Hiện tượng
Donald Trump
Để hiểu vì sao ứng cử viên Tổng thống Donald Trump lại gây
sóng gió cho chính trường Mỹ, nhất là đảng Cộng Hòa của ông ta đến thế, không
thể trông chờ vào các bài phân tích trên báo chí dòng chính của Mỹ. Ngay cả các
tờ báo lớn cũng viết về Donald Trump với vẻ coi thường, như đang tả một gã hề
trên sân khấu của Shakespeare, hoàn toàn không có cơ may thắng cử. Mà lạ một điều,
coi thường như thế nhưng tin tức về Donald Trump cứ tràn ngập mặt báo như thể
ai nấy đều bị ông này ám ảnh, vừa ghét vừa mê.
Chính cây bút bình luận của tờ Washington Post Kathleen
Parker viết, "Ngắm Donald Trump thiệt hết sức thú vị, chúng ta không chỉ
chờ từng lời. Chúng ta ngồi ở mép ghế, chờ lời kế tiếp. Gã này sắp nói gì nữa
đây?"
Cũng không thể tìm hiểu ở chính những hành động hay phát
ngôn của Donald Trump bởi người như ông thời nào cũng có, nước nào cũng có,
không nhiều thì ít. Thật ra, gạt các phát ngôn gây sốc của ông ta sang một bên,
quan điểm của Donald Trump cũng từng được các ứng cử viên khác của đảng Cộng
Hòa phát biểu, từ chính sách chống người nhập cư, chống Obamacare đến chống hôn
nhân đồng tính, chống phá thai, chống Trung Quốc – không có gì khác nhau cho lắm.
Nói cách khác, hiện tượng Donald Trump không nằm ở bản thân
ông ta – nó nằm ở hàng chục triệu người đang nhiệt tình ủng hộ ông ta – và nếu
cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ diễn ra ngay bây giờ, nào ai dám chắc Donald
Trump không thắng cử? Hiện nay trong các cuộc thăm dò, Donald Trump dẫn đầu
cách xa các ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa.
Vì sao hàng chục triệu người tin vào Trump bất kể nền tảng
dân chủ và trí thức của nước Mỹ? Đó mới là vấn đề.
Ví dụ, Donald Trump từng tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp "thật
sự" của nước Mỹ lên đến 42%. Báo chính thống chỉ cười giễu nhưng vẫn có
người dân Mỹ tin Trump mặc dù số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của
Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2009 xuống 5,3% vào năm 2015. Đó là bởi Trump biết
cách đánh vào tâm lý tò mò của người thiếu thông tin, lại dễ bị cuốn vào
"thuyết âm mưu" một khi có một khe hở nào đó. Khe hở ở đây là con số
5,3% nói trên không tính những người "thiếu việc làm", tức chỉ làm
bán thời gian hay bỏ cuộc, không cố tình tìm việc làm nữa. Tính hết như thế, cộng
với những người không đi làm vì nhiều lý do khác nhau như đang đi học, ở nhà
làm nội trợ thì có đến 37% người Mỹ trên 16 tuổi (đến 93 triệu người) không
tham gia lực lượng lao động của nước này – không xa con số của Trump đưa ra là
mấy. Vấn đề là không ai tính tỷ lệ thất nghiệp theo kiểu của Trump cả.
Có lẽ người Mỹ đã chán cách nói "phải đạo" mà
chính khách "tử tế" nào cũng phải học cho thuộc. Vì thế trong một khảo
sát gần đây nhất khi cử tri được yêu cầu dùng một từ để miêu tả các ứng cử
viên, từ được dùng nhiều nhất cho bà Hillary Clinton là "nói dối". Ví
dụ, có lẽ nhiều người Mỹ bất mãn thấy dân nhập cư trái phép từ Mexico vào lấy hết
việc làm của họ, sẽ thấy không ăn thua gì các biện pháp hạn chế mà các ứng cử
viên khác đưa ra. Họ ngược lại sẽ vỗ tay hoan hô khi Trump "chửi"
giùm họ rằng dân Mễ vào đây trái phép, đem theo ma túy và hãm hiếp. Cách nói của Trump khác nào khơi
đúng nguồn bực tức và giận dữ của người dân mà do nền tảng giáo dục, tôn giáo,
văn hóa, lại không dám bày tỏ bộc tuệch như thế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo New York Times,
Donald Trump tiết lộ: Các ứng cử viên khác, họ thuê người mỗi tháng trả cả
200.000 đô-la chỉ để tư vấn, không nên nói cái này, không nên nói điều kia. Ông
dùng sai từ rồi, đừng bỏ dấu phẩy ở đây… Tôi không muốn điều đó. Không ai bày
tôi nên nói điều gì cả.
Thế là ông ta hết chê John McCain đến lăng mạ phụ nữ; hết ba
hoa về quan hệ quốc tế kiểu như tôi quen hết mọi nhà thương thảo quốc tế nổi tiếng
đến khoe mức độ giàu có của mình. Ví dụ về Trung Quốc ông này nói trong bài diễn
văn tuyên bố ứng cử của mình: "Tôi không nói họ ngốc. Tôi thích Trung Quốc.
Tôi vừa mới bán một căn hộ giá 15 triệu. Làm sao ghét họ được chứ?... Nhưng
lãnh đạo của họ thông minh hơn lãnh đạo của chúng ta nhiều…" Hay khi nói về
các đối thủ cùng đảng Cộng Hòa của ông ta: "Các ứng cử viên khác – họ bước
vào, họ không biết máy lạnh không chạy. Họ đổ mồ hôi như các chú cẩu… Làm sao họ
đánh thắng ISIS được. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện đó".
Donald Trump là như thế, tuyên bố nào phát ra cũng gây sốc
cho báo chí nhưng với những người Mỹ bảo thủ bình thường lại là điều họ đang
suy nghĩ, kiểu như "biến đổi khí hậu là đồ giả", "bọn ngu đang
thương thảo các hiệp định thương mại cho nước ta, thương mại mà làm gì"; "thuế
doanh nghiệp 0% sẽ tạo ra hàng triệu việc làm"…
Bất kể sự tự tin, có lẽ dựa vào sự phi lý của các phát ngôn
từ của ông ta, của báo chí chính thống Mỹ rằng Donald Trump sẽ là hiện tượng sớm
nở tối tàn, rõ ràng ông ta đang có những ảnh hưởng sâu đậm lên chính trường Mỹ.
Một khi đã có một tỷ lệ lớn cử tri Cộng Hòa tán thưởng cách suy nghĩ của Trump,
các ứng cử viên khác không còn con đường nào khác là… bắt chước. Sự bắt chước
đó có thể có hại cho nền văn hóa Mỹ một khi người ta bắt đầu khai thác sự phẫn
nộ của người dân để đi theo con đường mị dân, khép kín, thậm chí như kiểu phát xít
trong ứng xử với dân tộc khác. Châu Âu đã và đang đi theo con đường này; nhiều
người sợ tương lai nước Mỹ cũng sẽ theo chân.
Hiện nay người ta đang sợ một khi Donald Trump không được đảng
Cộng Hòa cử làm ứng cử viên, ông ta sẽ tiếp tục tranh cử như một ứng cử viên độc
lập, lấy theo ông ta một lượng không nhỏ đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu và như thế bất
kỳ ai được đề cử phải chia phiếu cho ông ta. Mà có lẽ diễn biến những tháng sắp
tới sẽ là như thế; đảng Cộng Hòa khó lòng nhượng vị trí ứng cử viên được đảng
này đề cử cho Donald Trump được vì nỗi xấu hổ ông này đang đem lại hay ít nhất
là nhiều người lãnh đạo đảng Cộng Hòa đang nghĩ như thế. Và nếu Donald Trump ra
tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập, cán cân chính trị nước Mỹ sẽ thay đổi
như thế nào vì diễn tiến này, chưa ai dám nói trước được. Đó chính là sức hút bất
ngờ không cưỡng được của Trump.