Friday, April 27, 2018

Bất cận nhân tình

Nền kinh tế không có gương mặt người

Uber kết thúc những chuỗi dài tranh cãi tại Việt Nam với giới quản lý, với taxi truyền thống bằng cách rút hẳn khỏi thị trường Đông Nam Á, nhường chân cho Grab để đổi lấy phần hùn trong công ty này. Nay có lẽ chẳng ai quan tâm xác định Uber là doanh nghiệp vận tải hay công ty công nghệ có phần mềm kết nối lái xe và người tiêu dùng. Và nay xuất hiện các nỗi lo như thương vụ mua bán này tạo cơ hội để Grab thao túng một thị trường gần như độc quyền...

Thật ra, Uber ra đi, đã để lại một bài học lớn cho cả khu vực: đó là nền kinh tế kỹ thuật số với những mô hình kinh doanh ưu việt lại là nền kinh tế không có gương mặt người. Điều này không những đúng cho Uber mà còn ứng với nhiều loại hình kinh doanh kỹ thuật số khác.

Với một doanh nghiệp bình thường, khi thương lượng bán hoạt động cho doanh nghiệp khác, điều thường trực trong bàn đàm phán là số phận nhân viên, là cách tiếp nhận khách hàng cũ, là sự tiếp nối những truyền thống làm nên văn hóa của doanh nghiệp trước khi bán đi.

Đằng này hàng ngàn người vay vốn ngân hàng, đầu tư vào một chiếc xe để chạy dịch vụ cho Uber, hoàn toàn không ngờ một hôm thức dậy, Uber không còn tồn tại với họ. Dĩ nhiên nhiều người trong số họ vẫn sẽ tiếp tục đầu quân cho Grab nhưng với họ, Uber là sự bội tín khi từng dùng nhiều từ hoa mỹ để lôi kéo họ vào cuộc chơi, kể cả mang nợ không nhỏ với ngân hàng. Trước đó hàng ngàn tài xế taxi truyền thống, do cạnh tranh không lại với các chiêu thức giảm giá cho khách hàng và thưởng cho lái xe nên đã bỏ hãng, vay tiền mua xe chạy Uber và nay lại gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nếu bị chất vấn, ắt Uber cũng có lập luận để thoát như mọi cuộc tranh luận trước: tài xế không phải là nhân viên của chúng tôi nên chúng tôi không có trách nhiệm lo cho họ, chúng tôi chỉ cung cấp sự kết nối!

Đây chính là đặc điểm “bất cận nhân tình” của Uber nói riêng và kinh tế kỹ thuật số nói chung. Facebook, Google chỉ xem người dùng là các số liệu thống kê để họ tăng giá trị cổ phiếu và để bán thông tin cho ai muốn mua. Đừng trông chờ họ bảo vệ sự riêng tư cho người dùng. Một khi người ta xem các hoạt động của từng cá nhân chỉ như các chấm li ty trong bức tranh “dữ liệu lớn – big data” thì làm sao các mô hình này có gương mặt người cho được.

Thiết nghĩ đây là yếu tố quan trọng nhất trong cân nhắc của các nhà làm chính sách, giới quản lý mỗi khi suy tính cách ứng xử với các mô hình mới của nền kinh tế số, kể cả những trào lưu làm nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đến quá nhiều thời gian qua. Dùng robot để thay công nhân thì quá hay, quá tuyệt vời nhưng cũng phải nghĩ đến số phận những người công nhân bị tước đoạt công việc chứ. Đặt máy chủ ở trong hay ngoài nước đâu quan trọng bằng, giả dụ, một quy định, cho phép người dùng biết rõ họ bị thu thập thông tin gì từ trước tới nay (mà châu Âu đã ban hành).

Quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, tức người dân; bảo vệ quyền lợi của họ trước mọi rủi ro xâm hại... những góc nhìn đó còn quan trọng và cấp bách hơn chuyện thu được đồng thuế từ các doanh nghiệp trong nền kinh tế kỹ thuật số. Và biết đâu những doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lãnh vực mới biết chú ý đến tính người lại thành công vượt trội, hơn cả Uber hay Grab nữa.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...