Net không
trung tính: thì xưa nay đã vậy
Thuở xưa không gian Internet chia làm hai thế giới, sống
tách biệt, nước sông không phạm nước giếng. Một bên là các công ty cung cấp dịch
vụ kết nối Internet như ở Việt Nam là VNPThay Viettel; ở Mỹ là AT&T hay
Comcast và bên kia là các nơi cung cấp nội dung, ứng dụng và các dịch vụ khác
như đủ loại báo chí, nơi lưu trữ phim ảnh, chia sẻ nhạc… Thế nhưng sự tách biệt
này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Thoạt tiên, các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet mà
thông thường cũng là nơi cung cấp đường truyền điện thoại mới nhận ra các bên
cung cấp ứng dụng trên Internet là đối thủ của chính họ trong nhiều trường hợp.
Chẳng hạn, chắc nhiều người còn nhớ dịch vụ gọi điện trên nền tảng Internet
(VoIP) mà nhiều nơi chào mời. Bạn là công ty điện thoại, sống nhờ khách chịu
dùng điện thoại thông thường để liên lạc với nhau nay bỗng nhiên khách không chịu
gọi như cũ nữa mà dùng đường truyền Internet cũng do chính bạn lắp đặt để liên
lạc với nhau, khỏi tốn tiền, thông qua dịch vụ của một anh chàng nào đó cung cấp.
Ai mà không tức.
Thế là các nơi cung cấp dịch vụ Internet bèn bắt đầu khóa
van, chặn các dịch vụ Internet nào có khả năng ảnh hưởng đến doanh thu của họ
như vụ Madison River Communication, một công ty điện thoại và kết nối Internet
khóa chức năng VoIP trên đường truyền Internet của khách hàng và bị kiện. Có
lúc AT&T hạn chế không cho khách hàng xài chức năng Facetime của Apple và
cũng bị khiếu nại.
Lúc đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bèn đề ra
nguyên tắc Net trung tính (Net Neutrality), đại khái cho rằng khách hàng có quyền
truy cập các nội dung trên Internet trên nguyên tắc bình đẳng, các nơi cung cấp
dịch vụ không được chặn hay hạn chế đường truyền hay nói cách khác, phân biệt đối
xử trên Internet, theo kiểu ai trả thêm tiền thì được ưu tiên.
Giả dụ không có nguyên tắc này, có lẽ các hãng điện thoại
như AT&T đời nào cho khách hàng của mình xài Viber hay iMessage lúc đó mới ép
họ xài dịch vụ tin nhắn truyền thống của mình. Thử tưởng tượng tình huống tương
tự giả định xảy ra ở Việt Nam: các nhà mạng như Mobifone hay Vinaphone, nếu được
quyền, ắt sẽ vui sướng chặn các dịch vụ nhắn tin miễn phí qua nền tảng Internet
như WhatsApp, Zalo hay Viber. Cứ nhìn doanh thu dịch vụ tin nhắn SMS của các nhà
mạng tụt giảm như thế nào sẽ hình dung được ngay giả định này.
Sau đó hàng loạt vụ kiện khác diễn ra nhưng tình tiết thì
ngày càng phức tạp vì lập luận hai bên đều có tình, có lýnhư Comcast bị kiện vì
chặn không cho khách sử dụng chức năng chia sẻ các file qua giao thức
BitTorrent. Lúc đó, giao thức chia sẻ tập tin thì hợp pháp nhưng người dùng lại
tận dụng nó để chia sẻ các tập tin vi phạm bản quyền như phim ảnh mà dung lượng
chia sẻ lại lớn, có lúc chiếm đến 35%-40% tổng lưu lượng của Internet. Người dùng
bình thường bực mình vì băng thông bị chiếm để hàng xóm tải phim nên Comcast
nói họ khóa hay hạn chế chia sẻ kiểu BitTorrent chỉ để bảo vệ sự công bằng cho
khách hàng nói chung.
Sau đó đến lượt các công ty cung cấp dịch vụ Internet cũng
nhảy ra làm nội dung, nói cho dễ hình dung VNPTvừa giúp khách hàng kết nối
Internet vừa có báo Vietnamnet, FPT cũng có dịch vụ lưu trữ file, chia sẻ file…
Ở Mỹ thì Comcast cũng làm chủ NBC Universal, AT&T đang mua lại Time Warner…
Một nơi cung cấp đường truyền Internet cho khách hàng, bỗng thấy khách cứ dùng
băng thông của mình để coi phim của Netflix trong khi mình cũng có dịch vụ coi
phim trực tuyến mà không ai xài, ắt hẳn sẽ nghĩ ngay đến cách thức ép, ai muốn
coi Netfix trên đường truyền của tôi thì trả thêm tiền, bằng không phải chịu tốc
độ chậm.
Đó là cách thức báo chí đang trình bày vấn đề Net Neutrality
để dẫn tới vấn đề thời sự làm nóng đề tài này: FCC nay dưới thời của Tổng thống
Donald Trumpvừa mới quyết định dẹp bỏ sự trung tính của Internet hay nói cách
khác các công ty cung cấp dịch vụ kết nối Internet từ nay muốn làm gì thì làm, muốn
chặn địch thủ, ưu tiên cho gà nhà thì cứ việc, không ai cấm. Đó là lý do báo
chí Mỹ đang phê phán quyết định của FCC như một cách thủ tiêu tính công bằng của
Internet, từ nay chỉ còn các ông lớn chèn ép doanh nghiệp nhỏ, rằng nếu quyết định
như FCC thì đã không có sự trổi dậy của các tên tuổi như Facebook, Google….
Thật ra, nói như vậy cũng không sòng phẳng cho lắm vì không
lẽ FCC không hiểu được vấn đề báo chí nêu ra. Nhìn từ vai trò quản lý nhà nước
thì lập luận mới của FCC là Internet không cần bàn tay can thiệp của chính phủ,
Internet là một nơi tự do nên quyết định của họ tháo các ràng buộc mang tính quản
lý cho Internet. Các vấn đề chặn đối thủ, ưu ái cho chính mình sẽ để cho thị
trường quyết định, ai chơi xấu thì khách hàng sẽ bỏ đi; nhiệm vụ của FCC là bảo
đảm sự minh bạch, ai chặn, khóa van hay ưu ái thì phải nói rõ cho khách hàng biết.
Chính vì vậy FCC đã chuyển giao việc giám sát cạnh tranh công bằng cho Ủy ban
Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), là nơi có chuyên môn cũng như các quy định chặt
hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống độc quyền. FCC lập luận bỏ quy định
về sự trung tính của Internet thì mới tạo động lực cho các nơi cung cấp dịch vụ
kết nối đầu tư nâng cao chất lượng để giành khách hàng về cho mình.
Tranh cãi ầm ĩ trên công luận là thế chứ thật ra Internet đã
mất tính công bằng từ lâu chứ đâu đợi đến bây giờ. Thế giới Internet hiện nay bị
chi phối bởi vài ba tên tuổi lớn như Apple, Amazon, Facebook hay Google. Họ có
tiền, có lực để đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu ở khắp nơi trên thế giới
nên dù nhà mạng có khóa hay ưu ái gì gì đi nữa họ vẫn chiếm phần tiện nghi
trong mọi phương diện. Thậm chí cả Facebook lẫn Google đều có những dự án cung
cấp kết nối Internet miễn phí cho toàn cầu, miễn sao mọi người cứ vào dùng dịch
vụ của họ. Apple và Google hiện đang kiểm soát ai muốn đưa một ứng dụng nào lên
hai hệ điều hành iOS và Android đều phải thông qua họ; họ không chịu thì dễ gì
phân phối ứng dụng đến tay người dùng.
Ở Việt Nam chẳng hạn, không có vấn đề Net Neutrality nhưng
Facebook hay Google vẫn chiếm thế thượng phong. Facebook thì liên kết với các
nhà mạng để bất kỳ ai, dù không có 3G vẫn có thể truy cập Facebook dễ dàng. Google
thì thuê máy chủ của chính các nơi cung cấp dịch vụ kết nối Internet, kể cả cho
dịch vụ YouTube của mình. Thế nên mỗi khi đường truyền Internet quốc tế bị cắt
vì đứt cáp quang, Facebook hay Google vẫn chạy vù vù.
Nay, sau vụ Net mất sự trung tính, vẫn chẳng có gì đột biến
xảy ra. Các nhà mạng lớn như AT&T, Verizon hay Comcast không dại gì một sớm
một chiều thay đổi chính sách ứng xử với khách hàng như bóp băng thông dùng cho
dịch vụ của đối thủ vì quá lộ liễu và dễ bị kiện. Dần dần sự không trung tính của
Internet sẽ được tô đậm mà khách hàng có lẽ cũng chẳng sẽ phản đối. Ấy là bởi họ
đã được điều kiện hóa để làm quen với sự bất bình đẳng này rồi.
Giờ họ vào
Amazon mua hàng nhanh như gió đã quen nên chẳng mất thời giờ vào các nơi bán
hàng khác tương tự như Amazon nhưng không tên tuổi, không đủ lực để đầu tư như
Amazon. Và dĩ nhiên ví dụ AT&T cho khách hàng mua gói kết nối Internet của
mình được thêm dịch vụ coi truyền hình miễn phí DirecTV thì ai lại không thích.
Hiện nay T-Mobile đã cho các ứng dụng YouTube hay Netflix chạy trên miễn cước
trên mạng của họ; tức họ lấy tiền của các nơi này chứ không thu tiền của khách
hàng, ắt ai nấy đều hài lòng.
Vụ Net Neutrality, xét cho cùng, chỉ là một vụ bị chính trị
hóa nhiều hơn là một tranh cãi về công nghệ. Hiện nay chính trường Mỹ đang lật
ngược lại những gì Tổng thống Obama từng làm như bỏ đạo luật Obamacare và nay
là Net Neutrality.
FCC gồm năm người, ba ủy viên theo đảng Cộng hòa, hai ủy
viên thuộc đảng Dân chủ. Ajit Pai, chủ tịch FCC do Tổng thống Donald Trump bổ
nhiệm là người từng phản đối Net Neutrality dưới thời Obama khi ông ta là ủy
viên thiểu số,nay là lá phiếu quyết định lật ngược thế cờ. Không có gì đáng ngạc
nhiên khi quyết định của FCC trong tuần rồi được thông qua với ba phiếu thuận,
hai phiếu chống.Có lẽ sau này khi thời thế thay đổi vấn đề Net Neutrality lại
được xới lên với những lá phiếu mới.