Saturday, November 28, 2009

Ôi, ngôn ngữ!

Ôi, ngôn ngữ!

Tiếng Việt đang ở trong thời kỳ thoái trào, rất cần sự trợ giúp của các nhà ngôn ngữ học để tìm lại sự trong sáng, tinh tế vốn có của nó. Nhưng đọc vào cái tiêu đề của cuộc hội thảo mới được tổ chức ở Hà Nội, tôi nghĩ khó lòng trông chờ nhiều vào sự trợ giúp như thế.

Cái tiêu đề như thế này: “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là một hội thảo quốc gia do Viện Ngôn ngữ học tổ chức.

Trong cái tiêu đề dài 26 chữ, chỉ có hai chữ liên quan đến ngôn ngữ và rất dễ bị bỏ sót nếu người đọc theo quán tính đọc nhanh những cụm từ đã quá quen thuộc như “thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “hội nhập quốc tế”. Lẽ ra những người tổ chức hội thảo nên bắt đầu từ trong nhà, mạnh dạn vượt ra cách dùng từ sáo ngữ, bị dùng nhiều quá hóa mòn để đặt một tiêu đề sát với nội dung của hội thảo hơn.

Điều đáng nói đây là cuộc hội thảo quốc gia đầu tiên sau hàng chục năm vắng bóng loại hội thảo này. Năm 1979 có một hội nghị khoa học toàn quốc mang tên ““Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” và năm 1993 có hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển”. Nếu chú ý chúng ta thấy tiêu đề hội thảo đi từ chỗ ngắn gọn, súc tích và chính xác đến chỗ chung chung, mơ hồ và dài dòng.

Còn nói về định hướng nội dung hội thảo, thiết nghĩ vai trò định hình ngôn ngữ chuẩn mực trong cuộc sống là do các tổ chức như Viện Ngôn ngữ học chứ không phải là chính sách của nhà nước; càng không thể nào trông chờ nhà nước ban hành một bộ luật về ngôn ngữ được.

Lấy ví dụ một chuyện đơn giản mà không ai có thẩm quyền (thẩm quyền về mặt chuyên môn chứ không phải thẩm quyền hành chính) đứng ra giải quyết. Người ta lúng túng, người ta tranh cãi nên phát âm các mẫu tự ABC là a-bờ-cờ hay a, bê, xê. Chuyện này chắc bất kỳ nhà ngôn ngữ học nào cũng có thể giải thích dễ dàng: khi phát âm để ghép vần thì phải đọc a-bờ-cờ nhưng khi đọc tên mẫu tự thì phải nói a, bê, xê.

Không nhà nước nào đủ sức định ra những chính sách và “hướng dẫn thi hành chính sách” cho vô vàn biến thể của ngôn ngữ trong cuộc sống. Chính những nhà khoa học, thông qua báo chí, sẽ là người làm công việc này, bằng các công trình nghiên cứu của mình, nhưng trước tiên là phải bằng cách sử dụng ngôn ngữ chính xác, mẫu mực của chính họ.

No comments:

Post a Comment

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...