Sunday, April 20, 2014

Mau quên

Mau quên

Cho đến nay, về mặt loại hình pháp lý, không có việc phân chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp nhà nước. Kể từ hạn chót là ngày 1-7-2010 tất cả các doanh nghiệp nhà nước trước đó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi (đa phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung cho mọi loại hình.

Gọi tên doanh nghiệp nhà nước chỉ là cách nhắc đến hình thức sở hữu và theo luật, chủ sở hữu điều khiển doanh nghiệp bằng người đại diện được cử vào Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên.

Nếu nói cho sòng phẳng thì chính Bộ Tài chính cũng không được can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp nhà nước một khi những đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu muốn chi phối chuyện đầu tư vào đâu, sử dụng lợi nhuận ra sao, hạn chế lương người đứng đầu như thế nào thì Bộ phải thông qua chủ sở hữu và chủ sở hữu sẽ áp dụng sau khi có quyết định của Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên.

Đó là ý nghĩa của việc chuyển đổi DNNN, kéo dài suốt bốn năm sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực. Đó là cả một quá trình để tiến tới việc đối xử bình đẳng giữa mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Thế nhưng dường như mọi người chóng quên quá trình chuyển đổi quy mô này, chóng quên ý nghĩa của việc chuyển đổi nên cứ quay về quán tính ứng xử với DNNN như ngày còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Khi đưa ra quy định mức trần lương lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước là 36 triệu/tháng, có thể người làm chính sách sẽ thỏa mãn được dư luận đang bức xúc vì DNNN hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát mà hưởng lương quá cao. Thế nhưng phải nhìn vấn đề này ở góc cạnh pháp lý: không ai có quyền ấn định mức lương như thế trừ Hội đồng thành viên. Nhà nước, thông qua người đại diện phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp thậm chí có thể ấn định mức lương thấp hơn, 20 triệu đồng thôi nhưng phải làm đúng quy trình.

Lẽ ra khi đã chuyển đổi, nên để DNNN hoạt động như bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Chủ sở hữu giao chỉ tiêu, giao mục tiêu, lãnh đạo doanh nghiệp phải thi hành. Nếu không đạt chỉ tiêu, không làm theo mục tiêu đề ra (có thể mục tiêu phục vụ dân sinh) thì cách chức các lãnh đạo doanh nghiệp được cử ra điều hành và thay bằng người khác. Doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI làm vậy thỉ DNNN cũng phải đi theo con đường đúng luật này thôi. Nên bớt can thiệp ở tầm rất vi mô như lương thưởng ở DNNN hay các đơn vị sự nghiệp có thu. Người ta đã quản lý theo mục tiêu từ lâu rồi, giờ chúng ta vẫn còn loay hoay quản lý theo các tiêu chí từ hàng chục năm về trước.

Ngay chính Nghị định 25/2010 về việc chuyển đổi này cũng nói rõ: “Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp dưới đây thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu”. Không thể để một DNNN chịu sự điều hành của nhiều bộ ban ngành hay địa phương cùng lúc vì sẽ rối về nguyên tắc kinh doanh.

Giả thử tinh thần chuyển đổi được thấm nhuần trong quy trình quản lý nhà nước thì có lẽ gần bốn năm qua, chúng ta đã có những bước tiến trong quản lý khối DNNN. Vì vậy nếu Luật Doanh nghiệp sửa đổi lại bổ sung một chương dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước thì đó là một bước lùi về mặt tư duy trong quản lý nền kinh tế bên cạnh sự mau quên của bốn năm qua.





Kiến tạo và điều hành

Kiến tạo khác điều hành ở chỗ nào?

Có lẽ nhiều người đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển” (bài viết về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016). Tuy nhiên chuyển từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều mà làm được. Xin đưa ra hai ví dụ.

Nghị định 195/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, trong đó có đề cập đến một trong những điều kiện để thành lập nhà xuất bản là trụ sở của nhà xuất bản phải có diện tích sử dụng từ 200 mét vuông trở lên - điều 8 (1.a).

Quy định chi ly như thế (kèm với điều kiện có ít nhất 5 tỷ đồng, có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản) là một dạng của nhà nước điều hành. Vì lo chuyện điều hành nên nhà nước phải lo nhiều chuyện lắm, nhà xuất bản mà cơ ngơi nhỏ quá làm sao hoạt động, sách in xong về để đâu, nhân viên, biên tập viên ngồi đâu, chỗ nào mà tiếp nhà văn đến trao đổi bản thảo... Trong khi nếu biết triết lý buông bỏ, cứ để mấy việc đó cho nhà xuất bản lo thì nhà nước khỏe hơn biết bao nhiêu. Cái lo đó nó xưa cũ như tư duy của các ông bố bà mẹ thời trước, không dám cho con cái ra đường sợ bị kẻ xấu dụ dỗ.

Và vì lo điều hành nên nhà nước theo đuổi mô hình trăm công nghìn việc đó đâu có biết giờ đây người ta đã có thể outsource (thuê ngoài) hầu như mọi thứ. Sách thì thuê kho, giao tiếp thì qua mạng, trưng bày sách trên web, thậm chí tổ chức hội thảo về một cuốn sách nổi tiếng nào đó cứ thuê công ty tổ chức sự kiện họ lo hết mọi chuyện. Mắc gì nhà nước phải lo nhà xuất bản có trụ sở rộng từ 200 mét vuông trở lên?

Cũng trong nghị định này, loại hình sách điện tử được đề cập. Một lần nữa tư duy nhà nước điều hành được thể hiện rất rõ như một bà mẹ cả lo khi đòi điều kiện để xuất bản sách điện tử là phải “có máy chủ đặt tại Việt Nam”.

Chuyện đặt ra những yêu cầu khác như “có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử”, “có đường truyền kết nối Internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet” thể hiện quá rõ tư duy “cả lo” đã nói ở trên nên thôi, không bàn nữa vì nó hiển nhiên quá rồi.

Riêng chuyện “có máy chủ đặt ở Việt Nam” thì cần nói cho rõ ngọn ngành một chút. Mới nhìn qua, yêu cầu này quá chính đáng, không có máy chủ ở trong nước thì cơ sở dữ liệu để khơi khơi ở nước ngoài làm sao bảo mật, nếu có tác phẩm điện tử cần thu hồi thì làm sao? Nhưng cứ nghĩ lại mà xem, một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ để nhà xuất bản tự lo chuyện bảo mật thông tin, chuyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, không việc gì nhà nước phải lo cả. Họ làm sai, họ thiếu trách nhiệm đã có luật pháp khác điều chỉnh rồi. Hơn nữa xuất bản sách chứ đâu phải là chuyện bí mật quốc gia đại sự gì để phải đặt ra những ràng buộc tự cản chân mình như thế.

Hiện nay các nhà xuất bản nói riêng và các doanh nghiệp cần hoạt động trên Internet nói chung đã dần chuyển sang các dịch vụ đám mây, họ không còn phải duy trì máy chủ tốn kém, không hiệu quả mà chuyển sang thuê dịch vụ của các công ty lớn. Vì sao bây giờ chúng ta còn loay hoay với khái niệm “có máy chủ đặt ở Việt Nam?”

*                      *                      *

Ví dụ thứ nhì là Nghị định 18/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đây là nghị định quy định rất chi tiết nhuận bút thể loại nào cao hơn thể loại nào, thời hạn trả nhuận bút chậm nhất là bao lâu sau khi xuất bản, không liên hệ được người hưởng nhuận bút đến 3 lần thì làm sao...

Đặc biệt nghị định định rõ khung nhuận bút cho từng thể loại, mức tối đa của tin là bao nhiêu, phóng sự là bao nhiêu, dịch là bao nhiêu.

Nói tóm lại, đây là một ví dụ điển hình về nhà nước điều hành, lo đến mức ấn định chi ly từng loại nhuận bút cho từng tờ báo. Giả thử để theo dõi việc tuân thủ nghị định, một bộ máy khổng lồ cũng không thể làm nỗi với biết bao nhiêu tin bài, sách được xuất bản hàng ngày, hàng năm?

Có người lập luận, nếu không có bộ khung nhuận bút như thế, lấy ai bảo vệ quyền lợi của nhà văn, nhà báo? Không ai làm chuyện đó tốt hơn cơ chế thị trường, cơ chế thuận mua vừa bán. Ngược lại, có người phân tích, không quy định vậy, các báo cứ trả nhuận bút cao ngất cho nhân viên rồi khai lỗ, theo kiểu trốn thuế thì sao? Cái đó đã có Luật thuế thu nhập cá nhân lo vì nếu tránh bên thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Một nhà nước lo chuyện vĩ mô sẽ không để tâm đến các chuyện quá vi mô này. Nhà nước chỉ phê duyệt các loại hình báo chí cần thiết để đưa thông tin đến người dân với chi phí thấp nhất qua một gói kinh phí phân bổ hàng năm. Ai làm không hiệu quả cứ sa thải thay bằng người khác; báo nào làm không hiệu quả, cắt ngân sách chuyển cho báo khác. Đó chính là chuyển từ “điều hành” sang “kiến tạo phát triển” và tốt nhất là chuyển ngay từ thiết kế chính sách.



Cloud Computing

Điện toán đám mây
Ai quan tâm? Quan tâm làm gì?

Có lẽ đọc nhan đề “điện toán đám mây” nhiều người sẽ nghĩ, rồi - lại thêm một bài viết về một đề tài cũ mèm, thuộc loại chẳng ai quan tâm. Thế nhưng dù muốn dù không chúng ta đang ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ thuộc dạng “điện toán đám mây” và nếu là chủ doanh nghiệp, chắc chắn các bạn sẽ phải tìm hiểu về nó nếu không muốn tụt lại đằng sau, ôm một mớ chi phí lẽ ra không phải gánh chịu.

Tại hội thảo “Cách tân đám mây” do NetEvents tổ chức vào tuần trước ở San Francisco, người viết bài này có dịp nghe hàng loạt bài thuyết trình về các xu hướng mới trong điện toán đám mây, đặc biệt là về chủ đề bảo mật. Nhưng phải thú thiệt thông tin tại hội thảo khá là xa vời với điều kiện và thực tế tại Việt Nam. Cho nên có lẽ chúng ta bắt đầu bằng những câu chuyện gần gũi trước.

Chuyện căn bản

Nhiều người trong chúng ta đang sử dụng dịch vụ đám mây mà không biết. Khi dùng Gmail, Yahoo Mail, hay khi lưu tài liệu lên Dropbox, soạn chung một văn bản trên Google Docs, tất cả đều là những dịch vụ đám mây đang phổ biến khắp thế giới. Điện toán đám mây là xu hướng không tránh được của công nghệ thông tin cũng như ngày nay không ai mua phát điện cho mỗi nhà, ai cũng kết nối với lưới điện chung, xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu vậy.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều nơi cũng đang dùng dịch vụ đám mây mà không hay. Ví dụ việc đầu tiên nhiều doanh nghiệp ngày xưa hay làm là mua một máy chủ về để làm trang web riêng hay dịch vụ email riêng cho doanh nghiệp mình. Sau đó để tiết kiệm và dễ quản lý, họ có thể thuê máy chủ ở các nơi chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ. Nhưng ngày nay nhiều doanh nghiệp không làm theo cách đó nữa, họ thuê một chỗ trên các đám mây mà các doanh nghiệp lớn cung cấp như một dạng máy chủ ảo, nhu cầu ít thì máy nhỏ, nhu cầu tăng lên thì máy tăng theo, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không tốn nguồn lực cho việc bảo trì, bảo quản, thức khuya dậy sớm lo cho máy chạy đều.

Lấy ví dụ Google hiện đang cung cấp dịch vụ quản lý email cho nhiều doanh nghiệp, cứ trả mỗi người dùng mỗi tháng 5 đô-la, doanh nghiệp bạn sẽ có một địa chỉ email với tên công ty và đuôi .vn mà thực chất là chạy trên nền tảng như Gmail.

Cái dở của ngành công nghệ thông tin là thích dùng các thuật ngữ nghe rất kêu và dễ tìm được tiếng nói chung giữa những người trong nghề nhưng lại gây khó khăn cho người bên ngoài.  Mỗi khi nói đến đám mây, chúng ta thường gặp các cụm từ như “phần mềm như là dịch vụ - SaaS”. Có lẽ ai cũng biết phần mềm bình thường như Microsoft Office, bỏ đĩa cài đặt vào, cài đặt một lúc thì xong, người dùng chỉ việc mở máy và khởi động phần mềm và làm việc. Nay cứ tưởng tượng một doanh nghiệp có vài chục ngàn khách hàng, cứ nghĩ đến cảnh đóng gói phần mềm riêng của họ, gởi cho hàng chục ngàn khách hàng này, chờ cho họ cài đặt xong, giải quyết nhiều trục trặc khi cài đặt, rồi nâng cấp, rồi chữa lỗi – đó là cơn ác mộng cho bộ phận IT của doanh nghiệp này, chi phí lại cao.

Nay họ đưa phần mềm lên đám mây, khách hàng chỉ việc truy cập từ xa và làm việc như thể phần mềm đang cài trên máy của chính họ - thế là hàng loạt vấn đề được giải quyết. Khách hàng không phải bỏ ra một khoản tiền lớn mua phần mềm mà chỉ phải trả theo tháng hay theo năm. Từ đó mới có khái niệm “Software as a Service” – tức là “phần mềm [như là] dịch vụ” nói ở trên. Các phần mềm quản trị doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp là ứng viên thích hợp nhất để đưa lên đám mây để đạt hiệu quả cao nhất.

Từ đó, các bạn có thể hình dung ra hàng loạt cụm từ hay từ viết tắt được xây dựng theo kiểu đó như “Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ - IaaS”, “Nền tảng như một dịch vụ - PaaS”, “Mạng lưới như một dịch vụ - NaaS”... mà thực chất là các khái niệm cũ nay chuyển qua đưa lên đám mây hết như phần mềm, cơ sở dữ liệu, máy chủ, lưu trữ...

Xu hướng mới và những nỗi lo cũ

Như vậy với những người đã sử dụng “điện toán đám mây”, chuyện mới hôm nay là chuyện gì, ngoài những chuyện của riêng giới chuyên môn như ảo hóa và đám mây mở? Theo ông Steve Wylie, Tổng giám đốc UBM Tech, nhiều người cứ tưởng chuyện “điện toán đám mây” chỉ mới ở dạng tiềm năng chứ thật ra doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ đã ứng dụng chúng một cách sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng chúng như một công cụ tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh. Trước đây, doanh nghiệp nào thuộc loại “tân tiến” đều phải có một vị trí “giám đốc công nghệ thông tin” (CIO); nay nhờ vào điện toán đám mây, doanh nghiệp tiết kiệm cả đống chi phí, kể cả tiền tuyển dụng và duy trì bộ máy chuyên lo chuyện công nghệ thông tin cho công ty.

Tuy nhiên những nỗi lo từng làm doanh nghiệp e ngại “điện toán đám mây” vẫn còn đó. Thứ nhất là vấn đề bảo mật. Thử tưởng tượng doanh nghiệp giao phó hết bí mật kinh doanh, kể cả thông tin tài chính lên cho dịch vụ đám mây, không biết dữ liệu giờ nó đang chạy đến tận đâu, có ai lén truy cập được không thì mới hình dung hết nỗi lo về bảo mật.

Thật ra khả năng bảo mật của những nơi cung cấp dịch vụ đám mây lớn trên thế giới như Amazon, Google, Microsoft đã lên đến bậc thượng thừa. Dùng dịch vụ của họ chắc chắn còn bảo đảm hơn là dùng server riêng. Nhưng khả năng bảo mật như thế ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác vẫn còn là câu hỏi lớn. Những xu hướng mới ở đây là kết hợp giữa đám mây công cộng, đám mây riêng để đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Chuyện một số nước có những quy định đòi “phải duy trì máy chủ ở nước sở tại” thì không thấy nhưng quy định về dữ liệu phải chịu một số hạn chế nào đó thì vẫn có. Ví dụ cơ sở dữ liệu về công dân một nước thì chắc chắn phải chịu ràng buộc nằm trong biên giới nước đó. Từ đó mới có khái niệm “đám mây chủ quyền” (sovereign cloud) mà Pháp là nước đi đầu trong triển khai nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ đám mây cho khu vực nhà nước cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích giữ cho dữ liệu của Pháp nằm trên đất Pháp. Sáng kiến này cũng đang bị phê phán là không thực tế - dữ liệu nằm ở đâu cũng được, vấn đề là giữ chủ quyền cho dữ liệu để không bị nước thứ ba xem lén mới là quan trọng.

Một xu hướng được thảo luận tại hội thảo có liên quan nhiều đến Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp nắm được cơ hội và thách thức của điện toán đám mây. Ví dụ một tờ báo điện tử, thay vì phải mua sắm máy chủ, thuê đường truyền riêng hoàn toàn có thể thuê dịch vụ đám mây để sản xuất tờ báo, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều lần, lại tránh lãng phí vì tiền thuê sẽ tương ứng với lượng truy cập. Thế nhưng để làm được điều này cần phải có những người nắm công nghệ, giải quyết được những nỗi lo về an toàn thông tin mà điều này lại mâu thuẫn với việc khi đã dùng dịch vụ đám mây, vai trò của bộ phận IT nội bộ sẽ giảm hẳn đi.

Cho đến nay Việt Nam chưa có nhiều những nơi chuyên tư vấn về giải pháp điện toán đám mây cho doanh nghiệp hay có mà quảng bá chưa tốt, chưa được nhiều nơi biết đến trong khi ở các nước đây là một mảng dịch vụ phát triển nhanh trong những năm gần đây.  

Trong khi đó những nơi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp như Amazon, Google, IBM vẫn còn chưa mạnh dạn triển khai thâm nhập thị trường Việt Nam vì các quy định chưa rõ ràng, đang thay đổi và các khách hàng thuộc dạng tiềm năng như chính phủ, giáo dục vẫn chưa mặn mà với các dịch vụ “đám mây” nghe xa xôi như chuyện trên trời.

Chuyện muôn thuở ở Việt Nam còn là chính sách bất cập. Nếu đọc đoạn “phần mềm như là dịch vụ” (SaaS) ở trên, có lẽ ai cũng nghĩ vậy thì doanh nghiệp phần mềm nên triển khai dạng dịch vụ đám mây cho hiệu quả hơn nhưng không, họ vẫn làm phần mềm đóng gói theo cách cũ. Đơn giản bởi nếu là doanh nghiệp phần mềm, họ sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, được miễn thuế 4 năm từ khi thành lập, 9 năm tiếp theo được miễn 50%, lại hưởng thuế suất thấp chỉ 10%. Trong khi đó nếu họ làm phần mềm theo dạng cung cấp dịch vụ đám mây, tất cả những ưu đãi này biến mất.


Sunday, April 13, 2014

Ai cho tôi làm báo... lương thiện?

Ai cho tôi làm báo... lương thiện?

Lâu ngày không gặp, bỗng người bạn làm trong ngành báo chí buột miệng nói ngay khi chưa kịp hỏi han sức khỏe: “Ai cho tôi làm báo lương thiện đây?” rồi cười khan như thể tìm ra cách thể hiện đắc chí, đúng cái tâm tư của anh và nhiều người khác.
Nghe câu “cảm thán” này có lẽ ai trong nghề đều biết ý anh ấy muốn nói đến những áp lực làm cho các báo buộc phải chạy theo thị hiếu độc giả để tăng lượng người xem, được diễn đạt bằng các từ ngữ thông tục như “câu view”, “pageview” là vua... Đến nỗi muốn làm báo tử tế, đàng hoàng, không “lá cải” là rất khó trong thời buổi hiện nay.

Muốn làm báo tử tế, đàng hoàng, không “lá cải” là rất khó trong thời buổi hiện nay.

Lý do thì nhiều (và đã được phân tích ở các bài trước đó trên TBKTSG) nhưng trong bài này, tôi chỉ muốn nhắm tới một nguồn cơn duy nhất (mặc dù có thể không phải là nguồn cơn chính): đó là Google Adsense. Nhiều nhà báo nhận định chính Google Adsense đã đẩy báo chí trực tuyến trong nước vào cuộc đua tìm kiếm pageview và biện pháp chủ yếu thúc đẩy cuộc đua là sự “xì căng đan hóa” cách đưa tin, là xu hướng “lá cải hóa” đang tràn ngập và xu hướng dễ dãi dần của những tờ báo trước đây thuộc loại nghiêm túc. Đó cũng là tệ nạn sao chép bài viết của báo khác vì bản thân họ không đủ sức sản xuất nội dung có chất lượng.

Vì sao nên nỗi? Và có thật sự như thế không?

Báo ngày xưa khác báo ngày nay

Với báo in, chuyện mỗi báo nhắm vào một phân khúc độc giả là rất rõ. Ví dụ tờ Tuổi Trẻ có lúc có lượng phát hành lên đến nửa triệu bản mỗi ngày thì hút quảng cáo của các nhãn hàng tiêu dùng lớn như ti vi, bột giặt, kem đánh răng... Điều đó không làm nản lòng một tờ chuyên về kiến trúc, lượng phát hành chỉ bằng một góc nhưng vẫn sống khỏe nhờ thu hút quảng cáo của những nhà cung cấp vật liệu xây dựng chẳng hạn. Độc giả tờ này ít hơn nhiều nhưng sức mua lại cao hơn và khả năng mua hàng sau khi thấy quảng cáo là cao hơn. Nhà quảng cáo không bao giờ so sánh lượng phát hành giữa hai báo để luôn luôn chọn Tuổi Trẻ, bỏ qua tờ Kiến trúc.

Với báo điện tử chỉ hiện diện trên mạng thì ranh giới phân biệt này bị xóa nhòa. Một tờ báo chuyên về dầu khí cũng sẵn sàng nhảy vào đủ chuyện, thượng vàng hạ cám, cạnh tranh hút người xem của các tờ báo đại chúng. Vì sao? Tổ chức mạng lưới bán quảng cáo cho mọi doanh nghiệp quan tâm là rất tốn kém, nhắm tới phân khúc mà tờ báo mình phục vụ càng khó hơn nữa vì doanh thu quảng cáo không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Đa phần công ty quảng cáo hiện nay không đủ lực để giao dịch với hết mọi tờ báo trực tuyến và đưa ra chọn lựa tốt cho khách hàng.

Các bạn để ý mà xem, hầu như các báo điện tử không còn cạnh tranh bằng sự khác biệt, bằng điểm mạnh của mình nữa; tờ nào cũng chăm chăm chuyện giật gân để hút người đọc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, cho rằng đứng trên quan điểm của nhà quảng cáo, thì ông chỉ quan tâm đến cái “conversion rate” của một mẩu quảng cáo, tức là nó biến một người đọc thành khách hàng của nó còn đăng ở một tờ báo lớn hay một blog dạy nấu ăn là không quan trọng.

Và sự xuất hiện của Google Adsense càng củng cố xu hướng này. Google Adsense chính thức vào Việt Nam từ tháng 5-2013, và cùng thời điểm đó Google Adwords cũng ra giao diện tiếng Việt. Google Adsense đã làm mưa làm gió, chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thị trường quảng cáo trên các trang báo điện tử. Nói theo cách đơn giản hóa, bất kỳ ai muốn quảng cáo trên không gian mạng thì cách dễ nhất là nhờ Google đặt chỗ, xuất hiện ở những nơi thích hợp. Ngược lại, các tờ báo điện tử, vì không thể tổ chức bộ máy kinh doanh đến tận hàng ngàn doanh nghiệp cần quảng cáo nên bán chỗ cho Google. Vậy là Google đứng làm trung gian cho hai bên gặp nhau. Với bộ máy tinh vi khổng lồ, Google có thể dùng thông tin mình đã thu thập, cùng bộ máy kiếm tìm ngày càng thông minh, Google có thể tự động sắp xếp sao cho quảng cáo tư vấn về nhà đất xuất hiện trong bài báo nói về một hội nghị địa ốc, một quảng cáo công ty săn đầu người hiển thị trong bài viết về nhân sự của công ty. Cho đến nay không có hãng nào có đủ tiềm lực làm được việc đó như Google.

Có thật vậy không?

Ở đây phải nói rõ thêm một số đặc điểm rất lạ của thị trường quảng cáo trực tuyến, hiện đang bị chi phối bởi nhiều nhầm tưởng:

- Quảng cáo của Google không chỉ xuất hiện trên báo chí mà còn trên các blog cá nhân, trang web sưu tầm truyện cười, trang web chuyên tải video hài hước. Nói chung không gian bán chỗ quảng cáo tự nhiên mở rộng gấp nhiều lần trước đây, đặt báo chí vào thế phải cạnh tranh, không những lẫn nhau mà còn với các nơi cung cấp nội dung khác.

- Quảng cáo của Google dù đặt chỗ cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể xuất hiện trên các tờ báo nước ngoài như New York Times, Los Angeles Times hay The Guardian miễn sao bài báo được truy cập từ Việt Nam. Nghĩa là tại Việt Nam báo chí trong nước nay phải cạnh tranh cả với làng báo thế giới.

- Số tiền thu được theo cách quảng cáo này là không đáng kể, thậm chí với nhiều tờ báo không đủ trang trải tiền nhuận bút trả cho tác giả bài báo có đăng quảng cáo. Thế nhưng tỷ lệ thu được từ các báo Việt Nam lại thấp hơn các báo nước ngoài, càng làm cho việc cạnh tranh khó khăn hơn.

- Dù quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ nhưng cho đến nay tỷ lệ quảng cáo trên Internet chỉ chiếm dưới 5% tổng doanh thu quảng cáo của thị trường. Lẽ ra làng báo phải thấy chỗ này để ngồi lại với nhau, không dùng chiến lược cạnh tranh bằng pageview nữa vì không đáng bỏ công sức ra cho 5% ít ỏi mà làm hại đến danh tiếng các tờ báo. Trong bài này, chúng tôi có phỏng vấn một số chuyên gia trong ngành quảng cáo (xem hộp bên cạnh). Nếu các doanh nghiệp quảng cáo mà suy nghĩ như các chuyên gia này, chúng tôi tin rằng cuộc chiến “câu view” giữa các báo điện tử sẽ không đi vào con đường bế tắc như một số đang đi.

Google nói gì

Dĩ nhiên Google không bao giờ thừa nhận Google Adsense đi làm chuyện “thất đức” là đẩy làng báo trực tuyến vào chỗ lá cải hóa. Đại diện Google cho biết họ thiết kế Google Adsense sao cho nhà quảng cáo có toàn quyền lựa chọn nơi để quảng cáo của họ xuất hiện, tiêu chí hàng đầu không phải là số lượng truy cập mà sự liên quan giữa người dùng, nội dung và quảng cáo. Họ cũng nói Google có những chính sách nghiêm ngặt về chuyện ăn cắp bản quyền, chuyện dùng những thủ thuật “mũ đen” để tăng lượng pageview bằng các chiêu thức SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) “bàng môn tả đạo”.

“Google luôn đặt lên hàng đầu việc chống lại những quảng cáo có nội dung không phù hợp”, ông James McClure, Giám đốc quốc gia, phụ trách các thị trường mới nổi tại Nam và Đông Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Ông cho biết: “Năm 2013, chúng tôi đã gỡ bỏ hơn 350 triệu quảng cáo không tốt trên hệ thống, đưa vào danh sách đen hơn 200.000 trang nội dung. Số lượng đăng ký Adsense mà chúng tôi đã không chấp nhận duyệt lên đến hơn 3 triệu. Google cũng gỡ bỏ hơn 250.000 tài khoản vi phạm khác nhau. Con số này bao gồm hơn 5.000 tài khoản bị gỡ bỏ do vi phạm chính sách bản quyền nội dung, tăng hơn 25% so với năm 2012. Đây là những con số khổng lồ, nhưng chúng tôi phải làm những gì cần thiết để đảm bảo cung cấp những công cụ an toàn và đáng tin cậy theo đúng tiêu chuẩn cao nhất mà chúng tôi đặt ra”.

Con đường nào cho tôi đi

Nhìn một cách nào đó, Google Adsense giải phóng người làm báo khỏi phải lo chuyện bán quảng cáo gì cả, chỉ cần viết sao cho hay để có nhiều người đọc. Nhưng sự đời không đơn giản. Bản tính con người luôn tò mò, thích chuyện giật gân, hóng chuyện kỳ bí. Ngay cả những người làm trang tin riêng, loại nghiêm túc để làm tư liệu, đôi lúc cũng dẫn các bài về các ngôi sao điện ảnh, tiếng là để dè bỉu nhưng thực chất cũng để câu khách.

Google Adsense dù có thông minh đến đâu cũng không phân biệt được báo nghiêm túc và báo lá cải. Trong khi Google cứ tính sòng phẳng 1.000 người xem thì được 5.000 đồng chẳng hạn. Kiểu thế làm sao không thúc người ta đăng tin có những “keyword” như “con dâu”, “bố chồng” để tăng view lên hàng chục ngàn lượt xem.

Vấn đề là ở chỗ tỷ lệ chi phối. Hiện nay nó còn nhỏ lắm. Các tờ báo lớn vẫn có thể tổ chức bán quảng cáo banner cho khách hàng lớn, phần Google Adsense chỉ là phụ bên trong tin. Và để bán cho được loại banner truyền thống, có lẽ các báo phải quay về thế mạnh của mình, dùng năng lực lõi để thu hút khách.

Ông James McClure đặt vấn đề: “Tôi rất muốn trả lời câu hỏi đặt ra ở đầu bài, rằng, “Không, hôm nay không phải là ngày đạo đức trong nghề báo lụi tàn vì lạm dụng hay dùng sai công cụ kỹ thuật số. Hôm nay là lúc chúng ta có thể cùng nhau chung tay bảo vệ nghệ thuật và khoa học kể chuyện rất quý báu thông qua nghề báo chuyên nghiệp và phát huy các ứng xử tích cực trong ngành”.

Chính vì thế mà bà Hoàng Thị Mai Hương, Tổng giám đốc Saatchi & Saatchi Việt Nam, đã kết luận: “Phần lớn các sản phẩm quảng cáo lớn đều vẫn “mua” quảng cáo của mình thông qua các tập đoàn truyền thông chuyên nghiệp với cách nhìn tổng hợp, có phân tích cả về lượng lẫn về chất, và có tính sáng tạo chứ không đơn giản sử dụng Google Adsense”. “Đừng “đổ tội” tạo ra lá cải cho Google. Ở các nước mà truyền thông thương mại hóa 100%, và Google hay các công cụ hỗ trợ mua media phát triển hết sức mạnh, họ vẫn có những trang mạng rất có chất lượng”, bà nói.

Cho dù ông Sơn vẫn tin vào một tương lai với cái cơ chế tự tạo thông tin do người dùng tự sản xuất ra như Facebook, như nhiều phần mềm hiện nay đã cho phép lấy nội dung từ nhiều nguồn rồi tự tạo thành tờ báo riêng cho mình, ông vẫn nghĩ nhà báo, những cây bút chất lượng cao vẫn còn mãi đó chứ không phải là ngòi bút lá cải.

Liệu sẽ có sự sực tỉnh nào chăng?




Box

Các công ty quảng cáo nói gì

Bà Hoàng Thị Mai Hương, Tổng giám đốc Saatchi & Saatchi Việt Nam

Thật ra, một nhà quảng cáo chuyên nghiệp sẽ không chỉ chọn báo chí trực tuyến mà chỉ dựa vào số lượng pageview, thậm chí đây không nên, và không phải là tiêu chuẩn hàng đầu cho nhiều sản phẩm. Lý do đầu tiên là họ phải chọn trang báo nào mà chân dung độc giả phù hợp với đối tượng khách hàng của họ. Nhà quảng cáo sữa cho em bé sẽ không bao giờ muốn logo của mình nằm cạnh hình “bà Tưng” chẳng hạn. Họ sẽ vào webtretho thay vì vào “Ngôi sao”.

Lý do thứ hai là nhiều “view” chưa hẳn đã dẫn tới nhiều người xem quảng cáo đăng trên trang đó. Nếu quảng cáo chỉ có tính thông cáo, dưới hình thức “popup” hay “banner”, đôi khi còn phản tác dụng vì người đọc cảm thấy bị quấy rối. Thử hỏi có bao nhiêu bạn nhấn vào các quảng cáo nằm bên phải trang Facebook của bạn? Bao nhiêu bạn khó chịu vì các trang bán hàng nhảy vào mời bạn “like”? Chưa nói là “view” và “click” đều có thể làm giả.
Từ bỏ báo giấy chuyển sang báo mạng, người đọc có quyền chọn lựa rất nhanh, nhảy từ trang này sang trang kia chỉ với một vài cú nhấp chuột, vì vậy yếu tố quyết định thành công của quảng cáo trực tuyến không phải là người ta có “nhìn thấy” mình không mà là người ta có “ở lại” với mình không, và cao hơn thế nữa, người ta có “giao tiếp” với mình không.


Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy

Thực tế cho thấy “người tiêu dùng thế nào thì sẽ có quảng cáo như vậy”. Mà hành vi của người tiêu dùng hiện nay đang thay đổi. Nếu như trước kia, họ dành phần lớn thời gian để đọc báo hay xem truyền hình, thì ngày hôm nay, thời gian dành cho màn hình máy tính và màn hình điện thoại thông minh đã vượt qua thời gian dành cho báo giấy. Và trong khoảng thời gian họ dành cho “màn hình thứ hai và thứ ba” thì thời gian dành cho đọc các trang tin điện tử cũng không còn chiếm vị trí độc tôn nữa: họ còn dành một thời lượng đáng kể cho việc trao đổi thông tin trên mạng xã hội, đọc các trang blog, xem phim, nghe nhạc, tranh luận trên các diễn đàn... Tóm lại, báo chí, kể cả báo chí điện tử, phải cạnh tranh khốc liệt để giành sự chú ý của người tiêu dùng.

Trong cuộc chiến này, ngành quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trực tuyến, đang sở hữu những công cụ mới để “rình mò” hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần bước chân lên mạng, là mọi hành vi của họ sẽ được thu thập, lưu trữ dần dưới dạng “dữ liệu lớn” (big data) và sau đó sẽ bị các công ty quảng cáo trực tuyến khai thác hoặc bán lại cho các nhà quảng cáo. Nhờ công nghệ này mà các nhà quảng cáo thậm chí còn hiểu biết về bạn còn hơn bản thân bạn, và hiểu biết này cho phép tiếp thị ngày nay dịch chuyển sang tiếp thị hành vi, khi mà các công ty có thể bán hàng hóa cho bạn dựa vào những hiểu biết của họ về hành vi tiêu dùng của bạn. Nếu như trước đây, các thông điệp quảng cáo được tung ra dưới dạng “bom rải thảm”, thì ngày nay, công nghệ cho phép họ ném “bom thông minh” để hướng đúng vào đối tượng mà họ muốn hướng tới hoặc cũng có thể nói, bạn định đoạt sản phẩm mà bạn muốn nghe, muốn xem, muốn tham khảo và muốn mua dựa trên thói quen tiêu dùng của mình.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...