Wednesday, December 3, 2008

Nhung cau noi hay trong thang

Những câu nói “hay” trong tháng

Nguyễn Vạn Phú

Nếu có cuộc bình chọn câu nói “hay” nhất trong tháng, tôi sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho phát biểu của một số doanh nghiệp địa ốc được sự hậu thuẫn của một vài “chuyên gia kinh tế” trong tháng 11-2008 rằng “hiện nay có các quỹ: bình ổn giá cả, dự phòng thiên tai, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... chẳng dùng vào việc gì, nên huy động để có nguồn tài chính ứng cứu thị trường bất động sản”.

Một mặt, đây là phát biểu rất “thành thật”, cho thấy thị trường kinh doanh bất động sản hiện đang lâm vào tình thế rất khó khăn, có thể tác động xấu đến nhiều lãnh vực khác. Mặt khác, phát biểu này cho thấy rõ một cách suy nghĩ vừa phi thị trường, phi lô-gích, bất kể quy luật, một tâm lý méo mó đằng sau sự phát triển bất thường của ngành kinh doanh nhà đất trong nhiều năm qua.

Có thể nói, kích cho thị trường địa ốc nóng sốt trong một thời gian dài, kéo theo sự tăng giá nhà đất một cách chóng mặt là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm 2008. Thời điểm đó, thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ, cả hai bơm phồng cho nhau, tạo ra những bong bóng ảo. Sự đông cứng thị trường hiện nay là quá trình trở về bình thường, dĩ nhiên sẽ gây khó khăn cho những ai còn kẹt lại nhưng sao lại đòi chính phủ giải cứu bằng các quỹ, thậm chí còn nêu cụ thể là quỹ… dự phòng thiên tai!

Thị trường địa ốc ở nước ta là một thị trường méo mó vì đầu cơ, vì các mối quan hệ giữa tiền bạc và quyền lực, nơi người ta thi nhau đẩy giá lên rồi tìm đường rút ra, hưởng lợi, ai chạy sau cùng thua lỗ ráng chịu.

Chỉ khi nào nhà phát triển địa ốc tính toán giá bán một căn hộ trung bình bằng khoảng một phần ba thu nhập của một gia đình trung bình trả góp trong vòng 25-30 năm, lúc đó thị trường mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh, không cần lấy quỹ… bảo hiểm y tế ra cứu.

Trong tháng qua, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng tuyên bố với báo chí rằng đã chỉ đạo cho các ngân hàng tiếp tục cho vay địa ốc. Tách biệt nhiệm vụ kinh doanh với nghĩa vụ cung ứng vốn cho các dự án theo chỉ đạo của nhà nước là một bước tiến rất lớn của ngành ngân hàng trong mấy năm qua. Cũng từ đó mới sự ra đời của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách… để làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng theo yêu cầu của nhà nước. Các ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng thương mại quốc doanh không còn phải làm công việc này nữa. Nay không biết sao lại có một phát biểu “ngược đời” và không thực tế như vậy.

Một câu nói khác, cũng “hay” không kém trong tháng qua là lời “nói dỗi” của lãnh đạo một tập đoàn: “Tôi thấy các tập đoàn cũng của Nhà nước, báo chí cũng của Nhà nước, tại sao báo chí lại đi nói xấu các tập đoàn?”. Ô hay, nói thế chẳng khác nào một cán bộ nhà nước bị thổi phạt vì vi phạm luật giao thông phân bua với cảnh sát giao thông: “Tôi là cán bộ nhà nước, anh cũng là cán bộ nhà nước, sao lại thổi phạt tôi?”.

Báo chí, trong vai trò phản biện xã hội, đã đăng tải những ý kiến của giới nghiên cứu chỉ ra những bất cận trong mô hình tập đoàn kinh tế, đặc biệt là khi những tập đoàn này không lo chuyện sản xuất kinh doanh ngành nghề cốt lõi của mình mà bung ra đầu tư trái ngành vào chứng khoán, địa ốc… Đó là những cảnh báo cần thiết, giúp khối kinh tế nhà nước mạnh lên, sao lại nghĩ đơn giản theo kiểu “nói xấu tập đoàn”.

Những phát biểu như trên cho thấy suy nghĩ dựa vào nhà nước cho mọi quan hệ kinh tế như thời bao cấp vẫn còn phổ biến ở nước ta. Suy nghĩ này càng được củng cố bởi diễn biến khủng hoảng kinh tế toàn cầu đòi hỏi chính phủ các nước phải liên tục đưa ra các chính sách can thiệp mạnh vào thị trường, nhiều lúc trực tiếp đứng ra giải cứu các doanh nghiệp cụ thể. Đúng là tình hình ngày nay làm đảo lộn mọi lô-gích kinh tế thông thường nhưng bản chất của các biện pháp giải cứu ở các nước là khác: họ không phân biệt quốc doanh hay tư nhân, tiền bỏ ra đều phải tính khả năng thu về (như vụ giải cứu tập đoàn tài chính Citigroup, Bộ Tài chính Mỹ có khả năng sau này sẽ lãi to), cứu ngân hàng có nghĩa bảo vệ tiền gởi của người dân, chứ cổ đông ngân hàng và ban lãnh đạo phải chịu thua thiệt nặng… Mục đích sau cùng là ổn định nền kinh tế và không sớm thì muộn sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ, làm giàu bất kể hậu quả xã hội. Không ở đâu có lối suy nghĩ lấy tiền của nơi này ứng cứu nơi kia.

Cuối cùng, xin trích một câu phát biểu tại một buổi tọa đàm được báo chí tường thuật: “Nếu điều hành không tốt, Việt Nam sẽ có nguy cơ vừa giảm phát, vừa lạm phát”. Câu này có nghĩa giá cả nói chung sẽ… vừa tăng vừa giảm, thiệt tình là một hình ảnh khó hình dung nên chẳng biết có nên xếp nó vào loại câu “hay” trong tháng được không.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...