Vàng và hai cô gái
Thời buổi này nếu ai đó nói vàng chưa chắc là dấu hiện của sự giàu có, ắt chúng ta sẽ bảo họ khùng. Câu chuyện một người chết khát trong sa mạc trên lưng là túi vàng nặng trĩu không thuyết phục được ai vì đó chỉ là ngoại lệ.
Thế nhưng vàng hay tiền bạc đồng nghĩa với sự thịnh vượng là một trong những biện luận sai mà nhiều thời đại, xưa lẫn nay, đều mắc phải. Vào lúc cao trào trong thế kỷ 16, 17, những nước theo chủ nghĩa trọng thương cố gắng vơ vét vàng bạc, châu báu về cho nước mình càng nhiều càng tốt vì họ nghĩ rằng có vàng là có tất cả. Sức mạnh quân sự của quốc gia chỉ nhằm phục vụ cho ngoại thương một chiều, bán thật nhiều hàng hóa cho nước khác, thu về vàng bạc, mua hàng của nước khác càng ít càng tốt. Phải mất vài trăm năm người ta mới hiểu ra, ôm một đống vàng về cho ngân khố nhưng xã hội không có hàng hóa thì sự thịnh vượng chỉ là ánh hào quang bên ngoài của những thỏi vàng mà thôi.
Hiện nay người ta cho rằng Trung Quốc cũng đang áp dụng một dạng chủ nghĩa trọng thương trong chính sách kinh tế của mình. Trung Quốc biến mình thành đại công trường, sản xuất hàng hóa cho thế giới, dựa vào lợi thế công nhân giá rẻ để thu về thật nhiều… tiền, đến giữa năm nay, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lên trên 2.600 tỷ đô-la Mỹ! Đánh đổi tài nguyên, sức lao động của người dân, bỏ lơ tác hại môi trường để thu về một đống tiền như thế, Trung Quốc lại phải đau đầu vì khối tài sản này đang trói tay họ trong nhiều chính sách tiền tệ. Ai nói chủ nghĩa trọng thương đã biến mất?
* * *
Kinh tế học có khá nhiều biện luận sai như thế vì có nhiều quy luật kinh tế trái ngược với suy luận lô-gích thông thường. Ví dụ theo lô-gích thông thường, một nông dân được mùa ắt phải vui mừng một thì khi nông dân cả một vùng, một nước được mùa ắt phải vui mừng gấp triệu lần. Nhưng không phải, nếu cả nước được mùa, giá bán nông sản sẽ sụt giảm nhanh chóng và thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng tệ hại. Hoặc một ví dụ khác, trong thời buổi kinh tế khó khăn, tiết kiệm chi tiêu, dành dụm cho những ngày thiếu thốn là suy nghĩ quá đúng đắn – nhưng chỉ đúng ở trên bình diện cá nhân. Nếu cả xã hội đều đi theo hướng giảm chi tiêu thì chắc chắn khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, không có lối thoát.
Bây giờ chúng ta hãy thử quan sát một trò chơi để thấy kinh tế học tràn đầy những nghịch lý như thế.
Giả thử có người bỏ ra một tờ 100 đô-la để bán đấu giá. Luật chơi là người trả giá cao nhất sẽ thắng, mua được tờ 100 đô-la này với giá đã trả; người trả giá cao thứ nhì thua và phải chịu mất khoản tiền ra giá. Đương nhiên đầu tiên sẽ có người trả 1 đô-la và ngay lập tức có người khác trả 2 đô-la, cứ thế hai bên sẽ đua nhau ra giá đến 99 đô-la (vì vẫn còn lời được 1 đô-la). Đến đây người ra giá 98 đô-la có hai chọn lựa, hoặc ngừng chơi, thua mất 98 đô-la hay ra giá 100 đô-la và hy vọng nếu thắng sẽ huề vốn. Nhưng sự đời không đơn giản, người kia cũng lập luận tương tự, nếu không ra giá tiếp, anh ta sẽ mất 99 đô-la, nhưng trả 101 đô-la lại lợi hơn vì chỉ chịu thiệt 1 đô-la thôi, nếu thắng. Đến đây, các bạn đã thấy tờ 100 đô-la có thể bán được với giá vài ba trăm là chuyện có thể xảy ra!
Người sáng suốt sẽ bĩu môi nói: ai khùng mà đi đấu giá dại dột thế! Đó chính là lý do vì sao các nhà kinh tế gia cứ cãi nhau suốt; kinh tế học thì có quy luật mà hành vi ứng xử của con người thì không. Chúng ta vẫn thường thấy cách “cứu nguy bàn thua trông thấy” như vụ bán đấu giá nói trên trong cuộc sống thường ngày: gắng rót thêm ngân sách vào những dự án thua lỗ hòng cứu vãn tình hình, bất kể chi phí ngày càng nặng thêm.
* * *
Một trong những câu chuyện thường được đem ra kể để minh họa cho cách biện giải sai trong kinh tế học là câu chuyện “kính cửa sổ bị ném vỡ”.
Một hôm con của người chủ tiệm tạp hóa chơi banh, bất cẩn đá vỡ kính cửa sổ. Các nhà kinh tế học xúm lại bàn tán: Giả thử tiền thay kính là 100 đô-la, tự nhiên một chuỗi lợi ích kinh tế đã diễn ra ngay khi kính bị vỡ và được thay. Tiệm bán kính này, người thợ lắp kính, rồi tiệm bán bánh hay cung cấp cho người thợ này, đến tận người nông dân trồng lúa mì bán cho tiệm làm bánh…
Có đúng thế thật không? Ai cũng thấy lập luận kiểu này là không đúng nhưng nó chính là cơ sở cho việc biện minh nhiều dự án tào lao nhất trên đời như dự án xây chiếc cầu Gravina Island Bridge trị giá 233 triệu đô-la ở Alaska để nối với đảo Gravina bé xíu chỉ có 50 người dân. Thậm chí nó còn được dùng để biện giải cho rằng chiến tranh là có lợi cho kinh tế, chiến tranh là lối thoát cho khủng hoảng kinh tế! Vấn đề của câu chuyện “kính cửa sổ” hay các dự án kích cầu trời ơi nằm ở chỗ người ta đã không tính đến thiệt hại của người chủ tiệm tạp hóa, cơ hội bán kính cho khách khác của người làm kính, cơ hội bán bột mì của người nông dân cho nơi khác, cơ hội dùng tiền dự tính chi cho dự án vào việc khác… Nói là dự án tào lao nhưng đặt cho nó cái tên hoàng tráng, ít ai còn nghĩ nó tào lao nữa.
* * *
Chắc ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện hai người hàng xóm, thuê nhau đào hố. Một người thuê người kia đào một cái hố với tiền công là 1 tỷ đồng. Đào xong, người kia thuê lại người đầu lấp cái hố này lại cũng với tiền công 1 tỷ đồng. Cuối ngày, cả hai mệt nhoài nhưng hớn hở khoe nhau thu nhập của họ vào loại kỷ lục thế giới. Các nhà kinh tế học dùng câu chuyện này để chứng minh đo lường hoạt động kinh tế bằng GDP là không chính xác. Thế nhưng nếu hai anh chàng này sống ở Việt
Cuối cùng xin kể một biến thể của câu chuyện này. Người ta thấy hai cô gái tóc vàng hoe, cô đi trước đào hố lên, cô đi sau lấp hố lại, cả hai làm việc miệt mài, không biết mệt. Các cô gái tóc vàng hoe thường bị “văn học dân gian” đem ra chế diễu trí thông minh tỷ lệ nghịch với vẻ đẹp của họ. Ở đây biết đâu họ đọc được câu chuyện hai người hàng xóm bèn bắt chước nhưng làm sai? “Không phải”, một cô nói. “Bọn em có ba người lận. Đứa đầu đào hố, đứa giữa gieo hạt, đứa cuối lấp hố. Nhưng hôm nay đứa giữa bị bệnh”!
Nhưng đừng kể câu chuyện này cho dân Việt
No comments:
Post a Comment