Monday, May 24, 2010

À, ra thế!

À, ra thế!

Sáng nay cả hai báo Thanh NiênTuổi Trẻ đều có tin và ảnh về chuyện người dân, kể cả trẻ em, phải đu dây để băng qua sông Pô Kô (Ngọc Hồi, Kom Tum) vì toàn bộ hệ thống cầu treo đều đã bị lũ cuốn trôi.

Ảnh trên báo Thanh Niên:

Cháu Trần Thị Ánh Tuyết một mình đu dây qua sông để đến trường


Ảnh trên báo Tuổi Trẻ:

Ông Trần Khắc Chín và em Trần Khắc Trường đến trường bằng dây cáp treo.



Vì sao có thảm cảnh này? Báo Thanh Niên trích lời Phó bí thư thường trực Huyện ủy Ngọc Hồi Châu Ngọc Lân cho biết: “Việc đi lại của bà con nhân dân như vậy là quá nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Để làm mới các cầu treo cần phải có thời gian, trong khi đó điều kiện của huyện cũng có hạn”.

Trong khi đó, bàn về việc vay tiền làm đường sắc cao tốc Bắc-Nam (tốn chừng trên 55 tỷ USD), Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền Thông Lê Doãn Hợp cho biết: “Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam chứ nếu ta muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được?" (Vietnamnet).



À ra thế.

Saturday, May 22, 2010

Chuyên nghiệp và quyền lực

Chuyên nghiệp và quyền lực

Quốc hội lại bước vào kỳ họp mới. Người dân quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước theo dõi các phiên họp để xem các đại biểu của mình lý giải các vấn đề này như thế nào, có đại diện được cho quyền lợi của mình không. Thế nhưng, điểm qua các nội dung lớn của kỳ họp lần này, không khỏi băn khoăn liệu các đại biểu Quốc hội đã được chuẩn bị đầy đủ để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Lấy ví dụ, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6-5 về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, khi có hai luồng ý kiến, một bên đòi hạn chế mỗi cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một bên nói nên giữ nguyên mức như hiện nay là 20%, một đại biểu là lãnh đạo Quốc hội gợi ý nên dung hòa, 10% quá thấp, 20% quá cao thì nên lấy con số 15% là đẹp nhất!

Lẽ ra trong trường hợp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên mời những những bên có liên quan, kể cả chuyên gia độc lập ra trước ủy ban để điều trần. Đại biểu phải đặt cho được những câu hỏi để tìm lời giải đáp: có hay không việc lũng đoạn của các cổ đông tổ chức đối với các ngân hàng, vai trò của tỷ lệ vốn sở hữu trong chuyện lũng đoạn, tình hình thực tế trong những năm qua như thế nào, tỷ lệ 10% thì mức độ lũng đoạn ra sao, 20% sẽ khác gì, 15% có thật sự dung hòa được lợi ích các bên, thông lệ quốc tế trong trường hợp này như thế nào, cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ ra sao…

Không thể trông chờ một đại biểu trong ngành giáo dục thông hiểu mọi điều trong ngành tài chính - ngân hàng hay một đại biểu ngành công đoàn nắm rõ cách thức thu hồi vốn của dự án đường sắt cao tốc… nhưng đại biểu là người thông qua thông tin tiếp nhận được, đối chiếu với lợi ích của người dân mình đại diện, hoàn toàn có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Hàng loạt vấn đề lớn của đất nước đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải được quyền tiếp cận thông tin thì ý kiến của họ mới có ý nghĩa. Với các dự thảo luật, nếu chỉ dựa vào thông tin trong tờ trình của nơi soạn thảo, làm sao đại biểu có cái nhìn khách quan về nhiều vấn đề phức tạp, không dễ hiểu một sớm một chiều. Với các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, nếu chỉ dựa vào thông tin do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra, chắc ai cũng thuận lòng thông qua dự án 55 tỷ đô-la này.

Quốc hội phải xem việc mời hay triệu tập những bên có liên quan điều trần trước Quốc hội là việc làm bình thường, phải làm thường xuyên, cả điều trần chính thức lẫn cung cấp thông tin không chính thức. Luật đã quy định đại biểu Quốc hội được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động của mình. Bản thân mỗi đại biểu, hay ít nhất mỗi đoàn đại biểu phải có kinh phí để tổ chức việc thu thập thông tin, tìm hiểu mọi khía cạnh của các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Mấy tháng trước kỳ họp lần này, đại biểu Phạm Thị Loan đã bị bí thư xã một xã ở tỉnh Hòa Bình từ chối tiếp, khóa cổng giam xe, nói năng thô lỗ… khi bà đến tìm hiểu thông tin của địa phương. Đây là một sự việc vi phạm nghiêm trọng quyền lực của đại biểu Quốc hội cần được kỳ họp này xem xét giải quyết triệt để. Bất kể bản thân bà Loan như thế nào đi nữa, khi bà đi tìm hiểu thông tin với tư cách đại biểu Quốc hội, bà là đại biểu cho quyền lực của người dân cho nên những hành vi cản trở đại biểu thực hiện nhiệm vụ sẽ phải bị xử lý theo pháp luật. Cán bộ chính quyền hay cán bộ Đảng coi thường một đại biểu, có nghĩa coi thường luôn Quốc hội, nơi theo Hiến pháp, là cơ quan quyền lực nhà nuớc cao nhất của Việt Nam.

Nếu không làm được những động tác tối thiểu phục vụ cho hoạt động của mình tại Quốc hội, các đại biểu rồi cũng sẽ chỉ tham gia ý kiến sửa câu chữ trong các dự án luật, chỉnh sửa vài con số trong các dự án lớn, nâng lên hạ xuống vài chỉ tiêu kinh tế.

Cập nhật:

Giả thử Quốc hội mời một số chuyên gia đến để hỏi chuyện về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, rất có thể họ sẽ cung cấp những thông tin tham khảo sau:

- Do xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) từng lỗ mỗi năm 20 tỷ đô-la, đến giữa thập niên 1980, JNR lỗ lũy kế lên đến 300 tỷ đô-la. Khi thấy không thể chịu nỗi các khoản lỗ này, chính phủ Nhật Bản bắt đầu tư nhân hóa hệ thống đường sắt từ năm 1987, chia JNR thành 7 công ty cổ phần và dần dần bán cho tư nhân. Ngày nay, một số công ty này bắt đầu có lãi, chủ yếu do chính phủ Nhật bán chúng với giá rẻ, gánh chịu chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và gánh luôn nợ cũ.

- Tuyến đường sắt cao tốc ở Đài Loan nối Đài Bắc với Cao Hùng có chi phí khoảng 15 tỷ đô-la, bắt đầu hoạt động từ năm 2007, đến nay đã lỗ chừng 2,1 tỷ đô-la.

Wednesday, May 19, 2010

“Lỗi và sai sót” gì mà đến 12,84 tỷ USD!

“Lỗi và sai sót” gì mà đến 12,84 tỷ USD!

Giả thử có một ông chủ một tiệm ăn. Ông ta có ba ngăn tủ: ngăn thứ nhất để tiền ra tiền vào hàng ngày, tức là tiền thu vào của thực khách, tiền chi ra mua thực phẩm…, ngăn thứ hai để tiền ra vào dài hạn hơn, như các món bạn bè hùn hạp làm ăn và ngăn thứ ba là một khoản tiền dự trữ phòng lúc khó khăn.

Giả thử tiếp đến cuối năm ông thấy ngăn thứ nhất, vì tiệm mới mở nên thu không đủ bù chi, hụt mất 100 đồng. Ngăn thứ hai có 110 đồng do ông bạn bỏ vào. Như vậy ông còn dư ra 10 đồng khi bù qua sớt lại giữa hai ngăn đầu tiên. Nhưng thực tế kiểm tra ngăn thứ ba, thay vì khoản tiền dự trữ còn nguyên, ông lại thấy hụt mất 10 đồng. Hóa ra ông bạn hứa đóng vào 110 đồng nhưng thực tế mới đưa có 90 đồng. Vậy là ổng kết luận, còn một khoản “lỗi và sai sót” -20 đồng trong sổ sách của mình!

Cán cân thanh toán của một quốc gia nhìn một cách đơn giản hóa cũng tương tự như vậy. Nó gồm tài khoản vãng lai (ngăn đầu – chủ yếu là tiền mua bán hàng hóa, dịch vụ với nước ngoài, dư ra gọi là thặng dư thương mại, thiếu gọi là thâm hụt thương mại; tiền kiều hối…). Cái thứ nhì là tài khoản vốn và tài chính (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, vốn vay…) Cân đối hai tài khoản này lại nếu dôi dư thì làm tăng dự trữ ngoại tệ, nếu thiếu hụt sẽ làm giảm dự trữ này.

Vấn đề ở chỗ, số liệu mới nhất về cán cân thanh toán Việt Nam trong năm 2009 cho thấy tài khoản vãng lai năm 2009 thâm hụt 7,1 tỷ USD; tài khoản vốn thặng dư 11,13 tỷ USD.

Cân đối hai tài khoản này lại, lẽ ra cán cân thanh toán vẫn còn thặng dư 4,03 tỷ USD để đưa vào dự trữ ngoại tệ. Nhưng thực tế, không những không có khoản 4,03 tỷ USD này mà cán cân thanh toán còn thâm hụt khoảng 8,8 tỷ USD nữa.

Vì vậy cho nên, trong bảng cân đối cán cân thanh toán năm 2009 có một khoản mục “lỗi và sai sót” đến âm 12,84 tỷ USD!

Cũng giống trường hợp của ông chủ tiệm ăn nói trên, giảm dự trữ ngoại tệ 8,8 tỷ USD là chuyện tính toán chính xác được, còn hai khoản thặng dự và thâm hụt ở tài khoản vãng lai và tài khoản vốn không thể nào biết chính xác nên mới có mục “lỗi và sai sót” này để cán cân thanh toán cân bằng.

Những năm trước mục lỗi và sai sót chỉ là con số nhỏ (2006 là 1,4 tỷ, 2007 là 0,3 tỷ, 2008 là -0,9 tỷ USD), chủ yếu cũng như ông chủ tiệm ăn, bạn hứa góp, ghi sổ rồi mà thực tế góp chưa đủ. Ở đây có thể là do chênh lệch tỷ giá, ghi nhầm món này, ghi sai món kia…

Nhưng khi “lỗi và sai sót” lên đến âm 12,84 tỷ USD thì câu chuyện không còn đơn giản như thế. Trong kế toán, âm có nghĩa là có nhưng không biết đang nằm ở đâu. Một tài liệu của World Bank vào cuối năm ngoái (lúc đó họ ước tính lỗi và sai sót chừng -9,4 tỷ USD) cho rằng: “Việc bố trí lại danh mục của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, chuyển sang các loại tài sản bằng ngoại tệ là căn nguyên của vấn đề “lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán”. Ý họ muốn nói doanh nghiệp thì găm giữ ngoại tệ, người dân cất đô-la ở nhà…

Nhưng, trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, phần đông đều nói, “lỗi và sai sót” này có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nó có thể cho thấy nhập siêu trong thực tế cao hơn nhiều hoặc nhà xuất khẩu không chuyển tiền bán hàng về nước, có thể buôn lậu qua biên giới cũng cao hơn nhiều. Nó cũng có thể là do con số giải ngân FDI thấp hơn thống kê hay có hiện tượng đào hối mà không ai biết (ví dụ kiều hối gởi về 6 tỷ nhưng tiền từ trong nước chuyển ra nước ngoài cao hơn nhiều không chừng).

Cái này thì các chuyên gia dù dày dạn kinh nghiệm đến đâu cũng không thể nào biết chính xác được. Chỉ biết con số “lỗi và sai sót” -12,84 tỷ USD là hiển hiện trong sổ sách và Quốc hội phải là nơi truy nguyên cho bằng được vì sao lỗi và sai sót gì mà lớn đến thế.

Saturday, May 15, 2010

Lại chuyện lãi suất cơ bản

Lại chuyện lãi suất cơ bản

Những tưởng chuyện lãi suất cơ bản đã được giải quyết khi hệ thống ngân hàng đã quay về với cơ chế lãi suất thỏa thuận nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa Quốc hội sẽ thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước, trong đó phải định nghĩa lãi suất cơ bản là gì.

“Cơ bản” nhưng không cơ bản

Nước nào cũng phải sử dụng một số công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được những mục tiêu nào đó, như kiềm chế lạm phát chẳng hạn. Lãi suất là một công cụ như thế bên cạnh công cụ tăng giảm dự trữ bắt buộc. Thông thường ngân hàng trung ương một nước tác động lên lãi suất bằng con đường gián tiếp, có nghĩa thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tăng hay giảm tổng phương tiện thanh toán. Ví dụ, ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ, tức làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông thì lãi suất thị trường sẽ giảm. Cũng có thể tác động trực tiếp bằng cách tăng hay giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu – là những loại lãi suất ngân hàng trung ương ấn định trong quan hệ mua bán các loại giấy tờ có giá với ngân hàng thương mại.

Nói cách khác, lãi suất cơ bản như đang được định nghĩa (là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh) hoàn toàn không phải là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đúng nghĩa như thông lệ quốc tế.

Khi Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản là 8%, chẳng hạn và dựa vào quy định của Bộ luật Dân sự để áp đặt “trần” lãi suất thương mại là 14%, đó không phải là điều hành tiền tệ mà chỉ là mệnh lệnh hành chính mang tính kiên cưỡng. Thực tế, các “trần” như thế đều sớm muộn bị phá bỏ, hoặc là bằng cách ngân hàng thương mại lách luật (tính thêm phí) hoặc là Ngân hàng Nhà nước tự tháo gỡ (cho áp dụng lãi suất thỏa thuận).

Có thể nói Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành đã cung cấp các loại lãi suất thật sự mang tính “cơ bản” như các nước khác như lãi suất tái cấp vốn hay lãi suất tái chiết khấu nhưng vì lý do nào đó, Ngân hàng Nhà nước đã khoát cho lãi suất cơ bản cái vai trò nó không có nên cứ lúng túng chuyện bỏ hay không bỏ khái niệm lãi suất cơ bản. Nguyên nhân sâu xa là do thị trường trái phiếu chính phủ nước ta chưa phát triển, giao dịch chưa nhiều nên dùng các công cụ gián tiếp để tác động lên lãi suất rất chậm, điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông khó khăn. Vì thế người ta đã “tận dụng” lãi suất cơ bản làm công cụ mang tính hành chính để điều hành cho dễ, cho nhanh bất kể quy luật thị trường.

Cái vướng hiện nay là lãi suất cơ bản còn có một vai trò nữa do Bộ luật Dân sự quy định: nó được dùng để xác định thế nào là cho vay nặng lãi (cho vay với lãi suất quá 150% lãi suất cơ bản), chủ yếu là trong quan hệ tín dụng giữa cá nhân và cá nhân. Một loại lãi suất bị định nghĩa sai, bị sử dụng sai lại đóng nhiều vai trò – đó là vấn đề cần giải quyết.

Các phương án được dự thảo

Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Dự thảo công bố hồi tháng 9 năm ngoái bỏ luôn khái niệm lãi suất cơ bản. Điều khoản về lãi suất chỉ quy định: “Ngân hàng Nhà nước xác định, công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia”. Cách này vấp phải sự chống đối của nhiều đại biểu Quốc hội vì họ hiểu nhầm Ngân hàng Nhà nước từ bỏ một công cụ quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Lẽ ra đi kèm với dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ cho công luận biết lãi suất cơ bản vẫn còn đó, nhưng được gọi bằng tên khác như thế nào thì ắt đã không có sự phản đối nói trên.

Đến dự thảo công bố vào tháng 3-2010, lãi suất cơ bản lại được đưa vào nhưng với định nghĩa hoàn toàn khác: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự”. Định nghĩa như thế ngay lập tức gây ra luồng ý kiến phản đối theo hướng khác. Nhiều người cho rằng không thể có hai loại “lãi suất cơ bản”, một cái để áp dụng cho các tổ chức tín dụng và một cái để áp dụng cho dân thường hay nói cách khác, không thể có chuyện ngân hàng thoải mái cho vay “nặng lãi” còn người dân thì bị cấm.

Thật ra định nghĩa như trên chứa đựng nhiều lúng túng: không lẽ giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng không phải là giao dịch dân sự; lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ là lãi suất gì; quan hệ của nó với lãi suất tái cấp vốn là sao? Rồi để giải quyết vướng mắc từ Bộ luật Dân sự, dự thảo quy định: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng”, càng thể hiện sự lúng túng khi cố ý không dùng cụm từ “lãi suất cơ bản”, và tự loại trừ hoạt động ngân hàng khỏi phạm vi ảnh hưởng của Bộ luật Dân sự một cách miễn cưỡng, thậm chí trái luật.

Không còn cách nào khác

Trong bối cảnh hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước hầu như không có động thái nào chuẩn bị cho dư luận hay các đại biểu Quốc hội về thực chất vấn đề của lãi suất cơ bản, thiết nghĩ dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước không nên bỏ khái niệm này vì sẽ vấp phải sự phản đối của đại đa số đại biểu.

Như TBKTSG đã từng nêu ý kiến (Bài “Chung quy vẫn là chuyện câu chữ”, số báo ra ngày 28-1-2010), việc sửa đổi Bộ luật Dân sự sẽ khó khăn vì xã hội nước ta hiện đang dị ứng với nạn cho vay nặng lãi trong người dân; việc bỏ khái niệm lãi suất cơ bản cũng khó được đồng tình vì sẽ bị hiểu sai là NHNN từ bỏ vai trò điều tiết thị trường. Vậy phải làm sao để giải quyết đồng thời các yêu cầu: 1/Duy trì một loại “lãi suất cơ bản” mà Bộ luật Dân sự có dẫn chiếu để ngăn ngừa nạn cho vay nặng lãi; 2/Không để “lãi suất cơ bản” này đẩy hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng rơi vào bế tắc vì trần lãi suất; 3/Xác định loại “lãi suất cơ bản” đúng nghĩa như các nước khác đang dùng để làm công cụ điều hành tiền tệ?

Cách duy nhất thỏa mãn cả ba yêu cầu này là định nghĩa lại “lãi suất cơ bản” như là lãi suất trung bình của 5 ngân hàng thương mại lớn nhất thị trường. Yêu cầu 1/ như thế đã được đáp ứng, ai cho vay quá 150% lãi suất này coi chừng bị phạm tội cho vay nặng lãi mà yêu cầu 2/ cũng không bị ảnh hưởng (không có ngân hàng nào muốn áp dụng lãi suất cao gấp 1,5 lần so với ngân hàng khác). Để thỏa mãn yêu cầu 3/ dự thảo cần định nghĩa lãi suất tái cấp vốn sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế để lãi suất này đóng vai trò như lãi suất “base rate” hay “bank rate” ở Anh, “Fed fund rates” ở Mỹ, và đó chính là lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ.

Thursday, May 13, 2010

Nợ công Việt Nam

Nợ công Việt Nam

Mỗi khi nói đến nợ công của Việt Nam, chúng ta thường thấy một nhận xét đi kèm là tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, tổng nợ đang ở mức an toàn, không có gì đáng lo… Tuy nhiên, vấn đề là con số nợ công dựa vào để nhận xét như thế là con số nào?

Thế nào là nợ công?

Có lẽ đầu tiên là phải quay lại với những định nghĩa chính thức. Theo Luật Quản lý nợ công mới được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm nay, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Như vậy, các khoản vay như vay vốn ODA, phát hành trái phiếu chính phủ (trong cũng như ngoài nước), trái phiếu công trình đô thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh đều được xem là nợ công. Trước nay mọi người thường chỉ nghĩ đến nợ Chính phủ khi nói đến tổng nợ công. Khi Chính phủ phát hành 1 tỷ đô-la trái phiếu ở nước ngoài, ai cũng biết nó được tính vào tổng nợ công nhưng khi đọc tin một doanh nghiệp thu xếp ký kết một khoản vay 2 tỷ đô-la với một ngân hàng nước ngoài nào đó, có sự bảo lãnh của Chính phủ, có thể có người vẫn nghĩ đó là nợ doanh nghiệp, đâu phải là nợ công!

Ngoài ra cần chú ý thêm khái niệm “nợ nước ngoài của quốc gia”, là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả. Vốn vay từ ADB hay WB đương nhiên là nợ nước ngoài rồi nhưng một doanh nghiệp vay từ đối tác nước ngoài vài trăm triệu đô-la, chẳng hạn, dù có hay không có bảo lãnh của chính phủ, thì khoản tiền đó vẫn phải tính vào tổng nợ nước ngoài của quốc gia.

Nợ công là bao nhiêu?

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần trước, báo cáo cho thấy nợ Chính phủ đang tăng cao: 33,8% GDP năm 2007; 36,2% GDP năm 2008, 41,9% GDP năm 2009 và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Dựa vào các con số này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cảnh báo mức nợ Chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép. Nhưng ở đây có hai điểm cần làm rõ. Mức nợ này, nếu đúng theo báo cáo, chỉ mới là nợ Chính phủ, chưa phải là tổng mức nợ công vì chưa tính đến các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Hơn nữa, mức trần để xem nợ công là an toàn được tính khi tổng nợ công bằng hay dưới mức 50% GDP. Nếu cộng hai khoản nói trên, nhất là những khoản vay của các tập đoàn được chính phủ bảo lãnh trong mấy năm vừa rồi, nợ công của Việt Nam đã vượt trần.

Theo một báo cáo cuối năm rồi của Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2009 đã là 44,7% GDP (trong đó nợ Chính phủ bằng 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 7,9% GDP và nợ chính quyền địa phương là 1,4% GDP). Rõ ràng hai con số 41,9% GDP đưa ra vào cuối tuần trước và 35,4% GDP theo báo cáo của Bộ Tài chính đã có sự sai lệch rất lớn. Nếu tính thêm các khoản vay mới đây như phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và ngoại tệ, vay từ các định chế tài chính quốc tế (như 500 triệu đô-la từ Ngân hàng Thế giới…) tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn nhiều. Cũng trong báo cáo này, tổng số dư nợ nước ngoài trung và dài hạn của quốc gia khoảng 30,5% GDP.

Chiến lược an toàn

Thiết nghĩ, một chiến lược quản lý nợ công sao cho đảm bảo an toàn không nên chỉ chú trọng đến tỷ lệ. Nếu dùng cột mốc 50% GDP sẽ có người nói ở nước này nước khác, người ta đang dùng tỷ lệ đến 80% GDP. Vấn đề là xem xu hướng của các tỷ lệ này đang diễn tiến như thế nào. Nếu tăng với tốc độ như Ủy ban Tài chính-Ngân sách cảnh báo thì đúng là đáng lo ngại vì tỷ lệ này sẽ vượt mốc an toàn, dù dùng mốc nào chăng nữa.

Điều quan trọng hơn cả là chú ý đến hiệu quả sử dụng các khoản vay, từ đó mới bảo đảm được dòng tiền trả nợ trong tương lai. Hiện nay dường như chúng ta mới chỉ chú trọng đến khía cạnh giải ngân cho được các khoản vay, bán cho được trái phiếu, thu tiền về đã xem là thành công. Trong khi tiền đó được sử dụng như thế nào thì chưa ai xem trọng. Một dự án ODA chẳng hạn, cho dù thời hạn vay kéo dài đến 40 năm, thời gian ân hạn 10 năm đi nữa thì trước sau gì chúng ta cũng phải trả cho hết nợ. Dự án ODA không chỉ triển khai làm cho xong mà còn phải theo dõi xem dòng tiền nó thu về có đủ để trả nợ như cam kết trong dự án hay không. Hay một khoản vay của một tập đoàn kinh tế được Chính phủ bảo lãnh, phải theo dõi chặt chẽ xem tiền vay có được sử dụng đúng mục đích ban đầu, tiến độ trả nợ có đúng lộ trình, hiệu quả sử dụng vốn ra sao – bởi suy cho cùng một khi đã bảo lãnh, chính ngân sách nhà nước phải đảm đương khoản nợ này nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả.

Trước đây việc quản lý nợ công được chia năm xẻ bảy cho rất nhiều cơ quan nhà nước quản lý, cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ nước ngoài cũng phân cho nhiều cơ quan. Số liệu vì vậy không được cập nhật, không thống nhất. Nay Luật Quản lý nợ công đã tập trung công việc quản lý này về cho Bộ Tài chính, là một dịp để chúng ta rà soát, tính toán lại tất cả các khoản nợ công cũng như nợ nước ngoài của Việt Nam. Bộ Tài chính bước đầu đã có những thông tin công khai về nợ công trên website của mình. Đáng tiếc cho đến nay bản tin công khai này chỉ mới dừng lại ở các khoản nợ nước ngoài chứ chưa phải toàn bộ nợ công và thông tin chỉ mới cập nhật đến hết tháng 6-2009. Nên nhớ Luật Quản lý nợ công quy định Bộ Tài chính phải công khai thông tin về nợ công, “bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia”.

Cuối cùng, kỳ họp Quốc hội sắp tới là kỳ họp đầu tiên sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực. Mặc dù ở trên có nói không nên chỉ chú trọng đến tỷ lệ trong quản lý nợ công, các tỷ lệ này dù sao cũng là những chỉ báo quan trọng mà Quốc hội cần theo dõi. Quốc hội cần áp dụng luật và quyết định các chỉ tiêu như nợ công so với GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, trả nợ chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Nợ công đang và sẽ là vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thời điểm hiện nay. Không thể để tình trạng nợ công không ai biết rõ như trước được nữa.


Cập nhật: Cũng liên quan đến vấn đề nợ công, tại phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đưa ra con số nợ công của năm 2010 cao hơn tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (khoảng 52% GDP) và Ủy ban Tài chính – Ngân sách (52,6% GDP) của Quốc hội.


Theo đó, tính đến 31/12/2009 tổng số dư nợ công bằng 871.839 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành, bằng 52,6% GDP, trong đó nợ chính phủ bằng 41,9%, nợ được chính phủ bảo lãnh bằng 9,8% GDP, nợ của chình quyền của địa phương bằng 0,8% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia bằng 38,8 GDP…

Bộ trưởng cũng cho biết, ước đến 31/12/2010 nợ công sẽ là 56,7% GDP. Nợ của Chính phủ 44,5% GDP và nợ nước ngoài của Quốc gia là 42,2% GDP. (Nguồn: VnEconomy)


Cập nhật ngày 18/10/2011

TÍNH ĐẾN 31-12-2010

1. Nợ công so với GDP

57,3%

Nợ chính phủ so với GDP

45,7%

Nợ chính phủ bảo lãnh
so với GDP

11,3%

2.Nợ nước ngoài của quốc gia
so với GDP

42,2%

3. Nghĩa vụ trả nợ chính phủ
so với thu ngân sách (gồm nợ trong nước và ngoài nước)

15%


Wednesday, May 12, 2010

Việt Nam có cần đưa người lên Mặt Trăng không?

Việt Nam có cần đưa người lên Mặt Trăng không?

Tại cuộc hội thảo về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, theo tường thuật của Vietnamnet, Tổng giám đốc tổng công ty Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư), ông Nguyễn Hữu Bằng khẳng định: Lúc này chỉ bàn cần thiết xây dựng [đường sắc cao tốc] hay không. Các vấn đề vốn, trả nợ, đầu tư... sẽ nói ở giai đoạn sau. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lã Ngọc Khuê cũng có ý kiến: Chưa cần bàn làm như thế nào mà bàn có nên làm hay không.

Thiệt tình chưa thấy ai nói bất kể những nguyên tắc sơ đẳng của kinh tế học như thế.

Nhu cầu của con người là vô hạn trong khi nguồn lực có giới hạn. Vì thế, mới có một trong những định nghĩa của kinh tế học như thế này: Kinh tế học là việc nghiên cứu cách thức các cá nhân và xã hội, với nguồn lực hạn chế, đưa ra những quyết định sao cho thỏa mãn tốt nhất nhu cầu và ước muốn của họ”.

Nếu đặt ra những câu hỏi:

- Có nên xây dựng những đại học tốt nhất, có ký túc xá sang như khách sạn 5 sao cho sinh viên hay không?

- Có nên xây các biện thự hoành tráng rồi phát không cho tất cả mọi người dân không?

- Có nên đưa người lên thám hiểm Mặt Trăng không?

Dĩ nhiên câu trả lời là nên quá đi chứ. Vấn đề là chúng ta có nguồn lực để làm được những chuyện đó hay không.

Thảo luận về dự án đường sắt cao tốc là lập ra những giả định về nguồn lực rồi đối chiếu với lợi ích tài chính, lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội để cuối cùng mới quyết định có nên làm hay không. Không dưng đi bàn có nên làm hay không, mọi chuyện vốn liếng tính sau, đó không phải là duy ý chí là gì?

Riêng về đề tài này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã từng đăng một bài rất công phu của Nguyễn Xuân Thành (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright). Xin trích lại dưới đây để mọi người cùng tham khảo.

Liệu có hiệu quả

Viễn cảnh những đoàn tàu hỏa siêu tốc chạy dọc theo chiều dài đất nước để kết nối hầu hết các trung tâm kinh tế và đô thị lớn luôn hấp dẫn với những người nắm giữ vai trò điều hành vĩ mô, những chuyên gia trong ngành đường sắt và hành khách đi tàu tiềm năng.

Sau nhiều năm nung nấu, đến nay ý tưởng xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam dần dần đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) định hình. Đó là dự án đầu tư xây dựng một tuyến đường đôi hoàn toàn mới để vận chuyển hành khách với công nghệ hiện đại nhất, có tốc độ trung bình 300 ki lô mét/giờ và tốc độ tối đa 350 ki lô mét/giờ.

Tổng vốn đầu tư được ước tính là 55,85 tỉ đô la. Toàn tuyến có tổng chiều dài 1.570 ki lô mét. Thời gian xây dựng dự án sẽ là 25 năm từ 2010-2035. Dự kiến sau khi hoàn thành, tàu nhanh Hà Nội - TPHCM sẽ mất 5 giờ 38 phút và tàu thường là 6 giờ 51 phút.

Những người ủng hộ phương án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cho rằng trước sau gì thì nhu cầu đi lại của hành khách giữa hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM đồng thời đi qua các vùng dân cư tập trung cao cũng đòi hỏi phải có tuyến đường sắt đạt tốc độ 300-350 ki lô mét/giờ, tương ứng với ngưỡng cao tốc phổ biến trên thế giới hiện nay.

Những người phản đối dự án cho rằng tổng vốn đầu tư gần 56 tỉ đô la, chiếm tới 60% GDP là quá lớn đối với một nước nghèo như Việt Nam. Lượng hành khách dù có thể tăng nhanh, nhưng cũng không đủ để đảm bảo doanh thu để trang trải cho chi phí đầu tư và chi phí vận hành.

Hơn thế nữa, đường sắt cao tốc không cho phép chạy hỗn hợp giữa tàu khách và tàu hàng. Cái cần đầu tư bây giờ là nâng cấp đường sắt khổ hẹp hiện hữu thành tuyến đường đôi tiêu chuẩn để vừa hỗ trợ vận chuyển hành khách với tốc độ 150-200 ki lô mét/giờ, vừa hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa từ các tỉnh đến những cảng biển cửa ngõ lớn của quốc gia.

Đối với một dự án quy mô lớn và phức tạp như đường sắt cao tốc Bắc-Nam thì người ta luôn có thể đưa ra những lập luận ủng hộ hay phản đối mà thoạt nghe đều có lý. Tuy nhiên, một dự án đầu tư không thể được quyết định thực hiện hay hủy bỏ dựa trên những tuyên bố hùng hồn hay những luận điểm khôn khéo.

Quyết định đầu tư phải được dựa trên một phân tích tài chính cũng như kinh tế khách quan về lợi ích và chi phí. Tức là, dự án thực hiện hay không tùy thuộc vào việc lợi ích do nó tạo ra lớn hơn hay nhỏ hơn chi phí của nó.

Lợi ích và chi phí xét trên khía cạnh tài chính

Lợi ích về mặt tài chính chính yếu của dự án là doanh thu từ vé. Còn chi phí của dự án bao gồm chi phí đầu tư cố định, chi phí bảo trì và chi phí vận hành.

Tổng doanh thu từ vé sẽ phụ thuộc vào giá vé và số lượt hành khách. Ngoài chi phí đầu tư cố định và chi phí bảo trì cố định, chi phí hoạt động của dự án cũng phụ thuộc vào lượng khách đi tàu.

Tổng số lượt hành khách đi lại bình quân trên toàn tuyến Bắc - Nam hiện nay là 60.000 lượt người/ngày trên tất cả các phương thức đường bộ, đường không và đường sắt. Chúng ta có thể đưa ra một dự báo lạc quan nhất là lượng hành khách sẽ tăng bình quân 10%/năm từ nay đến 2020 , rồi sau đó tăng 5% từ 2021-2035. Như vậy, vào thời điểm mà toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi vào hoạt động thì tổng nhu cầu hành khách trên hành lang giao thông Bắc - Nam sẽ là 356.000 lượt người/ngày.

Theo quy hoạch giao thông, đến năm 2035, đường sắt sẽ chiếm 20% tổng số lượt khách trên toàn tuyến Bắc-Nam, tương đương với 71.200 lượt người/ngày. Đây là một mục tiêu rất lạc quan vì vào năm 2008 đường sắt mới chỉ chiếm 6% về hành khách luân chuyển.

Để thu hút khách, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã đề xuất mức giá đường sắt cao tốc là 50 đô la/1 chiều Hà Nội - TPHCM, tương đương với giá vé đường sắt và đường bộ hiện hữu, và chỉ bằng một nửa giá vé hàng không. Dựa trên các thông số này thì tổng doanh thu dự kiến của đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ là 1,3 tỉ đô la/năm.

Việc ước tính chi phí vận hành và bảo trì phải dựa vào các hệ thống đường sắt ở các quốc gia khác. Theo số liệu của các hệ thống đường sắt cao tốc ở các nước phát triển, chi phí bảo trì hệ thống đường sắt đôi là 84.000 đô la/ki lô mét/năm. Còn chi phí vận hành thấp nhất là 6,25 cent/hành khách/ki lô mét.

Chi phí bảo trì và vận hành bao gồm chi phí lao động, năng lượng và thiết bị. Đối với Việt Nam, thiết bị sẽ phải nhập khẩu và chi phí sẽ tương đương với chi phí quốc tế. Chi phí năng lượng ở Việt Nam hiện cũng có mức tương đương.

Chi phí lao động ở Việt Nam hiện bằng 1/20 so với các nước phát triển. Nếu giả định chi phí lao động, năng lượng và thiết bị cùng chiếm tỷ lệ một phần ba trong tổng chi phí bảo trì hay vận hành, thì ở Việt Nam chi phí bảo trì bằng 57.400 đô la/ki lô mét và chi phí vận hành bằng 4,27 cent/hành khách/ki lô mét. Tổng chi phí vận hành và bảo trì sẽ là 1,83 tỉ đô la/năm.

Một hạng mục chi phí quan trọng là chi phí đầu tư ban đầu 55,85 tỉ đô la. Trong tổng vốn đầu tư này, dự kiến Nhà nước sẽ cấp vốn từ nguồn ngân sách và vay ODA 38 tỉ đô la để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu Chính phủ Nhật Bản cho vay toàn bộ số vốn này với lãi suất ưu đãi nhất là 1%/năm, thì tiền lãi phải trả mỗi năm sẽ là 380 triệu đô la.

Phần vốn 17,85 tỉ đô la còn lại để tài trợ cho chi phí đền bù giải tỏa và mua sắm đầu máy, toa xe sẽ do ĐSVN tự huy động. Dự kiến lạc quan nhất là ĐSVN sẽ huy động được hai phần ba nguồn này từ vay nợ thương mại quốc tế và trong nước với lãi suất 6%/năm và một phần ba còn lại là lợi nhuận từ việc phát triển và kinh doanh quỹ đất dọc theo tuyến đường.

Như vậy, nghĩa vụ trả lãi của ĐSVN là 674 triệu đô la/năm.Theo bảng tính ở trên, vào năm 2035 khi toàn tuyến đường sắt đi vào vận hành, lợi ích ròng của dự án có giá trị là âm 1,6 tỉ đô la. Và đây là kết quả có được với các điều kiện tốt nhất như: chi phí đầu tư không gia tăng; một phần lớn vốn đầu tư được tài trợ bằng ODA lãi suất ưu đãi và một phần có được từ quỹ đất; việc triển khai đúng tiến độ; lượng hành khách đạt mục tiêu đề ra; chi phí vận hành tương đương với mức quốc tế ở các hạng mục phải nhập khẩu và rẻ hơn hẳn ở các hạng mục sử dụng lao động trong nước.

Câu hỏi đặt ra về mặt bản chất thì tại sao dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi đi vào hoạt động lại tạo ra một khoản thâm hụt tài chính lên tới 1,6 tỉ đô la một năm? Câu trả lời nằm ở một đặc tính nan giải của dự án. Để cạnh tranh với các phương thức vận tải khác trong việc thu hút khách, dự án có mức giá vé cạnh tranh là 50 đô la/lượt. Nhưng mức giá này thậm chí không đủ để bù đắp cho chi phí vận hành vào bảo trì hàng năm.

Để không bị thâm hụt tài chính, mức giá phải cao hơn (ví dụ như 100 đô la/lượt). Nhưng với mức giá này thì đường sắt lại không thể cạnh tranh được với đường hàng không với thời gian ngắn hạn và giá vé cũng cạnh tranh, đặc biệt là hàng không giá rẻ. Ngay cả đường bộ cũng sẽ là phương thức cạnh tranh khi hệ thống đường bộ cao tốc 120 ki lô mét/giờ cũng dự kiến sẽ được hoàn thiện vào thời gian 2030-2035.

Lợi ích và chi phí xét trên khía cạnh kinh tế

Mặc dù một dự án có thể không hiệu quả về tài chính nhưng vẫn nên làm nếu lợi ích kinh tế của nó lớn hơn chi phí kinh tế. Đó luôn là hy vọng của của những ai ủng hộ một dự án đầu tư công. Ngoài lợi ích tài chính từ doanh thu vé tàu, một lợi ích kinh tế đáng kể là chi phí tiết kiệm thời gian.

Thời gian bay giữa Hà Nội - TPHCM là 2 giờ. Nếu cộng thêm thời gian đợi, thời gian đi tới và từ sân bay, thì tổng thời gian đi đường hàng không vào khoảng 5 giờ. Thời gian đi đường sắt cao tốc bình quân là 6 giờ và như vậy vẫn không cạnh tranh được với đường hàng không về mặt thời gian. Lợi ích tiết kiệm thời gian chỉ có đối với các tuyến ngắn từ Hà Nội và TPHCM tới các địa điểm ở miền Trung, nhưng cũng không đáng kể (1-2 giờ).

So với đường sắt hiện hữu (29,5 giờ), đường sắt cao tốc tiết kiệm 23,5 giờ. Nếu hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam được hoàn thiện với vận tốc trung bình 100 ki lô mét/giờ thì thời gian đi xe khách sẽ chỉ còn 17 giờ. Thời gian tiết kiệm nếu đi đường sắt cao tốc thay vì đường bộ là 10,5 giờ. Như vậy, tính bình quân thì hành khách đi đường sắt cao tốc sẽ tiết kiệm được 17 giờ/chuyến.

Câu hỏi đặt ra là một giờ tiết kiệm trong đi lại có giá trị bằng tiền là bao nhiêu? Nếu một người đi lại vì mục đích công việc thì thời gian đi lại là thời gian không thể dùng để tạo ra thu nhập. Do vậy, giá trị một giờ đi lại sẽ tương đương giá trị một giờ thu nhập. Mức thu nhập của những người thuộc nhóm 20% thu nhập cao nhất trong khu vực thành thị (nhóm được giả định sẽ sử dụng đường sắt cao tốc) năm 2006 là 2,488 triệu đồng/tháng.

Với tốc độ tăng thu nhập bằng tốc độ tăng GDP và một người lao động làm việc 20 ngày/tháng và 8 giờ/ngày thì giá trị thời gian của một giờ làm việc vào năm 2035 bằng 5,34 đô la/giờ (tương đương 10.253 đô la/năm - một con số khá cao). Với 71.200 lượt hành khách/ngày, mỗi hành khách tiết kiệm 17 giờ và mỗi giờ có giá trị 5,34 đô la, thì lợi ích tiết kiệm thời gian trong một năm sẽ là 2,36 tỉ đô la.

Hai nhóm lợi ích kinh tế nữa là lợi ích giảm tai nạn giao thông và lợi ích phát triển đô thị. Do việc lượng hóa các lợi ích này là không thực tiễn nên chúng ta tạm thời bỏ qua.

Khác với chi phí đầu tư tài chính, chi phí đầu tư kinh tế bây giờ là cả khoản 55,85 tỉ đô la vì nếu không thực hiện dự án thì số vốn này có thể thực hiện cho các mục đích khác. Nếu sử dụng nguồn vốn này cho những dự án khác, thì suất sinh lợi ít nhất cũng phải là 5%/năm. Vậy, về mặt kinh tế, chi phí vốn hàng năm sẽ là 2,79 tỉ đô la.

Một lần nữa, với các thông tin đầu vào thuận lợi nhất thì dự án vẫn tạo ra một khoản thiệt hại kinh tế ròng vào năm vận hành toàn bộ hệ thống là 966 triệu đô la. Bản chất của vấn đề là trong chi phí đầu tư kinh tế của dự án thì tương tự hay thậm chí còn cao hơn so với các nước khác, thì lợi ích lại không nhiều vừa do lượng hành khách không đủ lớn, vừa do Việt Nam chưa đủ giàu để có giá trị tiết kiệm thời gian đáng kể.

Liệu lợi ích giảm tai nạn giao thông và phát triển đô thị hàng năm mà chúng ta chưa tính tới có thể được gần 1 tỉ đô la để bù đắp cho khoản thiệt hại kinh tế này?

Thứ nhất, các dự án phát triển đường bộ cao tốc và đường hàng không cũng sẽ đem lại lợi ích về giảm tại nạn giao thông và phát triển đô thị.

Thứ hai, thay vì phải bù đắp khoản thiệt hại gần 1 tỉ đô la nếu làm đường sắt cao tốc, chúng ta có thể dùng số tiền hàng năm này (trong vòng 40-50 năm) để trực tiếp phát triển đô thị mới và xây dựng hệ thống an toàn giao thông, từ đó đem lợi ích còn lớn hơn.

Thứ ba, lợi ích của việc phát triển đô thị do đường sắt cao tốc đem lại chưa chắc đã lớn nếu nó tác động theo hướng tiếp tục khuyến khích lao động di cư ra Hà Nội và vào TPHCM thay vì giữ lao động tại các tỉnh.

Tóm lại, xét cả trên khía cạnh tài chính lẫn kinh tế, nếu triển khai tại thời điểm hiện tại thì dự án Đường sắt Cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra chi phí đầu tư và vận hành cao hơn là lợi ích vận chuyển hành khách có thể đem lại ngay cả khi dự án đạt được những điều kiện tốt nhất. Nói một cách khác, số vốn 55,85 tỉ đô la nếu huy động được thì cũng nên dành để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng khác có suất sinh lợi cao hơn.

Saturday, May 8, 2010

Máy móc đánh sập phố Wall

Máy móc đánh sập phố Wall

Sau vụ chỉ số chứng khoán Dow Jones Mỹ sụt mất gần 1.000 điểm vào hôm thứ Năm, nhiều người mới biết một sự thật gây sốc: trên 60% giao dịch hàng ngày tại thị trường chứng khoán Mỹ là do máy tính ra lệnh! Ra lệnh mua bán chứ không phải chỉ thực hiện!

Bình thường lệnh mua bán do con người gõ vào máy tính để nó thực hiện nhưng tốc độ xử lý của người làm sao so được với máy tính. Vậy là các công ty chứng khoán bèn soạn những chương trình máy tính mạnh, dùng các thuật toán từ đơn giản đến phức tạp để máy tính tự động quyết định lệnh mua bán cho con người. Ví dụ họ quy ước nếu xảy ra chuyện A thì máy tính sẽ làm chuyện B; nếu thông tin về công ty C là như thế này thì máy tính sẽ quyết định như thế này. Bình thường người ta lập luận máy tính sẽ tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ và xử lý chúng nhanh như chớp trong khi đầu óc con người có hạn, không thể tiêu hóa quá một lượng thông tin nào đó. Vấn đề là soạn các thuật toán sao cho chặt chẽ rồi yên tâm giao cho máy tính “chơi” chứng khoán cho mình, với tốc độ một phần triệu giây cho mỗi giao dịch.

Thế rồi sự cố hôm thứ Năm diễn ra. Thoạt tiên, có thể do lỗi của một cá nhân nào đó, một lệnh bán bất thường xuất hiện. Ngay lập tức nó đã kích hoạt các chiến lược đã lập trình trước trong các chương trình mua bán tự động và máy tính liên tục đưa ra những lệnh bán với giá ngày càng giảm – ào ạt – chỉ trong vòng 10 phút, đến 700 tỷ đô-la đã bốc hơi trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Chắc chắn trong những tuần sắp tới sẽ có những cuộc điều tra rồi giải trình về hệ thống giao dịch tự động bằng lập trình máy tính (tiếng Anh là algo trading) nhưng sự cố này càng củng cố mối lo ngại rằng thị trường tài chính thế giới đang được xây dựng trên những nền tảng sai lầm, luôn bị lợi dụng và có tiềm năng hủy hoại cả nền kinh tế thế giới. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài, khó giải quyết. Trước mắt, cách tiếp cận tốt nhất với thị trường tài chính, nhất là các công cụ phái sinh, là nên hạn chế quy mô giao dịch bằng mọi biện pháp. Hoàn toàn hợp lý khi cân nhắc việc cấm sử dụng chương trình giao dịch tự động bằng máy tính vì đây là khe hở dễ làm sụp đổ thị trường tài chính toàn cầu hay làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng khác. Một cá nhân bất mãn, một tay khủng bố tin học sẽ dễ dàng thay đổi vài thông số rồi đưa cho máy tính, máy sẽ cứ thế ra lệnh sai và sai lầm sẽ lan nhanh hơn cháy rừng mùa khô.

Tôi chợt nhớ các cuốn truyện khoa học viễn tưởng miêu tả máy móc nổi loạn, chống lại con người. Sự cố hôm thứ Năm chính là một phiên bản máy móc tấn công Dow Jones, đánh sụp phố Walls, gây hoảng loạn thị trường. Không còn là chuyện viễn tưởng nữa rồi.

Tuesday, May 4, 2010

Thiếu người san định

Thiếu người san định

Saigon Tiếp thị số ra ngày 23-4 có bài “Sáng sủa hơn, nhưng lo khoản thâm hụt”, trong đó có câu phát biểu của một chuyên gia kinh tế: “Cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam đã thâm hụt ở mức báo động trong các năm 2007-2008”. Nhân đó, xin lạm bàn về chuyện thuật ngữ kinh tế ở Việt Nam hiện đang được sử dụng không thống nhất, bị dùng sai, nhiều từ khó hiểu, gây khó khăn cho việc truyền đạt thông tin.

Trước hết, có lẽ phải tóm tắt chuyện lý thuyết. Mọi giao dịch tiền vào, tiền ra giữa trong nước và nước ngoài đều được ghi nhận vào các tài khoản, có món ghi bên nợ, có món ghi bên có, cân đối các tài khoản này lại, chúng ta có “cán cân thanh toán”. Cán cân thanh toán chủ yếu có hai tài khoản gồm “tài khoản vãng lai” và “tài khoản vốn”. Tài khoản vãng lai lại bao gồm chủ yếu là “cán cân thương mại” (số dương là xuất siêu, âm là nhập siêu) và một số khoản khác như lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước hay kiều hối gởi về trong nước. Tài khoản vốn thì gồm dòng vốn giải ngân từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, tiền đi vay nước ngoài…

Đơn giản như thế nhưng nhiều người vẫn dùng sai. Ví dụ, cán cân thanh toán luôn luôn phải bằng 0 nhưng nhiều lúc do nói ngắn gọn, người ta vẫn viết “thâm hụt” hay “thặng dư” cán cân thanh toán trong khi lẽ ra phải nói thâm hụt hay thặng dư các thành phần của cán cân thanh toán. Những khoản thâm hụt hay thặng dư mà hai tài khoản nói trên chưa cân đối được sẽ được tính làm giảm hay tăng dự trữ ngoại tệ. Từ đó mới thấy chữ “cán cân” là chưa ổn do dịch từ tiếng Anh (balance) vừa có nghĩa là cái cân, vừa có nghĩa cân đối. Nên thống nhất dùng thuật ngữ “bảng cân đối thanh toán” là dễ hiểu và chính xác hơn cả.

Nhìn lại câu trích ở đầu bài, chúng ta thấy lẽ ra phải viết là “cân đối tài khoản vãng lai” thay cho “cán cân vãng lai” mới chính xác và phải làm rõ rằng cán cân thương mại đang được đề cập là một phần của tài khoản vãng lai, chứ không phải là hai thành phần tách biệt. Đồng ý là thâm hụt tài khoản vãng lai có thể là 7 tỷ USD và thâm hụt thương mại lại cao hơn, đến 10,4 tỷ USD nhưng đó là vì những khoản dương khác trong tài khoản này như kiều hối gởi về nước đã làm giảm bớt con số thâm hụt.

Những từ như “vãng lai” cũng gây khó khăn cho người dùng vì từ tiếng Anh tương đương (current) lại dễ hiểu hơn cho chính người nói tiếng Anh. Tại sao chúng ta không dùng từ “hiện hành” thành thuật ngữ “tài khoản hiện hành” cho thống nhất và dễ hiểu hơn.

Một chuyện cũng khá thú vị khác là dự trữ ngoại tệ. Như chúng ta đã thấy, những thiếu hụt hay dư thừa của các tài khoản trong bảng cân đối thanh toán được phản ánh thành tăng hay giảm dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Nhưng chủ sở hữu các khoản như xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài đâu phải là nhà nước. Cho nên cần làm rõ một điều thường hay bị hiểu sai rằng khi cần (ví dụ như cần tiền để kích cầu) thì cứ lấy dự trữ ngoại tệ ra xài! Dự trữ ngoại tệ là do ngân hàng trung ương nắm giữ nhưng nó lại được cân đối ở các khoản nợ mà ngân hàng trung ương tiếp nhận để chuyển thành dự trữ ngoại tệ. Hay nói cách khác, dự trữ ngoại tệ chẳng liên quan gì đến tiền của chính phủ cả.

Nhìn chung, chúng ta may mắn có các bậc học giả ngày xưa đã từng bỏ công san định rất nhiều thuật ngữ khoa học, kỹ thuật mà chúng ta vẫn sử dụng thống nhất cho đến ngày nay. Riêng ngành kinh tế học mới phổ biến trong thời gian gần đây, chưa có những nhà nghiên cứu có thẩm quyền và uy tín để làm công việc san định này. Có lẽ đây là đề tài mà Viện Kinh tế trung ương nên đứng ra đảm trách.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...