Thursday, November 29, 2007
Tien cho giao duc
Nguyễn Vạn Phú
Báo cáo “Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp những con số thú vị mà nếu phân tích kỹ, có lẽ các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ thay đổi quan điểm đang theo đuổi.
Số học sinh trung học sẽ giảm mạnh
Mặc dù dân số Việt Nam nhìn chung tăng từ 77,6 triệu năm 2000 lên 84,2 năm 2006 nhưng dân số trong độ tuổi 6-10 đã giảm mạnh, năm 2000 là trên 9 triệu thì đến năm 2006 chỉ còn 6,8 triệu. Chính vì thế số lượng học sinh tiểu học đã giảm mạnh trong những năm qua, từ 9,7 triệu năm 2000 còn 7 triệu năm 2006, một mức giảm gần 3 triệu học sinh (xin nói thêm báo cáo có giải thích tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học còn cao hơn số lượng các em trong độ tuổi này vì có nhiều em quá 10 tuổi vẫn còn học tiểu học).
Trong lúc đó, dân số trong độ tuổi 11-14 có giảm trong những năm qua nhưng tỷ lệ giảm không đáng kể, còn số lượng dân số trong độ tuổi 15-17 hầu như không thay đổi. Như vậy, rất có thể số lượng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong những năm sắp tới sẽ giảm mạnh nếu vẫn duy trì số học sinh tronh độ tuổi đi học như hiện nay. Không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến đặc điểm cơ cấu dân số này chưa khi lập kế hoạch cho những năm sắp tới, kể cả đội ngũ giáo viên, trường lớp, ngân sách và các nguồn lực khác. Nếu số học sinh giảm mà ngân sách cho ngành giáo dục vẫn tăng đều như những năm qua, tại sao Bộ vẫn khăng khăng đòi tăng học phí? Đó là chưa kể xu hướng thành lập các trường ngoài công lập đang tăng, những trường này chia sẻ bớt số học sinh mà không đụng đến ngân sách giáo dục. Ở đây, cũng có một khả năng là trong những năm tới, khi mức sống người dân tăng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học (năm 2006 là 90,33% ở cấp phổ thông cơ sở và 55,51% ở cấp phổ thông trung học) sẽ tăng. Nhưng mức tăng này, nếu xảy ra, sẽ không bằng mức giảm con số tuyệt đối gần 3 triệu học sinh nói trên.
Chi ngân sách giáo dục tăng nhanh
Theo số liệu trong báo cáo, chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đã tăng nhanh trong những năm qua, tăng đến trên 2,7 lần trong vòng sáu năm. Nếu như ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 19.747 tỷ đồng năm 2001 thì con số này đến năm 2006 đã đạt mức 54.798 tỷ đồng (xem bảng 1). Trong chi ngân sách, có hai khoản gồm chi thường xuyên (trên dưới 82%) và chi đầu tư (trên dưới 18%). Cả hai khoản này đều tăng nhanh và tỷ trọng hầu như không thay đổi trong những năm qua.
Ngược lại, số học sinh phổ thông cùng trong thời gian này đã giảm 1,5 triệu em, từ 17,8 triệu năm 2000 còn 16,3 triệu năm 2006. Còn tính hết tổng số từ mầm non cho đến nghiên cứu sinh, mức tăng không đáng kể, từ 22,3 triệu người năm 2000 lên 22,9 triệu người năm 2006. Điều đáng chú ý là trong khi tiền chi ra tăng trên 270% mà đối tượng nhận lợi ích từ ngân sách này không tăng bao nhiêu thì thật khó giải thích các khoản tiền tăng này đi về đâu. Chắc chắn mức thụ hưởng của học sinh ở góc cạnh tài chính ngân sách không thể tăng 270% được rồi. Mức tăng học phí, nếu có thực hiện theo đề án của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng không thể nào bằng một phần rất nhỏ của mức tăng ngân sách giáo dục hằng năm, làm sao có thể kỳ vọng vào nó để xoay chuyển chất lượng giáo dục khi thực tế đã cho thấy ngân sách ưu ái cho giáo dục như thế mà ngành này đã duy trì được chất lượng hay chưa?
Mơ hồ ngân sách giáo dục
Một đặc điểm của ngân sách giáo dục, theo báo cáo, là đến 95% được chi trực tiếp cho các địa phương hay bộ ngành khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm trong tay 5% thôi. Đây chính là một vùng xám cần làm rõ để biết ngân sách được cho là dành cho ngành giáo dục được sử dụng như thế nào. Thường xuyên có chuyện tỉnh hay huyện cứ tạm sử dụng phần ngân sách giáo dục vào việc khác rồi trả lại sau – từ đó mới có chuyện nợ lương giáo viên, nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản cho trường lớp.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã phải than: “Tôi ở Quốc hội 2 khóa, Trung ương 3 khóa, ở cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng, tổng cộng 21 năm cho đến lúc về hưu đã rút ra một điều là tài chính là một trong những bí hiểm nhất của các bí hiểm. Tiền Nhà nước cho bao nhiêu, ghi thế thôi chưa chắc chi đã đúng. Về đến địa phương thì bao nhiêu số đó thực chi cho giáo dục? Không ai biết.”
Thay vì loay hoay soạn thảo và bảo vệ cho đề án tăng học phí, lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tìm cách giải mã “hộp đen” này. Không phải bộ giành hết ngân sách về tay mình để chi – vì đó là điều không tưởng – mà phải “lật bài ngửa” công khai hết cho người dân biết, phải đào tạo cán bộ ở cấp sở và phòng giáo dục, sao cho họ biết cách đấu tranh để địa phương phải chi đúng, chi đủ phần ngân sách đã phân bổ, phải dùng báo chí, đại biểu Quốc hội để làm sao đồng tiền ngân sách, tức cũng là tiền đóng thuế của người dân, đến đúng địa chỉ.
Cách làm tương đối khả thi là chọn một hai địa phương làm trọng điểm kiểm tra việc chi ngân sách cho ngành giáo dục, từ đó xây dựng mô hình mẫu về lương giáo viên, các khoản chi thường xuyên khác và chi đầu tư cho từng trường, tính trên số lượng học sinh… (có người tính toán rằng với mức chi thường xuyên như hiện nay, lương bình quân của giáo viên phải ở mức 3,6 triệu đồng/tháng). Người dân và ngành giáo dục ở các địa phương khác có thể đối chiếu để chất vấn lãnh đạo địa phương mình tiền chi cho giáo dục đi về đâu.
Còn đó nhiều câu hỏi khác
Những con số được trích dẫn trên đây là giả định báo cáo ““Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” hoàn toàn chính xác. Tuy thế, khi đọc báo cáo, người ta không thể không đặt ra những câu hỏi cho nhiều con số được đưa ra.
Xin lấy ví dụ, báo cáo viết: “Năm 2006, số trẻ 6 đến 10 tuổi là 6,81 triệu em, số học sinh tiểu học là 7,029 triệu em, chiếm tỷ lệ 103%. Tức là hầu như tất cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học đều đi học, ngoài ra có một số trẻ em quá 10 tuổi vẫn đi học tiểu học (3%)”. Không thể nào tin được 100% học sinh trong độ tuổi đều đi học tiểu học. Báo chí đã nói khá nhiều về hiện tượng học sinh bỏ học ở các vùng khó khăn về kinh tế; chúng ta đều đã nghe nói về các nỗ lực đưa trẻ em đường phố vào các lớp học tình thương; thực tế có bao nhiêu em vì bệnh tật, vì khuyết tật và vì nhiều lý do khác đã không thể đến trường. Nếu trừ đi con số này, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy đâu ra học sinh để cho đủ con số 100%. Nếu tính số học sinh tiểu học trên số lớp thì bình quân mỗi lớp chỉ có 26 em, một con số lý tưởng và không có trong thực tế. Tình hình cũng tương tự khi tính chung số học sinh phổ thông trên số lớp phổ thông thì mỗi lớp chỉ có bình quân 32,4 em!
Báo cáo cho biết nguồn vốn vay ODA cho ngành giáo dục hằng năm khoảng từ 4.200 đến 4.600 tỷ đồng – tức ở mức 260 triệu đến 280 triệu đô-la Mỹ (riêng năm 2006 chỉ còn 1.200 tỷ đồng tương đương với chừng 75 triệu đô-la Mỹ). Cứ tạm cho con số này là chính xác, và lấy số liệu năm 2005 cho dễ hình dung, chúng ta thấy nguồn vốn vay ODA (4.640 tỷ đồng) chiếm trên 10% tổng chi ngân sách cho giáo dục (42.943 tỷ đồng); chiếm trên 60% khoản chi đầu tư cho giáo dục (7.226 tỷ đồng). Đây là một tỷ lệ không nhỏ chút nào nhưng hầu như không thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo phân tích, giải trình trong báo này hay các báo cáo trước người dân.
Cách so sánh chi phí học tập trên thu nhập của hộ gia đình của báo cáo cũng không ổn vì chỉ dùng các phép tính đơn giản để kết luận thu nhập bình quân hộ gia đình 3 người (có 1 người đi học) ở thành thị là 3,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 1,5 triệu/tháng; hộ 4 người (có 2 người đi học) ở thành thị là 4,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 2 triệu/tháng. Hai vợ chồng ở nông thôn làm sao có thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng? Bình quân thu nhập GDP đầu người là chia đều, nếu có những người thu nhập cả mấy trăm triệu mỗi tháng thì sẽ có những người hầu như không có thu nhập. Hơn nữa, chỉ nhìn những con số trên cũng đã thấy cực kỳ phi lý, thu nhập ở gia đình gồm bố mẹ và 2 con đang đi học tăng nhiều so với gia đình gồm bố mẹ và 1 con đang đi học, khoảng tăng 1 triệu đồng này lấy ở đâu ra?
Xin ngưng tính toán đơn thuần trên giấy mà hãy tổ chức khảo sát thực tế để có thể đưa ra những nhận định chính xác và chính sách hợp lòng dân.
Saturday, November 24, 2007
Các thành viên của Chính phủ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối tuần trước và đầu tuần này. Nhiều vấn đề được nêu lên, nhiều giải pháp và lời hứa hẹn được đưa ra. Nhưng dường như cảm nhận chung từ các phiên chất vấn này là nội dung chất vấn bị lập lại và cách trả lời cũng giống như các phiên họp trước đây. Hàng chục triệu cử tri ắt sẽ có hàng triệu câu hỏi, không thể trông chờ các câu hỏi và trả lời ở các phiên chất vấn sẽ thỏa mãn hết mọi người.
Vậy cái thiếu ở những phiên chất vấn này là gì, có cách làm nào khác hay hơn để thỏa mãn được đa số cử tri hơn? Theo chúng tôi, điều cần nhất ở các thành viên đang đảm đương những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy Chính phủ là một tầm nhìn giúp xác định được vấn đề cần giải quyết, cả ngắn hạn và dài hạn, cũng như quyết tâm theo đuổi, đấu tranh để thực hiện các giải pháp đi liền với tầm nhìn này.
Cho đến nay không ai không ý thức được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề xã hội, từ nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường đến chất lượng giáo dục, tham nhũng của công, giá cả tăng vọt… Vấn đề là ở cương vị người đứng đầu các ngành, các bộ trưởng đã xây dựng cho mình tầm nhìn như thế nào về các vấn nạn xã hội đang phải đương đầu, giải pháp nào để vượt qua chúng, những trở ngại nào khi thực hiện các giải pháp ấy. Tất cả phải xuất phát từ một sự bức xúc của người chịu trách nhiệm để chuyển tải tinh thần tập trung giải quyết vấn đề theo đúng nguyện vọng của cử tri đến tận mọi cấp trong bộ máy của mình.
Phiên chất vấn không chỉ là lúc người bộ trưởng phải chật vật tìm cách trả lời thắc mắc của cử tri hay vượt qua sự truy hỏi của đại biểu Quốc hội. Cũng phải xem đây là dịp người bộ trưởng trình bày quan điểm, lộ trình và kế hoạch của mình, thuyết phục Quốc hội cung cấp đủ cho mình những công cụ, kể cả tài chính hay sửa đổi luật lệ, để thực hiện tầm nhìn đó. Xin lấy ví dụ, phiên chất vấn không thể là nơi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đôi co với đại biểu Quốc hội về trọng lượng của cặp học sinh, 3 ký hay 4 ký! Đây cũng không phải là nơi người đứng đầu ngành giáo dục than phiền về chất lượng đào tạo tiến sĩ của nước nhà. Điều cử tri trông đợi là ngành giáo dục sẽ làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, hay xa hơn, chất lượng đó gắn với cách sử dụng tiến sĩ của xã hội như thế nào. Kêu gọi người không có điều mới không nên “làm tiến sĩ” là lạc hướng giải quyết vì bộ máy ngành giáo dục hoàn toàn có thể đánh giá và phải có trách nhiệm đánh giá một luận án tiến sĩ có đóng góp gì mới cho xã hội không. Hoặc một Bộ trưởng Giao thông Vận tải không thể nào trả lời chính xác vì sao một dự án cụ thể có công trình cầu đường không đồng bộ. Nhưng người bộ trưởng phải có giải pháp xóa bỏ sự không đồng bộ này ở mọi dự án, thậm chí bằng cách đề nghị Quốc hội sửa đổi cơ chế, quy định có thể gây ra tình trạng này.
Chúng ta trông đợi các phiên chất vấn tương lai sẽ là diễn đàn để các thành viên Chính phủ cho cử tri thấy họ đã trăn trở với các vấn đề của đất nước thuộc trách nhiệm của họ như thế nào. Lúc đó, không cần chất vấn, đại biểu hay cử tri đối chiếu câu hỏi của mình với tầm nhìn hay giải pháp chung đã được trình bày ắt sẽ tự mình tìm thấy ngay câu trả lời cần có.
Ai chịu trách nhiệm?
Thủ đoạn lừa đảo của cái gọi là tập đoàn Colony Invest và những đường dây tương tự rất đơn giản, thậm chí thô thiển vì đánh vào lòng tham của con người với mức lãi suất hứa hẹn lên đến 3%/ngày. Vì thế ngay khi nhóm lừa đảo này bắt đầu mồi chài người dân, báo chí đã phát hiện và đã lên tiếng cảnh báo ngay từ những tháng đầu năm nay. Điều đáng nói là từ đó cho đến cuối tuần trước, không hề có một cơ quan chức năng chính thức nào đưa ra phát biểu mang tính cảnh báo cho người dân. Và có lẽ đến khi kết thúc vụ án lừa đảo quy mô hàng vạn người này, cũng sẽ chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này để cuối cùng nạn nhân vẫn là những người dân nghèo, cả tin và dễ bị lường gạt.
Thử nhìn lại những tháng qua, sau khi báo chí đã có những bài điều tra về loại hình lừa đảo này, có thể có cơ quan nào đứng ra làm nhiệm vụ cảnh giác cho xã hội? Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo cho Chính phủ ban hành Nghị định 74 về việc chống rửa tiền, trong đó các tổ chức tín dụng phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên trong ngày. Nhóm lừa đảo này bị báo chí ghi rõ tên tuổi; giao dịch cũng thực hiện qua nhiều ngân hàng với các khoản tiền tỉ đồng trở lên. Sao chẳng thấy ai lên tiếng? Ngân hàng Nhà nước lẽ ra đã có thể sử dụng các kênh truyền thông, nhất là truyền hình hay phát thanh để phân tích một cách đơn giản nhất cho người dân thấy bản chất của sự lừa đảo, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực cơ quan này phụ trách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư ở các tỉnh thành ắt biết rõ mình chưa bao giờ cấp phép cho loại hình kinh doanh này, cũng như chưa bao giờ cấp phép cho Colony Invest, tại sao không họp báo nói rõ sự thật để giúp giảm bớt số người bị lừa. Cơ quan an ninh mạng, từng phối hợp rất nhanh chóng với cơ quan điều tra trong những vụ như truy tìm thủ phạm tung phim sex lên mạng, sao không thấy phản ứng gì, để mặc cho đường dây này “lòe mắt” những người nông dân với những kỹ xảo như username (tên để truy cập) hay password (mật mã).
Đáng nói nhất là chính quyền cơ sở ở các địa phương, lẽ ra khi nắm được sự việc đang diễn ra tại địa phương mình, phải nhanh chóng tìm hiểu vấn đề, liên lạc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về kiến thức hay nghiệp vụ chuyên môn. Chỉ khi cán bộ cơ sở làm việc với tinh thần “chức trách” cao như thế, họ mới có đủ khả năng ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trên địa bàn của mình.
Vụ Colony Invest rồi cũng sẽ trôi qua với những bản án dành cho những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thiếu cơ hội làm ăn của người dân nghèo. Vấn đề là các cơ quan nhà nước rút ra được bài học gì để trong tương lai có thể ngăn chặn ngay một vụ tương tự, không để hàng vạn người bị mất tiền như lần này? Cần tập huấn những gì cho cán bộ địa phương bên cạnh các bài giảng chính trị? Cần có cơ chế phối hợp như thế nào giữa các cơ quan nhà nước để định rõ trách nhiệm của từng cơ quan? Và cuối cùng, phải làm gì để khắc phục một não trạng phổ biến hiện nay tại nhiều cơ quan: Chuyện đó không thuộc trách nhiệm của chúng tôi?
Monday, November 5, 2007
Duong tinh... voi cai gi?
Nguyễn Vạn Phú
Chắc chắn những ngày tới công luận sẽ bắt đầu lên tiếng phê phán thái độ lẫn tránh sự thật của Bộ Y tế khi miêu tả đợt dịch bệnh hiện nay ở nhiều tỉnh phía Bắc là … tiêu chảy cấp tính.
Vấn đề muốn nói ở đây là nghiệp vụ của phóng viên đã chấp nhận sự lẫn tránh này mà không chịu đi đến cùng sự thật. Thật không thể tin nổi khi đến sáng thứ Hai, ngày 5/11, vẫn còn đọc được các thông tin trên báo như thế này:
“Hiện cả nước đã có hơn 600 ca nghi mắc tiêu chảy cấp, trong đó gần 80 trường hợp dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
“… trong ngày đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp.”
“… riêng trong ngày hôm qua đã có thêm 148 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca dương tính với vi khuẩn.”
Đó là tin trong ngày thứ Hai (5/11), lúc đó đã có bài của bác sĩ Lê Đình Phương (Bệnh viện FV) trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị (Bệnh tả: Phải gọi đúng tên để trị đúng bệnh). Cả tuần trước đó, có những đoạn tin không thể nào hiểu được:
“… Hiện đã có 144 ca tiêu chảy đang điều trị, qua xét nghiệm ban đầu xác định 108 ca dương tính.”
Ít nhất người phóng viên khi viết đến đây cũng phải tự mình vò đầu bứt tai mà hỏi: “Dương tính? Vậy dương tính với cái gì?” Trên kia có câu “dương tính với vi khuẩn” là sao? Vi khuẩn gì? Những ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp không dương tính với vi khuẩn chăng? Tiêu chảy vì stress chăng? Tiêu chảy cấp nguy hiểm là bệnh gì? Phóng viên được phân công theo dõi lãnh vực y tế tức đã có một số kiến thức y tế nhất định. Khi nghe những thông tin mà mình sẽ viết trong tin bài thì phải hỏi chứ, hỏi người phát ngôn “tiêu chảy cấp” khác với “tiêu chảy cấp nguy hiểm” ở chỗ nào? Chỉ cần hỏi và tìm câu trả lời cho các câu hỏi này, phóng viên sẽ đóng trúng vai trò chất vấn cho ra thông tin trung thực: Trong các ca tiêu chảy cấp ấy, có nhiều ca mắc bệnh tả!
Thông tin như thế có gây hoang mang, hoảng sợ trong người dân không? Cứ làm thử một cuộc thăm dò bỏ túi – cả tuần trước, hỏi nhiều người về nguy cơ lây lan “bệnh tiêu chảy cấp”, đa số trả lời “tôi đâu ăn mắm tôm đâu mà sợ mắc bệnh!” Đấy mới chính là khoảng trống thông tin sẽ gây hoang mang trong người dân khi sự thật trước sau gì cũng được phơi bày.
Cứ thử nghĩ mà xem, miền Trung hiện đang đối đầu với bão lụt. Nếu dịch tả lan vào những vùng đang bị ngập nước, mguy cơ lây lan sẽ kinh khủng như thế nào. Nhưng nếu người dân biết họ phải đối đầu với nguy cơ dịch tả, họ sẽ không chủ quan, nhớ lại những bài học kinh nghiệm dân gian (khi vẫn còn sự thiếu vắng thông tin tuyên truyền chính thống) để đối phó.
Có lẽ Bộ Y tế sợ trách nhiệm, rằng quản lý như thế nào mà để xảy ra dịch tả ở những năm đầu thế kỷ 21. Vì vậy mới có chuyện ông cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp Nguyễn Huy Nga tuyên bố khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: “Cảnh báo tiêu chảy và tả thì biện pháp phòng chống như nhau”. Xin đầu hàng! (Xin đọc thêm thông báo khẩn về “quy trình xử lý dịch tả” và “hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tả” của Bộ Y tế lưu hành trong ngành y tế, những văn bản này thì giải thích rất rõ cách chẩn đoán phân biệt bệnh tả với các bệnh tiêu chảy khác).
Thôi, cái đó sẽ có công luận lên án và pháp luật xử lý sau. Trước mắt chỉ xin nói đến trách nhiệm của người phóng viên, làm sao để thông tin thực đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn.
Thursday, November 1, 2007
Thi truong bong bong
Nguyễn Vạn Phú
- Khủng hoảng tín dụng địa ốc ở Mỹ, đang gây chao đảo cho thị trường tài chính toàn cầu, liệu có cung cấp bài học gì cho thị trường địa ốc nước ta?
Năm 2004, khi sang Mỹ công tác, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy đi đến đâu, người ta cũng bàn chuyện mua bán nhà. Nhiều người Việt sống ở những vùng gần Washington DC, Houston, Texas hay Santa Ana, California mua vài ba căn nhà, ai nấy đều “phấn khởi” vì giá nhà tăng nhanh, tính ra, họ đã lời những khoản rất lớn. Hỏi chuyện mới biết, mua nhà những năm ấy khá dễ dàng. Họ chỉ cần trả ngay khoảng 20% giá trị căn nhà, còn lại sẽ trả góp trong vòng 20 năm hoặc lâu hơn. Lãi suất lúc ấy lại rất thấp nên mua xong, cứ cho thuê để lấy tiền trả góp ngân hàng, được giá là bán lại, lấy lời.
Lúc đó, tôi có đến thăm những khu phát triển địa ốc ở Texas mà có dạo cũng quảng cáo rao bán cho người trong nước, gây xôn xao ở nước ta một thời gian. Bây giờ nhìn lại, mới thấy đấy là tiền đề của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc đang gây khó khăn cho nền kinh tế của Mỹ và kéo theo sự phá sản của nhiều tổ chức tín dụng trên khắp thế giới.
Thị trường lúc nào cũng chịu tác động của quy luật cung cầu. Người ta mua nhà không phải vì nhu cầu chỗ ở mà sử dụng nó như một công cụ đầu tư thì chắc chắn sau một thời gian xây thêm nhà để bán, thị trường sẽ thừa nhà. Để “kích cầu”, giới tài chính Mỹ “làm liều” cho vay mua nhà ngay cả những người có tiền sử tín dụng xấu – gọi là subprime loan mà chúng ta bây giờ hay nghe báo chí sử dụng để tính lãi trên trời. Khi lãi suất được liên tục nâng lên trong những năm gần đây, món nợ vay mua nhà bỗng tăng vọt (vì áp dụng lãi suất thả nổi). Nhiều người mất khả năng chi trả - nhà lại không bán được dễ dàng như trước vì lãi suất cao rồi, tính ra không còn lời nhanh như mấy năm trước. Sau khi tận dụng các kỹ thuật để thu thêm một khoản lãi nữa như cho vay để tái cấu trúc nợ, cho vay khoản vay thứ nhì trên cùng căn nhà đã thế chấp, các tổ chức tín dụng bắt đầu công bố tin xấu: nợ khó đòi tăng vọt.
Thế là sụp đổ dây chuyền. Cái tinh vi của thị trường tín dụng địa ốc này là ở chỗ: các khoản vay tín dụng xấu này được “đóng gói” thành các loại cổ phiếu, chẻ nhỏ ra rồi đem lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Vì thế, dù là chuyện cho vay mua nhà ở Mỹ nhưng ảnh hưởng thì lan đến tận New Zealand, Đức, Pháp, Úc… vì họ tham gia mua bán chứng khoán loại này.
Đó là chuyện của người ta. Liệu nó có liên quan gì đến những đợt sốt nhà đất ở nước ta trong thời gian gần đây? Nhiều người nói không hề vì ở nước ta mua nhà thường trả bằng tiền mặt chứ không có chuyện vay ngân hàng để mua. Có vay ngân hàng chăng nữa, thì tỷ lệ cho vay trên giá trị căn nhà rất thấp, tiền sử tín dụng của người vay được cân nhắc kỹ. Có lẽ họ nói đúng nhưng có những dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng, không thể không nói ra.
Khủng hoảng tín dụng địa ốc ở Mỹ có quy mô lớn, nhưng lẽ ra nó còn lớn hơn gấp nhiều lần nếu không có những sắc thuế ngăn chận bớt lòng tham của nhà đầu cơ. Nhắc lại chuyến đi Mỹ hồi năm 2004, nhiều người Việt cũng cho biết họ không tham gia vào phong trào đầu cơ nhà cửa vì họ ngại chuyện thuế. Ở Mỹ, sở hữu nhà thì phải đóng thuế bất động sản cho chính quyền địa phương – thuế suất mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ ở Houston, Texas, một căn nhà của một gia đình trung lưu có mức thuế hằng năm chừng 8.000 đô-la. Ngoài ra, nếu bán căn nhà mua chưa đầy hai năm và có lãi thì phải đóng thuế thu nhập chừng 15%. Người mua nhà hòng kiếm lời còn phải tính đến phí hoa hồng giao dịch (ít ai mua bán trực tiếp), mua về để cho thuê phải tính đến thuế kinh doanh nhà cho thuê…
Ở ta, chưa có những sắc thuế như vậy nên người có tiền cứ thoải mái đầu cơ vào nhà đất, giá lên bao nhiêu là hưởng lợi bấy nhiêu. Đây là một điểm khác biệt lớn mà nếu không có chính sách điều chỉnh sớm, cơn sốt nhà đất sẽ khó lòng hạ nhiệt.
Thứ nữa, mặc dù chưa thấy có hiện tượng người dân bình thường vay tiền mua nhà để bán lại, nên nhớ rất nhiều dự án nhà đất lớn trong thời gian vừa qua được các ngân hàng tài trợ vốn. Hiện nay, theo quan sát của giới chuyên môn, đến 80-90% người mua các căn hộ chung cư đang sốt nóng không mua để ở mà mua để dành đó sau này bán lại kiếm lời. Cứ tạm tính chỉ một phần ba các vụ giao dịch ở dạng này, chẳng mấy chốc, nhu cầu mua nhà sẽ đạt để đỉnh và nhanh chóng rớt xuống. Lúc đó, chủ đầu tư lấy tiền đâu trả nợ cho ngân hàng? Dòng tiền họ tính toán sẽ thu được trong thời gian tới liệu có trôi chảy như trong bản thuyết minh dự án đi vay tiền? Chưa kể, với sự đóng mặt của thị trường chứng khoán, các khoản vay này cũng được “đóng gói” biến thành cổ phiếu đang được ngay chính các tổ chức tín dụng hay các công ty khác sở hữu; liệu có gì khác với các công cụ tài chính với các tên rất kêu từng được rao bán ở thị trường tài chính quốc tế?
Sức hút của những khoản lời khổng lồ đang cuốn nguồn lực của xã hội vào cơn lốc đầu tư và đầu cơ địa ốc; chắc chắn nguồn lực dùng để xây dựng nhà giá thấp cho người có thu nhập bình thường sẽ bị chia sẻ. Hình ảnh hàng ngàn căn hộ đắt tiền bỏ trống, không ai ở bên cạnh những khu ổ chuột mới hình thành với hàng ngàn công nhân sống chen chúc từng xảy ra ở Thái Lan, sẽ có khả năng xảy ra ở nước ta nếu chúng ta không nhận ra nguy cơ “bóng bóng” của thị trường và nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh.
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...