com) cũng đang bị các hãng tin và các tờ báo kiện tụng nhưng dù sao cũng đỡ hơn cách bê nguyên đồ đạc của nhà khác về nhà mình để trưng bày.
Xin đừng viện dẫn luật lệ về bản quyền để cho rằng Việt Nam chưa có quy định trong lãnh vực này. Các tờ báo lớn, cả báo in lẫn báo mạng, nên ngồi lại với nhau để đạt được thỏa thuận nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thật sự. Lúc đó phóng viên mới có động lực săn tin độc quyền mà không sợ đăng lên một phút sau đã bị hớt tay trên.

* * *
3.
Các cuộc thảo luận với những nhận định khá bi quan về tương lai báo in ở nước ngoài liệu có đúng với báo chí Việt Nam? Ở các nước, báo in đang than trời vì số lượng phát hành giảm, quảng cáo sa sút vì sự xuất hiện của báo mạng và loại báo phát không. Có lẽ tình hình này chưa xảy ra ở Việt Nam vì trước mắt vẫn thấy nhiều tờ báo xin tăng kỳ, tăng trang, ra phụ trương, ra ấn bản đặc biệt, nhiều tờ báo mới ra đời.
Tuy nhiên, người làm báo in không thể
lẩn tránh những lợi thế to lớn của báo mạng: đưa tin ngay tức thì trong khi báo ngày phải đợi đến mai, đưa tin dài bao nhiêu cũng được, kèm bao nhiêu ảnh cũng được trong khi báo in bị hạn chế bởi khuôn khổ tờ báo. Báo mạng dễ dàng nhận ngay phản hồi của độc giả, tạo ra sự tương tác mà báo in khó thực hiện. Báo mạng giúp độc giả theo dõi dòng tin bằng các công cụ mà báo in có nằm mơ cũng không làm nổi như làm đường dẫn đến các thông tin nền, cụm các tin bài liên quan, tin kèm âm thanh, phim ảnh…
Vì thế, dù tình hình không như ở các nước, báo in ở Việt Nam cũng đang phải tự đổi mới chính mình trước sự cạnh tranh của thông tin trên Internet. Báo in sẽ quay trở lại loại tin bài truyền thống, tức loại tin sâu, có phân tích, có bình luận, có giải thích. Nếu độc giả báo mạng được thỏa mãn ngay bằng tin thô thì độc giả báo in đòi hỏi tin bài phải cung cấp cho họ những chi tiết đắt giá, những con người đằng sau tin, phải có phóng sự, điều tra, tổng hợp.
Quan trọng hơn là xu hướng kết hợp báo in với báo mạng để phát huy lợi thế của cả hai. Khi đó, tờ báo sẽ khai thác tin nhanh để đưa ngay lên mạng và viết sâu hơn để đăng trên báo in. Tờ báo nào không làm được điều này chắc sẽ chịu nhiều thua thiệt. Cũng giống như cơ cấu thu nhập của các tờ báo nước ngoài, doanh thu quảng cáo của đa phần báo chí nước ta chiếm tỷ trọng lớn hơn doanh thu phát hành. Nếu thiếu vắng hẳn sự hiện diện trên Internet, tức là không tạo được ấn tượng với nhà quảng cáo, doanh thu của tờ báo in thuần túy sẽ sụt giảm so với tờ báo in có thêm ấn bản online.
Vì thế xu hướng sắp tới đòi hỏi người phóng viên phải biết kèm theo bài viết của mình những hình ảnh, âm thanh, thậm chí các đoạn phim ngắn để sử dụng trên báo in và báo mạng. Người phóng viên phải biết viết ngắn, viết nhanh để đưa lên mạng càng nhanh càng tốt, đồng thời phải biết viết sâu, viết ở góc độ riêng để đăng trên báo in. Và chính vì xu hướng này, chuyện yêu cầu chấm dứt thói quen “mượn tạm” bài của báo khác để thu hút người xem vào trang web của mình nói ở trên càng bức thiết hơn bao giờ hết.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...