Friday, November 30, 2012

Buông lỏng và chèn lấn


Buông lỏng và chèn lấn
Mỗi khi nói đến những yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước, người ta thường quên vai trò của các bộ, ngành được giao làm đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Giả thử các nơi này chỉ cần làm đúng chức trách được giao, tuân thủ nghiêm khắc các quy định sẵn có, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng không đến nỗi lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất như bây giờ.
Lấy ví dụ, theo Thông tư 242/2009 hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá ba lần mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 tập đoàn, tổng công ty trên 10 lần! Chẳng hạn, Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc vay nợ đến 56,47 lần so với vốn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - 21,85 lần, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - 15,07 lần! Báo cáo không nói là một khi tỷ lệ này vượt ba lần như quy định, các bộ, ngành làm đại diện chủ sở hữu có nhắc nhở gì các tập đoàn, tổng công ty hay không, họ quyết định cho vay vượt mức như thế nào và có báo cho Bộ Tài chính theo quy định hay không.
Để tránh nợ nần chồng chất, Thông tư 242 quy định công ty nào không được phép huy động vốn vượt mức ba lần như nói ở trên nhưng liên tục hai năm liền có hệ số nợ phải trả vượt vốn điều lệ ba lần thì phải có kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn như điều chỉnh vốn điều lệ, chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên, thu hồi vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc kém hiệu quả. Liệu đã có tập đoàn, tổng công ty nào trong 30 đơn vị nói trên bị yêu cầu thực hiện những biện pháp này? Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội nhưng liệu trước đó đã có biện pháp yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 242?
Vì sự buông lỏng này, tình hình nợ nần ở các tập đoàn, tổng công ty đã lên đến mức báo động. Năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Gần 1,3 triệu tỷ đồng, tức là gần bằng một nửa tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế, chỉ ở 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước! Vẫn biết nợ của các doanh nghiệp bao gồm nhiều dạng như trái phiếu chứ không chỉ tín dụng ngân hàng nhưng với con số và tỷ lệ lớn như thế, còn đâu tín dụng cho các thành phần khác của nền kinh tế.
Thử nhìn vào các tập đoàn có nợ phải trả lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ phải trả 286.817 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ phải trả 275.278 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, nợ phải trả 69.577 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nợ phải trả 61.768 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, nợ phải trả 71.112 tỷ đồng, không thể nào hình dung nổi một đơn vị không thôi có số nợ bằng một phần mười tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Cứ lấy chi phí vay nợ thấp nhất mà tính cũng sẽ thấy rằng các đơn vị này chạy đủ tiền để trả lãi cũng đã hết sức rồi, còn đâu trả nợ gốc hay có lãi trừ phi được ưu đãi hết mức.
Chúng ta còn nhớ đã có nhiều quy định khống chế mức đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước cũng như những yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thoái dần vốn ra khỏi những nơi đã đầu tư trái ngành. Thế mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011 vẫn tăng đầu tư vào các lãnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản lên đến 23.744 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2010).
Một điểm cuối cùng cũng có thể gây bất ngờ ở nhiều người. Theo báo cáo của Chính phủ gởi Quốc hội, năm 2011, thuế thu nhập doanh nghiệp mà các tập đoàn, tổng công ty nộp cho nhà nước là 47.710 tỷ đồng (tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Tài chính công bố trong cân đối thu chi ngân sách năm 2011 là 56.265 tỷ đồng). So với tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả mọi thành phần là 184.481 tỷ đồng, thì các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm 25,8%. Tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi, nhiều nguồn lực khác, cái nào các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm tỷ lệ cao nhưng nộp thuế thì chỉ chiếm một phần tư – có lẽ câu hỏi về hiệu quả đã có câu trả lời.

Thursday, November 15, 2012

Sửa gì ở Hiến pháp?


Sửa gì ở Hiến pháp?
Thông thường các nước sửa Hiến pháp khi có một hai vấn đề gì đó thật bức xúc, cấp bách hay cần hợp thức hóa, phải đưa ra biểu quyết ở Quốc hội hay trưng cầu dân ý trước toàn dân. Ví dụ như khi Nga sửa Hiến pháp năm 2008 kéo dài nhiệm kỳ tổng thống nước này từ 4 lên 6 năm, Ấn Độ tu chính Hiến pháp năm 1967 để bổ sung tiếng Sindhi làm ngôn ngữ chính thức, Ireland sửa Hiến pháp năm 1973 để giảm độ tuổi đi bầu từ 21 xuống 18 tuổi…
Nếu đọc kỹ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thật khó có thể nêu bật lên vấn đề nào nổi trội trong đợt sửa đổi lần này. Tờ trình của Ủy ban dự thảo có nói về mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là: “… để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.” Đây là một mục đích rất chung chung, có thể đúng vào bất kỳ thời điểm nào hay áp dụng vào bất kỳ tình huống nào.
Sau khi Dự thảo được công bố tại Quốc hội, dư luận cho rằng Dự thảo Hiến pháp lần này đã tăng quyền cho Chủ tịch nước như một điểm nhấn sửa đổi. Thật ra đây là nhận xét hơi vội vàng vì những điều Dự thảo nói về Chủ tịch nước cũng dựa trên căn bản Hiến pháp năm 1992, chỉ có điều được làm rõ về mặt chi tiết ở một số điều khoản.
Trong Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước vẫn có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…; vẫn là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước, theo Hiến pháp 1992, có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ khi xét thấy cần thiết.
Nay Dự thảo chỉ làm rõ thêm những điểm này, ví dụ chuyện phong hàm thì “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”; chuyện họp với Chính phủ thì “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Trong bối cảnh nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước, nhiều người đặt vấn đề tham nhũng tồn tại được là vì cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta yếu, nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng. Hay hiện nay đang có tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan khi tỉnh nào cũng chạy đua cho có bến cảng, sân bay, khu công nghiệp… Cũng có người cho rằng đó là bởi quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương còn nhiều bất cập để xảy ra tình trạng cả nể, xét duyệt dự án đầu tư của địa phương vì các áp lực khác nhau chứ không vì lợi ích chung của đất nước.
Đấy là những vấn đề mà việc sửa đổi Hiến pháp phải bao quát để giải quyết trong đợt sửa đổi lần này.
Với chuyện kiểm soát quyền lực, cần nhấn mạnh và làm rõ được quan điểm sửa đổi mà Ủy ban Dự thảo có nêu: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Làm sao để giải quyết hai vế đối nghịch nhau trong cùng một câu: vừa thống nhất, có sự phân công, phối hợp lại vừa có sự kiểm soát giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp?
Chuyện dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực là chuyện thế giới đã trải qua, đã trăn trở và thu lượm nhiều kinh nghiệm trong hàng trăm năm qua; tại sao chúng ta không tiếp thu thành tựu chung của nhân loại trong lãnh vực này mà cứ khăng khăng nói và làm theo cách của chúng ta.
Hiến pháp phải được sửa đổi để sao cho các bộ trưởng, mỗi khi ra văn bản trái luật thì ngay tức thì bị Quốc hội cách chức; lệnh của Thủ tướng Chính phủ nếu sai luật sẽ bị Chánh án tòa án nhân dân tối cao bác bỏ theo đơn kiện của công dân; Quốc hội phải chuyên nghiệp hoàn toàn, phải chủ động xây dựng các dự án luật và có toàn quyền triệu tập các thành viên Chính phủ đến giải trình mọi chính sách.
Lấy ví dụ chuyện kiểm soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sao cho làm ăn có hiệu quả, không vì lợi nhuận nhất thời mà đầu tư tràn lan ra ngoài lãnh vực chính hay không vì vị thế độc quyền mà chèn lấn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Bởi các bộ hay thậm chí chính phủ là chủ sở hữu doanh nghiệp, ắt hẳn sẽ đứng về lợi ích của doanh nghiệp, vai trò giám sát các tập đoàn, tổng công ty phải giao cho các bộ phận kiểm toán độc lập thuộc Quốc hội chẳng hạn để tìm sự cân bằng về quyền lực. Ngành tư pháp cũng phải đứng ra một cách công minh để xét xử những trường hợp độc quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác hay cho toàn xã hội.
Nói một cách hình ảnh, Luật Doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hình thành cơ chế giám sát lẫn nhau giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc và ban kiểm soát để cổ đông hưởng được lợi ích cao nhất thì Hiến pháp cũng phải làm được chuyện tương tự giữa Quốc hội, Chính phủ và hệ thống tòa án.
Nếu chưa làm được điều đó, thiết nghĩ chưa cần phải sửa đổi Hiến pháp theo cách sửa đổi hình thức như hiện thời. 

Saturday, November 10, 2012

Tội đồ “lợi ích nhóm”?


Tội đồ “lợi ích nhóm”?
Việc đổ hết mọi tội lỗi lên lợi ích nhóm trong khi hiểu sai về khái niệm này chính là cách dùng con ngáo ộp làm che khuất thủ phạm của những kiếm khuyết trong bộ máy.
Xã hội lúc nào cũng có xu hướng hình thành những nhóm lợi ích. Đó đơn giản là những người cùng chia sẻ một mối quan tâm nào đó, một lợi ích nào đó và cùng nhau nỗ lực để công khai xúc tiến hỗ trợ cho lợi ích của mình được xem xét, được tính đến trong chính sách của nhà nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hay Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) là những nhóm như thế.
Còn cái gọi là “lợi ích nhóm” bị nêu ra như là thủ phạm của sự bất ổn trong nền kinh tế thật ra không phải là nhóm lợi ích. Một hai cổ đông lớn chi phối đến hoạt động của một ngân hàng, buộc ngân hàng cho vay với các công ty của các cổ đông này là hành động vi phạm pháp luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả. Sự cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc là nguy cơ mà lợi ích nhóm có thể thúc đẩy để diễn ra nhưng một khi nó đã diễn ra rồi thì không còn là lợi ích nhóm nữa mà là vi phạm pháp luật.
Quay trở lại với các nhóm lợi ích thật sự mà hoạt động vận động hành lang được xem là chuyện bình thường ở nhiều nước, nên ứng xử với họ như thế nào? Rõ ràng các nhóm lợi ích, vì đại diện cho một lợi ích nào đó của riêng nhóm này thôi, nên chủ trương, đề xuất hay hành động có thể đi ngược lại với lợi ích của đa số người dân. Nhiều lúc lập luận của một nhóm lợi ích tìm mọi cách để bảo vệ cho lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của toàn xã hội nghe thật chướng tai. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại lên án các nhóm lợi ích.
Một xã hội lành mạnh là xã hội tạo điều kiện cho tất cả mọi người, kể cả các nhóm lợi ích, có tiếng nói được lắng nghe, có cơ hội trình bày ý tưởng, phản biện lại các lập luận phản bác và bảo vệ ý kiến của mình. Giả định Hiệp hội Lương thực Việt Nam có chủ trương nào đó có lợi cho hội viên nhưng có hại cho nông dân thì ngay lập tức nông dân thông qua hội của mình sẽ có tiếng nói ngược lại. Các chủ đầu tư thủy điện cứ khăng khăng bảo vệ cho các dự án thủy điện thì các nhà hoạt động vì môi trường sẽ tô đậm tác hại của thủy điện hay người dân sẽ gây sức ép buộc chính quyền ngưng các dự án ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường sống của họ. Các nhóm với tiếng nói khác nhau sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển trong sự giám sát lẫn nhau, trong đó tiếng nói của những nhóm người bị thua thiệt như dân nghèo phải được hỗ trợ để được vang lên mạnh như tiếng nói của người có tiền, có của.

Wednesday, November 7, 2012

Thương hiệu vàng quốc gia?

Thương hiệu vàng quốc gia, có cần không?
Chuyện vàng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, cả ngoài xã hội lẫn trên hội trường Quốc hội. Nhưng có một câu hỏi chưa thấy ai, kể cả các quan chức ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời: Vì sao cần có một thương hiệu vàng quốc gia?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích vì sao chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia (“SJC chiếm 93-95% thị trường vàng miếng; để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí nên chúng tôi chọn thương hiệu này”) mà không nói vì sao cần phải có một sự chọn lựa như thế. Ông khẳng định không hề bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang vàng SJC cũng như không hề có sự phân biệt đối xử giữa các loại vàng này. Thế thì chọn SJC làm thương hiệu vàng của NHNN để làm gì?
Nếu nói NHNN đang nỗ lực chống hiện tượng “đô-la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế thì việc có một thương hiệu vàng quốc gia lại góp phần làm nặng thêm tình trạng “vàng hóa” chứ đâu phải ngược lại.
Theo thông lệ quốc tế, vàng được chia làm hai loại: vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ, tức là vàng hàng hóa. Vàng tiền tệ là vàng do ngân hàng trung ương sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ, lúc đó vàng cũng tương đương như ngoại tệ. Ví dụ, chính phủ Mỹ nắm giữ 8.133 tấn vàng, chiếm đến 76,6% tổng dự trữ ngoại tệ của nước này; hay Trung Quốc có chừng 1.054 tấn vàng dự trữ, chỉ chiếm 1,8% tổng dự trữ ngoại tệ (số liệu cuối năm 2010). Vàng phi tiền tệ là vàng do người dân, doanh nghiệp hay thậm chí do các ngân hàng thương mại nắm giữ cho dù mục đích là kinh doanh hay lưu giữ giá trị.
Nếu NHNN bỏ tiền ra mua vàng đưa vào kho dự trữ của mình thì lúc đó mới gọi là hạn chế tình trạng “vàng hóa”. Vàng đưa vào dự trữ là vàng thỏi bốn số 9, chứ cần gì phải là vàng có thương hiệu quốc gia. Đằng này khi quyết định chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia trong khi trong tay nắm không bao nhiêu số lượng vàng này, có nghĩa NHNN đã “vàng hóa” trên quy mô lớn, thậm chí là rất lớn, bởi vàng SJC trong tay người dân có khả năng biến thành vàng tiền tệ trong một sớm một chiều. Hay nói cách khác, vàng SJC trong dân từ chỗ là hàng hóa bình thường nay bỗng trở thành một dạng ngoại tệ, càng làm chính sách tiền tệ khó điều hành.
Nhìn như thế mới thấy vì sao giữa vàng SJC và vàng thương hiệu khác đang có chênh lệch lớn về giá, vì sao người dân cứ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC cho yên tâm bất kể lời trấn an hay lời khuyên của quan chức không nên vội vàng chuyển đổi.
Ở góc độ quản lý, có người giải thích, sở dĩ NHNN quyết định có một thương hiệu vàng quốc gia là để ngăn ngừa chuyện nhập lậu vàng, làm thất thoát ngoại tệ và gây căng thẳng tỷ giá. Mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, dân buôn lậu sẽ thu gom đô-la Mỹ đem ra nước ngoài mua vàng, chuyển lậu về Việt Nam để hưởng chênh lệch giá. Nay vàng lậu đem về lại bằng giá quốc tế (hiện giá vàng phi SJC thấp hơn giá vàng SJC nên gần như tương đương giá vàng thế giới) thì sẽ không còn ai buôn lậu, cầu ngoại tệ không có thì áp lực lên tỷ giá sẽ không tồn tại.
Ở đây chúng ta thấy ngay hàng loạt lỗ hổng về quản lý. Có gì bảo đảm vàng lậu nhập về không được chuyển thành vàng SJC với chi phí không đáng kể dưới dạng vàng phi SJC muốn chuyển đổi thành vàng SJC? Hiện nay quá trình này vẫn đang diễn ra và NHNN chịu áp lực phải giúp chuyển đổi nhanh, đi đến chỗ không còn chênh lệch giá giữa các loại vàng. Như thế chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia có giúp ổn định tỷ giá chăng? Có ai bảo đảm tỷ giá không biến động nhờ chính sách vàng hay nhờ Việt Nam từ chỗ nhập siêu lớn sang xuất siêu hay do đồng đô-la Mỹ yếu đi so với nhiều đồng tiền khác? Quan trọng hơn, một khi NHNN khẳng định không phân biệt đối xử giữa các loại vàng thì làm sao hạn chế được vàng nhập lậu như mong muốn.
Việc quyết định phải có một thương hiệu vàng quốc gia đang gây ra nhiều xáo động trên thị trường, tạo ra nhiều khe hở dễ bị lợi dụng, đồng thời tạo ra cơ chế xin cho nên sẽ có nhiều người hưởng lợi và nhiều người, chủ yếu là người dân thiếu thông tin bị thiệt hại.
Đáng ngạc nhiên nhất, thương hiệu vàng quốc gia là chuyện nói miệng chứ không có cơ sở pháp lý nào cả. Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hoàn toàn không có dòng nào về thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định này chỉ nêu nguyên tắc quản lý là “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng” và định nghĩa rõ: “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”. Rõ ràng tinh thần của Nghị định này là sẽ tồn tại song song nhiều thương hiệu vàng miếng chứ đâu nói gì đến một thương hiệu vàng quốc gia!

Thursday, November 1, 2012

Mặc cả sự tín nhiệm


Mặc cả sự tín nhiệm
Thoạt trông, nỗ lực thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo của Quốc hội là đáng ghi nhận bởi thông qua công cụ này, Quốc hội sẽ đóng tốt hơn vai trò giám sát của mình. Trong bối cảnh bộ máy Chính phủ có nhiều yếu kém, khuyết điểm để người đứng đầu phải đứng ra nhận lỗi thì việc lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm là động thái người dân trông chờ để bày tỏ thái độ thông qua người đại diện dân cử của mình.
Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó và mặt trái của việc lấy phiếu tín nhiệm nếu không được phân tích đầy đủ và có biện pháp khắc phục thì nỗ lực này của Quốc hội khó lòng có tác dụng như mong muốn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết, sẽ cổ xúy cho cách điều hành rất ngắn hạn, làm triệt tiêu tầm nhìn dài hạn, khi phải đánh đổi giữa các thiệt hại ngắn hạn vì những mục tiêu lâu dài. Lấy ví dụ đối với Bộ trưởng Tài chính, để khắc phục tình trạng bội chi năm nào cũng cao ngất, sẽ phải nghiêm khắc với các yêu cầu chi tiêu của các địa phương, phải xiết hầu bao không để lợi ích địa phương, sự vận động của địa phương tác động lên dự toán ngân sách chung. Vì tầm nhìn dài hạn, giải quyết cán cân thu chi ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ mạnh tay với các bộ ngành khác, không để việc xin cấp ngân sách diễn ra tràn lan, lãng phí và trùng lắp… Trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội đồng thời là lãnh đạo các địa phương và bộ ngành, liệu họ có đồng tình với một vị bộ trưởng tài chính nghiêm khắc với túi tiền ngân sách hay sẽ dùng lá phiếu tín nhiệm để mặc cả chuyện phân bổ?
Một ví dụ khác dựa vào tình hình thực tế hiện nay là chuyện giải quyết nợ xấu. Muốn giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải siết chặt việc cho vay của hệ thống ngân hàng, từ đó lại gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Để đối phó với bong bóng tài sản bị xẹp làm tài sản thế chấp bị bốc hơi, Thống đốc cũng sẽ phải cần vài ba năm, trong đó tín dụng tăng trưởng chậm lại, ngân sách phải gánh chịu những khoản chi lớn để làm sạch hệ thống ngân hàng… Một Thống đốc mạnh tay như thế sẽ không được lòng nhiều người trong ngắn hạn để đổi lại sự lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng sau vài ba năm nữa. Đánh giá tín nhiệm đối với Thống đốc trong trường hợp này sẽ như thế nào? Chẳng lạ gì thống đốc ngân hàng trung ương nhiều nước có nhiệm kỳ dài, không bị bãi miễn trước hạn.
Tương tự như vậy, giả thử Chính phủ kiên quyết tái cơ cấu nền kinh tế, có nghĩa trước mắt tạm chấp nhận tăng trưởng chậm đi, thất nghiệp nhiều hơn, doanh nghiệp phá sản cao hơn mới mong chuyển thành công qua mô hình phát triển mới. Liệu những năm khó khăn đó, ai trong Chính phủ sẽ chịu tín nhiệm thấp? Khi đa phần đại biểu Quốc hội, người bỏ phiếu tín nhiệm đồng thời là người trong bộ máy nhà nước, cách chức danh như thanh tra, kiểm toán sẽ đụng chạm nhiều nên sẽ có xung đột lợi ích khi lấy phiếu tín nhiệm.
Quan trọng hơn, trong bộ máy nào cũng vậy, sẽ có người tiếp xúc nhiều với người dân nên cũng dễ xảy ra tranh cãi về phương pháp làm việc; sẽ có người ít khi xuất hiện trước công chúng, khó lòng đánh giá hiệu quả làm việc. Không lẽ lấy phiếu tín nhiệm người đứng mũi chịu sào sẽ chặt tay hơn người lùi lại đằng sau.
Trên đây là những chuyện giả định bởi hiện nay cách điều hành thường là chạy theo “giải pháp tình thế” chứ làm gì có chuyện tầm nhìn dài hạn nhưng các ví dụ cũng cho thấy hiệu ứng ngược của việc lấy phiếu tín nhiệm có thể xảy ra.
Mấu chốt của vấn đề là làm sao việc lấy phiếu tín nhiệm không làm tê liệt bộ máy hành chính mà là một công cụ để kiểm soát quyền lực và thúc đẩy bộ máy vận hành tốt hơn.
Để giải quyết những vấn đề nêu ở trên, thiết nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm không nên mở rộng quá nhiều chức danh lãnh đạo để khỏi mang tính hình thức, làm qua loa, không công bình giữa người làm nhiều và người làm ít. Chịu trách nhiệm cho mỗi bộ máy có người đứng đầu, người này sẽ quyết định được ê-kíp làm việc có thực sự hiệu quả không, sẽ biết rõ từng thành viên có đáp ứng được nhu cầu của bộ máy hay không, sẽ phân biệt được lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn. Lấy phiếu tín nhiệm một số người đứng đầu sẽ có tác dụng to lớn hơn nhiều trong vai trò giám sát bộ máy. Bởi trong nhiều trường hợp, từng cá nhân trong bộ máy thì không có vấn đề gì nhưng bộ máy nhìn chung vẫn trì trệ, không thoát khỏi quán tính cũ. Lúc đó vấn đề đặt ra là chuyện tín nhiệm hay không người tổ chức ra bộ máy đó.
Muốn làm được điều này, người đứng đầu bộ máy phải thật sự có quyền chọn và loại thải những người giúp việc bên dưới, chứ không thể để chuyện “trên bảo, dưới không nghe” diễn ra. Người đứng đầu phải có tầm nhìn và tư duy sao cho con đường phát triển trong năm bảy năm tới được trình bày rõ ràng, nói được những khó khăn sẽ gặp phải trên chặn đường này và mục tiêu sau cùng sẽ nhắm đến là gì. Lúc đó, lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cách thể hiện sự tín nhiệm cho lộ trình đó hay bất tín nhiệm để chọn lộ trình khác.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...