Xách giấy bút chạy theo chứng khoán
Nguyễn Vạn Phú
Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển với tốc độ vũ bão làm đủ loại cơ sở hạ tầng, trong đó có cả báo chí, chạy theo không kịp. Trong một thời gian ngắn, nhu cầu thông tin mọi mặt về thị trường chứng khoán từ công chúng buộc các báo, kể cả những tờ trước đây không quan tâm đến kinh tế tài chính, cũng phải đẩy phóng viên ra sàn, vừa quan sát vừa ghi nhận tin tức, phỏng vấn, viết phóng sự và thậm chí cả bình luận nữa.
Không ít sai sót
Bên cạnh những bài báo chính xác, khách quan về hoạt động mọi mặt của thị trường chứng khoán, vẫn còn nhiều bài viết vội, người viết chưa tìm hiểu kỹ cách vận hành thị trường nên còn nhiều sai sót đáng tiếc. Điều này cũng dễ hiểu vì, lấy ví dụ, một người chuyên viết về kinh tế nay nhảy sang viết bình luận kịch nghệ hay phê bình văn học, làm sao tránh sai sót. Các báo không chuyên về kinh tế, vì một nhu cầu mới nảy sinh trong một thời gian ngắn, phân công phóng viên chưa biết “giá tham chiếu” là gì ra sàn viết bài, thì khó lòng tránh được sự chủ quan, kết luận vội vã. Ví dụ có phóng viên viết: “Nhìn vào bảng cân đối kế toán của công ty X, có thể thấy mức tăng trưởng lợi nhuận đã vượt mục tiêu đặt ra ban đầu”. Trong “bảng cân đối kế toán” không có một dòng nào nói về lợi nhuận cả; nó ở trong “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh”.
Rất nhiều bài báo trong thời gian vừa qua nhắc đến hệ số P/E và… chú thích lung tung, như tờ T.S. (số ra ngày 5/4/2007) vẫn còn ghi “tỷ lệ P/E – lợi nhuận đầu tư”, một tờ khác trích lời một chuyên gia, viết rằng P/E là tỷ lệ phần trăm. Có báo tính P/E của một công ty lên đến trên 1.000 lần!
Một tờ báo lớn, cử phóng viên ghi nhận tình hình mua bán chứng khoán ở “phố Wall”-Việt Nam đã tả, “Buổi chiều, khi các nhà đầu tư bán được cổ phiếu vào buổi sáng khệ nệ xách từng giỏ tiền ra về thì câu chuyện của những bà, những chị ở “Phố Wall” lại càng xôm tụ hơn”. Nếu phóng viên này chịu khó vào hỏi nhân viên công ty chứng khoán sẽ biết ngay bán cổ phiếu xong, ba ngày sau tiền mới về tài khoản, chứ làm gì có chuyện sáng bán, chiều xách tiền về.
Nhiều trang diễn đàn vẫn còn nhắc chuyện một phóng viên đưa tin giá cổ phiếu của một công ty “sập sàn” vì giảm quá nhiều trong một ngày (728.000 đồng xuống còn 190.000 đồng), trong khi không biết rằng cổ phiếu này được giao dịch trong ngày không hưởng cổ tức 15% và mỗi cổ phiếu được thưởng ba cổ phiếu! Có người bình luận rất đau: “Cần biết rằng viết về chứng khoán rủi ro rất cao nếu không hiểu biết về nó”.
Rất nhiều chủ quan
Nhưng hóa ra những sai sót nhỏ, dễ thấy như trên không gây tác hại gì lắm, có lẽ vì chúng dễ phát hiện. Cái nguy hiểm lớn nhất, theo ý kiến chủ quan của người viết, là một số bài báo trong thời gian qua đã góp phần kích thích lòng tham làm giàu chóng vánh ở nhiều người. Tập trung trong một thời gian ngắn, hàng loạt bài báo ở dạng phóng sự, ghi nhận chuyện anh T., cô G. hay bà Đ. bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, và như một câu chuyện cổ tích có hậu, những người này biến thành tỷ phú hầu như tức thời.
Có những trường hợp này không? Có thể có. Rất có thể nữa là đằng khác. Nhưng vì có hàng loạt bài báo viết với một mô-típ tương tự, xin được rất nghi ngờ tính chính xác của nó. Vì cho dù thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng, nhưng so giữa tháng 4 năm ngoái và tháng 4 năm này, mức tăng cũng chỉ khoảng gấp hai lần. Nếu không có cái nhìn tỉnh táo, chỉ bị tác động bởi những câu chuyện làm giàu nhờ chứng khoán dễ dàng như “báo đăng”, sẽ có nhiều người sẽ lấy hết tiền dành dụm, đổ vào chứng khoán trong khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tâm lý lẫn kiến thức.
Một dạng bài cũng rất nguy hiểm là bình luận, mới nghe qua rất hợp lý, nhưng đọc kỹ mới thấy thực tế nó không đúng như vậy. Xin dẫn chứng một câu bình luận: “Cần nhớ rằng, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã lên đến gần 400 nghìn tỉ đồng, chỉ cần một phần tư số vốn này chuyển sang thì thị trường địa ốc cũng đã bềnh lên, trong đó cả số lượng giao dịch, cả về giá cả cũng tăng cao!” Tổng giá trị vốn hóa đúng là nhiều nhưng đa phần cổ phiếu nằm yên thế, không phải cổ phiếu nào cũng được giao dịch hàng ngày. Hơn nữa, nếu một phần tư số vốn này chuyển đi thì chắc chắn giá cả thị trường sẽ thay đổi khủng khiếp chứ không có chuyện từ chứng khoán chuyển sang địa ốc một cách dễ dàng như thế.
Nhiều phóng viên nghe giám đốc công ty nói gì bèn viết lại thế mà không cần suy nghĩ họ nói đúng hay sai. Ví dụ một tờ báo phỏng vấn một tổng giám đốc và ông này nói: “Tập đoàn XZY, với tổng giá trị thị trường ước tính trên 11.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ khả năng tài chính khi quyết định mua cổ phiếu của YZX”. Tổng giá trị thị trường của công ty này là ở ngoài thị trường chứng khoán chứ đâu phải của công ty đâu mà ông ta bảo đủ khả năng mua lại công ty khác với giá cao. Cứ giả thử toàn bộ cổ phiếu của công ty nằm trong tay công ty này, nếu họ bán ra để có tiền mua YZX thì giá sẽ rớt ngay chứ đâu ở mức 11.000 tỷ đồng nữa.
Ở đây cũng xin nhận xét như thế này: Một người được gọi là chuyên gia thì chỉ là chuyên gia trong lãnh vực chuyên ngành của ông ấy thôi. Vì thế một tiến sĩ chuyên về kinh tế phát triển có thể không phải là chuyên gia chứng khoán. Người viết báo cần phân biệt như thế để khỏi phỏng vấn sai đối tượng. Nói như thế vì vừa qua cũng có nhiều chuyên gia lấn sân, nhảy sang bình luận về chứng khoán và cũng đầy chủ quan, phiến diện. Mà chứng khoán là vậy, nếu ai cũng dự đoán đúng thì họ đã đi mua bán chứng khoán cho rồi; nếu chuyên gia dự báo giỏi, họ đã trở thành tỷ phú cổ phiếu rồi, không ai dại đi chia sẻ cho người đọc báo chí. Lấy ví dụ, lúc chỉ số VN-Index mới tăng lên mức 800, đã có rất nhiều phỏng đoán thị trường quá nóng, sắp vở như bong bóng. Những ai lỡ dại nghe theo các bình luận này chắc sẽ tức điên đầu khi VN-Index vượt mốc 1.000 điểm. Phải công nhận tâm lý nhà đầu tư ở Việt Nam chưa thể dự báo nỗi – có nhiều phiên giao dịch, cứ tưởng giá sẽ sụt mạnh vì trước đó có hằng loạt cảnh báo dữ dội, những bài viết về một viễn cảnh ảm đạm, thế mà thị trường vẫn tăng giá như không.
Sắp tới sẽ như thế nào?
May thay, sau một thời gian tăng trưởng quá sức tưởng tượng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi vào giai đoạn có tăng có giảm. Vì thế, các bài báo mang tính “cảnh báo”, mang tính phê phán “tâm lý bầy đàn” (như thể những nhà đầu tư là đàn thú!) đã gần như biến mất. Những bài báo miêu tả thị trường như một canh bạc cũng đã giảm. Thay vào đó, báo chí đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thông tin của nhà đầu tư bằng các tin thuần túy sự kiện, thông số và các bài điều tra khá công phu về các chiêu thức kỹ thuật của một số công ty nhằm nâng giá cổ phiếu một cách giả tạo. Các báo bắt đầu có những bài bảo vệ nhà đầu tư nhỏ trước những biện pháp cố tình ưu đãi cổ đông lớn. Ngay cả khi một báo trích lời một nhà đầu tư tài chính nước ngoài, nói thị trường sẽ giảm đến 30%, ngay lập tức có những bài khác đặt vấn đề động cơ phát biểu, cơ sở phát biểu…
Theo tôi, sẽ đến lúc thị trường chứng khoán nước ta đi vào nề nếp, giao dịch sôi động nhưng giá cả chỉ biến động nhỏ như các thị trường khác. Lúc đó, thị trường sẽ đóng đúng vai trò của nó là cung cấp vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế. Và lúc đó, liệu các báo sẽ hết chuyện viết vì không lẽ cứ phân tích chung chung mãi?
Như vậy, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư cần gì ở báo chí? Trước đây khi chưa có Internet, các tờ như Wall Street Journal đăng kết quả giao dịch hằng ngày, cả cổ phiếu, trái phiếu, những thông số cơ bản mà hầu hết đã được các công ty chứng khoán tính sẵn. Họ có một tin chung về thị trường, các tin về các công ty có cổ phiếu chịu biến động giá cao nhất. Nay phần lớn các nhà đầu tư truy cập thông tin loại này trên Internet vì nhanh hơn và tìm đúng thông tin mình cần tìm hơn.
Ở đây, xin nhấn mạnh một điều, nhà đầu tư không chỉ đọc các trang chứng khoán để thu nhận thông tin cho mình. Tin họ cần nhiều lúc nằm ở các trang khác. Ví dụ, nhà đầu tư đã phân tích giá cả cổ phiếu của một công ty dựa vào những thông số đã có hay đã dự báo. Nay vì một sự kiện nào đó, ví dụ công ty X mất một khách hàng lớn vì khách hàng này phá sản, dòng tiền của công ty X bị ảnh hưởng, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận thông tin này và điều chỉnh phân tích cổ phiếu X theo kịch bản mới.
Nhà đầu tư cũng cần những thông tin vĩ mô. Ví dụ giá cổ phiếu của các công ty thủy sản chắc chắn bị ảnh hưởng nếu tôm hay cá xuất từ Việt Nam bị kiện bán phá giá ở một thị trường nào đó. Giá xăng thả nổi sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty tiêu thụ nhiều xăng dầu… Nhiều lúc một tin ở tuốt châu Phi lại được nhiều nhà đầu tu quan tâm vì họ đang giữ cổ phiếu của một công ty có thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Phi.
Có thể nói, với đa số các tờ báo đại chúng, mọi chuyện sẽ trở về nhịp điệu trước khi chứng khoán tăng trưởng nóng. Điều khác biệt là người viết ở bất kỳ trang mục nào sẽ viết với ý thức tin tức của mình đưa ra công chúng sẽ có tác động lên giá cả cổ phiếu ở một khía cạnh nào đó, không ít thì nhiều. Còn các tờ báo chuyên về kinh tế sẽ phải phân tích sâu tình hình hoạt động của các công ty niêm yết và sắp niêm yết, xem thử thực tế có gì khác với dự báo của công ty đưa ra cho đại hội cổ đông. Lúc đó, hy vọng giới đầu tư sẽ tin cậy báo chí như người bạn đường giúp họ đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn chứ không phải một sự nghi ngại về chất lượng hay tính khách quan như hiện nay.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...
No comments:
Post a Comment