Đại biểu là doanh nhân đại diện cho ai?
Có một điều rất lạ được nhiều người xem là bình thường: mỗi khi nhắc đến các đại biểu Quốc hội là doanh nhân, người ta thường xem các đại biểu này đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của giới doanh nhân cả nước.
Thậm chí tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong lần gặp gỡ các đại biểu Quốc hội là doanh nhân cũng đã phát biểu: “Các đại biểu là doanh nhân khi thảo luận tại Quốc hội cần phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp cả nước, cố gắng làm hết sức mình, làm sao thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp đối với Quốc hội.” (TTXVN).
Cách suy nghĩ này thường ít khi xảy ra với các đại biểu có nghề nghiệp khác, như ít ai nghĩ đại biểu là giáo viên thì đại diện cho giáo chức hay đại biểu là bác sĩ đại diện cho giới y tế!
Câu hỏi đặt ra là đại biểu Quốc hội có đại diện cho một giới nào đó riêng biệt, một nghề nghiệp cụ thể hay một nhóm người nào đó hay không?
Theo luật, đại biểu Quốc hội trước hết đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân ở đơn vị bầu cử ra mình và sau đó là đại diện cho người dân cả nước. Không có luật nào nói đại biểu Quốc hội là doanh nhân thì phải đại diện cho giới doanh nghiệp. Cách suy nghĩ như thế sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường hết.
Bởi trên thực tế, đại biểu Quốc hội là doanh nhân thường nắm rõ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiểu được những khó khăn, những vướng mắc của người cùng ngành nghề nên thường phát biểu về những vấn đề mà doanh nghiệp phải đương đầu. Dĩ nhiên là doanh nhân, đại biểu Quốc hội thuộc giới này, thường ủng hộ những chủ trương, chính sách có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Như thế sẽ có lúc nảy sinh xung đột quyền lợi: chính sách có lợi cho doanh nghiệp chưa hẳn có lợi cho toàn thể cộng đồng; chủ trương nghiêng về doanh nghiệp có thể gây thiệt cho người dân nói chung. Lúc đó, đại biểu Quốc hội không thể xem mình là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hay không nữa mà phải đứng về phía lợi ích của cử tri mình đại diện.
Nếu xem tiền đề “đại biểu Quốc hội là doanh nhân thì đại diện cho giới doanh nghiệp” là đương nhiên, chẳng khác nào chúng ta cổ súy cho việc hình thành những nhóm lợi ích nhưng chỉ hạn chế ở một số loại nhóm lợi ích mà thôi.
Lấy một ví dụ từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Một số đại biểu là doanh nhân đã phát biểu tại Quốc hội, phê phán việc hạn chế tín dụng đối với bất động sản và chứng khoán là không công bằng hay khẳng định việc thắt chặt tín dụng chưa hẳn đã kiềm chế được lạm phát như mong đợi… Là doanh nhân, việc yêu cầu nới lỏng tín dụng cho các dự án bất động sản đang kẹt vốn của mình là chuyện bình thường nhưng trong tư cách là đại biểu Quốc hội, liệu đề nghị đó có trung khớp với “ý chí và nguyện vọng” của cử tri nơi bầu ra mình hay không? Nếu người dân biết rằng nới lỏng tiền tệ cho doanh nghiệp dễ thở hơn có thể gây ra lạm phát tiếp tục sau này, liệu họ có đồng tình để đại biểu Quốc hội của mình phát biểu như thế?
Phát biểu đã thế, làm sao ngăn ngừa được việc đại biểu Quốc hội là doanh nhân sẽ tìm mọi cách để vận động hành lang cho các dự án của mình mà vẫn yên tâm danh chính ngôn thuận đang hoạt động vì lợi ích của nơi mình đại diện?
Luật hiện nay cũng đã quy định, “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan”. Nhưng ở vế ngược lại, cử tri khó lòng biết được đại biểu của mình bỏ phiếu cho các chủ trương, chính sách lớn như thế nào, ngoại trừ những phát biểu công khai tại hội trường. Chính vì thế, nghề nghiệp của đại biểu không quan trọng bằng suy nghĩ, quan điểm, lập trường của đại biểu trước cử tri để cư tri biết mình sẽ bầu cho người sẽ bỏ phiếu như thế nào tại Quốc hội trong tương lai. Hiện nay ở các nước, rất nhiều đại biểu Quốc hội xuất thân từ ngành luật không lẽ tất cả đều đại diện cho tiếng nói của giới luật sư?
Nói ở góc độ lý tưởng, lẽ ra khi trở thành đại biểu Quốc hội, doanh nhân phải ngưng việc kinh doanh, luật sư phải ngưng hành nghề, nhà giáo phải ngưng giảng dạy, để tránh mọi xung đột lợi ích có thể xảy ra. Ở nước ta khi đại biểu còn phải kiêm nhiệm thì chưa thể làm triệt để như thế. Nhưng việc phân định rạch ròi, đại biểu đại diện cho ai, là bước đầu tiên để đem lại sự chuyên nghiệp cho Quốc hội.
No comments:
Post a Comment