Friday, June 22, 2007

Tan man DVD

TẢN MẠN DVD

Nguyễn Vạn Phú

Nói thật, người mê xem phim ở Việt Nam sướng hết chỗ nói. Trong khi dân nước Mỹ phải bỏ hàng chục đô la để mua một đĩa phim DVD, ở ta cứ ra chợ Huỳnh Thúc Kháng hay bất kỳ tiệm bán đĩa nào, tha hồ lựa phim, mỗi đĩa chỉ khoảng 15.000-18.000 đồng, phim mới phim cũ, phim bộ phim lẻ, kiểu nào cũng có. Chẳng lạ gì khi dân Tây hay Việt kiều cũng xúm vào mua cả chồng đĩa. Tuy nhiên, cái sướng đó ngày nay đã chấm dứt - mà cũng chẳng phải do các công ước bảo vệ bản quyền gì cả.

Đầu tiên, thị trường chỉ có đĩa DVD của Trung Quốc sao chép đĩa gốc. Dù đĩa không có các mục “Bonus Features” như hậu trường làm phim, phỏng vấn đạo diễn, diễn viên, đây chính là thời kỳ “sướng hết chỗ nói” nói ở trên. Chẳng mấy chốc, giới làm ăn nghiệm ra rằng phim càng mới, bán càng chạy ; thế là không cần đợi phát hành đĩa gốc để mua về sao chép lậu, giới đạo tặc phim ảnh vác nguyên camera kỹ thuật số vào rạp, quay lại hình ảnh chiếu trên màn hình, về chuyển thành phim DVD và bán ra cùng một lúc với phim được chiếu ở rạp tận bên Mỹ !

Mua đúng loại phim này về, tức không chịu được. Hình ảnh mờ mờ, phủ một lớp màu xanh nhợt nhạt, thỉnh thoảng lại thấy một cái đầu của khán giả trong rạp nhô lên. Âm thanh chát chúa pha lẫn tiếng cười, tiếng bình phẩm của người xem. Sau này kỹ thuật quay lén bằng camera ngày càng tinh vi, nhưng chất lượng vẫn tệ hại. Thế là lần lượt ra đời các loại đĩa “bản đẹp 98%”, “bản đẹp” và “bản chính thức”. Bản đẹp là phim tải từ trên mạng Internet, rồi được chuyển thành dạng DVD nên gọi là “đẹp” nhưng chỉ khá hơn bản camera đôi phần. Bản đẹp còn là dạng phim dành riêng để quảng cáo trước cho các nơi phát hành phim, hay để gửi cho giám khảo các cuộc thi, có in chình ình dòng chữ cảnh báo. Đĩa DVD thời “sướng hết chỗ nói” bây giờ được gọi là “bản chính thức”. Những người rành rẽ chọn phim bằng cách hỏi âm thanh mấy chấm ! Nếu hai chấm (tức stereo) đích thị là phim “dỏm”, còn năm chấm (Dolby 5.1) là phim “xịn”. Ngay cả phim tốt, chất lượng cũng sút giảm nhiều so với bản gốc vì đĩa gốc thường cài mã khóa để bảo vệ bản quyền. Giới sao chép phải dùng phần mềm trích hình ảnh ra rồi ghi lại. Chưa kể, để chứa vừa một đĩa DVD loại thường, họ bỏ nhiều mục và cố ý giảm độ phân giải.

Phụ đề phim cũng gây đau đầu không kém. Có phim tự dưng lấy hẳn phụ đề của một phim khác, hoàn toàn không ăn nhập đâu vào đâu ; có phim phụ đề được dịch từ tiếng Hoa ngược ra lại tiếng Anh nên đọc buồn cười không chịu được.

Muốn xem phim DVD loại tốt bây giờ chỉ còn cách mua loại đĩa DVD 9, tức đĩa hai lớp dung lượng đến 8,5 GB trong khi DVD bán ngoài chợ là DVD 5 chỉ chứa được tối đa 4,7 GB.

Nói chuyện DVD để thấy rằng tuân thủ vấn đề bảo vệ bản quyền là không dễ. Cho dù bây giờ có công ty chuyên nhập DVD bản gốc về bán, cũng ít ai sẵn sàng bỏ khoản tiền gấp mấy chục lần trước đây để mua phim có bản quyền. Mà thị trường nhỏ sẽ khó có chuyện DVD đại hạ giá như ở các nước khác.

Cách tốt nhất là tổ chức mô hình cho thuê DVD như nhiều nước. Giả thử có ai nảy ra ý tưởng kinh doanh, mua đĩa “xịn” rồi tổ chức cho thuê qua mạng, ắt có cơ hội thành công. Hiện đã có một số trang web ở Việt Nam chuyên cho thuê DVD qua mạng khá chuyên nghiệp như ezrentdvd.com hay thuedvd.com. Mô hình này như các loại cửa hàng cho thuê phim Blockbuster, người tham gia trả một khoản phí hàng tháng (từ 90.000 đồng), vào trang web chọn phim, sẽ có người đưa phim đến tận nhà, không hạn chế số ngày giữ phim, số lần mượn (càng xem nhanh càng mượn được nhiều)… Khổ nỗi những sự bực mình của việc mua phim DVD “dỏm” cũng sẽ xuất hiện nếu nơi cho thuê không chịu chọn lọc phim cho kỹ. Vì thế, ý tưởng cho thuê phim DVD có bản quyền đàng hoàng vẫn chờ người triển khai.


No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...