Không có “lề phải”, cũng chẳng có “lề trái”
Từ dạo một quan chức buột miệng đẻ ra khái niệm báo chí “lề phải”, tự dưng nảy sinh ra khái niệm ngược lại để đối ứng là dư luận “lề trái”. Thật đáng tiếc bởi báo chí nói riêng, công luận nói chung không hề có “lề phải” hay “lề trái”. Báo chí đúng nghĩa phải ngay ngắn đường đường chính chính ở giữa mà đi, tức là tôn trọng sự thật, công bằng, khách quan, mỗi vấn đề đều phải lắng nghe và đưa ý kiến cả từ hai phía.
Cái tạm gọi là báo chí “lề phải” như cách hiểu của quan chức nói trên hiện đang bị nhiều ràng buộc, o ép, không còn được đề cập một cách thẳng thắn những vấn đề quan trọng của đất nước. Ở hướng ngược lại, khá nhiều dư luận “lề trái” thể hiện qua các diễn đàn trên mạng Internet cũng rơi vào chỗ cực đoan, quy chụp, cũng “độc quyền chân lý”, cũng bị tác động bởi tâm lý đám đông. Dĩ nhiên, nói khái quát một cách sơ lược như vậy là không chính xác vì có nhiều bài viết trên các diễn đàn rất hay, rất xác đáng, có tác dụng rất to lớn trong việc hướng dẫn dư luận. Đành phải nêu ví dụ để minh họa cho nhận xét này.
Sau khi bài viết “Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” xuất hiện, ngay lập tức nhiều ý kiến trên mạng Internet đã gán cho ông Nguyễn Xuân Kiên, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và Đông Nam Á, những từ ngữ khá nặng nề. Ông này nói: “… chỉ 20 -30 năm nữa, Việt
Nếu bình tĩnh một chút, chắc nhiều người sẽ nhận ra đây không phải là “phát kiến” gì vĩ đại của ông Kiên cả. Nó là một trong những kết luận của một nghiên cứu cách đây mấy năm của Goldman Sachs (có thể tham khảo ở đây). Thậm chí, Goldman Sachs còn nói ghê hơn kia: GDP của Việt Nam vào năm 2025 dự báo đứng thứ 17 và năm 2050 đứng thứ 15 trên toàn thế giới. Tôi nhớ lúc đó báo chí Việt
Lỗi của ông Kiên là (1) nói mà không trích nguồn; (2) đưa ra một nhận định không ăn nhập gì đến nội dung được phỏng vấn; (3) không cập nhật thông tin về các phản bác nghiên cứu của Goldman Sachs.
Điều đáng lo là tôi tin chắc không ít người nhớ chuyện Goldman Sachs mà hầu như không ai lên tiếng và các diễn đàn thì cứ thế “phang đại” đủ kiểu nhận xét rất cực đoan. Tôi không bênh vực gì ông Kiên vì trong bài phỏng vấn ông này nói mà không phân biệt được giữa văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp nhưng chuyện gì phải ra chuyện nấy.
Một ví dụ khác là vụ án ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Với những gì ông này bị cáo buộc tại tòa (tức là cáo trạng công khai) và với bản án đã tuyên, phải nói ông ta bị án 3 năm tù là quá nặng. Chuyện các cơ quan nhà nước cho thuê trụ sở lấy tiền chia nhau trong nội bộ (dù quy định đã cấm) là khá phổ biến ở nhiều hình thức khác nhau, sao không xử tù hết thảy những cán bộ loại này đi.
Lẽ ra dư luận phải tập trung vào chuyện vì sao Nhà nước không đếm xỉa gì đến chứng cứ của nhân viên của PCI từng khai đã hối lộ cho ông Sỹ với những khoản tiền rất cụ thể; vì sao cáo trạng không một dòng nào nói chuyện này; còn nếu đây là một vụ án khác, thì bao giờ đem ra xử; có gọi nhân chứng từ Nhật sang không; việc dịch các tài liệu do Nhật cung cấp đến đâu rồi, nội dung có làm sáng tỏ được vấn đề gì không… Nếu không làm rõ những chuyện đó mà chỉ bàn tán bản án hiện tại của ông Sỹ là quá nhẹ, thì quá lắm là có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM tăng án với ông Sỹ là cùng – chẳng giải quyết được mấu chốt của vụ này.
Đây là một giai đoạn đáng buồn vì nạn phân biệt “lề phải”, “lề trái” mà lỗi xét cho cùng do các cán bộ quản lý nhà nước với tầm nhìn hạn hẹp đã đẩy nhiều người ra thành hai phía. Theo tôi, không nên dùng khái niệm “lề phải”, “lề trái” nữa vì như thế hóa ra chúng ta tiếp tay cho cái sai. Một ý kiến đúng đắn sẽ được mọi người chấp nhận chứ không phải vì nó nằm bên lề nào.
No comments:
Post a Comment