Monday, June 18, 2007

Thieu nguoi lanh dao?

Thị trường nhân lực cấp cao
Điều chưa được nhắc đến
Nguyễn Vạn Phú
Khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao ở Việt Nam, người ta thường đề cập đến các vấn đề như thiếu người giỏi dù mức lương chào mời rất cao, thói quen nhảy từ công ty này sang công ty khác của loại nhân lực này hay cách làm mới của nhiều công ty giữ chân người giỏi bằng cổ phiếu… Tuy nhiên, hầu như chưa ai chú ý đến sự khác biệt giữa nhân lực cấp cao trong vai trò quản lý và nhân lực cấp cao trong vai trò lãnh đạo dù đây là mấu chốt có thể giải quyết nạn thiếu hụt nhân sự ở nhiều công ty.

Đừng ngạc nhiên
Nhiều người bất mãn vì một hôm bỗng thấy đồng nghiệp thua sút mình trong nghề nghiệp lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người được đưa vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chưa chắc đã có chuyên môn vững vàng như nhân viên bên dưới. Nhiều người khác chia sẻ nhận xét, tại sao anh chàng đó mà được làm sếp trong khi chỉ biết chỉ tay năm ngón; người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn trong công ty không thiếu…
Trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp, người ta phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa loại người lãnh đạo, người có chuyên môn và người quản lý ở bất kỳ cấp độ nào. Lấy ví dụ phòng kế toán, tài chính của một công ty lớn sẽ có một vài chuyên gia có bằng cấp cao, chuyên thực hiện những yêu cầu tính toán phức tạp khi làm dự toán một dự án nào đó. Họ có thể làm việc say mê, hết giờ vẫn chưa chịu về khi chưa tìm ra lời giải. Nhưng họ sinh ra không phải để làm lãnh đạo vì thiếu những đức tính cần thiết. Người quản lý tốt rất giỏi về khả năng tổ chức thực hiện công việc, bám theo các quy trình có sẵn và đốc thúc nhân viên theo các mục tiêu đã định. Họ hầu như có mặt khắp nơi, giải quyết ổn thỏa mọi trục trặc của quy trình, và biết tận dụng kiến thức chuyên môn của từng nhân viên để thúc đẩy công việc. Nhưng họ cũng chưa phải là nhà lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng nghĩa chính là một người “chỉ tay năm ngón”, nhân viên không tiếp xúc trực tiếp sẽ dễ có cảm giác ông này không làm gì cả. Bởi người lãnh đạo giỏi định hướng đi cho doanh nghiệp hay tổ chức và khơi gợi sự hứng thú của mọi người cùng đi trên con đường này. Người lãnh đạo tốt sẽ không chịu duy trì hiện trạng như người quản lý mà luôn luôn tìm cách phát triển; có tầm nhìn dài hạn chứ không bó hẹp vào các tình huống trước mắt như nhà quản lý. Nói tóm lại, người quản lý chú trọng vào hệ thống còn người lãnh đạo chú trọng vào con người. Ở đây cần lưu ý vai trò người lãnh đạo không hẳn là từ chức vụ doanh nghiệp phân công chính thức; người lãnh đạo có thể ở bất kỳ vị trí nào và có thể là cấp dưới của nhà quản lý. Bởi ngoài vai trò lãnh đạo đến từ chức vụ, còn có sự lãnh đạo (tức là sự dẫn dắt) đến từ nhiệm vụ, kiến thức, mối quan hệ hay cá tính.

Thị trường đang thiếu cái gì?
Vì thế khi nói đến thị trường nhân lực cấp cao, cần xác định chúng ta đang nói đến ai, trong vai trò như thế nào. Đúng là chúng ta đang thiếu đủ loại nhân lực cấp cao nhưng giới chuyên môn, sau quá trình đào tạo (trong hay ngoài nước hay tại chỗ), doanh nghiệp sẽ dễ dàng lấp các chỗ trống này. Ở vai trò quản lý cũng vậy, hàng loạt nhân viên trước đây từng làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay văn phòng đại diện các công ty đa quốc gia trở về làm quản lý cho các doanh nghiệp trong nước là một ví dụ. Nếu thiếu nữa, doanh nghiệp vẫn có thể tuyển dụng người nước ngoài vào các vị trí quản lý cấp cao cần thiết. Hiện nay, giới quản lý đang chịu khó học, từ các lớp MBA chính quy đến các khóa đào tạo ngắn hạn. Hàng loạt sinh viên ngành quản trị kinh doanh được đào tạo bài bản ở nước ngoài sẽ về tìm cơ hội làm việc trong nước vì dư địa cho họ thi thố tài năng ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với ở các nước họ đang học tập.
Điều thị trường đang thiếu trầm trọng là các nhân sự cấp cao đóng vai trò lãnh đạo thật sự ở doanh nghiệp. Thị trường hiện đang nhầm lẫn nên vẫn thường xảy ra trường hợp một quản lý cấp cao ở một công ty nước ngoài về đầu quân cho doanh nghiệp trong nước và lầm tưởng mình sẽ lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Họ thất bại vì ở họ thừa kỹ năng quản lý nhưng thiếu các đức tính cần thiết của một lãnh đạo. Và khi hệ thống họ sao chép từ nơi khác xảy ra các tình huống chưa lường trước, họ sẽ dễ dàng đổ lỗi cho các yếu tố khách quan hay đổ tội cho người khác.
Một nhầm lẫn khác nữa là chủ doanh nghiệp có thể tuyển đúng một người có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp cho họ nhưng lại sử dụng họ như nhà quản lý bằng cách bắt ép họ điều hành theo một hệ thống cứng nhắc không có chỗ cho sự sáng tạo.
Để giải quyết nạn thiếu hụt nhân lực cấp cao, thiết nghĩ doanh nghiệp nên phân biệt rõ các vai trò nói trên, xác định xem mình đang thiếu loại gì và đã sử dụng đúng nhân lực có sẵn chưa. Xét cho cùng, phẩm chất lãnh đạo không thể chỉ hình thành qua đào tạo, không thể bỏ tiền ra thuê là có, và càng không thể trông chờ từ một môi trường không thuận lợi cho sự thách thức cái cũ để nảy sinh cái mới.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...