Bao giờ thôi “nói không” để bắt đầu nói có?
Nguyễn Vạn Phú
Ngành giáo dục nước ta đang dùng biện pháp chống để xây. Từ phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được mở rộng thêm nhiều “nói không” nữa như không ngồi nhầm lớp, không vi phạm đạo đức nhà giáo…
Để giải quyết một vấn đề thường có nhiều cách tiếp cận; chống để xây cũng là một cách nhưng thường là cách “đối đế” lắm mới áp dụng, nhất là trong chuyện dạy và học. Sau một thời gian đầu quan sát và ghi nhận, dường như xã hội đã mất kiên nhẫn, như nhận xét của một nhà nghiên cứu: Bao giờ ngành giáo dục thôi “nói không” để bắt đầu nói có!
Trong một gia đình nếu bố mẹ cứ chăm chăm vào lỗi lầm của con, la mắng trách phạt chúng vì những lỗi lầm ấy, rất dễ tiên đoán con cái họ sẽ khó lòng vượt lên mặc cảm là kẻ “hậu đậu” và rất có thể chúng sẽ trở thành những con người như thế. Trong một tổ chức, nếu cấp quản lý chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của nhân viên để đánh giá họ, chắc chắn ưu tiên số một của nhân viên là cố gắng tránh mắc khuyết điểm chứ không phải là nâng hiệu năng làm việc.
Sau các phong trào nói không, ngành giáo dục được những gì? Số học sinh bỏ học ngày càng tăng đến mức báo động, hàng loạt vụ giáo viên dùng vũ lực hay nhờ cơ quan công lực đối phó với học sinh bị vạch trần… Đây là hệ quả ắt phải xảy ra khi chúng ta chú ý đến khía cạnh tiêu cực của vấn đề và xin nói ngay, người viết hoàn toàn không phản bác hay chối bỏ thực tế là nhiều học sinh đang ngồi nhầm lớp, nhiều giáo viên không được đào tạo đúng mực về đạo đức của người thầy và những vụ việc được đưa ra công luận hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, đọng lại sau những câu chuyện rộ lên lúc này, lúc khác là một tâm lý bi quan bao trùm ngành sư phạm. Nhiều nhà giáo đáng kính nói với người viết họ sẽ không còn an tâm bỏ công sức và tâm huyết cho học sinh nữa, chúng có hư hỏng, mặc chúng, họ sẽ chỉ dạy cho hết giờ, hết việc. Bởi họ không muốn bị dùi xuống vũng bùn dư luận chỉ vì một lúc nào đó lỡ tay “bạt tai” một học sinh hư. Đây là hiện trạng của nền giáo dục Mỹ nơi người thầy không muốn làm gì vượt quá yêu cầu vì sợ bị phụ huynh kiện cáo. Không lẽ đến lúc người thầy ở một nước tôn sự trọng đạo như Việt Nam cũng phải áp dụng chiến thuật “mũi ni che tai” để xin hai chữ bình yên?
Nhìn sự việc ở góc độ tiêu cực, sẽ chỉ thấy những giải pháp để chống tiêu cực – và thường không thành công. Sinh viên vay tiền để học không trả, cách ghi nợ lên bằng là cách dễ nhất nhưng như dư luận những ngày gần đây cho thấy, đó không phải là cách áp dụng cho ngành giáo dục. Cũng những vấn đề hiện nay của ngành giáo dục nhưng nhìn ở góc độ khác, sẽ thấy ngay nhiều biện pháp khác, nghiêng về “nói có” chứ không cần “nói không”. Tiêu cực trong thi cử? Tại sao không giảm hẳn tầm mức quan trọng chúng ta đang gắn cho các kỳ thi, chẳng hạn xét cả quá trình học tập và hoạt động ngoại khóa của học sinh thay vì chỉ dựa vào điểm thi tuyển sinh. Bệnh thành tích? Tại sao không đánh giá thành tích của nhà trường bằng những tiêu chí khách quan thay vì chủ quan để dễ xảy ra tiêu cực. Số lượng sinh viên ra trường có ngay việc làm là một tiêu chí không thể biến báo được để chạy thành tích.
Ngày xưa người viết bài từng có 10 năm đi dạy học và rất tiếc cũng bị góc nhìn tiêu cực cuốn hút. Chấm bài học sinh chỉ chăm chăm tìm lỗi để gạch đỏ và trừ điểm, chỉ quan tâm học sinh viết thiếu ý gì so với đáp án để lấy bớt điểm ra. Vì thế, người viết rất ngạc nhiên thấy giáo viên nước ngoài ít khi chú ý đến lỗi ngữ pháp mà chỉ xem học sinh có diễn đạt được ý các em muốn nói hay không. Nói cách khác, cách tiếp cận của họ là tìm chỗ đúng để cho điểm thay vì tìm chỗ sai để trừ điểm. Ở trường hợp đầu học sinh cố gắng viết sao cho đừng sai ngữ pháp nên câu văn sáo rỗng, khô khan, cứng nhắc; trường hợp sau học sinh được mặc sức sáng tạo trong bài viết và trong quá trình đó, các em phải tìm cách viết ngày càng chính xác hơn để diễn đạt hay hơn sự sáng tạo này.
Căn bệnh hiện nay của ngành giáo dục không thể chữa chỉ bằng cách “nói không”. Phải tôn trọng giáo viên, phải xem họ là một tác nhân chủ động của công cuộc cải cách giáo dục chứ không phải là “đối tượng” bị cải cách. Trao quyền rộng rãi hơn cho nhà giáo, sự tự chủ cho nhà trường để họ có trách nhiệm trong việc đào tạo học sinh chính là bước đi đầu tiên ở hướng “nói có” này.
Friday, December 28, 2007
Subscribe to:
Posts (Atom)
AI - hype and reality
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi? Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thàn...
-
AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...
-
Đấu giá ngược Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo T...