Wednesday, May 27, 2009

Cùng kỳ hay bình quân?

Cùng kỳ hay bình quân?

Còn nhớ vào khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, rộ lên chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được tính và công bố theo con số cùng kỳ năm trước hay tính bình quân. Lúc đó, Bộ Tài chính bất ngờ công bố con số CPI 11 tháng đầu năm 2007 theo cách tính mới - chỉ tăng 7,92%; còn nếu theo cách tính cũ, CPI lúc đó tăng đến 9,45%. Đương nhiên, dư luận lúc đó thắc mắc nghi ngờ các cơ quan nhà nước muốn làm đẹp các con số, nên chọn công bố con số nào vừa ý mình hơn.

Giải thích của Bộ Tài chính lúc đó xoay quanh chuyện phải làm theo thông lệ quốc tế, vì Bộ cho rằng chỉ có Việt Nam mới làm theo cách so sánh cùng kỳ còn các nước tính theo mức tăng bình quân.

Lúc đó, tôi có viết một bài ngắn, đại ý điểm lại các cách tính và công bố CPI theo thông lệ quốc tế và cho rằng cách tính CPI theo bình quân của kỳ tính toán cũng chỉ là một trong những cách này. Vấn đề ở chỗ, mỗi cách tính có những ứng dụng khác nhau và không nên chuyển đột ngột từ cách công bố này sang cách công bố khác vì như thế số liệu sẽ thiếu tính nhất quán. Bài này có câu: “Trước mắt tính theo bình quân, CPI trông “đẹp” hơn vì thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng như chúng ta đã thấy, có kỳ CPI tính theo bình quân lại cao hơn tính theo cuối kỳ. Giả thử xảy ra trường hợp này trong một tháng nào đó ở năm sau và Bộ Tài chính lại quay về công bố con số tính theo cách cũ thì thật là đại họa cho các nhà nghiên cứu kinh tế lẫn doanh nghiệp”.

Y như rằng, bây giờ mọi người đã chuyển về công bố theo cách so sánh cùng kỳ. Đơn giản là vì (ví dụ) CPI tháng 5-2009 khi so với tháng 5-2008 chỉ tăng 5,58% còn CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2009 so với bình quân 5 tháng đầu năm 2008 đã tăng đến 11,59%!  

Lần này thì không thấy ai lên tiếng giải thích vì sao lại quay về cách công bố cũ.

 

PS: Cũng cần nói cho công bằng, Tổng cục Thống kê từ lâu vẫn công bố theo nhiều cách, kể cả so với kỳ gốc, so với cùng kỳ năm ngoái, so với tháng 12 năm ngoái, so với tháng trước và bình quân kỳ.

 

Monday, May 25, 2009

Khong the tin duoc

Không thể tin được

Tôi không thể tin vào mắt mình khi đọc hai câu phát biểu sau.

Câu đầu tiên là của ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn báo điện tử VnExpress:

“Tôi mới đi nước ngoài và thấy rằng có nhiều hành vi nước ngoài coi là bình thường nhưng chúng ta lại coi là tham nhũng. Ví dụ tại Mỹ, nhiều khách sạn, nhà hàng nhân viên đều đòi tiền "bo", chi hoa hồng. Còn ở ta, nếu anh nhân viên ở loại hình dịch vụ nào đó nhận tiền của khách thì sẽ bị xử lý”.

Cái sự khác nhau giữa tiền hoa hồng chi cho dịch vụ bản thân mình nhận được và tiền hối lộ, tiền tham nhũng thì chắc học sinh cấp 1 cũng đã biết rõ.

Còn nói về chuyện khó xác định ranh giới thế nào là “hoa hồng” bình thường, thế nào là phạm tội hối lộ thì nếu cơ quan thanh tra nhà nước chịu khó sục sạo một chút sẽ thấy hầu như các tập đoàn lớn đều quy định rất rõ cho nhân viên mình trong các bảng quy tắc ứng xử trong kinh doanh từng hành vi một: tặng quà như thế nào, đi dự tiệc ra sao, nhận lời mời dự chiêu đãi hay tham quan cách nào… Cái này không phải vì chuyện đạo đức gì cả, họ phải quy định chặt chẽ như thế mới quản lý được nhân viên và phòng ngửa những xì căng đan có thể lôi những lãnh đạo của tập đoàn vào tù.

Câu thứ nhì là của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet khi được hỏi, “Như vậy trách nhiệm thuộc về chủ sử dụng lao động, không phải cơ quan quản lý nhà nước về lao động?”:

“Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về lao động từ trung ương tới địa phương. Người ta nói trách nhiệm thuộc Bộ LĐ-TB-XH là không sai, nhưng rõ ràng khi phân tích rõ ra như thế, trách nhiệm của từng cơ quan ở mức độ nào thì phải được đặt ra một cách khách quan, từ đó mới tìm ra đang cần sửa chỗ nào.

Nếu nói chung chung, nhận trách nhiệm chung chung thì không bao giờ sửa được.

Nếu tôi nhận trách nhiệm chung chung rằng đó là trách nhiệm của tôi, thì làm sao tôi sửa được, vì tôi không cấp giấy phép cho họ vào VN. Người ta vào đây không đăng kí với tôi, thành ra, đã nhận trách nhiệm thì phải nhận hết sức”.

Điều toát ra từ bài trả lời phỏng vấn này là sự lẫn tránh trách nhiệm. Vẫn biết là Bộ LĐ-TB-XH không cấp phép cho người nước ngoài nhập cảnh nhưng một khi họ dùng visa du lịch, đi thăm thân nhân vào làm việc trái phép tại Việt Nam thì trách nhiệm là của ngành lao động chứ của ai nữa. Thay vì lý giải hệ thống trách nhiệm, tại sao không tổ chức các đoàn thanh tra của bộ, kiểm tra dự án nào có sử dụng lao động nước ngoài trái phép thì phạt thật nặng thì còn ai dám vi phạm. Hoặc cứ kiểm tra thấy địa phương nào dung túng cho chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài chưa được cấp phép thì cách chức giám đốc sở LĐ-TB-XH địa phương đó thì mới gọi là thực thi trách nhiệm của bộ chứ.

Tại sao quan chức nước ta cứ thích tìm cách biện minh cho mọi việc? Tại sao người đứng đầu các bộ ngành không thể làm gương cho cấp dưới bằng cách thúc đẩy sự mẫn cán, sự nôn nóng giải quyết vấn đề thay vì cứ đổ lỗi cho khách quan.

Thursday, May 21, 2009

Khong chi chuyen kinh te

Không chỉ chuyện kinh tế

Kể từ ngày bế mạc kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XII vào ngày 15-11-2008 đến ngày khai mạc kỳ họp thứ Năm vào ngày 20-5-2009, đã có 186 ngày trôi qua với biến bao diễn biến trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đổ ập vào nước ta, làm cho GDP của quý 1 chỉ còn tăng trưởng ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái; các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều cho thấy tác động tiêu cực này: giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,1%, xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, nhập khẩu giảm 45%...

Cử tri toàn quốc đang trông chờ kỳ họp Quốc hội lần này để tìm lời giải đáp cho những băn khoăn của họ liên quan đến các chính sách ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn: việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân như thế nào, kích cầu sao cho có hiệu quả nhất và trúng đối tượng cần kích cầu nhất, làm sao để vừa có tiền chi tiêu cho các chương trình kinh tế quan trọng nhưng không để xảy ra tình trạng bội chi ngân sách kỷ lục để lại gánh nặng nợ nần cho những năm sau.

Tuy nhiên, trên bình diện cá nhân, từng cử tri ắt đang kỳ vọng kỳ họp Quốc hội lần này sẽ làm rõ những vấn đề xã hội nhức nhối đang diễn ra trước mắt mọi người dân hàng ngày, hàng giờ. Khủng hoảng kinh tế có thể rất trầm trọng và kéo dài nhưng không dai dẳng và trực tiếp như hiện tượng môi trường sống đang xuống cấp rõ rệt*: Ô nhiễm, kẹt xe, đường phố ngập trong nước và rác, dịch bệnh hoành hành ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Khó khăn kinh tế có thể chưa lan đến các vùng sâu vùng xa nhưng trước mắt người dân bị giải tỏa cho các dự án chưa được làm rõ hiệu quả kinh tế, đã mất đi phương tiện sinh sống. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, công ty cổ phần alumin Nhân Cơ – TKV chỉ đền bù cho người dân bị giải tỏa để làm dự án bauxite vẻn vẹn 4.000 đồng mỗi mét vuông đất. Thử hỏi với một mức đền bù như thế làm sao hàng trăm hộ dân thuộc dự án alumin Nhân Cơ không phải đối diện với rất nhiều khó khăn cho được. Hàng loạt các vấn đề khác trong giáo dục, y tế, an ninh trật tự xã hội cũng là những chuyện bức bối.

Vấn đề không phải là các đại biểu dùng diễn đàn để nói lại những bức xúc ấy của người dân. Vấn đề là làm sao thay đổi được suy nghĩ của bộ máy hành chính, đừng chạy theo những con số kinh tế khô khan mà hãy hoạch định chính sách dựa vào những thước đo mới, với mục đích sau cùng là ổn định và nâng cao mức sống của người dân. Làm sao để từng cán bộ trong bộ máy nhà nước ý thức được trách nhiệm cao nhất của họ là cùng nhau tổ chức cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người chứ không phải là sự lẫn tránh trách nhiệm, là sự đỗ lỗi cho khách quan, cho khó khăn từ bên ngoài.

Vai trò của từng đại biểu Quốc hội đang nặng nề hơn bao giờ hết. Bởi họ hiểu rõ cách làm theo kiểu chất vấn, giải trình, hứa hẹn từng diễn ra ở các kỳ họp trước ắt sẽ không còn được người dân chấp nhận. Quốc hội, nơi đại diện cho quyền lực cao nhất của người dân, có trách nhiệm thực thi quyền giám sát của mình: đối chiếu các lời hứa trước đây với thực tế cuộc sống để làm rõ trách nhiệm của những người thực thi chính sách.

 

* Nói thêm: Hằng ngày trên đường đi làm, khi phải len lỏi vượt qua các quãng đường có “lô-cốt”, tôi chẳng biết dùng từ nào để diễn tả cái tâm trạng của mình lúc đó: lầm lũi? nhẫn nại? nhẫn nhục? Cái cảm giác bao trùm là mình dần thấy mình và những người chung quanh đang đánh mất lòng tự trọng, sự đàng hoàng phải có. Ai nấy đều phải cố gắng thoát khỏi sự bức bối, nghẽn đường do lô cốt gây ra nên sẵn sàng phóng lên lề đường, chen lấn, dù có muốn đi cho đàng hoàng cũng không được vì đằng sau cứ thúc tới, bên hông chen qua… Lề đường nát bét, lòng đường bị cày xới, bụi khói mù mịt. Tại sao người ta không tổ chức đào đường cho đàng hoàng một chút, tại sao không tập trung làm cho xong đoạn nào ra đoạn nấy. Cả thành phố bầy hầy vấn nạn lô cốt mà nếu biết tổ chức, nếu quan tâm đến chất lượng cuộc sống thì không khó để cải thiện tình hình. Cái này tôi nghĩ nó quan trọng hơn bất kỳ con số tăng giảm GDP nào khác.

 

Tuesday, May 19, 2009

Khi nguon tin noi sai

Nguồn tin nói sai, làm sao xử lý?

Lâu lắm rồi tôi có viết một bài cho các phóng viên trẻ khi họ thắc mắc, lỡ như nguồn tin nói sai, phóng viên phải làm gì. Bài này tôi đăng lại ở bên dưới.

Lý do làm tôi nhớ lại bài này là vì sáng nay, đọc báo thấy có nhiều báo đưa tin rất lạ. Ví dụ, báo Pháp luật TPHCM rút tít: “Bô-xít – Quốc hội chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương khai thác”. Báo Người Lao động rút tít phụ: “Quốc hội ủng hộ chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên”. VnExpress cũng rút tít để trong ngoặc: “Quốc hội ủng hộ chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên”. Vietnamnet mở tin bằng câu: “Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít”.

Quốc hội thì mãi tận thứ Tư này mới khai mạc kỳ họp thứ 5, làm sao mới thứ Hai, ông Đàn có thể nói chắc ăn như vậy. Rõ ràng đây là một trường hợp nguồn tin nói chưa chính xác, vậy phóng viên nên xử lý như thế nào?

Đầu tiên, ngay tại cuộc họp báo, sau khi có phát biểu này, phóng viên phải hỏi tiếp, ông Đàn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tức là nơi giúp việc cho Quốc hội sao cho mọi hoạt động của Quốc hội diễn ra trôi chảy, ông Đàn cũng chỉ là một đại biểu Quốc hội, làm sao ông có thể nói thay cho tất cả các đại biểu khác được. Quốc hội chưa họp, làm sao ông Đàn có thể khẳng định một điều chưa diễn ra?

Nếu không có điều kiện hỏi lại cho rõ, khi viết tin, phóng viên phải ghi rõ bối cảnh câu phát biểu, khi rút thành tít phải làm sao cho người đọc biết ngay đây là ý kiến của ông Đàn chứ không phải của Quốc hội. Sau khi trích dẫn câu phát biểu đó, phóng viên nên bổ sung thông tin nền về chức danh của ông Đàn, một câu về nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội và trường hợp tốt nhất là nên phỏng vấn một hai đại biểu để xem họ nghĩ gì về việc này. Nếu họ bày tỏ sự đồng ý với ông Đàn, phóng viên cũng phải ghi ra nhưng hỏi thêm ý kiến của họ đã được tập hợp lại như thế nào cho ông Đàn hay chưa ai hỏi ý kiến họ một cách chính thức. Xử lý tin này không khéo, các đại biểu lại trách báo chí viết sai, viết bậy thì oan cho phóng viên lắm.

Và đây là bài viết cũ:

Chuyện thực tế: Phóng viên trích lời một doanh nghiệp cho rằng cần phải học kinh nghiệm của những công ty như Yahoo! và viết: “Yahoo!, nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu thế giới, có doanh số hàng năm gần 80 tỷ USD.” Biên tập viên nói câu này sai vì Yahoo! không phải làm dịch vụ Internet, và giá trị cổ phiếu của công ty này vào khoảng 30-35 tỷ USD chứ không phải là doanh số. Phóng viên thắc mắc, nhưng đây là phát biểu của doanh nghiệp và đoan chắc mình ghi đúng.

Vấn đề: Nếu phóng viên biết nguồn tin của mình đang nói sai, phải xử lý những thông tin sai như thế nào trong bản tin của mình. Phóng viên có quyền sửa sai cho lời trích hay không?

Để dễ theo dõi, chúng ta có thể chia phát ngôn của nguồn tin ra thành hai dạng – cung cấp sự kiện thuần tuý và phát biểu ý kiến riêng.

Trong trường hợp nguồn tin cung cấp sự kiện, phóng viên phải luôn luôn kiểm chứng, đối chiếu để tin chắc sự kiện nêu ra là chính xác. Nếu nguồn tin nói sai, phóng viên phải biết hoặc chỉnh sửa cho nguồn tin, hoặc không đưa thông tin sai vào bài viết hoặc đưa vào nhưng thêm những thông tin đúng từ những nguồn tin chính xác hơn.

Doanh nghiệp nào cũng thích mình là người đầu tiên làm ra sản phẩm này, cung ứng dịch vụ nọ dường như vì họ cũng biết biên tập viên thích từ đầu tiên. Cần cảnh giác trước từ này. Chỉ dùng khi đã kiểm chứng và tin chắc nó chính xác. Cũng cần cảnh giác trước các thông số thị phần mà doanh nghiệp thường nêu là sản phẩm của họ đang chiếm giữ. Người phóng viên nếu chuyên trách sâu lãnh vực mình theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra những lời nói phóng đại.

Nhận thông báo báo chí của một công ty vừa nhận chứng nhận ISO 9000, phóng viên biết mười mươi là công ty này sai khi cho rằng họ là doanh nghiệp đầu tiên trong lãnh vực ngân hàng nhận giấy chứng nhận này. Đừng vì sự hấp dẫn của tin, đừng để tin có khả năng chọn đăng làm bạn cố tình đưa chi tiết sai này vào tin.

Trường hợp nguồn tin cung cấp sự kiện sai không có chủ ý như chuyện Yahoo! nói trên, phóng viên nếu có điều kiện kiểm chứng thì phải mạnh dạn chỉnh sửa cho nguồn tin để ý nghĩa phát biểu của họ không thay đổi mà mang tính thuyết phục cao hơn. Trong trường hợp này, doanh nhân nêu chuyện Yahoo! chỉ để nhắc nhở Việt Nam nêu chú ý đến kỹ thuật kinh doanh dựa vào Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu không có điều kiện kiểm chứng tìm ra số đúng, phóng viên vẫn có thể thay đổi cách tường thuận để tránh nói chuyện Yahoo! nhưng vẫn nêu được ý trên.

Tương tự, khi chúng ta đi phỏng vấn người dân địa phương, một lão nông ít học, đừng cố ý chứng tỏ mình biết ghi nhận thực tế phong phú bằng cách trích những câu phát biểu ngô nghê, sai ngữ pháp, đầy từ địa phương vào tin. Làm vậy, người đọc sẽ bị phân tâm và chủ đích tin sẽ bị sai lạc. Dĩ nhiên nếu bạn đang viết một phóng sự mà phương ngữ là chủ đề chính thì đó là chuyện khác.

Ngay cả khi nói chuyện với các quan chức, các nghệ sĩ hay những nhân vật nổi tiếng khác, phóng viên cũng không nên ghi lại nguyên văn những tiếng ề à, những câu thiếu chủ ngữ, những chỗ “buộc miệng” mà nói của nguồn tin. Nghệ thuật ghi lại cuộc phỏng vấn là làm sao khi nguồn tin đọc bài trên báo có thể gật gù nói,” Đây không hẳn là những gì tôi nói nhưng chính là điều tôi muốn nói.”

Việc trích nguồn tin nói sai Tam Kỳ thuộc Đà Nẵng chỉ có ý nghĩa khi phóng viên đang viết bài phê phán sự kém hiểu biết của học sinh, của một quan chức không sát thực tế hay của một chương trình đố vui ra đề sai, chẳng hạn. Ngoài ra không có lý gì người phóng viên, dù biết sai, vẫn ghi chép và trích dẫn với biện minh,” Đấy là ông ta nói, chứ đâu phải tôi.”

Trường hợp thứ hai, khi nguồn tin phát biểu ý kiến riêng thì sự việc có hơi phức tạp hơn một chút.

Tòa soạn bạn và chính bạn đang cổ súy cho dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư Nước ngoài theo hướng thông thoáng hơn, gần với thông lệ quốc tế hơn để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những điều sửa đổi đang được thảo luận là nên hay không nên bỏ nguyên tắt nhất trí 100% trong một số quyết định quan trọng của Hội đồng Quản trị liên doanh. Bạn cho rằng cần bỏ nguyên tắc này và thay vào đó là nguyên tắc biểu quyết theo đa số phiếu.

Thế nhưng bạn được phân công dự một buổi góp ý cho dự thảo luật mà người tham gia là phía Việt Nam trong các liên doanh. Dĩ nhiên những ông bà Phó Tổng giám đốc này cương quyết đề nghị không bỏ nguyên tắc này vì nó là vật hộ mệnh cuối cùng bảo vệ cho chỗ làm của họ. Là Phó Tổng giám đốc và là thành viên Hội đồng Quản trị, dù năng lực có yếu kém đến đâu cũng không sợ bị bãi miễn vì cách chức Tổng, Phó Tổng giám đốc là quyết định cần có sự nhất trí 100%. Có ai tự bỏ phiếu, sa thải chính mình.

Bạn về báo lại toà soạn, chắc là không viết tin này được vì mọi ý kiến đều ngược với những gì bạn tin là đúng.

Không đưa tin, chính là bạn đang vi phạm quy chế nghề nghiệp, đang cố tình che dấu thông tin, dù bạn có đánh giá tin có tác dụng không tốt. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn vẫn tường thuật đầy đủ nhưng thêm những câu nền để người đọc hiểu được hậu ý đằng sau những phát biểu tại buổi thảo luận. Tốt hơn nữa bạn trích tóm tắt những cuộc thảo luận tương tự trước đó, khi ý kiến bỏ nguyên tắc nhất trí được ủng hộ và giải thích vì sao. Hoặc tại sao bạn không phỏng vấn những người chủ trì phiên thảo luận để có ý kiến của ban soạn thảo vì sao họ đưa vào dự thảo việc bỏ nguyên tắc nhất trí, vì sao không phỏng vấn người phát biểu, dùng suy nghĩ của bạn để chất vấn. Nếu họ giải thích hợp lý cũng phải phản ánh trung thực trên mặt báo; nếu họ giải thích với những sơ hở chứng tỏ họ chỉ muốn bảo vệ cho quyền lợi chính họ chứ không phải là quyền lợi của phía Việt Nam thì đây chính là trường hợp bạn cố tình đưa những phát biểu sai cho bạn đọc thấy.

Nói chung nhiệm vụ phóng viên là phản ánh đúng những gì nguồn tin nói dù bạn không thích lập luận “trái tai” của nguồn tin. Và cũng đừng nhảy xổm vào tin, phán xét như thể bạn là người có đầy đủ thẩm quyền để phán xét. Hãy chừa công việc đó cho nguồn tin có thẩm quyền khác hay những sự thật khác để người đọc có được bức tranh toàn diện về một vấn đề.

Saturday, May 16, 2009

Mot tin doc dao

Một tin độc đáo

Tin “Lắp tivi để bù internet” được đăng tải trên Vietnamnet vào ngày 12-5 là một tin độc đáo xét ở nhiều phương diện. Trước hết xin phép trích tin ở dưới đây để mọi người cùng đọc:

Lắp tivi để bù internet

10:53' 12/05/2009 (GMT+7) 

- Trên bàn làm việc của ông Trần Công Thanh, Trưởng ban Quản lý KTX ĐH Sư phạm Hà Nội hiện vẫn có rất nhiều đơn từ của SV liên quan đến việc nối mạng đến từng phòng. E ngại khó quản, trường "bù lại" bằng cách trang bị tivi cho cập nhật tin tức hằng ngày. 

“Cách đây khoảng một năm, nhu cầu nối mạng Internet của SV KTX ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu rộ lên”, ông Thanh cho biết.

"Nối mạng Internet là cả một vấn đề lớn, vì nội dung của Internet rất nhạy cảm, môi trường ở đó phức tạp, dễ lôi kéo SV của trường tham gia vào những vụ việc không hay”, ông Thanh bày tỏ.

Việc lắp tivi có những hạn chế nhất định so với mạng Internet: Phụ thuộc giờ phát sóng, tất cả mọi người xem cùng một kênh không phải lúc nào cũng có chung sở thích, khả năng tìm kiếm không có, v.v…

Ông Thanh cho rằng, "lắp đặt cái gì cũng có cái khó và cái dễ. Cái chúng tôi băn khoăn nhất là quản lý. Lắp tivi, rõ ràng khâu quản lý đơn giản hơn hẳn. Các em cứ vô tư, thích xem gì tivi chiếu thì xem vì nội dung được phát sóng đã qua kiểm duyệt. Chúng tôi xác định: Đáp ứng được nhu cầu SV đến một mức nào đó trong khả năng cho phép của nhà trường”.

Ông Thanh khẳng định: “Việc lắp tivi để bù không nối Internet là giải pháp trước mắt. Nhà trường vẫn xem xét, học hỏi các nơi đã nối mạng để tìm cách quản lý được rồi mới tính tiếp”.

 

Có lẽ đọc xong mọi người đã thấy những điểm độc đáo của bản tin. Chỉ xin góp thêm những góc nhìn riêng (cố gắng học theo theo cách viết “thả lỏng”, “tưng tửng” cũng rất độc đáo của bản tin) như sau:

- Phóng viên đã may mắn gặp một nguồn tin rất thật thà, nói thẳng nói thật suy nghĩ của mình. Chuyện này là rất hiếm.

- Cân nhắc của Ban quản lý Ký túc xá rõ ràng là không ngại chuyện tiền bạc. Ai bảo các ký túc xá nghèo.

- Chương trình học của sinh viên ở trường này chủ yếu là theo dõi tin tức thời sự. Và ti vi đã bù được Internet trong khía cạnh này.

Bỏ chuyện châm biếm qua một bên, thiệt tình, cái độc đáo nhất của bản tin là nó hé mở cho thấy lý do vì sao chất lượng giáo dục ở nước ta lại tệ hại đến thế. Và đây là lý do chính yếu chứ không phải như những gì chúng ta thường nghe các nhà giáo dục bình luận bấy lâu nay.

 

Trung Quoc va dong do-la My

Trung Quốc và đồng đô-la Mỹ

Mặc dù dạo gần đây Trung Quốc tỏ ý không hài lòng về vai trò của đồng đô-la trong ngoại thương và trong dự trữ quốc gia, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang mắc kẹt vì khoảng dự trữ bằng đô-la khổng lồ mà mọi động thái chuyển đổi vội vàng sẽ gây thiệt hại cho nước này trước hết. Vì thế họ đang sử dụng các biện pháp dài hạn, rất đáng lưu ý.

Tính chung, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hiện đang nắm giữ tổng cộng gần 10.000 tỷ đô-la dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là các tài sản tính bằng đô-la. Họ không khỏi lo ngại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ hiện đang theo đuổi chính sách mở rộng cung tiền nhằm hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng đang nguy cấp. Việc tung những lượng tiền khổng lồ như thế vào lưu thông trước sau gì cũng gây lạm phát, thậm chí lạm phát phi mã. Đồng đô-la mất giá bao nhiêu phần trăm thì tài sản dự trữ của họ bốc hơi bấy nhiêu phần trăm.

Một bài bình luận trên tờ Financial Times cho rằng lẽ ra một nước nợ nhiều như Mỹ có thể phải áp dụng các biện pháp giảm nợ như bán bớt tài sản nhưng Mỹ không chọn con đường đó – họ cứ thoải mái in tiền vay tài sản của thế giới về để chống đỡ khủng hoảng. Cách làm này về ngắn hạn có lợi cho Mỹ nhưng chẳng mấy chốc sẽ có tác động rất lớn lên uy tín đồng đô-la. Khi Mỹ in thêm tiền, tạo áp lực giảm giá đồng đô-la, ngân hàng trung ương các nước cũng phải làm theo để đồng tiền của họ khỏi lên giá, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa. Kết quả là lạm phát trong bối cảnh lãi suất gần bằng không. Như vậy, những người dành dụm bấy lâu chịu thiệt hại thay cho những kẻ đi vay bị  phá sản. Chẳng lạ gì các chính khách Trung Quốc lần lượt lên tiếng cho rằng đã đến lúc phải xây dựng một đồng tiền khác làm đồng tiền dự trữ quốc tế thay cho đô-la Mỹ.

Sau khi Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng nên sử dụng đơn vị tiền tệ của IMF (SDR) thay cho đô-la, nước này đã cam kết đóng góp 40 tỷ đô-la vào quỹ chung của IMF, dưới dạng mua trái phiếu định giá bằng SDR. Ngoài ra, từ nửa cuối năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước trên khắp thế giới, tổng trị giá lên đến 120 tỷ đô-la, với hàm ý đồng tiền thanh toán ngoại thương sẽ là nhân dân tệ chứ không phải đô-la Mỹ nữa. Hiện nay việc thương thảo như thế đang được tiến hành với các nước ASEAN.

Một hướng khác là thay vì dùng tiền kiếm được đổ vào mua trái phiếu chính phủ Mỹ như trước, hiện Trung Quốc đang săn lùng mua tài sản dựa vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, dẫn đầu là các tập đoàn khai khoáng và dầu mỏ. Trung Quốc cũng vừa ký một thỏa thuận với Nga trị giá 25 tỷ đô-la nhằm mua 15 triệu tấn dầu thô mỗi năm trong vòng 20 năm kể từ năm 2011. Đổi lại Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho các tập đoàn dầu khí Nga. Những hợp đồng tương tự cũng đã được ký hoặc sắp ký với nước khác như Brazil, Kazakhstan

Rõ ràng Trung Quốc không thể chuyển 2.000 tỷ đô-la tiền dự trữ (trong đó chiếm phần lớn nhất là tài sản tính bằng đô-la Mỹ) thành ngoại tệ khác hay vàng được. Nếu làm thế đồng đô-la Mỹ sẽ mất giá với tốc độ nhanh chóng và tài sản của Trung Quốc cũng mất theo. Chính vì thế, các chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc với những tin tức liên tục xuất hiện trên báo chí là bước đi của nước này nhằm thoát khỏi “hấp lực” của đồng đô-la về lâu về dài. Lúc đó chưa ai biết được vai trò của đồng đô-la Mỹ sẽ như thế nào. 

Thursday, May 14, 2009

Phong van GS Krugman

Đây là bản tiếng Anh bài phỏng vấn GS Paul Krugman. Mời các bạn đọc bản tiếng Việt trên TBKTSG Online hoặc tốt nhất là mua dùm TBKTSG bản in để đọc.

Sustain domestic demand: Krugman urges

Professor Paul Krugman, the winner of the Nobel Prize for economics in 2008 and a well-known columnist for the New York Times, will be visiting Vietnam for the first time to take part in a business conference organized by PACE Institute of Directors on May 21. He agreed to talk to the SGT Weekly exclusively via email exchange on this occasion.

The SGT Weekly: In "Obama's Nobel Headache," you told Newsweek: "What I have is a voice." What do you think is the role of a public intellectual?

Prof. Krugman: I think the main thing I can do is provide a bridge from more abstruse analysis to the intelligent public. You can't expect ordinary citizens to know about, say, the arguments for and against bank nationalization, or the analysis of the required size of fiscal stimulus. But I can do the math, then try to get it across in plain language.

Will that role be at the expense of the economist theorist both due to time constraint and the popularizing language?

- I don't think the language is a problem -- it's actually good for professional economists to translate their work into ordinary language, as a way to clarify their own thoughts and avoid fancy-sounding nonsense. The time constraint is real; but I don't do administration, I don't consult with corporations, and anyway academics in their 50s often do more interpretation than basic research. 

Professor Dani Rodrik once said, "Blame the economists, not economics." Since what is good for a section of the population might not be good for the rest, how can you be certain that what you are writing is the best course for the economy?

- I do my best. Let me say that a recession hurts almost everyone, so that there aren't any real distribution issues. And when I recommend policies with strong distributional implications, I try to say that. 

Vietnam has been an avid learner of the free market principles. But the current global crisis proves that many of them to be not so effective in the long run. What do you think are the options for Vietnam to escape the exposure of the export-led model?

- I still strongly favor the export-led model -- it's the only strategy that has led to rapid development. What hasn't worked well is close integration with world capital markets; I think countries want to be very cautious about liberalizing the capital account. Even so, countries with strong export orientation are exposed to global shocks, but I don't think there's anything to be done about that.

Vietnam is a small economy which means there is limited room for maneuver. But you can certainly mitigate the slump by acting to sustain domestic demand. You can keep an eye on your own financial system to make sure that it doesn’t have the problems that have affected so many others.  Vietnam has the virtue of not being caught in the extreme financial crunch. But this is really a situation which small, export-dependant economies don’t have a whole lot of independent room. They can do some things, but to a large extent they really have to rely on the world — larger economies getting their act together to engineer a world recovery.

But I would say that when we emerge from this, it’s not going to be the same world that we had on the eve of the crisis. At the beginning of the crisis, we had a world where there were a few countries that were consuming a lot more than they produce, the United States chief among them, and a number of other countries that were very much export-oriented without very much focus on their own domestic markets. The world that is going to emerge at the end of this is going to be more balanced. The combination of large deficits and large surpluses will not be as dramatic as it was just two years ago, which means that I believe the domestic markets will grow in the exporting countries. There will be more opportunities at home and while obviously exporting will continue.

People might say globalization is inevitable. But don't you think people, especially the poorer people, should have their own choice?

- I've never believed that it's inevitable; and it certainly shouldn't be imposed. But the world's poor are the big beneficiaries of globalization, at least on the trade side. Global poverty wasn't invented by the modern world, and in fact trade is one of the main mitigating factors.

The global crisis might be sending out the wrong lessons for policy-makers as they don't see the reform of the state-owned sector, the establishment of an independent state bank, the separation of fiscal and monetary policies as having urgency as before. What lessons do you think developing countries should take to heart?

- I actually don't see much of that happening. If your idea is that we should have 19th-century policies, the crisis response will dismay you; but the basic ideas of central bank independence and public-sector reform aren't really under threat.

What is the role of China in terms of regional trade and investment?

China is big -- what can you say? Asia has become in effect an integrated production area, with China and Japan as its two main centers.

Could Vietnam offer the ideal investment destination for the "China+1 investor," given the huge economies of scale of China?

- Vietnam does offer somewhat lower wages plus proximity. Vietnam, as much of Asia was organized into a kind of integrated manufacturing platform selling goods to the United States and Europe, so I think it’s important in understanding the internal development. In China, really, what I know is that the new economic geography plays a crucial role in understanding what’s been happening in China because although their exports to the United States are largely based upon traditional comparative advantage, there’s a high degree of localization of production within China, with specific regions emerging as exporters of particular goods.

And finally, what do you think the world economy will be like after the current crisis is over?

I think it will be a lower-key affair, less capital movement, less speculation, more regulation of financial markets; but otherwise not that much changed. China will eventually overtake Japan, but that will probably be a long time from now. Japan will still be a major economy, in terms of current economics, we will still be a two-and-a-half-power world with Japan being the half. What will happen, I think, is the few things that have happened. One is the United States will be less preachy, it will be less willing to go and tell the world how to do things because the United States hasn’t done so well itself.

On the other hand, Europe, as a potential rival for the United States, in some ways has fallen short. There was a lot of discussion that the Euro might challenge the dollar as the world’s leading currency. That challenge has been stepped back, I think, by European disunity during this crisis. The Euro does not look as good a bet as it did before the crisis broke out. So I think we’re looking at a world that will be somewhat re-arranged but not in any very clear way. The United States will not be demoted. It will still be the world’s leading power. Europe will actually be, if anything, a bit weaker than it was. China is not yet ready to really be part of the inner circle of economies. So, I think, in terms of all that, it’s not going to change as much as many people imagine.

By Nguyen Van Phu


Wednesday, May 13, 2009

Su yeu kem cua bo may

Sự yếu kém của bộ máy

* Có lẽ mọi người còn nhớ trong khoảng hai tuần khi dư luận lên tiếng phản đối chủ trương cổ phần hóa các trường đại học công lập (trừ một hai ý kiến ủng hộ), Bộ Tài chính, nơi đưa dự thảo về chủ trương này ra lấy ý kiến người dân, đã hoàn toàn im lặng. Không hề có một lời giải thích cụ thể chủ trương này là như thế nào.

Lẽ ra, bộ phận soạn thảo “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” của Bộ Tài chính hoàn toàn có thể tổ chức họp báo, giải thích “đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là gì, tại sao cần cổ phần hóa chúng.

Hiện nay có cả trăm ngàn “đơn vị sự nghiệp công lập”. Việc chuyển giao cho tư nhân một số loại hình thuộc dạng này như các đoàn ca nhạc nhẹ, nhà hát cải lương, ban quản lý bến xe, bến cảng… là việc trước sau gì cũng phải làm.

Thật đáng tiếc, Bộ Tài chính đưa ra một dự thảo như thế mà thiếu vắng sự chuẩn bị nên dư luận trong hai tuần vừa qua chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất: cổ phần hóa các trường đại học với những ý kiến phê phán rất xác đáng. Nói thiếu chuẩn bị vì trên website của bộ, ngoài bản dự thảo không thấy bất kỳ văn bản nào thuyết minh, giải thích cho người muốn góp ý.

Và bây giờ theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính được lệnh ngưng soạn thảo Quy chế, ngưng việc nghiên cứu cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp có thu. Và vì thế, nếu mọi người chú ý sẽ thấy báo chí không còn đề cập đến vấn đề này nữa!

Trong một entry trước, tôi dự đoán, người ta sẽ nói Quy chế này là nhắm đến các đối tượng các đoàn nghệ thuật, ca nhạc, xiếc… và cầu mong họ sẽ nói Quy chế chỉ nhắm tới lãnh vực đào tạo, chứ không phải là giáo dục, tức là chỉ sẽ chuyển đổi những trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo công nghệ thông tin… đang trực thuộc các bộ khác hay trực thuộc các sở ở địa phương chứ không phải các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng sự yếu kém của bộ máy đã thể hiện theo cách khác: Chấm dứt hết thảy - tất cả trôi vào im lặng và quên lãng.

* Một sự yếu kém khác của bộ máy hành chính – lần này thì nghiêm trọng hơn – lại thể hiện ở một dạng khác: Để mất chủ quyền ở một trang web có đuôi gov.vn. Theo một đường link từ Viet-studies, tôi mới biết có tồn tại trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” có địa chỉ tại www.vietnamchina.gov.vn. Đúng như người viết blog nhận xét, đây là trang web có đuôi là gov.vn, theo thông tin của Trung tâm Internet Việt Nam thì trang web này của Bộ Thương mại (cũ) đăng ký tên miền. Nội dung ở trang chủ cũng ghi cơ quan chủ quản là: Bộ Thương mại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…

Thế nhưng đi vào phần thời sự, người ta có thể đọc những tin hoàn toàn trái ngược với chính sách của Việt Nam hiện hành như tin Trung Quốc phản đối việc Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Xin trích một câu trong tin này: “Bà Khương Du nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Đây là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Nên nhớ báo chí trong nước nếu đăng hình bản đồ Việt Nam, dù là hình nhỏ như con tem, mà thiếu hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bị nhắc nhở ngay tức khắc thì sự tồn tại những mẩu tin như thế (và nhiều bản tin động trời khác) trên một trang web được xem là của một bộ của Việt Nam là chuyện không thể chấp nhận được.

Nếu có ai đó mạo danh Bộ Thương mại (cũ) để đăng ký tên miền này thì Bộ Công thương phải lên tiếng và yêu cầu Trung tâm Điện toán truyền số liệu khu vực 1 hủy bỏ nó ngay đi chứ. Còn nếu giả thử có một sự hợp tác nào đó và thiếu sự giám sát, cứ giao khoán toàn bộ cho người ta thì nay phải chấn chỉnh lại đi chứ.

Cập nhật: Đây là trang web chính thức! Báo Lao Động ngày 15/11/2006 đưa tin:

“Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) ngày 14.11 cho biết, Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến xây dựng một website chung về hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Trước đó, ngày 11.11, Thứ trưởng Bộ Thương mại VN Phan Thế Ruệ và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Kiện thay mặt hai bộ đã ký bản thoả thuận xây dựng Website hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung. Ngày 16.11, website sẽ chính thức được khai trương nhân chuyến thăm chính thức VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào”.

Xem thêm ảnh khai trương website trên VnExpress tại đây.

Vậy thì xin miễn bình luận.

  

Tuesday, May 12, 2009

Tri thuc cong?

Trí thức công?

Tôi vừa phỏng vấn GS Paul Krugman và đang dịch bài phỏng vấn từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Mới thấy có nhiều từ tiếng Anh có hàm ý khác hẳn tiếng Việt. Ví dụ từ “public intellectual” – tiếng Anh dùng với nghĩa một trí thức thường xuyên tham gia ý kiến vào những vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm. Trong khi đó, nếu dịch thành “trí thức công” trong tiếng Việt thì có nguy cơ bị hiểu nhầm thành những trí thức đang làm việc trong khu vực nhà nước. Mà thật ra tiếng Việt chưa thấy dùng cụm từ này.

Loại từ này có khá nhiều, chắc lúc nào rảnh phải thu gom chúng vào một bài để mọi người cùng thảo luận và cùng tìm cách dùng thỏa đáng nhất. Chẳng hạn, từ “individualism” khi dùng ở tiếng Anh nó không mang hàm ý gì xấu, thậm chí còn có hàm ý tích cực theo nghĩa độc lập, tự chủ. Thế nhưng cụm từ “chủ nghĩa cá nhân” trong tiếng Việt thì hoàn toàn ngược lại: hàm ý xấu thấy rất rõ. “Bureaucracy” cũng là một từ như vậy.

Cũng chính vì vậy mà cụm từ “xã hội hóa” khi dịch sang tiếng Anh, người không rành sẽ dùng từ “socialize, socialization” và tạo ra hiệu ứng hiểu hoàn toàn ngược với cách hiểu của người Việt. Ở Việt Nam, xã hội hóa đang được hiểu là mở rộng cho tư nhân và người dân tham gia các khu vực trước đây do nhà nước đảm trách (còn chuyện mấy quan chức cố tình hiểu theo nghĩa thu tiền là chuyện khác!). Nhưng socialize trong tiếng Anh, nghĩa đầu tiên là quá trình hội nhập vào văn hóa xã hội của một cá nhân; và nghĩa thứ hai là chuyển thành sở hữu của nhà nước hay của tổ chức! Ví dụ khi người ta chủ xướng “the socialization of medical services” tức là buộc nhà nước phải lo các dịch vụ y tế. Nên chú ý khi dùng vì ngược hẳn với tiếng Việt. 

Monday, May 11, 2009

Giai thuong kien truc la cua ai?

Giải thưởng kiến trúc là của ai?

Nói trước: Với mục đích góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí, nếu thấy tin bài nào có những chi tiết chưa chính xác, tôi sẽ cố gắng bình luận mang tính xây dựng trong phạm vi hiểu biết của mình chứ không có ý gì khác.

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9-5-2009 có tin “KTS Võ Trọng Nghĩa đoạt Giải thưởng kiến trúc Holcim thế giới”. Tin mở đầu bằng câu: “Vượt qua 5.000 đồ án thiết kế của 5.000 kiến trúc sư và nhóm kiến trúc sư khắp thế giới, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa (33 tuổi) của VN cùng các đồng sự  vừa đoạt giải bạc với phần thưởng 200.000 USD (chỉ có 1 giải vàng và 1 giải bạc) trong cuộc thi kiến trúc mang tên Holcim do Tập đoàn Holcim (Thụy Sĩ) tổ chức bằng phương án thiết kế và quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM”.

Đưa tin như thế là không chính xác và không sòng phẳng, bởi chỉ cần vào website của ban tổ chức cuộc thi này sẽ thấy thông báo (bằng tiếng Việt): “Huy chương bạc giải thế giới Global Holcim Awards Silver với trị giá là 200,000 US Đô La đã được trao tặng cho chương trình xây dựng một khu đại học mới của trường đại học kiến trúc thuộc thành phố Hồ-Chí-Minh, dự án đã được sáng tạo bởi kiến trúc sư Kazuhiro Kojima (Nhật Bản). Thêm vào đó còn có thêm những sự đóng góp khác của Daisuke Sanuki (Nhật Bản) và Võ Trọng Nghĩa (Việt Nam)”.  

Viết kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng các cộng sự có nghĩa ông Võ Trọng Nghĩa là tác giả chính; còn theo như thông báo của ban tổ chức thì tác giả chính là ông Kazuhiro Kojima, ông Nghĩa và ông Daisuke Sanuki mới là cộng sự (bản tiếng Anh ghi là contributors).

 

Saturday, May 9, 2009

Don vi su nghiep cong lap co thu?

“Đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là cái chi chi?

Khi Bộ Tài chính công bố “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần”, mọi người hầu như chỉ chú ý đến một đối tượng “sự nghiệp công lập có thu” là các trường đại học và tranh luận chung quanh việc cổ phần hóa các trường đại học, chủ yếu là các ý kiến phản đối.

Trong khi đó Quy chế này dự định cổ phần hóa các “đơn vị sự nghiệp công lập có thu” ở ba lãnh vực: đào tạo, văn hóa thể thao, sự nghiệp kinh tế và loại trừ các lãnh vực: an ninh, quốc phòng, các bệnh viện công, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình.

Nhiều người hỏi “đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là những đơn vị gì?

Xin nêu vài ví dụ: Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện…

Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…

Cho nên tôi dự đoán (mà lẽ ra Bộ Tài chính phải họp báo nói rõ khi công bố dự thảo Quy chế), người ta sẽ nói Quy chế này là nhắm đến các đối tượng nói trên chứ không phải các trường đại học. Chuyện cổ phần hóa các đoàn nghệ thuật, ca nhạc, xiếc… chắc không ai phản đối! Thậm chí, [cầu mong như vậy] họ sẽ nói Quy chế sẽ chỉ nhắm tới lãnh vực đào tạo, chứ không phải là giáo dục, tức là chỉ sẽ chuyển đổi những trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo công nghệ thông tin… đang trực thuộc các bộ khác hay trực thuộc các sở ở địa phương chứ không phải các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và mọi chuyện kết thúc!

Cập nhật: Sự việc đúng là đã kết thúc. Theo thông tin mới nhất, dự thảo Quy chế bị xếp lại, không còn chuyện cổ phần hóa các trường đại học nữa.


Thursday, May 7, 2009

Dai hoc Google

Đại học Google?

Sáng nay (7-5), báo Tuổi Trẻ đăng bài “Hiệu trưởng ĐH Google: tương lai sẽ thật thú vị”. Đây là tin hấp dẫn vì cho đến nay tôi chưa nghe ai nói về một trường đại học mang tên Google. Nội dung bài, dịch từ báo Guardian, giới thiệu suy nghĩ của Ray Kurzweil về tương lai và trong tin cho biết ông này “hiện đang làm hiệu trưởng ĐH của Google”.

Đáng tiếc sự thật không phải như vậy. Trường mà ông Kurzweil sẽ làm hiệu trưởng (đến tháng 7-2009 mới khai giảng) mang tên Singularity University; Google chỉ là một trong những nơi hỗ trợ tài chính, đến nay đã đóng góp cho trường trên 1 triệu đô-la. Mà đây không phải là trường đại học đúng nghĩa dù tên có chữ University vì chỉ mở những khóa dài chín tuần (học phí cho chín tuần này là 25.000 đô-la!). Lỗi này là do tờ Guardian viết phần mở bài cho hấp dẫn và người dịch làm theo, bất kể ở dưới tờ Guardian đã nói lại cho chính xác.

Trong bài này người viết cũng mắc một lỗi khá phổ biến là ghi tên người lộn xộn khi thì Ray khi thì Kurzweil. Có lẽ phóng viên khi viết tin đều biết nguyên tắc sơ đẳng là lần đầu tiên giới thiệu một nhân vật thì ghi đầy đủ họ tên (ví dụ David Johnson) và sau đó dùng họ (Johnson). Khổ nỗi khi dự họp báo hay hội nghị, cứ nghe người ta gọi nhau bằng tên nên quên và cứ viết vào tin David nói thế này, David phát biểu thế kia.

Nhưng có lẽ thiếu sót lớn nhất của bài này là không nắm được ý chính của bài báo trên tờ Guardian nên bỏ qua phần đối chọi giữa những nghiêu cứu và phát minh nổi tiếng của Kurzweil và con người lập dị cùng những ý tưởng khá điên rồ của ông này. Mỗi ngày ông uống chừng 150 viên bổ sung vitamin để giữ sức khỏe chờ khoảng 15 năm nữa sẽ có những con robot tí hon bơm vào cơ thể để “tái lập trình” con người sinh học của ông nhằm trường sinh bất lão!

 

Wednesday, May 6, 2009

Tuoi tre, bao chi va cong luan

Nói thêm: Bài này tôi viết vào năm 2000 và đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật thì phải. Nay đi tìm tài liệu về chuyện liệu Internet có đem lại sự độc lập trong suy nghĩ không, tình cờ đọc lại và thấy dường như Internet không làm được gì nhiều trong chuyện này. Internet có xu hướng đẩy những người có cùng suy nghĩ, có cùng quan điểm, có cùng định kiến lại với nhau thành những cụm “dân cư ảo”, ở đấy những dạng “stereotying” lại tràn ngập. Những ví dụ minh họa trong bài có lẽ không còn phù hợp nữa bởi chúng là chuyện thời sự của năm… 2000.  

Tuổi trẻ, báo chí và công luận

Vừa rồi tôi có dịp ngồi nghe các bạn thanh niên thay nhau lên thuyết trình về nhiều vấn đề của thế kỷ mới. Đây là một cuộc thi hùng biện bằng ngoại ngữ do Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM tổ chức. Tiếng Anh của các bạn thật tuyệt và khả năng nói chuyện trước công chúng của nhiều bạn thật xuất sắc.

Điều đáng ngạc nhiên là có khá nhiều bạn, cả học sinh phổ thông và sinh viên đại học đã áp dụng một lối suy nghĩ giản đơn, một lối suy nghĩ rập khuôn theo kiểu có sẵn lời giải cho mọi vấn đề của xã hội. Ví dụ, nói đến hôn nhân giữa các cô gái Việt Nam và người Đài Loan, các bạn nghĩ ngay đến những chuyện như chồng già, bệnh tật, què cụt, như mọi hôn nhân đều tan vỡ sau một thời gian ngắn. Nhiều bạn đã định sẵn những cặp tiền đề để từ đó đưa ra những nhận định mới – như năng lực người thầy hiện nay được đánh giá theo tỷ lệ học sinh lên lớp, theo điểm số của học sinh, như công ty quốc doanh đồng nghĩa với yếu kém, như chuyện các công ty nước ngoài trong liên doanh cố ý thua lỗ để xin chuyển thành 100% vốn của họ.

Nói đến IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), các bạn nói về sự áp đặt chính sách kinh tế lên nước đi vay; nói về WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), các bạn nhắc đến các cuộc biểu tình tại Seattle và sự lợi dụng của nước lớn đối với nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Lối suy nghĩ này cũng còn thấy rất rõ với các bạn thanh niên là khán giả lên đặt câu hỏi cho người thuyết trình.

Phần lớn những điều nói trên có thể là đúng, phần lớn suy nghĩ này có thể rất hợp thời và giúp các bạn khỏi nhọc công suy nghĩ mà vẫn tỏ ra thạo việc đời. Qua tìm hiểu, các bạn cho biết báo chí đã có tác động lớn nhất hình thành nên những cặp suy nghĩ rập khuôn như vậy. Vì chúng đa phần là đúng nên các bạn ít khi bận tâm xem lại vấn đề, thử coi vì sao lại như vậy, có phải chúng đúng trong mọi trường hợp không. Và điều nguy hiểm ở đây là mọi suy nghĩ và ứng xử của các bạn trong cuộc sống rất dễ dựa vào những khuôn mẫu định hình này để giúp các bạn, dù còn rất trẻ, đã trở thành bảo thủ trong suy nghĩ, đầy định kiến và sẵn sàng bị cuốn theo suy nghĩ chung.

Cũng khó lòng trách báo chí. Tin về các trường học tại Mỹ có gì đáng đưa trừ phi xảy ra thêm một vụ học sinh xả súng bắn giết bạn mình ngay trên sân trường. Và cứ thế, báo chí đã giúp định hình một lằn suy nghĩ, nói đến Mỹ và vấn đề học đường, các bạn sẽ dễ liên tưởng đến bạo lực và súng đạn.

Viết về cái mới lúc nào cũng khó hơn viết theo khuôn mẫu. Chứng minh hay mở rộng lòng mình để nghe và trích những lời chứng minh rằng 75% các cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam và Đài Loan là thành công rất khó, khó nhiều lần hơn đưa thêm một tin về một cô gái bị ép duyên lấy ông già Đài Loan lụ khụ.

Viết về những mặt tốt của một giám đốc không những đòi hỏi người phóng viên phải có lòng dũng cảm để đi ngược lại suy nghĩ rập khuôn – giám đốc là bê bối, là có vấn đề mà còn để vượt thắng cái mặc cảm cho rằng người ta sẽ nghĩ mình có gì đó với ông giám đốc này, rằng mình đang viết thuê cho ai đấy.

Tuổi trẻ phải khác với những định kiến đầy rẫy trong xã hội. Tuổi trẻ phải biết chấp nhận cái mới, không dị ứng với cái khác thường và phải biết bình tĩnh trước những khác biệt trong suy  nghĩ. Con đường ăn theo suy nghĩ rất dễ, con đường tự mình chiêm nghiệm những vấn đề xã hội để tự mình rút ra những kết luận cho riêng mình mới khó. Nhưng chính quá trình này đã giúp xã hội không rơi vào chỗ tù đọng, giúp Copernicus đưa ra lý thuyết trái đất quay quanh mặt trời và ngày nay là khả năng đưa con người lên Sao Hỏa một ngày không xa.

Báo Tuổi Trẻ cũng vậy. Tạo ra những luồng suy nghĩ giả thử như : nhà giáo – nhà  nghèo; giám đốc – lừa đảo thì rất dễ và báo Tuổi Trẻ đã không ít lần rơi vào con đường dễ dãi này. Ngược lại viết những bài, cung cấp thông tin cho giới trẻ một cách đầy đủ để tự bản thân họ rút ra những kết luận cho chính họ mới khó. Dân chủ chính là tập cho người dân biết suy nghĩ phân biệt đúng sai không phải chỉ từ những kết luận có sẵn mà là từ những dữ kiện của cuộc sống với muôn ngàn biến thể của nó.

Toàn cầu hóa là tốt cho nền kinh tế? Toàn cầu hóa là có hại cho nền sản xuất còn non yếu của đất nước? Không ai dám đánh giá các bạn về suy nghĩ của mình nếu nó là suy nghĩ do các bạn tự rút ra dựa trên những sự kiện có thật, là sự chiêm nghiệm những kết luận của người đi trước với mọi sự hoài nghi lành mạnh mà tuổi trẻ cần phải có. Ngược lại, nếu đó chỉ là sự bắt chước rập khuôn như một dạng theo mốt thời trang thì tốt nhất bạn hãy khoan vội kết luận gì mặc dù đã có 99 người trước bạn nói như vậy. Và cũng đừng vội vàng nghe theo lời người viết bài này mà đi ngược lại những gì bấy lâu nay bạn thường xếp thành cụm nhân quả. Nếu thế, đấy cũng chỉ là theo một mốt mới hơn mà thôi.

 

Monday, May 4, 2009

Lam phat hay giam phat

Một bên lo lạm phát, một bên lo giảm phát

Trên cùng số báo ra ngày 3/5/2009, tờ New York Times đăng hai bài của hai nhà kinh tế và điều lạ là một ông quan ngại nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng lạm phát còn ông kia tỏ ra lo lắng chuyện giảm phát trong tương lai.

Lập luận của Paul Krugman trong bài “Hội chứng lương giảm” như vầy: Lương đang giảm ở khắp nước Mỹ. Nếu lương giảm ở một doanh nghiệp, doanh nghiệp này có thể dựa vào đó để giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh, nhờ đó công nhân không bị mất việc. Nhưng một khi cả nền kinh tế đều giảm lương như nhau thì không ai được lợi, mà nền kinh tế sẽ bị thiệt hại vì lương giảm kéo theo chi tiêu giảm, nợ tăng, kỳ vọng xấu đi, dẫn đến giảm phát và đình đốn.

Ngược lại, trong bài “Đất nước lạm phát”, Allan Meltzer cho rằng hiện nay Mỹ đang đi lại con đường trong thập niên 1970s – nới lỏng tín dụng, mở rộng chi tiêu, in tiền để chống suy thoái, còn lạm phát tính sau. Vì thế ông e rằng những năm tháng tới lạm phát sẽ lù lù trước mặt. Bằng chứng ông đưa ra là mức lãi suất hiện nay gần bằng zero, FED mua vào trái phiếu và hợp đồng cầm cố, tung tiền vào lưu thông, FED không duy trì tính độc lập mà trở thành công cụ tiền tệ cho Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách khổng lồ, khả năng phải phá giá đồng đô-la…

Không biết độc giả của tờ báo này sẽ nghe theo ai?

 

 

 

Sunday, May 3, 2009

Het xuat vang la ly do

Hết xuất vàng là lý do

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3-5 trích lời một chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho rằng: “… do VN vẫn cần nhập nguyên liệu mới có thể sản xuất nhiều mặt hàng nên việc nhập siêu tăng trở lại (khoảng 700 triệu USD) trong tháng 4-2009 là một tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế VN đã bắt đầu sôi động hơn…”

Đây là một nhận xét hơi vội vàng.

Nhập siêu tăng trở lại là vì tháng 4-2009, Việt Nam chỉ còn xuất khẩu khoảng 15 triệu đô-la vàng và nữ trang (chủ yếu là gia công đá quý và đồ trang sức) trong khi tháng 3-2009 con số này là trên 1 tỷ đô-la.

Nhập khẩu tháng 4-2009 vẫn còn giảm 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tính chung 4 tháng đầu năm nay vẫn còn giảm 41% so với bốn tháng đầu năm 2008.

Mot thai cuc khac

Một thái cực khác

Ở một thái cực ngược lại chuyện “đào tạo tiến sĩ dỏm” ở Việt Nam mà nhiều người đã phân tích, GS Mark Taylor (Đại học Columbia) vừa viết trên tờ New York Times về các chương trình nghiên cứu sinh ở các đại học Mỹ mà theo ông: 1) cho ra đời những sản phẩm không có thị trường; 2) phát triển những kỹ năng mà nhu cầu ngày càng thu hẹp; 3) với chi phí ngày càng tăng.

Trước đây từng nghe kể chuyện các lãnh vực nghiên cứu ở Mỹ ngày càng hẹp đến nỗi, một người bạn ví von, anh A nghiên cứu đầu con tôm, anh B tìm hiểu sâu thân con tôm còn anh C chuyên trị đuôi con tôm.

GS Taylor cũng có nhận xét như vậy. Ông cho rằng các nghiên cứu ngày càng nhiều nhưng ngày cũng càng ít đi vào thực chất, mỗi chuyên gia sở hữu kiến thức chuyên ngành hẹp mà thường là không liên quan gì đến các vấn đề quan trọng thật sự.

Ông này bật mí các trường khuyến khích sinh viên đi làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ vì sử dụng họ làm trợ giảng hay trợ lý phòng nghiệm thì rẻ hơn nhiều so với việc phải tuyển giáo sư toàn thời gian.

Có dịp đọc khá nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế - xã hội Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài, tôi thấy phần lớn rất công phu nhưng phải nói là vô bổ. Họ tiêu tốn rất nhiều thời gian cho những mô hình phức tạp để cuối cùng đưa ra những kết luận mà bằng trực giác nhiều người khác có thể chỉ ra trong một bài viết ngắn. Ẩn đằng sau một loại ngôn ngữ rất hàn lâm, phức tạp, các nghiên cứu loại này nếu diễn dịch ra một ngôn ngữ bình thường, sẽ thấy… không nói lên điều gì cả. Dĩ nhiên vẫn có những công trình rất hữu ích, rất hấp dẫn và mới lạ nhưng loại trên phải nói chiếm đa số, ít nhất trong kinh nghiệm của tôi.

 

 

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...